VCCI_Góp ý Dự thảo Quyết định phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường

Thứ Sáu 10:01 27-08-2021

Kính gửi: Hội đồng Tư vấn cải cách Thủ tục hành chính

Trả lời Công văn số 78/HĐTV của Hội đồng Tư vấn cải cách Thủ tục hành chính về việc đề nghị góp ý đối với Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi, chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường (sau đây gọi tắt là Phương án), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến ban đầu như sau:

I. Lĩnh vực đất đai

  1. Các thủ tục liên quan đến cấp và quản lý chứng chỉ định giá đất (Mục I.1 Phương án)

Phương án đã đề xuất sửa đổi Thông tư 61/2015/TT-BTNMT theo hướng bỏ một số tài liệu trong hồ sơ thực hiện thủ tục cấp Chứng chỉ định giá đất; quy định bổ sung thêm phương thức thực hiện điện tử khi thực hiện thủ tục hành chính và bỏ quy định về điều kiện cấp chứng chỉ vì không phù hợp về mặt thẩm quyền khi quy định điều kiện kinh doanh ở cấp thông tư. Những đề xuất này là hợp lý, giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Thông tư 61/2015/TT-BTNMT vẫn còn một số quy định cần được xem xét sửa đổi, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét các quy định sau:

  • Hồ sơ đề nghị cấp đổi Chứng chỉ định giá đất (khoản 2 Điều 6 Thông tư 61/2015/TT-BTNMT đã được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 6 Thông tư 09/2021/TT-BTNMT): đề nghị bỏ “Giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa bồi dưỡng về định giá đất trong thời hạn không quá 01 năm tính đến ngày đề nghị cấp đổi Chứng chỉ định giá đất đối với trường hợp cấp đổi Chứng chỉ định giá đất (bản sao có chứng thực; trường hợp bản sao không có chứng thực thì người đề nghị cấp đổi Chứng chỉ định giá đất phải mang bản chính để đối chiếu)”, bởi vì tương ứng với đề xuất bỏ tài liệu này trong hồ sơ cấp mới tại Phương án thì cũng cần bãi bỏ tại hồ sơ xin cấp lại;
  • Trình tự, thủ tục xin cấp lại Chứng chỉ định giá đất: theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Thông tư 61/2015/TT-BTNMT thì thủ tục cấp lại tương tự như thủ tục cấp mới, điều này là chưa phù hợp đối với trường hợp cấp lại do Chứng chỉ bị mất, hư hỏng. Bởi vì, thủ tục này đơn giản hơn rất nhiều so với thủ tục cấp mới, do đó cần quy định lại theo hướng thời hạn giải quyết thủ tục phải rút ngắn hơn, ví dụ: khoảng 05 ngày tính từ ngày nhận được hồ sơ thay vì 15 ngày như thủ tục cấp mới.
  1. Hồ sơ giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất (Mục II.1 Phương án)

Theo quy định tại Điều 3 Thông tư 30/2014/TT-BTNMT thì hồ sơ giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp thuộc thẩm quyền giao đất, cho thuê đất của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bao gồm:

  • (1) Đơn;
  • (2) Bản sao giấy chứng nhận đầu tư hoặc văn bản chấp thuận đầu tư kèm theo bản thuyết minh dự án đầu tư;
  • (3) Văn bản thẩm định nhu cầu sử dụng đất; thẩm định điều kiện giao đất, cho thuê đất;
  • (4) Trích lục bản đồ địa chính thửa đất hoặc trích đo địa chính thửa đất.

Phương án đã đề xuất bỏ tài liệu (3), (4) vì cơ quan cấp phép đã có thông tin này. Đề xuất này là hợp lý, sẽ giảm chi phí thực hiện thủ tục cho doanh nghiệp, tuy nhiên để thực sự tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ yêu cầu doanh nghiệp phải cung cấp “bản thuyết minh dự án đầu tư”.

Theo quy định tại khoản 3, 4 Điều 33 Luật Đầu tư 2020 thì trong thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, các cơ quan có thẩm quyền đã thẩm định “Khả năng đáp ứng điều kiện giao đất, cho thuê đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; khả năng đáp ứng điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất đối với dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất”; “Đánh giá nhu cầu sử dụng đất”. Như vậy, khi nhà đầu tư đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư thì có nghĩa cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã đánh giá các điều kiện về giao đất, nhu cầu sử dụng đất của nhà đầu tư rồi. Vì vậy, pháp luật về đất đai yêu cầu chủ đầu tư phải gửi kèm “Bản thuyết minh đầu tư” trong hồ sơ xin giao đất và phải thực hiện thủ tục để có được “Văn bản thẩm định nhu cầu sử dụng đất; thẩm định điều kiện giao đất, cho thuê đất” là có sự chồng lấn, gây khó khăn cho nhà đầu tư.

Đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh lại quy định trên để đảm bảo phù hợp với pháp luật về đầu tư.

Góp ý tương tự đối với quy định về hồ sơ giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất thuộc thẩm quyền giao đất, cho thuê đất của Ủy ban nhân dân cấp huyện tại Điều 4 Thông tư 30/2014/TT-BTNMT (Mục III.1).

  1. Về thủ tục chuyển nhượng vốn đầu tư là giá trị quyền sử dụng đất (Mục II.4 Phương án)

Theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 13 Thông tư 02/2015/TT-BTNMT thì trong hồ sơ thực hiện thủ tục chuyển nhượng giá trị quyền sử dụng đất, người sử dụng đất phải nộp “trích đo địa chính thửa đất đối với trường hợp chuyển nhượng giá trị quyền sử dụng đất của một phàn thửa đất”.

Đề nghị Ban soạn thảo bỏ yêu cầu phải có tài liệu này trong hồ sơ bởi vì cơ quan thẩm định đã có tài liệu này rồi, hơn nữa đây cũng là tài liệu Phương án đã đề xuất bỏ trong các trình tự, thủ tục về đất đai có yêu cầu.

II. Lĩnh vực địa chất và khoáng sản

Phương án đề xuất bỏ một số tài liệu mà cơ quan nhà nước đã có hoặc có thể tìm kiếm trong hệ thống dữ liệu quốc gia trong một số thủ tục hành chính như: báo cáo đánh giá tác động môi trường; giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;… Điều này sẽ giảm gánh nặng về chi phí thực hiện thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong Nghị định 158/2016/NĐ-CP vẫn còn một số thủ tục hành chính có thể tinh giản về hồ sơ thực hiện thủ tục theo tinh thần trên, ví dụ:

  • Cấp, gia hạn, trả lại giấy phép khai thác tận thu khoáng sản (Điều 52 Nghị định 158/2016/NĐ-CP): có thể bỏ các tài liệu như “Báo cáo đánh giá tác động môi trường kèm theo quyết định phê duyệt hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường kèm theo văn bản xác nhận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp” (điểm b khoản 1);
  • Đề nghị khai thác khoáng sản ở khu vực có dự án đầu tư xây dựng (Điều 54 Nghị định 148/2016/NĐ-CP): có thể bỏ các tài liệu như “Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường của dự án đầu tư xây dựng công trình kèm theo quyết định phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền” (khoản 2 Điều 54);

Đề nghị Ban soạn thảo rà soát toàn bộ các thủ tục quy định tại Nghị định 148/2016/NĐ-CP để bỏ những giấy tờ, tài liệu có tính chất như trên để đảm bảo tính nhất quán trong các đề xuất chính sách.

III. Lĩnh vực tài nguyên nước

Phương án đề xuất cắt giảm đơn giản hóa các quy định theo hướng: bổ sung phương thức thực hiện theo dịch vụ công trực tuyến; thành phần hồ sơ bỏ tài liệu mà cơ quan tiếp nhận thủ tục đã có (giấy phép đã cấp); giảm thời gian xem xét tính hợp lệ của hồ sơ (từ 10 ngày làm việc xuống còn 03 ngày làm việc). Đây là các đề xuất phù hợp, sẽ giúp giảm thiểu chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, các quy định liên quan đến chi phí tuân thủ của doanh nghiệp trong lĩnh vực tài nguyên nước, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc các quy định sau:

  1. Cấp lại giấy phép tài nguyên nước (Điều 34 Nghị định 201/2013/NĐ-CP)

Theo quy định tại Điều 34 Nghị định 201/2013/NĐ-CP thì trong hồ sơ xin cấp lại, doanh nghiệp phải cung cấp “tài liệu chứng minh lý do đề nghị cấp lại giấy phép”. Quy định này vừa chưa hợp lý vừa chưa minh bạch ở điểm:

