VCCI_Góp ý 2 Dự thảo Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định cấp giấy phép môi trường, tài nguyên nước và hành nghề khoan nước dưới đất
VCCI_Góp ý Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số
Kính gửi: Vụ Công nghệ Thông tin – Bộ Thông tin và Truyền thông
Trả lời Công văn số 3295/BTTTT-CNTT ngày 26/08/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc đề nghị góp ý Dự thảo Đề xuất xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có ý kiến ban đầu như sau:
- Nhận xét chung
Ngành công nghệ thông tin, và tương lai là ngành công nghệ số, sẽ là một trong các động lực phát triển kinh tế quan trọng. Vì vậy, VCCI hoàn toàn ủng hộ việc xây dựng một khung khổ pháp lý hoàn chỉnh, phù hợp về ưu đãi, hỗ trợ nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp này.
Mặt khác, cũng cần nhìn nhận rằng, một số các chính sách ưu đãi cho ngành công nghệ thông tin đã được xây dựng, tuy nhiên, như đã nêu trong Dự thảo Báo cáo đánh giá tác động, nhiều quy định chính sách còn thiếu các chế định cụ thể để áp dụng trực tiếp, thiết kế chính sách nhưng không bố trí và dự kiến nguồn lực thực hiện phù hợp dẫn đến tình trạng chính sách không khả thi, không được thực hiện trên thực tế… Do vậy, đề nghị cơ quan nghiên cứu bổ sung một số nội dung sau để hoàn thiện Dự thảo Báo cáo và Tờ trình:
- Rà soát toàn diện về khung khổ pháp lý các chính sách cho ngành công nghệ thông tin, không chỉ các chính sách nằm trong Luật Công nghệ thông tin mà nằm trong các văn bản khác như Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Công nghệ cao…, và các Dự thảo đang được soạn thảo như Dự thảo về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng…; từ đó chỉ ra các khó khăn vướng mắc và đề xuất nhóm giải pháp tổng thể gắn với quá trình xây dựng luật;
- Những điều tra, đánh giá nhu cầu của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân trong nước, về ưu đãi, hỗ trợ cũng như các nhu cầu khác như đất đai, nhân lực, tiếp cận vốn, tài chính…
- Khung khổ cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại để đánh giá không gian ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển cho ngành công nghệ thông tin.
- Đối tượng điều chỉnh
Ngành công nghệ thông tin gồm ba phân ngành nhỏ: công nghiệp phần cứng, công nghiệp phần mềm, công nghiệp nội dung số. Tuy nhiên, Dự thảo chưa làm rõ các quy định sẽ đối tượng điều chỉnh của Luật sẽ bao gồm cả ba phân ngành (tức bao trùm tất cả ngành công nghệ thông tin) hay chỉ một số phân ngành cụ thể. Việc xem xét phạm vi điều chỉnh cần lưu ý ở một số điểm sau đây:
- Về mặt nội dung, Dự thảo dự kiến sẽ thay thế cho nội dung về ưu đãi, hỗ trợ phát triển công nghệ thông tin trong Luật Công nghệ thông tin 2006, tức là thay thế toàn bộ nội dung ưu đãi, hỗ trợ cho cả ba phân ngành công nghệ thông tin;
- Về mặt thực tiễn, như trình bày tại Dự thảo Tờ trình, ngành công nghiệp phần cứng hiện cũng đang đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế, với tăng trưởng trung bình hàng năm đạt khoảng 15,7%, doanh thu xuất khẩu đạt trên 95,8 tỷ USD (năm 2020).
Trong khi đó, nhiều chính sách trong Dự thảo lại thiên về việc hỗ trợ cho ngành công nghiệp phần mềm và ngành công nghệ số như chính sách số 2 về sandbox, chính sách số 3 về các biện pháp đảm bảo đầu tư (vốn, nhân sự,…), chính sách số 4 về hạ tầng kỹ thuật (trung tâm tính toán hiệu năng cao, trung tâm dữ liệu). Việc các chính sách chủ yếu tập trung vào ngành công nghiệp phần mềm và công nghệ số như vậy dường như chưa thực sự hợp lý.
Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Dự Luật này.
- Các chính sách ưu đãi với từng phân ngành công nghiệp
Như đã trình bày ở trên, ngành công nghệ thông tin gồm 03 phân ngành nhỏ. Tương ứng với đó, mỗi phân ngành công nghiệp lại có những khó khăn, bất cập khác nhau, và do đó cần các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, tháo gỡ khác nhau. Chẳng hạn, đối với phân ngành công nghiệp phần cứng, khó khăn lớn nhất nằm ở năng lực của các doanh nghiệp trong nước trong việc tham gia sản xuất các sản phẩm điện tử và khả năng tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn đa quốc gia. Với ngành công nghiệp phần mềm và công nghiệp công nghệ số, điểm yếu lại nằm ở cơ sở kết cấu hạ tầng, cơ sở dữ liệu và quy định pháp lý cho ngành. Trong khi đó, ngành công nghiệp nội dung lại gặp vấn đề với các biện pháp quản lý có nhiều ảnh hưởng hạn chế đến sự phát triển của ngành, xuất hiện tình trạng “bảo hộ ngược” với các doanh nghiệp nội địa. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung các đánh giá cụ thể về khó khăn, bất cập mà từng phân ngành đang gặp phải, từ đó đưa ra các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phù hợp cho từng phân ngành công nghệ thông tin.
