VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi TT33 về thủ tục chấp thuận hoạt động xuất nhập khẩu ngoại tệ tiền mặt
VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020
Kính gửi: Vụ Pháp luật Dân sự – Kinh tế, Bộ Tư pháp
Trả lời Công văn số 285/GM-BTP ngày 24/07/2020 của Bộ Tư pháp về việc mời tham dự cuộc họp thẩm định Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có một số ý kiến góp ý Dự thảo như sau:
- Xác định tổng doanh thu với trường hợp doanh nghiệp có thời gian tạm ngưng kinh doanh
Dự thảo chưa có quy định rõ ràng về việc xác định tổng doanh thu làm căn cứ xác định đối tượng được giảm thuế trong trường hợp doanh nghiệp có thời gian tạm ngưng kinh doanh. Không rõ tổng doanh thu năm 2020 được xác định theo tổng doanh thu thực tế hay là tổng doanh thu danh nghĩa (đủ 12 tháng) như trường hợp của doanh nghiệp mới thành lập? Về bản chất, doanh nghiệp tạm ngưng kinh doanh vẫn được coi là có tồn tại trên thực tế, do đó trong trường hợp này doanh nghiệp vẫn có doanh thu trong thời gian tạm ngưng (kể cả doanh thu bằng 0). Do vậy, để thuận lợi trong việc thực thi, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định xác định tổng doanh thu năm 2020 làm căn cứ xác định trong trường hợp doanh nghiệp có thời gian tạm ngưng kinh doanh theo hướng đó là tổng doanh thu thực tế của năm 2020.
- Quyết toán thuế trong trường hợp doanh thu thực tế trên 200 tỷ đồng
Điều 2.3 Dự thảo quy định doanh nghiệp tự dự kiến tổng doanh thu trong kỳ tính thuế. Nếu cho rằng doanh thu không quá 200 tỷ đồng thì doanh nghiệp tự giảm 30% số tiền tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp của quý. Khi quyết toán, nếu số thuế phải nộp thiếu so với số thuế tạm nộp quý thì doanh nghiệp phải nộp bổ sung số tiền thuế còn thuế và tính tiền chậm nộp[1] (Điều 3.2 Dự thảo). Quy định này sẽ phát sinh tình huống, doanh nghiệp tự xác định doanh thu của doanh nghiệp dưới 200 tỷ đồng, và đã thực hiện giảm số thuế tạm nộp quý, nhưng doanh thu thực tế khi quyết toán lại trên 200 tỷ đồng. Khi đó, doanh nghiệp ngoài việc phải nộp đủ số tiền thuế nộp thiếu (không được miễn giảm) mà còn phải nộp thêm tiền chậm nộp cho phần thuế nộp không được miễn giảm này. Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến khó lường như hiện nay, doanh thu của các doanh nghiệp biến động liên tục, nên nhiều doanh nghiệp gặp khó trong việc dự đoán doanh thu trong năm 2020. Do vậy, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về ngưỡng doanh thu phải nộp tiền chậm nộp (ví dụ, 300 tỷ đồng). Theo đó nếu doanh thu của doanh nghiệp trên 200 tỷ đồng nhưng dưới ngưỡng này thì chỉ cần bổ sung số tiền thuế nộp thuế nộp thiếu mà không có nghĩa vụ tiền chậm nộp. Nếu doanh thu trên ngưỡng này thì doanh nghiệp sẽ phải bổ sung số tiền thuế còn thiếu và tính tiền chậm nộp theo quy định của Luật Quản lý thuế.
Trên đây là một số ý kiến thẩm định của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.
[1] Điều 4.6 Nghị định 91/2014/NĐ-CP quy định nếu số tiền tạm nộp thấp hơn từ 20% trở lên so với số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo quyết toán thì doanh nghiệp phải nộp lãi chậm nộp đối với phần chênh lệch từ 20% trở lên giữa số tạm nộp với số quyết toán tính từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn nộp thuế quý bốn của doanh nghiệp đến ngày thực nộp số thuế còn thiếu so với số quyết toán.