VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan
Kính gửi: Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính
Trả lời Công văn số 7741/BTC-TCHQ của Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư quy định chi tiết thi hành Nghị định số …/2020/NĐ-CP ngày … /2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có một số ý kiến như sau:
- Thông báo nhầm lẫn
Khoản 1 Điều 3 Dự thảo hướng dẫn về việc thông báo nhầm lẫn quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định theo đó người gửi hàng, người vận tải, người nhận hàng hoặc người đại diện của các chủ thể này gửi văn bản kèm theo các chứng từ liên quan đến việc nhầm lẫn tới Chi cục trưởng Chi cục Hải quan nơi lưu giữ hàng hóa. Cơ quan hải quan có quyền từ chối chấp nhận nhầm lẫn và xử lý theo quy định trong trường hợp có căn cứ có sự thông đồng giữa các chủ thể để trốn thuế, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới.
Quy định trên là một dạng của thủ tục hành chính, tuy nhiên lại chưa rõ về kết quả của thủ tục này là gì: cơ quan hải quan sẽ chấp thuận thông báo nhầm lẫn bằng hình thức nào? Trong khoảng thời gian bao lâu kể từ ngày nhận được thông báo? Để đảm bảo tính minh bạch và thuận lợi trong quá trình thực hiện, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ về thủ tục này.
- Vi phạm quy định về khai thuế quy định tại Điều 9 Nghị định quy định xử phạt
Theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Dự thảo thì hành vi quy định tại điểm e khoản 1 Điều 9 Nghị định sẽ không áp dụng xử phạt “trường hợp thực tế tồn kho thừa so với chứng từ kế toán, sổ kế toán, hồ sơ hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu” và “khi kiểm tra phát hiện trường hợp này cần làm rõ nguyên nhân và xử phạt về các hành vi vi phạm tương ứng được xác định theo quy định tại Nghị định quy định xử phạt (nếu có)”, “cá nhân, tổ chức vi phạm quy định không giải trình được về nguồn gốc số hàng hóa thực tế tồn kho thừa thì xử phạt về hành vi xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa thực tế không đúng với khai hải quan về tên hàng, số lượng mà không có chứng từ để khai bổ sung”.
Quy định này là chưa rõ ở điểm: trường hợp “hàng hóa thực tế tồn kho thừa so với chứng từ kế toán, sổ kế toán, hồ sơ hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu” có bị xử phạt không? Nếu có thì xử phạt theo điều, khoản nào quy định tại Nghị định? Quy định “cần làm rõ nguyên nhân và xử phạt về các hành vi vi phạm tương ứng được xác định theo quy định tại Nghị định (nếu có)” là chưa đủ rõ ràng để xác định hành vi vi phạm và mức xử phạt. Dự thảo này hướng dẫn chi tiết một số điều của Nghị định để đảm bảo các quy định có thể thực hiện được ngay khi ban hành, vì vậy quy định này cần phải đủ rõ ràng và cụ thể hơn.
Mặt khác, quy định nếu không giải trình được nguồn gốc hàng hóa tồn kho thì tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bị xử phạt theo hành vi tương ứng, vậy nếu giải trình được nguồn gốc hàng hóa thì sẽ xử phạt theo điều khoản nào của Nghị định?
Để đảm bảo tính minh bạch, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ những vấn đề trên.
- Vi phạm quy định về khai hải quan của người xuất cảnh, nhập cảnh đối với ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt, công cụ chuyển nhượng, vàng, kim loại quý, đá quý tại Điều 10 Nghị định quy định xử phạt
Khoản 1 Điều 7 Dự thảo quy định “các trường hợp mang ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt, công cụ chuyển nhượng, vàng, kim loại quý, đá quý trái phép qua biên giới mà không thuộc các trường hợp vi phạm quy định tại Điều 10 Nghị định thì bị xử phạt theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 13 Nghị định”.
Điểm b khoản 2 Điều 13 Nghị định quy định xử phạt đối với hành vi “vận chuyển trái phép hàng hóa, đồng Việt Nam tiền mặt, ngoại tệ, kim loại quý, đá quý qua biên giới mà tang vật vi phạm có giá trị dưới 30.000.000 đồng”.
Quy định tại Dự thảo chưa rõ ở điểm: trường hợp xác định vi phạm tại khoản 1 Điều 7 Dự thảo có cần phải xác định giá trị của tang vật vi phạm không? Vì điểm b khoản 2 Điều 13 Dự thảo xử phạt cho hành vi vận chuyển trái phép cho các tang vật vi phạm có giá trị dưới 30.000.000 đồng.
- Nếu không xác định giá trị tang vật vi phạm thì tại sao lại áp dụng điểm b khoản 2 Điều 13 mà lại không áp dụng khoản 3, 4, 5, 6 Điều 13;
- Nếu có xác định giá trị tang vật vi phạm thì quy định tại Dự thảo chưa bao quát được trường hợp tang vật vi phạm có giá trị từ 30.000.000 đồng trở lên.
Đề nghị Ban soạn thảo giải trình các vấn đề trên và quy định lại để đảm bảo tính minh bạch và hợp lý.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư quy định chi tiết thi hành Nghị định số …/2020/NĐ-CP ngày … /2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan./.