Hướng tới sự thống nhất pháp luật về xử lý vi phạm hợp đồng ở Việt Nam – Đỗ Văn Đại, Tiến sỹ luật học, Quyền Trưởng Khoa Luật Dân sự, ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh.

Thứ Năm 12:17 25-08-2011

HỘI THẢO HOÀN THIỆN CÁC BÁO CÁO RÀ SOÁT LUẬT DOANH NGHIỆP, LUẬT ĐẦU TƯ, LUẬT THƯƠNG MẠI

Do VCCI phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức tại Tp.HCM ngày 24/8/2011

Tham luận

Hướng tới sự thống nhất pháp luật về xử lý vi phạm hợp đồng ở Việt Nam

Đỗ Văn Đại *

 

1. Dẫn nhập. Khi hợp đồng được giao kết một cách hợp pháp thì nó phải được các bên thực hiện. Đó là một nguyên lý tồn tại ở tất cả các hệ thống luật và Việt Nam ghi nhận điều này tại nguyên tắc cơ bản đầu tiên trong các nguyên tắc cơ bản của BLDS [1] [1].

Tuy nhiên, thực tế cho thấy rất phổ biến hợp đồng không được thực hiện đúng như cam kết (tức là có vi phạm) và vấn đề xử lý việc vi phạm này được đặt ra. Ở đây, chúng tôi không đi vào phân tích, đánh giá từng biện pháp xử lý việc không thực hiện đúng hợp đồng và vì chủ đề này đã được nghiên cứu sâu trong một công trình khác [2] [2].

Điều mà chúng tôi quan tâm trong khuôn khổ bài viết này chính là sự tồn tại song song trong BLDS và Luật thương mại (đều được sửa đổi năm 2005) các quy định về xử lý vi phạm hợp đồng. Bài viết sẽ cho thấy nên thống nhất trong pháp luật Việt Nam về chủ đề này vì sự tồn tại song song trong hai văn bản trên như hiện nay là không cần thiết, có nhiều bất cập.

 

I- Tồn tại song song các quy định về xử lý việc vi phạm hợp đồng trong BLDS và LTM và những bất cập

 

2. Đều tồn tại trong hai văn bản. Luật thương mại (LTM) hiện hành có một hệ thống các quy định về xử lý việc vi phạm hợp đồng. Đó là các chế tài được quy định từ Điều 292 đến Điều 316. Cụ thể, đó là “buộc thực hiện đúng hợp đồng”, “phạt vi phạm”, “buộc bồi thường thiệt hại”, “tạm ngừng thực hiện hợp đồng”, “đình chỉ thực hiện hợp đồng”, “huỷ bỏ hợp đồng” và “các biện pháp khác do các bên thoả thuận”.

                   BLDS cũng có các quy định tương ứng nhưng với tên gọi đôi khi khác nhau. Cụ thể, BLDS cũng có quy định về “buộc thực hiện đúng hợp đồng”, “phạt vi phạm”, “buộc bồi thường thiệt hại” hay “huỷ bỏ hợp đồng”. Bên cạnh đó, BLDS còn có “hoãn thực hiện hợp đồng” (tương đương với tạm ngừng thực hiện hợp đồng trong LTM), “đơn phương chấm dứt hợp đồng” (tương đương với đình chỉ thực hiện hợp đồng trong LTM) [3] [3].

                   Khi đi vào phân tích từng biện pháp cụ thể trong hai văn bản này, chúng ta thấy nội hàm của chúng khác nhau cho dù tên gọi là giống nhau như trường hợp bồi thường thiệt hại hay phạt vi phạm hợp đồng. Và chính sự khác nhau này đã làm cho pháp luật hiện hành thiếu tính thuyết phục.

