VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Xây dựng
VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình
Kính gửi: Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch
Trả lời Công văn số 1290/BVHTTDL-GĐ ngày 05/04/2023 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có ý kiến ban đầu như sau:
- Cơ sở dữ liệu phòng, chống bạo lực gia đình
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 giao Chính phủ quy định chi tiết 5 điều. Tuy nhiên, Dự thảo dường như chưa có nội dung quy định chi tiết cho Điều 43 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình về cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định chi tiết cho nội dung này, trong đó có thể cân nhắc chia thông tin trong cơ sở dữ liệu thành 3 nhóm: (i) dữ liệu mở; (ii) dữ liệu công khai; (iii) dữ liệu cung cấp theo yêu cầu, theo phân quyền. Dữ liệu mở có thể bao gồm các số liệu, thông tin thống kê về phòng, chống bạo lực gia đình; danh sách các cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình. Việc này có thể hỗ trợ các bên liên quan tạo ra các sản phẩm hữu ích có cộng đồng, chẳng hạn như số hoá địa chỉ các cơ sở trợ giúp lên bản đồ; hoặc tiếp cận số liệu và thông tin cho hoạt động của mình.
- Điều kiện với cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình
Điều 24 – 26 Dự thảo quy định về điều kiện, yêu cầu đối với cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình. Các quy định này cần được xem xét ở các điểm sau:
Thứ nhất, Điều 24.1 Dự thảo đưa ra điều kiện người đứng đầu cơ sở phải có chứng chỉ bồi dưỡng phổ biến kiến thức về phòng, chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên, quy định này là không thống nhất với Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Điều 40.2.a Luật Phòng, chống bạo lực gia đình chỉ yêu cầu người đứng đầu cơ sở có: (1) năng lực hành vi; (2) trình độ đại học, chuyên ngành liên quan đến dịch vụ cung cấp; (3) chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc vi phạm hành chính về bạo lực gia đình. Khi đó, quy định tại Dự thảo là mở rộng so với quy định tại Luật và không phù hợp với Điều 11 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Hơn nữa, quy định này cũng không rõ ràng ở điểm không có quy định về điều kiện, thủ tục, cơ quan cấp chứng chỉ này. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định này.
Thứ hai, Điều 24.2 Dự thảo quy định điều kiện với người đứng đầu cơ sở. Tuy nhiên, không rõ như thế nào được coi là có kiến thức, kinh nghiệm phù hợp, chẳng hạn được đào tạo trong lĩnh vực nào? Kinh nghiệm bao nhiêu năm? Hay văn bằng, chứng chỉ chuyên môn về lĩnh vực gì được coi là liên quan đến dịch vụ tham gia cung cấp? Do vậy, để đảm bảo tính minh bạch, đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ quy định này.
Thứ ba, Điều 24.3 Dự thảo quy định các yêu cầu với người đứng đầu cơ sở, như tổ chức bảo vệ người bị bạo lực gia đình; báo cho cơ quan công an để hỗ trợ bảo vệ người bị bạo lực hoặc phát hiện người bị bao lực. Các yêu cầu này là quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở trong quá trình hoạt động, không phải là điều kiện để cấp phép. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh lại cho phù hợp.
Góp ý tương tự với Điều 25.1.b, c, d Dự thảo.
Thứ tư, Điều 25.1.a Dự thảo quy định nhân viên trực tiếp tham gia cung cấp dịch vụ phải được bồi dưỡng về phòng, chống bạo lực gia đình do cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức hoặc cơ sở được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép tổ chức. Tuy nhiên, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và Dự thảo dường như chưa có quy định về việc cơ sở nào sẽ được cho phép tổ chức các khoá bồi dưỡng này; điều kiện, trình tự, thủ tục để được cho phép. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định này.
Điều 29, 30 Dự thảo quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp phép hoạt động với cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp. Quy định này cần phải xem xét ở các điểm sau:
Thứ nhất, Điều 29 Dự thảo quy định về trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên, các quy định này chưa đầy đủ, rõ ràng. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi, bổ sung các quy định để đảm bảo tuân thủ theo quy định tại Nghị định 63/2010/NĐ-CP về kiểm soát thủ tục hành chính, chẳng hạn bổ sung các nội dung sau: (i) thời gian tiếp nhận và trả lời tính hợp lệ của hồ sơ; (ii) các trường hợp, trình tự, thủ tục cấp đổi, cấp lại, như trong trường hợp mất, hư hỏng hoặc thay đổi thông tin về cơ sở.
