VCCI_Góp ý Dự thảo Bộ Tiêu chí đánh giá hội

Thứ Năm 23:14 14-10-2021

Kính gửi: Vụ Tổ chức phi chính phủ, Bộ Nội vụ

Trả lời Công văn số 4903/BNV-TCPCP ngày 01/10/2021 của Bộ Nội vụ về việc đề nghị đóng góp ý kiến về dự thảo Bộ Tiêu chí đánh giá hội (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận thấy việc ban hành và áp dụng Bộ Tiêu chí đánh giá hội có thể góp phần thúc đẩy cải thiện hiệu quả hoạt động của các hội và phát huy vai trò của hội tham gia vào phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Để Dự thảo Bộ Tiêu chí đánh giá hội tiếp tục được hoàn thiện, đề nghị Quý Cơ quan xem xét, cân nhắc một số điểm dưới đây:

  1. Về mục đích và yêu cầu của Bộ Tiêu chí

Dự thảo xác định mục đích của Bộ Tiêu chí đánh giá hội “là công cụ để các hội tự đánh giá về tổ chức, hoạt động được khách quan, công bằng và minh bạch nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự chủ của hội, góp phần phát huy vai trò của hội tham gia vào phát triển kinh tế-xã hội của đất nước”. Tuy nhiên, mục đích này cần được điều chỉnh cho sát hơn các quy định pháp luật hiện hành.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị định 45/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội, hội được thành lập và hoạt động nhằm “bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội, hội viên, của cộng đồng; hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, được tổ chức và hoạt động theo Nghị định này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.” Điều 3 Nghị định 45 quy định các nguyên tắc tổ chức, hoạt động của hội, đó là: “1. Tự nguyện; tự quản; 2. Dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch; 3. Tự bảo đảm kinh phí hoạt động; 4. Không vì mục đích lợi nhuận; 5. Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và điều lệ hội.” Với các quy định pháp luật nêu trên, mục đích của Bộ Tiêu chí cần được điều chỉnh theo hướng giúp các hội tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật và điều lệ hội.

Do vậy, đề nghị Cơ quan soạn thảo cân nhắc điều chỉnh mục đích của Bộ Tiêu chí theo hướng như sau: “Bộ Tiêu chí đánh giá hội là công cụ để các hội tự đánh giá về tổ chức, hoạt động được khách quan, công bằng và minh bạch nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự chủ của hội, góp phần phát huy vai trò của hội tham gia vào phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và đảm bảo tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật và điều lệ hội

Dự thảo đã nêu yêu cầu “Bộ Tiêu chí phải được cụ thể hóa để thuận lợi cho việc tự đánh giá và thẩm định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”. Yêu cầu này cần được điều chỉnh chi tiết hơn về mặt chủ thể cho từng hoạt động có liên quan. Đó là việc tự đánh giá của hội và việc thẩm định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Do đó, đề nghị Cơ quan soạn thảo điều chỉnh yêu cầu này theo hướng: “Bộ Tiêu chí phải được cụ thể hóa để thuận lợi cho việc tự đánh giá của hội và thẩm định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.

Nếu như yêu cầu đối với Bộ Tiêu chí được hiểu là những điều cần đạt được đối với Bộ Tiêu chí, thì hai yêu cầu sau đã nêu tại Dự thảo cần được cân nhắc thêm. Cụ thể, yêu cầu “Tăng cường tính tự nguyện, tự quản, tự chủ của hội trong quá trình tổ chức, hoạt động theo quy định của Điều lệ hội và quy định của pháp luật” dường như lặp lại nội dung đã nêu trong phần mục đích của Bộ Tiêu chí. Yêu cầu “Thời gian đánh giá hàng năm” lại liên quan tới quy trình đánh giá, chứ không phải là yêu cầu đối Bộ Tiêu chí. Do vậy, đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu thay thế hai yêu cầu này bằng những điều cần đạt được đối với Bộ Tiêu chí.

