VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 88/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng

Thứ Tư 10:30 01-09-2021

Kính gửi: Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng

    Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Trả lời Công văn số 2260/TTGSNH6 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có một số ý kiến sơ bộ ban đầu như sau: 

  • Vi phạm quy định về cho vay tiêu dùng của Công ty tài chính

Khoản 5 Điều 1 Dự thảo bổ sung quy định xử phạt các hành vi vi phạm về cho vay tiêu dùng của Công ty tài chính, trong đó có các hành vi:

  • Không ký kết hợp đồng về việc mở điểm giới thiệu dịch vụ (điểm a khoản 3 Điều 14a)
  • Hợp đồng về việc mở điểm giới thiệu dịch vụ không quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các bên liên quan và thời hạn hiệu lực hợp đồng (điểm b khoản 2 Điều 14a)

Việc xử phạt hai hành vi này dường như chưa phù hợp với tính chất của việc xử phạt vi phạm hành chính, bởi vì đây là các hành vi có tính chất là giao dịch dân sự. Nếu có các hành vi vi phạm trên thì quyền lợi của các bên sẽ bị ảnh hưởng và sẽ giải quyết theo pháp luật dân sự, còn về phía nhà nước tác động của hành vi này tới mục tiêu quản lý nhà nước trong lĩnh vực này là không đáng kể.

Đề nghị Ban soạn thảo bỏ các quy định trên. 

  • Các hành vi vi phạm về trung gian thanh toán

Khoản 6, 7 Điều 1 Dự thảo sửa đổi các quy định xử phạt hành vi vi phạm về hoạt động thanh toán (Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP), trung gian thanh toán (Điều 27 Nghị định 88/2019/NĐ-CP), bổ sung Điều 28a. Theo Thuyết minh thì căn cứ để sửa đổi các hành vi vi phạm trong hai Điều này là các sửa đổi trong Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt.

Việc Dự thảo sửa đổi các quy định xử phạt căn cứ trên văn bản chưa được ban hành cần được xem xét cân nhắc ở các điểm sau:

  • Không rõ thời điểm ban hành và phát sinh hiệu lực của hai Nghị định này có phù hợp hay không? (nếu Nghị định sửa đổi Nghị định 88/2019/NĐ-CP ban hành và phát sinh hiệu lực trước Nghị định sửa đổi Nghị định 101/2012/NĐ-CP thì các quy định sửa đổi trên của Dự thảo là không có căn cứ);
  • Hiện tại Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 101/2012/NĐ-CP đang được soạn thảo vì vậy không có gì đảm bảo chắc chắn là những quy định tại Dự thảo sẽ không bị thay đổi tại thời điểm ban hành. Vì vậy, các quy định tại Dự thảo căn cứ trên các quy định tại Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 101/2012/NĐ-CP sẽ có nguy cơ là không chính xác.

Từ những phân tích trên, đề nghị Ban soạn thảo tạm thời chưa sửa đổi quy định tại Điều 26, 27 Nghị định 88/2019/NĐ-CP và sẽ sửa đổi các quy định này khi Nghị định 101/2012/NĐ-CP đã được ban hành.

  • Các hành vi vi phạm liên quan đến phòng, chống rửa tiền, phòng chống tài trợ khủng bố phòng chống tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt

Dự thảo đã nâng mức xử phạt đối với các hành vi liên quan đến phòng, chống rửa tiền phòng chống tài trợ khủng bố phòng chống tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt để đảm bảo tính răn đe. Các mức xử phạt mới theo quy định tại Dự thảo được tăng lên gấp 3 lần hoặc hơn. Đây là các mức phạt tiền khá lớn, sẽ tác động lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp, vì vậy các quy định trong Dự thảo phải đảm bảo đủ rõ ràng, cụ thể để đảm bảo thống nhất trong cách hiểu.

Trong Dự thảo vẫn còn một số khái niệm chưa đủ rõ ràng, ví dụ: xử phạt đối với các hành vi “không thường xuyên kiểm tra, làm rõ ngay khi có nghi ngờ giao dịch của khách hàng có liên quan đến tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt” (khoản 4 Điều 44 được sửa đổi tại khoản 13 Điều 1 Dự thảo); “không báo cáo ngay khi thực hiện việc tạm ngừng lưu thông, phong tỏa toàn bộ tiền, tài sản liên quan đến tài trợ khủng bố và phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt” (điểm c khoản 1 Điều 44a được bổ sung tại khoản 14 Điều 1 Dự thảo). Khái niệm “làm rõ ngay”, “không báo cáo ngay” là chưa đủ rõ và có thể tạo nhiều cách diễn giải khi áp dụng.

Đề nghị Ban soạn thảo rà soát các quy định tại Dự thảo để quy định theo hướng định lượng các khái niệm trên.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.