- Các chính sách ưu đãi, hỗ trợ với các nhóm đối tượng doanh nghiệp
Chính sách 3 Dự thảo đưa ra các biện pháp bảo đảm phát triển công nghiệp công nghệ số. Phân theo nhóm đối tượng doanh nghiệp, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cần được xem xét gồm:
Một, chính sách dành cho các doanh nghiệp lớn, có tiềm lực tốt nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp này phát triển và nắm giữ các công nghệ trọng yếu. Hiện, Dự thảo đã đề xuất chính sách này ở nhóm chính sách số 3. VCCI đồng tình với đề xuất có các chính sách như vậy. Tuy nhiên, Dự thảo chưa làm rõ các chính sách cụ thể với nhóm doanh nghiệp này (quyền lợi và nghĩa vụ, trách nhiệm tương ứng). Việc này có thể tạo ra những quan ngại về việc chính sách tạo ra những ưu đãi quá lớn cho nhóm này nhưng không có ràng buộc cụ thể, dẫn đến việc các doanh nghiệp tận dụng các lợi thế ưu đãi để chèn ép các doanh nghiệp khác, gây mất cân bằng hệ sinh thái doanh nghiệp công nghệ thông tin. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ hơn nội dung chính sách dành cho nhóm doanh nghiệp này.
Hai, chính sách dành cho các doanh nghiệp cỡ lớn vừa (middle-standing enterprises). Việc dành các ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu đàn, như trình bày ở trên, có thể tạo ra tình trạng các doanh nghiệp này tận dụng lợi thế để ngăn cản các doanh nghiệp tiềm năng khác có thể lớn lên để cạnh tranh với mình. Tình trạng này có thể dẫn đến khả năng độc quyền nhóm của nhóm các doanh nghiệp đầu đàn, từ đó kìm hãm khả năng cạnh tranh của cả ngành công nghiệp. Do vậy, một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ cũng nên được dành cho các doanh nghiệp cỡ lớn vừa nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp này tiếp tục lớn lên và thách thức vị trí của nhóm đầu đàn. Một chính sách như vậy có thể tạo động lực thúc đẩy cạnh tranh trong ngành, từ đó thúc đẩy sự phát triển liên tục của ngành công nghệ thông tin. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc bổ sung các chính sách dành cho nhóm doanh nghiệp này.
- Chính sách ưu đãi với hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số
Đối với các doanh nghiệp công nghệ số, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp (startups) và các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hệ sinh thái hỗ trợ là điều cần thiết cho quá trình phát triển của doanh nghiệp, chẳng như các quỹ đầu tư, công ty tư vấn, viện nghiên cứu… Tuy nhiên, Dự thảo chưa có các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phù hợp để hỗ trợ nhóm này tham gia tích cực hơn vào quá trình trên. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung các chính sách dành cho hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số.
- Cơ chế với sản phẩm, dịch vụ mới
Chính sách 2 Dự thảo đề xuất một cơ chế tương tự cơ chế sandbox với sản phẩm, dịch vụ mới nhằm cho phép triển khai sản phẩm, dịch vụ mới theo hình thức cấp phép tạm thời, miễn trừ tạm thời để thí điểm triển khai các sản phẩm, dịch vụ mới. VCCI hoàn toàn hoan nghênh chính sách này. Dù vậy, trong thực tế, không chỉ với các sản phẩm, dịch vụ mới như trí tuệ nhân tạo, tài sản số), doanh nghiệp còn gặp phải một số tình huống sau:
- Nhiều sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin thực hiện chuyển đổi số trong các lĩnh vực truyền thống cũng gặp không ít khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan để triển khai hoạt động kinh doanh trong thực tế. Tuy nhiên, doanh nghiệp lại không tìm được sự trợ giúp, giải đáp phù hợp và thích đáng từ phía cơ quan nhà nước, và xuất hiện tình trạng không cơ quan nhà nước nào nhận trách nhiệm xử lý vấn đề đó;
- Một số sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin mới, chưa có quy định pháp luật cụ thể, điều chỉnh đích danh, tuy nhiên vẫn có thể áp dụng các quy định pháp luật liên quan để áp dụng mà không tạo ra rủi ro lớn đến khách hàng và thị trường. Với trường hợp này, các doanh nghiệp sở hữu sản phẩm, dịch vụ này cũng có mong mỏi được công nhận tính hợp pháp của mô hình kinh doanh từ phía cơ quan nhà nước nhằm yên tâm kinh doanh, thuận lợi hơn trong quá trình gọi vốn và có cơ sở trong quá trình làm việc với các cơ quan quản lý nhà nước khác.
Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, nghiên cứu một cơ chế phối hợp liên bộ, ngành nhằm giải quyết toàn diện các vấn đề trên, chứ không chỉ áp dụng cho các sản phẩm, dịch vụ mới như trí tuệ nhân tạo hay tài sản số.
- Quy định pháp lý với các tài sản số
Tài sản số được sinh ra cùng với sự phát triển của công nghệ số như các tài khoản trực tuyến, tài khoản email, tài khoản mạng xã hội… Tài sản số, dù cũng là tài sản theo pháp luật dân sự, lại có một số đặc điểm khác biệt so với các loại tài sản truyền thống. Tuy nhiên, hiện nay hệ thống pháp luật vẫn chưa có quy định về các nguyên tắc cơ bản làm nền tảng cho các giao dịch, chuyển quyền, nghĩa vụ của các loại tài sản này. Do vậy, để thúc đẩy các ngành công nghệ số, tạo lập khung khổ cho ngành, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung chính sách quy định về những nguyên tắc cơ bản áp dụng với tài sản số (quyền, nghĩa vụ của các bên, trong đó có công ty công nghệ; nguyên tắc bảo vệ; nguyên tắc giám định số; nguyên tắc ủy thác…).
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Đề xuất xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.