Cụ thể, đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc bổ sung một số yêu cầu đối với Bộ Tiêu chí. Đó là: (1) Bộ Tiêu chí cần được xây dựng theo hướng sát với các quy định pháp luật về hội và thực tiễn tổ chức, hoạt động của các hội. Yêu cầu này sẽ giúp việc lựa chọn các tiêu chí cụ thể và xây dựng Bộ Tiêu chí sát với mục đích mà Dự thảo đã nêu. (2) Đảm bảo tính khả thi trong việc áp dụng trên diện rộng đối với các hội. Nếu đáp ứng được yêu cầu này, các tiêu chí được lựa chọn và Bộ Tiêu chí chung sau này sẽ có thể tạo thuận lợi cho các hội áp dụng trên thực tế. (3) Có ý nghĩa đối với việc cải thiện hiệu quả hoạt động của các hội. Bộ Tiêu chí cần đáp ứng yêu cầu này, bởi mỗi tiêu chí được lựa chọn cần được rà soát và đánh giá sao cho có thể giúp các hội chỉ ra được điểm mạnh cần phát huy, điểm yếu cần khắc phục, từ đó giúp các hội xác định và triển khai các giải pháp cải thiện hiệu quả hoạt động của các hội sau khi tiến hành đánh giá. Yêu cầu này nếu được đáp ứng, cũng giúp các cơ quan nhà nước nắm bắt được hiệu quả hoạt động của hội, và có khuyến nghị chính xác, kịp thời đối với hội. (4) Yêu cầu bảo mật thông tin đánh giá theo Bộ Tiêu chí. Dự thảo đã xác định một loạt các chỉ tiêu tự đánh giá kèm theo các tài liệu kiểm chứng đã nêu tại Bảng Nội dung tiêu chí, và nếu đi vào thực hiện, thì các hội cần phải cung cấp lượng thông tin, tài liệu không nhỏ kèm theo kết quả tự đánh giá theo Bộ Tiêu chí. Những thông tin, tài liệu này chỉ nên được sử dụng bởi những cá nhân, tổ chức có thẩm quyền bởi nếu bị sử dụng tùy tiện, hoặc không đúng mục đích có thể dẫn tới ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín, hình ảnh của các hội.

  1. Về quy trình đánh giá

Dự thảo đã xác định quy trình đánh giá tương đối hoàn chỉnh. Theo đó, hội tự tiến hành đánh giá theo Bộ Tiêu chí, gửi kết quả tự đánh giá về cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để xem xét, có ý kiến về kết quả đánh giá và kết quả đánh giá này sẽ được sử dụng để đề xuất khen thưởng hội (nếu có) hoặc hướng dẫn hội hoạt động đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật và điều lệ Hội.

Tuy nhiên, quy trình này chưa rõ về phạm vi đối tượng thực hiện. Cụ thể, Dự thảo mới nêu quy trình đánh giá áp dụng đối với các đối tượng sau: (i) hội có phạm vi hoạt động cả nước hoặc liên tỉnh; và (ii) hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh. Tuy nhiên, Điều 2.3 Nghị định 45 còn có các nhóm: (i) Hội có phạm vi hoạt động trong huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; và (ii) Hội có phạm vi hoạt động trong xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là xã). Như vậy, chưa rõ Dự thảo quy định hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh đã bao gồm các hội có phạm vi hoạt động trong huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và hội có phạm vi hoạt động trong xã, phường, thị trấn? Do vậy, để đảm bảo quá trình thực hiện sau này được thuận lợi và minh bạch, đề nghị Cơ quan soạn thảo làm rõ đối tượng áp dụng Bộ Tiêu chí này.

