Đại biểu Nguyễn Văn Bình Thành Phố Hải Phòng góp ý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 của QH
Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết tỉnh An Giang góp ý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 của QH
Đại biểu Bùi Văn Phương tỉnh Ninh Bình góp ý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 của QH
Bùi Văn Phương (Bùi Việt Phương) - Ninh Bình
Kính thưa Quốc hội,
Tôi cơ bản đồng tình với dự án luật đã được tiếp thu và chỉnh lý. Tôi cho rằng để ngăn chặn được tình trạng đầu tư dàn trải, đầu tư sai, kém hiệu quả gây thất thoát lãng phí ngân sách của nhà nước, tôi thấy dự án luật này có 3 vấn đề cốt lõi chúng ta phải tập trung giải quyết và phải được làm rõ.
Một là, vấn đề công khai minh bạch.
Hai là, vấn đề giám sát phản biện của nhân dân mà trung tâm là Mặt trận Tổ quốc.
Ba là, cơ chế xử lý trách nhiệm của việc làm sai, làm kém hiệu quả.
Tôi cho 3 vấn đề này là cốt lõi và phải được giải quyết rất rõ trong luật, còn tất cả nội dung khác trong dự luật này, trong các văn bản luật khác đã có quy định và lâu nay chúng ta cũng đã làm các dự án đầu tư. Tôi xin được trao đổi quan điểm cá nhân của tôi như vậy.
Đi vào cụ thể, trong Điều 14 về công khai, minh bạch trong đầu tư công, tôi cho rằng đã tiếp thu, đã chỉnh sửa rất nhiều nội dung, nhưng còn một vấn đề rất quan trọng phải được công khai, báo cáo đánh giá tác động tổng thể của dự án, dự án này được đầu tư, được triển khai đem lại tác động như thế nào về chính trị, về kinh tế, về xã hội, về quốc phòng - an ninh. Đối với tổng mức đầu tư bỏ ra cho dự án này so sánh với những mặt được của dự án, được hay mất? Từ đây mới cân đối được vấn đề hiệu quả có quyết định làm hay không làm dự án này. Tôi thấy vấn đề công khai cần phải có một nội dung rất rõ, tại sao tôi nói nội dung cần phải công khai đánh giá tác động của dự án, bởi vì nhiều trường hợp của dự án tổ chức triển khai nhưng người dân chỉ được nghe một cách mơ màng, nói dự án này cần thiết phải làm, nói là tác động đến môi trường, đến cảnh quan và tạo điểm nhấn v.v... nhưng đến khi dự án làm xong bao nhiêu tiền thì nói dự án ấy đến mấy trăm triệu, người dân lúc đó mới biết là quá lãng phí, bởi vì với đồng tiền như vậy chúng ta làm việc khác nhiều hơn việc đầu tư vào dự án như vậy, tôi thấy đây là vấn đề phải công khai.
Vấn đề thứ hai là trong Điều 14 nói công khai như thế nào? hình thức công khai ra sao? còn nếu công khai chúng ta chỉ dán ở nơi có dự án thì chẳng ai biết đến. Bây giờ phương tiện thông tin đại chúng phát triển rất mạnh. Ở xóm cũng có loa, xã có loa, huyện có loa và tỉnh cũng có đài, có báo. Tôi thấy những vấn đề này liên quan đến người dân cần phải được công khai đến người dân rất rộng rãi để người dân tham gia. Trong điều này cũng có nói là người đứng đầu cơ quan tổ chức phải thực hiện công khai các nội dung, bây giờ dự án đầu tư công có rất nhiều chủ thể tham gia và rất nhiều công đoạn, bây giờ người đứng đầu chịu trách nhiệm công khai, đứng đầu là ai? Ở cơ quan nào? Quyết định chủ trương đầu tư hay quyết định dự án, phê duyệt hay thẩm định, cơ quan nào chịu trách nhiệm công khai, tôi thấy Điều 14 cần phải làm rõ tiếp cơ quan nào và ai chịu trách nhiệm đứng ra công khai.
Vấn đề thứ ba, nội dung về giám sát ở Điều 80, một số nội dung liên quan đến giám sát và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc trong giám sát, tôi thấy không dừng lại ở giám sát mà cần phải có sự phản biện. Quan trọng phản biện là để xem có ra đời dự án này hay không? Đây mới là quan trọng, như tôi vừa nói ở trên là khi dự án triển khai rồi thì người dân mới thấy nó tốn lắm tiền quá, nhưng nếu được tham gia từ đầu, đối chiếu với tiền, đối chiếu với hiệu quả đã đạt được, người dân tham gia ngay từ đầu là có nên ra đời dự án này không? Để cấp quyết định dự án này cần phải cân nhắc kỹ lưỡng ý kiến người dân. Tôi cho là phải có thêm nội dung không chỉ giám sát những nội dung nêu trong Điều 80, mà cần kể cả phản biện lại và coi trọng việc phản biện ngay ban đầu có ra đời dự án hay không.
Thứ tư, toàn bộ nội dung về quyền, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến trách nhiệm để triển khai sai, không có hiệu quả. Tôi thấy từ Điều 94 đến Điều 102 đều quy định trong này là có quyền, có nói đến trách nhiệm và có nói đến việc xử lý sai phạm đi theo. Nhưng tôi có suy nghĩ là một dự án thì rất nhiều chủ thể tham gia, qua rất nhiều công đoạn, nhưng xử lý vi phạm ở mỗi công đoạn, mỗi chủ thể lại chịu một trách nhiệm không giống nhau. Ví dụ có chỗ chỉ nêu là chịu trách nhiệm, có chỗ nêu là xử lý kỷ luật, có chỗ nêu là xử phạt hành chính, có chỗ nêu là phải bồi thường thiệt hại, có nơi là xử lý theo quy định của pháp luật, như vậy các chủ thể tham gia các công đoạn của một dự án đầu tư có rất nhiều thành phần, nhiều chủ thể nhưng xử lý khác nhau. Theo tôi các điều từ Điều 94 đến Điều 102 trong này chỉ nói đến quyền và trách nhiệm của các chủ thể liên quan đến đầu tư công qua các công đoạn, qua các phần nội dung.
Điều 103 là điều xử lý vi phạm, tôi đề xuất là tất cả những nội dung về mặt vi phạm của các chủ thể, các công đoạn vi phạm đưa hết về Điều 103 và xác định thật rõ xử lý vi phạm đến mức độ nào. Nếu nói như thế này, nếu chỉ nói xử lý kỷ luật người ta sẽ nghĩ rằng không đủ sức răn đe. Tôi đề xuất phần này phải có một điều riêng, Điều 103 quy định rõ xử lý sai phạm, trong này ghi rõ trách nhiệm từng chủ thể một, nếu là đầu tư sai, đầu tư kém hiệu quả thì cần phải được xử lý nghiêm. Tôi xin hết ý kiến.