Đại biểu Bùi Văn Phương tỉnh Ninh Bình góp ý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 của QH
Đại biểu Nguyễn Cao Phúc tỉnh Quảng Ngãi góp ý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 của QH
Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết tỉnh An Giang góp ý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 của QH
Mai Thị Ánh Tuyết - An Giang
Kính thưa Chủ tọa kỳ họp,
Kính thưa Quốc hội,
Trước nhất, tôi đồng tình với Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự thảo Luật đầu tư công của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Dự thảo luật lần này đã quy định theo hướng nâng cao kỷ cương, kỷ luật trong quản lý đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công để góp phần hoàn thiện Luật đầu tư công. Tôi xin có một số ý kiến như sau:
Thứ nhất là điều kiện quyết định chủ trương đầu tư, chương trình, dự án đầu tư công tại Điều 18. Đây là quyết định quan trọng trong việc quản lý đầu tư công, tại Khoản 3, Điều 18 có quy định điều kiện quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án đầu tư công là phải phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công và khả năng huy động các nguồn vốn khác đối với chương trình, dự án sử dụng nhiều nguồn vốn. Quy định như dự thảo luật sẽ không rõ thế nào là phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công và khả năng huy động sẽ tạo khe hở trong việc đầu tư lớn, vượt khả năng cân đối ngân sách hàng năm của từng cấp. Theo dự thảo Luật đầu tư công quy định thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, chương trình, dự án đầu tư công gồm có Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu của các bộ, các cơ quan trung ương và Hội đồng nhân dân các cấp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có cả cấp huyện và xã. Riêng đối với quyết định chủ trương đầu tư, chương trình, dự án đầu tư công, Hội đồng nhân dân các cấp và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, xin có một số ý kiến như sau:
Theo Luật ngân sách hiện hành cho phép cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khi có nhu cầu đầu tư xây dựng chương trình, dự án, kết cấu hạ tầng thuộc phạm vi ngân sách cấp tỉnh bảo đảm thuộc danh mục đầu tư trong kế hoạch đầu tư 5 năm đã được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định, nhưng vượt khả năng cân đối của ngân sách cấp tỉnh, năm dự toán thì được phép huy động vốn trong nước, không bao gồm vay lại nguồn vốn vay ngoài nước và của Chính phủ và phải cân đối ngân sách cấp tỉnh hàng năm để chủ động trả nợ gốc và lãi, mức dư nợ nguồn vốn huy động Luật ngân sách hiện hành quy định đối với thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh mức dư nợ nguồn vốn huy động không vượt quá 150% vốn đầu tư xây dựng trong nước hàng năm của ngân sách cấp tỉnh. Đối với cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương, mức dư nợ nguồn vốn huy động không vượt quá 50% vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong nước hàng năm của ngân sách cấp tỉnh, không quy định cấp xã và huyện. Do đó đề nghị dự thảo Luật đầu tư công cân nhắc cho phép cấp huyện, xã quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án đầu tư công vượt khả năng cân đối ngân sách hàng năm dự toán để phù hợp với Luật ngân sách hiện hành và tránh tình trạng đầu tư quá lớn, vượt khả năng cân đối ngân sách hàng năm, tạo gánh nặng cho ngân sách.
Đồng thời điều kiện quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án đầu tư công tại Điều 18 cần quy định chặt chẽ cụ thể về khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư và khả năng huy động các nguồn vốn khác đối với chương trình, dự án, sử dụng nguồn vốn như đối tượng, quy mô, hình thức, nhất là quy định trường hợp vượt khả năng cân đối ngân sách hàng năm như thế nào để tránh việc đầu tư tràn lan, kém hiệu quả, gánh nặng ngân sách và không thống nhất với các quy định hiện hành.
Hai, về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư chương trình đầu tư công Điều 17 và thẩm quyền quyết định đầu tư chương trình, dự án đầu tư công tại Điều 38, dự thảo luật có quy định giao cho Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư chương trình, dự án đầu tư công và tại Điều 38 dự thảo luật cũng cho phép Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp quyết định đầu tư cho cơ quan nhà nước cấp dưới là huyện và xã. Việc phân cấp rất cần thiết, tuy nhiên nếu không đủ điều kiện và năng lực sẽ gây hậu quả rất lớn trong việc thực hiện nhiệm vụ, nhất là bộ máy xã hiện nay vừa thiếu và vừa yếu. Vấn đề này đòi hỏi cán bộ phải có chuyên ngành cao, đồng thời quy định tại Điều 91 về nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã phải chịu trách nhiệm triển khai thực hiện theo dõi, đánh giá kiểm tra, thanh tra kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công theo phân cấp quản lý rất khó khăn trong điều kiện năng lực hiện nay.
Tại Điều 15 có quy định chi phí lập thẩm định theo dõi, kiểm tra, đánh giá, thanh tra kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công, hầu hết sử dụng từ nguồn ngân sách cấp quyết định đầu tư là cấp xã trong điều kiện nguồn vốn của xã rất khó khăn. Do đó, việc phân cấp thực hiện quyết định đầu tư và chương trình, dự án đầu tư công cấp xã cần quy định rõ các điều kiện về nhân lực, về kinh phí và các điều kiện cần thiết và cân nhắc rõ các điều kiện phân tích trên để luật mang tính khả thi khi triển khai thực hiện.
Ba, nội dung quản lý nhà nước về đầu tư công, đây là nội dung quan trọng để quyết định vai trò của nhà nước trong quản lý đầu tư công, nhưng dự thảo luật quy định còn chung chung, nhất là quy định đánh giá hiệu quả đầu tư công, kiểm tra, thanh tra như thế nào là hiệu quả đầu tư công. Cần quy định rõ để tạo hành lang pháp lý rõ ràng để phát huy hiệu quả quản lý nhà nước trong đầu tư công. Ngoài ra dự thảo luật cũng quy định quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, kiểm tra, thanh tra các chương trình, dự án đầu tư công với trường hợp các địa phương đang thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân để có cơ sở hành lang pháp lý cho các địa phương triển khai thực hiện. Tôi có một số ý kiến đóng góp. Xin cảm ơn Quốc hội.