Trong khi Dự thảo đã nêu các hội gửi kết quả tự đánh giá chấm điểm về cơ quan nhà nước có thẩm quyền “chậm nhất vào ngày 01/12 hàng năm” và “cơ quan nhà nước có thẩm quyền phối hợp xem xét có ý kiến kết quả đánh giá”. Song cụ thể cơ quan nhà nước có thẩm quyền này là những cơ quan nào? Cách thức thực hiện việc thẩm định ra sao? Thời gian thẩm định là bao lâu? Sau khi có kết quả đánh giá ban đầu, các hội sẽ cung cấp thông tin, tài liệu giải trình ra sao, với thời hạn như thế nào? Để đảm bảo quá trình đánh giá, thẩm định được “khách quan, khoa học, công bằng, chính xác” như Dự thảo đã nêu, đề nghị Cơ quan soạn thảo cân nhắc làm rõ các nội dung nói trên để tạo thuận lợi trong quá trình thực hiện sau này.

  1. Về cấu trúc và thang điểm của Bộ Tiêu chí

Dự thảo đưa ra cấu trúc Bộ Tiêu chí gồm có 2 phần, với phần I là các tiêu chí được chấm điểm (thang điểm tối đa 100 điểm) và phần II là các tiêu chí bị trừ điểm (thang điểm trừ tối đa: 30 điểm). Việc đưa ra các tiêu chí đánh giá và phân thành phần như trên là tương đối khó để chỉ ra điểm mạnh và điểm yếu của các hội trong tổ chức và hoạt động để từ đó có thể giúp cho các hội tăng cường hiệu quả hoạt động. Do đó, đề nghị Cơ quan soạn thảo cân nhắc cấu trúc lại Bộ Tiêu chí theo một số khía cạnh đánh giá hướng tới việc tạo thuận lợi cho các hội dễ dàng xác định được điểm mạnh, điểm yếu của mình. 

Việc cấu trúc lại Bộ Tiêu chí này có thể tham khảo một công cụ tương tự, Bộ công cụ tự đánh giá năng lực hiệp hội do VCCI xây dựng và phát triển từ năm 2015 nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam. Được phát triển dựa trên khảo sát thực tế các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam và tham khảo kinh nghiệm quốc tế, Bộ công cụ này đã được các hiệp hội doanh nghiệp đón nhận tích cực kể từ khi VCCI công bố đến nay. Bộ công cụ này gồm có 50 chỉ tiêu chia thành 6 khía cạnh đánh giá bao quát việc thực hiện các chức năng cơ bản của các hiệp hội doanh nghiệp, đó là: (1) Năng lực định hướng chiến lược; (2) Năng lực lãnh đạo và quản trị hiệp hội; (3) Năng lực tài chính và cơ sở vật chất; (4) Năng lực phục vụ hội viên; (5) Năng lực tham gia ý kiến và đề xuất kiến nghị chính sách, pháp luật; và (6) Năng lực xây dựng và phát triển hội viên.[1]

  1. Về nội dung tiêu chí

Dự thảo đã đề xuất Bảng nội dung tiêu chí gồm 26 tiêu chí và 83 tiêu chí thành phần bao quát nhiều mặt tổ chức và hoạt động của hội. Những tiêu chí đánh giá nếu được chuẩn hóa và đi vào áp dụng, sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp các hội sử dụng để xác định được những điểm yếu cần khắc phục, cũng như những điểm mạnh cần phát huy, để từ đó có thể cải thiện chất lượng hoạt động của mình. Cùng với góp ý về cấu trúc lại Bộ Tiêu chí đã nêu ở mục 3, đề nghị Cơ quan soạn thảo cân nhắc hoàn thiện các tiêu chí và tiêu chí chí thành phần, cụ thể như sau:

  • Cần có sự cân bằng giữa các tiêu chí đánh giá về số lượng và chất lượng hoạt động của các hội. Trong 83 tiêu chí thành phần đã nêu tại Dự thảo, thống kê sơ bộ cho thấy chỉ có 6 tiêu chí thành phần gắn với việc đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động của các hội. Cụ thể, như nội dung hướng dẫn thiết thực (tiêu chí I.1), nội dung báo cáo chất lượng, chuẩn xác, trung thực (tiêu chí I.4), các chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu, tư vấn, phản biện và giám định xã hội đảm bảo chất lượng và hiệu quả (tiêu chí I.13), ý kiến góp ý vào các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo chất lượng và hiệu quả (tiêu chí I.14), việc đảm bảo bồi dưỡng kiến thức chuyên môn đảm bảo chất lượng, hiệu quả (Tiêu chí I.15), việc tổ chức sinh hoạt hội đảm bảo theo đúng quy định của Điều lệ hội, chất lượng, hiệu quả đối với hội viên và hội (tiêu chí I.16). Số lượng tiêu chí thành còn lại quá lớn, lại chỉ liên quan tới việc thống kê đầu mục hoạt động, như vậy sẽ rất khó để chỉ ra được chất lượng và hiệu quả hoạt động thực sự của các hội là thế nào. Do đó, đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu tăng số lượng tiêu chí thành phần liên quan tới đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động của các hội.
  • Để việc đánh giá được cụ thể, chính xác, các tiêu chí được lựa chọn nên được xác định cụ thể, tránh việc gộp nhiều nội dung vào chung một tiêu chí. Như thiết kế của Dự thảo, các tiêu chí đánh giá sẽ được sử dụng để đánh giá về tổ chức, hoạt động của các hội nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động. Các hội sẽ căn cứ Bộ Tiêu chí này để tự đánh giá theo các tiêu chí, tiêu chí thành phần với thang điểm đã nêu. Tuy nhiên, việc thiết kế một số tiêu chí và tiêu chí thành phần theo hướng gộp từ 2 nội dung trở lên có thể khiến các hội gặp khó khăn khi tự gán điểm số cụ thể. Điều này cũng dẫn tới sẽ có nhiều khác biệt giữa kết quả thẩm định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và kết quả tự đánh giá của các hội, thậm chí có thể dẫn tới những đánh giá thiếu khách quan. Ví dụ, tiêu chí I.1 nêu “Hàng năm, hướng dẫn hội viên tuân thủ pháp luật, chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước, Điều lệ, quy chế, quy định của hội” (6 điểm). Nội dung của tiêu chí này cần được tách biệt rõ ra đối với việc tuân thủ: (i) Chủ trương, chính sách của Đảng; (ii) Pháp luật của Nhà nước; và (iii) Điều lệ, quy chế và quy định của hội. Với các tiêu chí thành phần bên trong cũng cần phải có những tách biệt chi tiết tương tự, ví dụ, “Nội dung, hướng dẫn thiết thực phù hợp, hội viên nắm được và tuân thủ pháp luật, chính sách, chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước, Điều lệ, quy chế, quy định của hội”. Góp ý tương tự với các tiêu chí còn lại. Do đó, đề nghị Cơ quan soạn thảo xác định rõ các tiêu chí thành phần theo hướng đơn nhất và rõ ràng.
  • Cân nhắc xác định nội dung tiêu chí phù hợp với nội dung đánh giá. Ví dụ, tiêu chí I.10 có nội dung “Phối hợp tốt với cơ quan, tổ chức có liên quan để thực hiện nhiệm vụ của hội”, song các chỉ tiêu thành phần đánh giá lại là về số lần hội phối hợp với cơ quan, tổ chức liên quan (1-3 lần, 4-6 lần, … 13 lần trở lên) và với điểm số gia tăng tương ứng. Số lần phối hợp có thể không phản ánh được chất lượng phối hợp. Như vậy, về nội dung tiêu chí và nội dung tiêu chí đánh giá không có sự trùng khớp. Do vậy, đề nghị Cơ quan soạn thảo điều chỉnh nội dung tiêu chí phù hợp với nội dung đánh giá cho phù hợp. Ví dụ, có thể điều chỉnh nội dung tiêu chí I.10 thành “Phối hợp thường xuyên với cơ quan, tổ chức có liên quan để thực hiện nhiệm vụ của hội”. Hoặc nếu vẫn để là phối hợp tốt, thì cần điều chỉnh các tiêu chí thành phần bên trong cho sát với đánh giá về chất lượng của hoạt động.
  • Một số tiêu chí thành phần chưa rõ về nội hàm khái niệm. Ví dụ các tiêu chí thành phần đánh giá về chất lượng, hiệu quả hoạt động của hội (tiêu chí I.13, I.14, I.15, I.16), về hỗ trợ cho hội viên hoạt động hiệu quả (tiêu chí I.17),…Những nội dung nói trên nếu không làm rõ nội hàm sẽ dẫn tới khó khăn trong việc đánh giá trên thực tế. Do đó, đề nghị Cơ quan soạn thảo cân nhắc làm rõ nội hạm đánh giá của các tiêu chí thành phần này.
  • Các tiêu chí được lựa chọn cần có sự rà soát và đánh giá từ thực tiễn để đảm bảo sự phù hợp với các hội trên diện rộng. Ví dụ, tiêu chí I.13 “Tham gia chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu, tư vấn, phản biện và giám định xã hội theo đề nghị của cơ quan nhà nước”. Nếu hội không nhận được đề nghị từ cơ quan nhà nước tham gia hoạt động này, thì dẫn tới sẽ không có điểm số đánh giá và như vậy sẽ giảm điểm chung của hội trong kết quả đánh giá chung theo Bộ Tiêu chí. Tương tự đối với tiêu chí I.7, I.14. Do vậy, kiến nghị Cơ quan soạn thảo tiến thành rà soát và đánh giá thêm từ thực tiễn hoạt động của các hội để đảm bảo sự phù hợp của các tiêu chí được lựa chọn phù hợp chung với các hội trong diện áp dụng của Bộ Tiêu chí.
  • Cần rà soát và tận dụng tối đa các thông tin sẵn có theo quy định hiện nay. Ví dụ, danh mục các biểu mẫu, phiếu thông tin cơ sở dữ liệu hội và tổ chức Phi Chính phủ đã được Bộ Nội vụ ban hành tại Quyết định 458/QĐ-BNV ngày 24/5/2012. Việc sử dụng những thông tin sẵn có như vậy sẽ giúp giảm gánh nặng thời gian và chi phí cho các hội trong quá trình tự đánh giá, cũng như từ chính các cơ quan nhà nước trong quá trình thẩm định. Do đó, đề nghị Cơ quan soạn thảo cân nhắc rà soát các tiêu chí và tiêu chí thành phần trên cơ sở tận dụng tối đa các thông tin sẵn có theo quy định hiện nay.
  1. Vấn đề khác