 

3. Phát sinh nhiều khó khăn. Khi tồn tại cùng một loại quy phạm trong hai văn bản khác nhau, người vận dụng cần phải xem xét vụ việc cụ thể thuộc BLDS hay LTM. Việc xác định một vấn đề thuộc sự điều chỉnh của văn bản nào đã được xử lý theo nguyên lý luật chung và luật riêng (chuyên biệt). Cụ thể, theo Điều 1 BLDS “Bộ luật dân sự quy định địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý cho cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác; quyền, nghĩa vụ của các chủ thể về nhân thân và tài sản trong các quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại”. Bên cạnh đó, theo khoản 1 và 3 Điều 4 LTM “hoạt động thương mại phải tuân theo Luật thương mại và pháp luật có liên quan”, “hoạt động thương mại không được quy định trong Luật thương mại và trong các luật khác thì áp dụng quy định của Bộ luật dân sự”.

Để áp dụng các quy định về xử lý vi phạm hợp đồng trong LTM đồng thời không áp dụng các quy định của BLDS, chúng ta phải xác định được: thứ nhất, quan hệ giữa các bên là quan hệ thương mại (thuộc hoạt động thương mại); thứ hai, quan hệ này đã có quy định trong LTM. Ngược lại, để áp dụng các quy định của BLDS (tức không áp dụng LTM), chúng ta phải xác định được quan hệ giữa các bên không là quan hệ thương mại hoặc nếu là quan hệ thương mại thì quan hệ này “không được quy định trong Luật thương mại”.

Trong thực tế, việc xác định quan hệ giữa các bên có là quan hệ thương mại hay không nhiều khi rất khó. Đồng thời xác định quan hệ thương mại “không được quy định trong Luật thương mại” nhiều khi cũng không đơn giản. Dưới đây là một số minh họa về những bất cập xuất phát từ việc tồn tại cả trong BLDS và trong LTM các quy định về xử lý vi phạm hợp đồng.

 

4. Ví dụ mịnh họa thứ nhất. Công ty Đại Nam và Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Phương tranh chấp với nhau về nghĩa vụ thanh toán phát sinh từ hợp đồng mua bán hàng hoá (các Hợp đồng số 34/HĐĐN-06 và số 35/HĐĐN-06). Khi giải quyết tranh chấp, Tòa sơ thẩm và Tòa phúc thẩm đã vận dụng các quy định của BLDS xuất phát từ việc một bên không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thanh toán.

                   Tuy nhiên, theo HĐTP “việc Toà án cấp sơ thẩm áp dụng các Điều 428 (quy định về hợp đồng mua bán tài sản), Điều 438 (quy định về nghĩa vụ trả tiền), Điều 476 (quy định về lãi suất) của Bộ luật dân sự năm 2005 và Toà án cấp phúc thẩm áp dụng các Điều 428 và 438 Bộ luật dân sự để giải quyết vụ án này là không đúng. Đối với vụ án này phải áp dụng quy định tại các Điều 300 (quy định về phạt vi phạm), Điều 301 (quy định về mức phạt vi phạm) và Điều 306 (quy định về yêu cầu tiền lãi do chậm thanh toán) Luật thương mại năm 2005 mới đúng” [4] [4].

                   Ở đây Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm đã áp dụng các quy định về xử lý vi phạm hợp đồng trong BLDS nhưng Hội đồng thẩm phán xác định cần áp dụng các quy định về xử lý vi phạm hợp đồng trong LTM. Điều này cho thấy khó khăn trong việc vận dụng các quy định về xử lý vi phạm hợp đồng và việc này xuất phát từ thực trạng vi phạm hợp đồng đều được điều chỉnh trong BLDS và LTM.

 

5. Ví dụ minh họa thứ hai. Trong thực tế có trường hợp Tòa án vừa vận dụng BLDS vừa vận dụng LTM đối với cùng một biện pháp và việc làm này đã không được Tòa giám đốc thẩm chấp nhận.

