Ý kiến về một số vướng mắc của Luật Thương mại – Luật sư Trần Anh Đức, Đoàn Luật Sư Tp. Hồ Chí Minh

Thứ Năm 12:23 25-08-2011

HỘI THẢO HOÀN THIỆN CÁC BÁO CÁO RÀ SOÁT LUẬT DOANH NGHIỆP, LUẬT ĐẦU TƯ, LUẬT THƯƠNG MẠI

Do VCCI phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức tại Tp.HCM ngày 24/8/2011

 

Luật Thương Mại được ban hành từ năm 2005 v à thực tế đã cho thấy nhiều bất cập cần phải khẩn trương sửa đổi nhằm đáp ứng đòi hỏi của thị trường.

Nếu được lựa chọn, nhiều doanh nghiệp sẽ không muốn áp dụng Luật Thương Mại cho hợp đồng của mình vì nhiều qui định cứng nhắc của Luật Thương Mại sẽ đem tới rủi ro lớn cho doanh nghiệp. Các qui định cứng nhắc này đều xuất phát từ nguyên tắc tự do thỏa thuận trong Luật Thương Mại: các bên được tự do thỏa thuận nhưng không được trái với các qui định của pháp luật [1] [1] . Theo điều khoản này, doanh nghiệp không được thỏa thuận khác với những gì mà luật pháp đã qui định. Nguyên tắc này buộc một doanh nghiệp phải toàn bộ các văn bản pháp luật Việt Nam để biết xem là hợp đồng của mình có trái với bất kỳ một qui định nào hay không. Đây là một việc bất khả thi cho doanh nghiệp vì Việt Nam có tới 527.320 văn bản pháp luật [2] [2]. Nguyên tắc tự do thỏa thuận trong Luật Thương Mại đã lạc hậu xa khi so với luật của các nước khác và Điều 4 của Bộ Luật Dân Sự cho phép các bên được tự do thỏa thuận với điều kiện là thỏa thuận đó không bị pháp luật cấm.

Bồi thường thiệt hại

Điều 302 của Luật Thương Mại qui định giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm bồi thường tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng.

Điều 302 này hoàn toàn loại trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Theo như Luật Thương Mại thì các bên không thể thỏa thuận giới hạn trách nhiệm bồi thường mà phải bồi thường đầy đủ toàn bộ thiệt hại. Đây là rủi ro rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam vì giá trị bồi thường có thể vượt qua mọi kế hoạch kinh doanh và không có ngân quỹ để thanh toán. Ví dụ như xây dựng một một nhà máy điện, chủ đầu tư chỉ có ngân sách dự phòng từ 5% đến 10% tổng chi phí đầu tư. Nếu không giới hạn trách nhiệm bồi thường thì chủ đầu tư có thể bị yêu cầu bồi thường cho nhà thầu hơn 20% tổng vốn đầu tư và sẽ không thể có đủ tiền để có thể tiếp tục hoàn thành xây dựng nhà máy. Trong khi đó luật lệ của các nước và thông lệ quốc tế đều cho phép các bên thỏa thuận giới hạn trách nhiệm bồi thường. Đây là một rủi ro pháp lý không thể kiểm soát khi kinh doanh tại Việt Nam.

Đình chỉ thực hiện hợp đồng

Theo Điều 310 của Luật Thương Mại, đình chỉ thực hiện hợp đồng là việc một bên chấm dứt thực hiện nghĩa vụ hợp đồng thuộc một trong các trường hợp:

(i)    Xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thỏa thuận là điều kiện để đình chỉ hợp đồng; hoặc

(ii)  Một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng.

Điều 310 này hoàn toàn loại trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Theo Luật Thương Mại thì các bên không thể thỏa thuận chấm dứt thực hiện nghĩa vụ hợp đồng trong các trường hợp khác. Điều khoản này không phản ánh thực tế là các bên thường thỏa thuận về các sự kiện chấm dứt mà không phụ thuộc vào việc có xảy ra hành vi vi phạm hay không. Ví dụ nếu giá cả thị trường biến động lớn thì một bên có quyền chấm dứt hợp đồng và trong trường hợp này thì sự không có hành vi vi nào cả. Điều khoản này cũng hoàn toàn đi ngược với ý chí của các bên: khi vi phạm xảy ra thì các bên đều mong muốn thỏa thuận giải pháp khắc phục chứ không thể nào cho bên kia quyền đương nhiên chấm dứt theo pháp luật.

Khi hợp đồng bị đình chỉ, Điều 311 của Luật Thương Mại yêu cầu Bên đã thực hiện nghĩa vụ có quyền yêu cầu bên kia thanh toán hoặc thực hiện nghĩa vụ tương ứng. Điều khoản 311 này hoàn toàn loại trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Chẳng lẽ các bên lại không được quyền thỏa thuận về việc không phải thanh toán trong các trường hợp hợp đồng bị đình chỉ ?

Các trường hợp miễn trách

Theo Điều 294 của Luật Thương Mại, các bên được miễn trách nhiệm trong trường hợp dưới đây:

·       Xảy ra trường hợp miễn trách đã thỏa thuận;

·       Xảy ra sự kiện bất khả kháng;

·       Vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia;

·       Vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà không thể biết vào lúc giao kết hợp đồng.

Điều 294 của  Luật Thương Mại loại trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Theo nguyên tắc tự do thỏa thuận, liệu các bên không được quyền thỏa thuận để giới hạn các trường hợp trên đây miễn trách trên đây? Trên thực tế, sự kiện bất khả kháng không áp dụng đối với một số loại hợp đồng đặc thù. Ví dụ như Hợp đồng vay vốn ngân hàng. Khi đã vay được tiền thì doanh nghiệp phải có trách nhiệm trả nợ và tất cả các hợp đồng vay vốn đều buộc bên vay phải trả nợ trong mọi trường hợp chứ không được miễn trách nhiệm trả nợ trong trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng. Nếu bên vay lợi dụng Điều 294 để đòi miễn trách nhiệm trả nợ khi có sự kiện bất khả kháng thì chắc sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống ngân hàng.

Phạm vi áp dụng của Luật Thương Mại

Có một câu hỏi đơn giản nhưng không dễ trả lời liên quan đến phạm vi áp dụng của Luật Thương Mại: khi nào áp dụng Luật Thương Mại và Bộ Luật Dân Sự?

Luật Thương Mại qui định rằng Luật Thương Mại áp dụng với tất cả các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi và những hoạt động thương mại không được qui định trong Luật Thương Mại và các luật khác thì áp dụng qui định của Bộ Luật Dân Sự. Theo qui định này thì Hợp đồng thuê tài sản, hoặc hợp đồng vay giữa các công ty sẽ thực hiện theo Bộ Luật Dân Sự vì Luật Thương Mại không qui định về các loại hợp đồng này. Tuy nhiên, cả hai luật này có các qui định khác nhau về phạt và bồi thường thiệt hại và không rõ là sẽ phải áp dụng luật nào đối với các loại hợp đồng này?

 

Luật sư Trần Anh Đức  - Đoàn Luật Sư Tp. Hồ Chí Minh

 




 



[1] [1] Điều 11 Luật Thương mại năm 2005.

[2] [2] Theo thống kê từ website của Bộ Tư pháp.

Các văn bản liên quan