Với quy trình đánh giá được thiết kế trong Dự thảo, có thể suy đoán có thể việc thực hiện Bộ Tiêu chí này là mang tính bắt buộc với các hội và sẽ được áp dụng như một thủ tục hành chính. Trong trường hợp này, đề nghị Cơ quan soạn thảo cần sử dụng loại văn bản quy phạm pháp luật phù hợp, với đánh giá tác động thủ tục hành chính và chuẩn bị các tài liệu đi kèm, theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Để cung cấp thêm thông tin tham khảo cho việc hoàn thiện Dự thảo, VCCI trân trọng gửi Quý Cơ quan bản Báo cáo “Hành trình hướng tới sự liên kết: Thực tiễn tốt trong hoạt động của hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam[2] kèm theo Công văn này. Báo cáo nói trên dành một phần quan trọng để giới thiệu Bộ công cụ tự đánh giá năng lực hiệp hội do VCCI xây dựng và phát triển nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Bộ Tiêu chí đánh giá hội. Rất mong Quý Cơ quan cân nhắc trong quá trình hoàn thiện nội dung Dự thảo.

Trân trọng cảm ơn.

[1] Tham khảo chi tiết tại trang web <http://hiephoi.vibonline.com.vn>

[2] Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Quỹ Châu Á, Hành trình hướng tới sự liên kết: Thực tiễn tốt trong hoạt động của hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam, toàn văn báo cáo được đăng tải tại website Xây dựng pháp luật của VCCI: http://vibonline.com.vn/9727.html

Các văn bản liên quan