Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 105/2016/NĐ-CP về điều kiện hoạt động của tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường và Nghị định 154/2018/NĐ-CP
Kính gửi: Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia
Trả lời Công văn số 2494/BKHCN-TĐC của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc đề nghị cho ý kiến đối với Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 105/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về điều kiện hoạt động của tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường và Nghị định 154/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ và một số quy định về kiểm tra chuyên ngành (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến như sau:
1.Về điều kiện hoạt động của tổ chức cung cấp dịch vụ (khoản 1 Điều 1 Dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 3 Nghị định 105/2016/NĐ-CP)
– Có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật Việt Nam
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân, nhưng là một loại hình doanh nghiệp. Điều kiện hoạt động của tổ chức cung cấp dịch vụ đang thiết kế yêu cầu về cơ sở vật chất, nhân viên kỹ thuật và thiết lập và duy trình hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn – đây là những điều kiện mà doanh nghiệp tư nhân cũng có thể đáp ứng được.
Vì vậy, để tạo điều kiện cho các chủ thể có thể tham gia vào lĩnh vực này, đề nghị cân nhắc sửa quy định trên theo hướng: là tổ chức thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam.
– Điều kiện của nhân viên kỹ thuật
Quy định hiện hành yêu cầu nhân viên kỹ thuật “đã hoàn thành khóa đào tạo nghiệp vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm tương ứng với lĩnh vực hoạt động và theo hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ”.
Dự thảo sửa đổi theo hướng “Có chứng chỉ hoàn thành khóa đào tạo nghiệp vụ cơ sở về đo lường do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức thực hiện và nghiệp vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm tương ứng với từng lĩnh vực đăng ký hoạt động”.
Như vậy, so với quy định hiện hành, Dự thảo đã yêu cầu thêm điều kiện phải có “chứng chỉ hoàn thành khóa học”, trong khi trước đây chỉ cần hoàn thành khóa học là đáp ứng yêu cầu. Việc bổ sung thêm chứng chỉ trong bối cảnh mục tiêu của Dự thảo sửa đổi là nhằm cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh dường như chưa phù hợp. Mặt khác, xét về tính minh bạch, quy định trên đang chưa quy định rõ về:
+ Trình tự, thủ tục để cấp chứng chỉ này như thế nào?
+ Bộ Khoa học và Công nghệ là đơn vị tổ chức đào tạo hay là cơ quan cấp chứng chỉ? Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tổ chức đào tạo nghiệp vụ cơ sở về đo lường, còn nghiệp vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm thì sẽ do các cơ sở khác đào tạo? Nếu được hiểu theo hướng, Bộ sẽ thực hiện đào tạo thì cần cân nhắc lại tính hợp lý, bởi vì cơ quan nhà nước không nên thực hiện các hoạt động cung cấp dịch vụ mà các tổ chức, đơn vị ngoài nhà nước có thể thực hiện được.
Tóm lại, quy định về điều kiện trình độ chuyên môn của nhân viên kỹ thuật chưa hợp lý và chưa đảm bảo tính minh bạch. Đề nghị sửa đổi theo hướng, không phải cấp chứng chỉ hoàn thành khóa đào tạo và việc đào tạo nên để cho các tổ chức, đơn vị ngoài nhà nước thực hiện.
2.Thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký (khoản 3 Điều 1 Dự thảo bổ sung Điều 7a)
Dự thảo bổ sung quy định về thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký, trong đó có trường hợp “không thực hiện đầy đủ một trong các trách nhiệm quy định tại Điều 11 Nghị định này”.
Điều 11 quy định về các trách nhiệm của tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm, trong đó có yêu cầu:
– Niêm yết công khai giá dịch vụ, chấp hành quy định về giá dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm và việc thanh tra, kiểm tra nhà nước về đo lường của cơ quan nhà nước có thẩm quyền
– Định kỳ hàng tháng trước ngày cuối cùng của tháng hoặc khi có yêu cầu, lập và gửi báo cáo hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo
– Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường
Việc thu hồi Giấy chứng nhận dăng ký là chế tài khá nặng nề, khiến cho doanh nghiệp phải dừng hoặc chấm dứt hoạt động. Vì vậy, cần cân nhắc chỉ áp dụng đối với những hành vi vi phạm rất nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến điều kiện hoạt động, chất lượng của dịch vụ cung cấp. Những hành vi nêu trên, không quá nghiêm trọng đến mức bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký. Đối với trách nhiệm “ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường” là hành vi mang tính tự thân của doanh nghiệp, không có tính bắt buộc và việc không thực hiện điều này sẽ không ảnh hưởng đến khách hàng hay các điều kiện hoạt động của doanh nghiệp, do đó thu hồi Giấy chứng nhận trong trường hợp không chuyển đổi số là chưa phù hợp.
