Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết tỉnh An Giang góp ý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 của QH
Đại biểu Nguyễn Hữu Hùng tỉnh Tiền Giang góp ý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 của QH
Đại biểu Nguyễn Cao Phúc tỉnh Quảng Ngãi góp ý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 của QH
Nguyễn Cao Phúc - Quảng Ngãi
Kính thưa Quốc hội,
Qua nghiên cứu dự thảo Luật đầu tư công lần này tôi nhận thấy cơ quan soạn thảo đã nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp trước, đồng thời đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội, các chuyên gia ở 3 miền đất nước, đã tranh thủ ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách. Vì vậy so với dự thảo trước đây Luật đầu tư công đã được bổ sung thêm 21 điều, nhiều nội dung đã được bổ sung hoàn chỉnh theo hướng nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong quản lý đầu tư công, làm rõ hơn nguyên tắc đảm bảo hiệu quả tính công khai, minh bạch trong đầu tư công.
Tôi thống nhất với dự thảo luật và tôi đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra trên cơ sở gợi ý thảo luận của Đoàn thư ký kỳ họp, tôi xin tham gia một số nội dung cá nhân tôi quan tâm, cụ thể như sau:
Về phạm vi điều chỉnh, dự thảo luật đã bao quát được việc quản lý sử dụng các nguồn vốn đầu tư công từ ngân sách nhà nước, mọi đối tượng sử dụng vốn đầu tư công kể cả doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đều được luật điều chỉnh, phạm vi điều chỉnh trong dự thảo luật cũng đã đảm bảo tính thống nhất với các luật khác liên quan như Luật xây dựng, Luật đấu thầu, Luật ngân sách nhà nước, Luật quản lý nợ công, Luật quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Vì vậy sẽ tạo được một hệ thống pháp lý đồng bộ điều chỉnh xuyên suốt toàn bộ quá trình của hoạt động đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước.
Về bố cục của dự thảo luật tôi thống nhất giữ nguyên thứ tự Chương II về chủ trương đầu tư lập và thẩm định phê duyệt chương trình, dự án đầu tư công và Chương III về lập thẩm định phê duyệt và giao kế hoạch đầu tư công. Vì theo giải thích từ ngữ tại Khoản 4, Điều 4 của dự thảo luật nêu kế hoạch đầu tư công là tập hợp các mục tiêu định hướng danh mục chương trình, dự án đầu tư công, cân đối nguồn vốn đầu tư công. Phương án phân bổ vốn, các giải pháp huy động nguồn lực và triển khai thực hiện như vậy trước hết cần phải có chương trình dự án đầu tư công, sau đó căn cứ vào mục tiêu định hướng phát triển kinh tế - xã hội và khả năng huy động các nguồn vốn để tập hợp thành kế hoạch đầu tư trung hạn. Theo trình tự như vậy việc sắp xếp chương quy định về chương trình, dự án đầu tư công trước chương quy định về kế hoạch đầu tư công là hợp lý. Về hình thức đầu tư đối tác công tư PPP có thể thấy nếu thực hiện tốt được hình thức đầu tư này sẽ là một kênh huy động được nhiều nguồn lực và từ nhiều thành phần kinh tế trong cả nước và nước ngoài.
Tuy nhiên, do hình thức đầu tư PPP là một hình thức đầu tư mới ở nước ta, còn chưa phổ biến và cần thời gian để tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống các quy định về hình thức đầu tư này, nếu quy định cứng trong luật mà chưa lường hết được tất cả các vấn đề trên thực tế có thể phát sinh thì rất khó điều chỉnh khi cần thiết. Để tăng cường đầu tư hình tức PPP, theo tôi chỉ quy định một số điều mang tính nguyên tắc và khuyến khích hình thức này đầu tư như trong dự thảo luật là phù hợp.
Về phân cấp và quyết định đầu tư, trong một thời gian dài, chúng ta đã phân cấp tương đối mạnh và thiếu những biện pháp pháp lý đồng bộ để dẫn tới việc phê duyệt dự án tràn lan mà không tính toán đến khả năng cân đối nguồn vốn, gây ra tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả. Phân cấp quyết định chủ trương đầu tư phê duyệt dự án cùng với quy định về thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn như trong dự thảo vừa đảm bảo được sự chủ động của các cấp, các ngành, vừa tăng cường quản lý nâng cao hiệu quả đầu tư, tránh đầu tư dàn trải, lãng phí.
Về kế hoạch đầu tư trung hạn, tôi hoàn toàn nhất trí với Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội việc lập kế hoạch đầu tư cho thời kỳ 10 năm, 20 năm là rất khó khả thi, với thời gian dài như vậy rất khó dự báo những biến động về bối cảnh trong và ngoài nước, khả năng huy động nguồn vốn cho đầu tư. Theo tôi kế hoạch đầu tư trung hạn cho thời kỳ 5 năm là hợp lý, đối với thời kỳ 10 năm hoặc dài hơn nên đưa ra những định hướng về đầu tư trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Dự thảo đầu tư công đã được kế thừa sự thành công của các giải pháp tăng cường quản lý đầu tư công trong những năm gần đây, đồng thời đã nghiêm túc tiếp thu các ý kiến đóng góp để bổ sung, sửa đổi, hoàn chỉnh luật, trên cơ sở đó, tôi đề nghị Quốc hội xem xét thông qua Luật đầu tư trong kỳ họp này, tôi tin tưởng khi Luật đầu tư công được ban hành sẽ tạo ra một bước tiến quan trọng trong quá trình tái cơ cấu đầu tư mà trọng tâm là đầu tư công ở nước ta trong thời gian tới. Tôi xin hết, xin cảm ơn Quốc hội.