  • Trường hợp cấp lại do giấy phép bị mất thì việc yêu cầu doanh nghiệp phải chứng minh việc mình mất giấy phép là rất khó khăn và tạo gánh nặng hành chính. Thông thường, trong các thủ tục tương tự thì cơ quan nhà nước chỉ cần yêu cầu doanh nghiệp gửi văn bản đề nghị cấp lại giấy phép trong trường hợp mất mà không cần yêu cầu giấy tờ gì thêm. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung vào Phương án sửa đổi quy định về thủ tục này theo hướng: trong trường hợp cấp lại giấy phép do bị mất thì chỉ cần yêu cầu cung cấp văn bản đề nghị cấp lại giấy phép.
  • “Tài liệu chứng minh lý do đề nghị cấp lại giấy phép” là quy định chưa rõ và chưa tạo cách hiểu thống nhất giữa các đối tượng áp dụng. Trong Phương án ở lĩnh vực địa chất và khoáng sản, cũng đã đề xuất quy định cụ thể, rõ ràng về dạng quy định này. Do đó, để đảm bảo tính minh bạch đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định rõ về các loại tài liệu này tương ứng với từng trường hợp cấp lại giấy phép quy định tại Điều 27 Nghị định 201/2013/NĐ-CP.
  1. Hồ sơ chuyển nhượng quyền khai thác tài nguyên nước (khoản 4 Điều 39 Nghị định 201/2013/NĐ-CP)

Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định bỏ yêu cầu phải có “Bản sao (chứng thực) giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng quyền khai thác tài nguyên nước; trường hợp bên nhận chuyển nhượng là doanh nghiệp nước ngoài còn phải có bản sao (chứng thực) quyết định thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh tại Việt Nam” quy định tại điểm d khoản 4 Điều 39 Nghị định 201/2013/NĐ-CP, tương tự như các đề xuất trong Phương án về đơn giản hóa tài liệu trong hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính – bỏ những tài liệu cơ quan nhà nước có thể tra cứu thông tin trong cơ sở dữ liệu.

  1. Cấp lại giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất quy mô lớn

Phương án đề xuất sửa đổi thủ tục cấp lại giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất quy mô lớn theo hướng: thay đổi cách thức thực hiện thủ tục (thực hiện trên cổng dịch vụ công trực tuyến) và sửa đổi cơ quan tiếp nhận thủ tục. Tuy nhiên, thủ tục này cũng có thể đơn giản hơn về hồ sơ thực hiện thủ tục.

Tương tự như phân tích và đề xuất tại mục III.2 của góp ý, đề nghị Ban soạn thảo:

  • Bỏ quy định phải có tài liệu chứng minh lý do cấp lại giấy phép quy định tại điểm b khoản 2 Điều 15 Thông tư 40/2014/TT-BTNMT trong trường hợp giấy phép bị mất;
  • Bổ sung quy định cụ thể các loại giấy tờ chứng minh lý do cấp lại giấy phép trong các trường hợp cấp lại khác.

IV. Khí tượng thủy văn

Đối với thủ tục cấp lại giấy phép hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn Khoản 1 Điều 18 Nghị định 38/2016/NĐ-CP quy định “Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp lại giấy phép hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn trực tiếp nộp đơn đề nghị theo Mẫu số 2 Phụ lục kèm theo Nghị định này tại cơ quan tiếp nhận hồ sơ theo thủ tục tương tự trường hợp cấp giấy phép lần đầu”.

Quy định này là chưa hợp lý, tạo gánh nặng về chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp. Bởi vì, các trường hợp cấp lại do “bị mất; bị rách nát, hư hỏng không thể sử dụng được, tên của chủ giấy phép đã được cấp bị thay đổi do nhận chuyển nhượng, sáp nhập, chia tách, cơ cấu lại tổ chức làm thay đổi chủ quản lý nhưng không có sự thay đổi các nội dung khác của giấy phép” thường thì hồ sơ, trình tự, thủ tục rất đơn giản. Việc yêu cầu phải thực hiện thủ tục tương tự như trường hợp cấp giấy phép lần đầu là chưa hợp lý, tạo gánh nặng về chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.

Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định lại về thủ tục này theo hướng:

  • Đối với trường hợp giấy phép bị mất: chỉ cần nộp văn bản đề nghị;
  • Đối với trường hợp giấy phép bị hỏng, rách nát: hồ sơ cần nộp là đơn đề nghị và giấy phép đã bị hỏng, rách nát;
  • Đối với trường hợp thay đổi tên của chủ giấy phép được cấp: hồ sơ cần nộp là đơn đề nghị, cơ quan cấp phép có thể tra cứu trong hệ thống dữ liệu về doanh nghiệp để nhận biết về chủ quản lý được thay thế.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi, chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.

Các văn bản liên quan