Đề nghị quy định sửa đổi các trường hợp thu hồi Giấy chứng nhận theo hướng không đáp ứng đủ điều kiện hoạt động và vi phạm các trường hợp cấm trong hoạt động đo lường, kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm.
3.Trách nhiệm của tổ chức cung cấp dịch vụ (khoản 2 Điều 1 Dự thảo bổ sung điểm a, b, d, đ khoản 1 Điều 11)
Dự thảo bổ sung quy định về trách nhiệm của tổ chức cung cấp dịch vụ định kỳ hàng tháng trước ngày cuối cùng của tháng hoặc khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, lập và gửi báo cáo hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm (theo mẫu) bằng phương thức điện tử về Bộ Khoa học và Công nghệ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi trụ sở chính và địa điểm hoạt động.
Quy định trên cần được xem xét ở các điểm sau:
– Việc yêu cầu doanh nghiệp phải báo cáo hàng tháng là tần suất quá dày và sẽ tạo gánh nặng tuân thủ cho doanh nghiệp.
– Không rõ về căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu doanh nghiệp phải báo cáo ngoài trường hợp phải báo cáo theo định kỳ. Điều này có thể dẫn tới nguy cơ quy định bị lạm dụng và gây khó cho doanh nghiệp.
– Việc yêu cầu cùng lúc gửi báo cáo cho Bộ Khoa học và Công nghệ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là chưa hợp lý, trong khi hoạt động cấp phép đã phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Giữa các cơ quan nhà nước có thể chia sẻ thông tin với nhau, yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện báo cáo cho nhiều cơ quan quản lý sẽ tạo ra gánh nặng về thủ tục cho doanh nghiệp.
Để đảm bảo đơn giản hóa thủ tục và giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, đề nghị giảm tần suất báo cáo thành báo cáo năm, quy định rõ về yêu cầu báo cáo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi có dấu hiệu vi phạm rõ ràng từ doanh nghiệp và cơ quan nhận báo cáo là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
4.Về bỏ thủ tục cấp lại giấy chứng nhận đăng ký (khoản 3 Điều 2 Dự thảo bỏ khoản 1 Điều 7 Nghị định 105/2016/NĐ-CP)
Dự thảo bỏ thủ tục cấp lại giấy chứng nhận đăng ký trong trường hợp bị mất hoặc bị hưu hỏng không thể tiếp tục được sử dụng. Lý giải cho điều này là vi “phù hợp với thực tiễn chuyển đổi số (Giấy chứng nhận đăng ký đã được cấp hoàn toàn bằng bản điện tử nên không còn trường hợp bị mất hoặc hư hỏng)”.
Quy định này đang được hiểu, Giấy chứng nhận đăng ký sẽ được cấp bằng bản điện tử. Tuy nhiên, quy định tại Dự thảo đang chưa thực sự thể hiện được điều này, cụ thể:
– Theo quy định tại Dự thảo, thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký được thực hiện theo phương thức truyền thống (nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu chính) hoặc phương thức điện tử (đăng ký trực tuyến qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia cấp tỉnh). Giấy chứng nhận đăng ký được cấp, Dự thảo cũng không nêu rõ là bản giấy hay bản điện tử. Trong trường hợp, doanh nghiệp nộp hồ sơ theo phương thức truyền thống thì Giấy chứng nhận đăng ký bằng bản điện tử sẽ được cấp như thế nào?
– Đối với trường hợp các doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực và là bản giấy, bị mất, hư hỏng thì doanh nghiệp sẽ được cấp lại như thế nào? Doanh nghiệp có được chuyển đổi thành bản điện tử khi đã có Giấy chứng nhận đăng ký bằng giấy không? Thủ tục như thế nào?
Để đảm bảo tính minh bạch và thuận lợi khi thực hiện, đề nghị quy định rõ vấn đề trên.
Trên đây là một số ý kiến của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 105/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về điều kiện hoạt động của tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường và Nghị định 154/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ và một số quy định về kiểm tra chuyên ngành. Rất mong quý Cơ quan cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.