Ví dụ, từ tháng 1/2006 đến 6/2006, Công ty Huỳnh Long ký với vợ chồng ông Khang và bà Sen 42 hợp đồng mua bán thức ăn thủy sản. Trong các hợp đồng đều có quy định về lãi chậm trả tiền mua. Vụ việc đã được giải quyết ở cấp sơ và phúc thẩm. Tại cấp giám đốc thẩm, sau khi khẳng định « tranh chấp giữa Công ty Huỳnh Long và ông Khang là tranh chấp về kinh doanh, thương mại vì đây là tranh chấp phát sinh từ việc ký kết và thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa giữa một bên là tổ chức kinh tế (có đăng ký kinh doanh) và một bên là cá nhân (không có đăng ký kinh doanh) nhưng đều có mục đích lợi nhuận », Tòa giám đốc thẩm xét rằng « việc Tòa án cấp sơ thẩm vừa áp dụng Điều 306 Luật thương mại năm 2005, vừa áp dụng Điều 305 BLDS năm 2005 để giải quyết là có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật » [5] [5].

BLDS và LTM đều có biện pháp xử lý chậm thanh toán một khoản tiền nhưng mức lãi chậm trả theo quy định của pháp luật là khác nhau [6] [6]. Do đó, việc kết hợp cả hai văn bản trên là việc làm khó hiểu trong áp dụng pháp luật. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng sự lúng túng này một phần là do cùng tồn tại trong một hệ thống luật hai loại quy định như hiện nay của chúng ta.

 

6. Ví dụ minh họa thứ ba. Đôi khi Tòa án viện dẫn cả BLDS và LTM nhưng cuối cùng lại đã ưu tiên áp dụng các quy định của LTM hay của BLDS và việc này rất khó giải thích.

Chẳng hạn, có tòa án ưu tiên áp dụng chế định bồi thường thiệt hại trong LTM bên cạnh việc áp dụng một số quy định của BLDS. Ví dụ, liên quan đến tranh chấp về việc chấm dứt hợp đồng dịch vụ bảo vệ giữa hai công ty, Tòa án đã « áp dụng khoản 1, 4 Điều 426, khoản 1 Điều 525 Bộ luật dân sự; Điều 303, 307 và 317 Luật thương mại, Nghị định 70/CP ngày 12/6/1997 về lệ phí và án phí » [7] [7]. Điều 426 của Bộ luật dân sự liên quan đến « Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng dân sự » và Điều 525 liên quan đến « Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng dịch vụ » còn Điều 303 Luật thương mại liên quan đến « Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ». Sự đan xen như trên rất khó được lý giải. Tại sao lại ưu tiên áp dụng biện pháp bồi thường trong LTM mà không áp dụng bồi thường thiệt hại trong BLDS bên cạnh những quy định của BLDS mà chính Tòa án cũng đã áp dụng ? Một lần nữa chúng ta thấy sự lúng túng do cùng tồn tại trong BLDS và LTM biện pháp bồi thường thiệt hại nhưng lại thiếu sự thống nhất giữa hai đạo luật này.