Thứ hai, Điều 30 Dự thảo quy định về hồ sơ đăng ký hoạt động với cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp có thu phí. Tuy nhiên, một số thành phần hồ sơ chưa rõ ràng, có thể gây khó khăn cho cơ sở khi thực hiện thủ tục hành chính, chẳng hạn:
– Bảng mô tả nhân lực: chưa có Mẫu Bảng mô tả nhân lực với các yêu cầu thông tin cụ thể về nhân sự;
Đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung Mẫu Bảng Mô tả nhân lực, trong đó cụ thể các yêu cầu thông tin nhân sự (chẳng hạn: bằng cấp, chứng chỉ…)
- Yêu cầu cung cấp bảng giá dịch vụ và bảng diễn giải dự kiến sử dụng nguồn kinh phí: Quy định này có tính chất như kiểm tra yếu tố hình thành giá theo Điều 26 Luật Giá. Quy định như vậy là không thống nhất vì loại dịch vụ này không thuộc trường hợp phải kiểm tra yếu tố hình thành giá theo Điều 26.2 Luật Giá. Hơn nữa, yêu cầu này là không hợp lý vì giá dịch vụ có thể thay đổi tuỳ theo chi phí hoạt động của cơ sở và thay đổi theo thời gian. Việc phê duyệt giá dịch vụ và cách sử dụng nguồn kinh phí cũng can thiệp vào quyền tự do kinh doanh của các cơ sở này. Việc yêu cầu các cơ sở này niêm yết rõ ràng giá dịch vụ tại cơ sở là đã đủ bảo vệ quyền lợi cho người sử dụng dịch vụ của các cơ sở này;
Đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ thành phần hồ sơ này.
- Xác nhận về địa chỉ trụ sở hoạt động: Việc này được cho là nhằm đảm bảo cơ sở có địa chỉ hoạt động cụ thể, tuy nhiên, việc này tạo ra thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, và thực tế không thực sự đảm bảo do nếu có ý định gian lận, cơ sở vẫn có thể chuyển trụ sở ngay sau đó (vì hoạt động của các cơ sở này không yêu cầu các loại máy móc phức tạp, khó vận chuyển).
Đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ thành phần hồ sơ này, và cho phép doanh nghiệp tự khai, tự chịu trách nhiệm.
- Các giấy tờ, tài liệu khác chứng minh bảo đảm đáp ứng điều kiện hoạt động: không rõ doanh nghiệp cần cung cấp thêm các giấy tờ, tài liệu nào? Cần lưu ý rằng nhiều điều kiện có thể cho phép doanh nghiệp tự kê khai, tự chịu trách nhiệm, chứ không cần thiết phải cung cấp tài liệu chứng minh.
Để đảm bảo tính rõ ràng, minh bạch, đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ các thành phần hồ sơ này.
- Cơ sở khác tham gia trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình
Mục 4 Dự thảo quy định về cơ sở khác tham gia trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình, trong đó quy định về điều kiện, yêu cầu với cơ sở; trình tự, thủ tục đăng ký. Theo đó, các cơ sở này phải đáp ứng các điều kiện, yêu cầu tương tự như các cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình. Quy định này cần phải xem xét như sau:
- Dường như chưa thống nhất với Luật Phòng, chống bạo lực gia đình: Điều 39 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình chỉ yêu cầu các cơ sở này đăng ký về nội dung, phạm vi hoạt động. Theo kinh nghiệm từ các thủ tục hành chính khác, yêu cầu đăng ký thường chỉ dừng ở mức gửi Tờ khai đăng ký mà không phải trải qua quy trình xét duyệt, cấp phép. Do vậy, quy định tại Dự thảo dường như đang mở rộng hơn so với nội hàm quy định của Luật;
- Dường như chưa phù hợp với hoạt động của các cơ sở này: Mục tiêu thành lập, hoạt động của các cơ sở này không phải để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống bạo lực gia đình, mà đây chỉ là hoạt động phụ, tham gia hỗ trợ, trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình. Việc yêu cầu các cơ sở này duy trì đội ngũ nhân sự tương tự các cơ sở cung cấp dịch vụ có thể khó khả thi, gây khó khăn trong việc duy trì các hoạt động này, từ đó hạn chế sự tham gia của các đơn vị này, đi ngược lại chủ trương khuyến khích, tạo điều kiện cho các cơ sở này tham gia hoạt động này theo Điều 39.1 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.
Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bỏ các quy định tại Mục 4 Dự thảo. Yêu cầu về đăng ký hoạt động của các cơ sở này chỉ nên được thiết kế theo hướng các cơ sở gửi Đơn đăng ký hoạt động, trong đó có nội dung và phạm vi hoạt động đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền, và cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định tiếp nhận đơn đăng ký này.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.