LTM có chế định “tạm ngừng thực hiện hợp đồng”. Về phía mình, BLDS sử dụng thuật ngữ « hoãn » và cho phép một bên hoãn thực hiện hợp đồng tại Điều 415. Mặc dù đều cho phép một bên không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng khi đến hạn nhưng LTM và BLDS đưa ra những điều kiện rất khác nhau. Theo LTM, một bên chỉ được tạm ngừng thực hiện phần của mình khi bên kia “vi phạm cơ bản hợp đồng” (khoản 2 Điều 308). Quy định tương tự không tồn tại trong pháp luật dân sự nên vi phạm nhỏ hay vi phạm nghiêm trọng đều cho phép áp dụng việc hoãn thực hiện hợp đồng. Có lẽ về sự khác nhau trên mà đôi khi chúng ta thấy Tòa án ưu tiên áp dụng biện pháp của pháp luật dân sự trong khi Tòa án khẳng định cần phải áp dụng LTM. Ví dụ, DNTN Cà phê Napoli (do bà Hương làm chủ) ký hợp đồng bán cà phê cho Quán cà phê của bà Huỳnh Ngọc Điệp trong đó có thỏa thuận bên bán sẽ tài trợ cho bên mua một bảng hiệu hộp đèn, một tấm bạt và thay một số ghế cũ nhưng bên mua phải lấy trung bình mỗi tháng từ 30 kg trở lên và phải thực hiện trong thời hạn 2 năm, từ ngày 28/9/2006 đến ngày 28/9/2008. Sau đó đôi bên phát sinh tranh chấp và Tòa phúc thẩm đã công nhận hợp đồng. Bên cạnh đó, Tòa phúc thẩm còn xét rằng « hợp đồng này phải chịu sự điều chỉnh của Luật thương mại năm 2005 » và thực tế Tòa án đã áp dụng « Điều 302 và 303 của Luật thương mại năm 2005 ». Tuy nhiên, đối với quyền hoãn thực hiện hợp đồng của bên mua Tòa án lại áp dụng khoản 2 Điều 415 BLDS. Cụ thể, theo Tòa án, « bị đơn có quyền hoãn thực hiện nghĩa vụ của mình (là mua cà phê của nguyên đơn) cho đến khi nguyên đơn thực hiện việc thay một số ghế cũ cho bị đơn như đã thỏa thuận theo quy định tại khoản 2 Điều 415 của Bộ luật dân sự năm 2005 » [8] [8]. Nếu vận dụng chế định tạm ngừng thực hiện hợp đồng trong LTM thì rất khó thừa nhận quyền hoãn của bên mua trong vụ việc này. Bởi lẽ, rất khó khẳng định việc bên bán không thay thế ghế cũ là vi phạm cơ bản hợp đồng. Ngược lại, điều kiện này không tồn tại trong pháp luật dân sự nên việc áp dụng pháp luật dân sự thuận lợi hơn cho bên muốn thực hiện quyền hoãn. Tại sao Tòa án lại không áp dụng các quy định của LTM mà áp dụng chế định hoãn thực hiện hợp đồng trong BLDS trong khi đó chính Tòa án đã khẳng định hợp đồng này phải chịu sự điều chỉnh của LTM năm 2005 ? Một lần nữa cho thấy sự lúng túng xuất phát từ việc tồn tại song song các quy định về xử lý không thực hiện đúng hợp đồng trong LTM và BLDS nhưng với điều kiện áp dụng khác nhau.

 

7. Tiểu kết. Phần trình bày trên cho thấy đối với việc xử lý việc vi phạm hợp đồng, BLDS và LTM đều có quy định với tên gọi đôi khi khác nhau và với nội hàm khá khác nhau đối với cùng vấn đề.

Phần trên cũng cho thấy việc tồn tại song song trong hai văn bản này làm phát sinh nhiều bất cập trong thực tiễn xét xử tại Tòa án Việt Nam [9] [9].

Để hạn chế những bất cập trên và để pháp luật Việt Nam về xử lý vi phạm hợp đồng có tính thuyết phục cao, chúng ta sớm có sự thống nhất, sớm tìm ra chủ thuyết chung. Dưới đây là các luận cứ cho việc thống nhất pháp luật về việc xử lý vi phạm hợp đồng ở Việt Nam.

 

II- Luận cứ cho việc thống nhất pháp luật về xử lý việc vi phạm hợp đồng

 

8. Việc thống nhất pháp luật đã có tiền lệ thành công. Trước đây, trong một thời gian dài chúng ta có 03 văn bản điều chỉnh hợp đồng là Pháp lệnh hợp đồng kinh tế, BLDS năm 1995 và LTM năm 1997. Sự tồn tại song song này đã mang lại nhiều phiền phức, bất cập và chúng ta đã phải thay đổi khi sửa đổi BLDS và LTM năm 2005. Cụ thể, chúng ta đã bỏ Pháp lệnh hợp đồng kinh tế. Đồng thời chúng ta không giữ lại các quy định về giao kết hợp đồng của LTM năm 1995 trong LTM năm 2005 và để vấn đề này cho BLDS năm 2005 điều chỉnh. Như vậy, đối với vấn đề giao kết hợp đồng, hiện nay chúng ta chỉ có quy định trong một văn bản duy nhất là BLDS hiện hành.

                   Việc thống nhất pháp luật được tiến hành năm 2005 đã được thực tiễn chứng minh là rất thành công. Việc nhận thức và vận dụng các quy định về giao kết hợp đồng trong BLDS (cho hợp đồng dân sự, thương mại, kinh doanh hay kinh tế) đã bớt phức tạp; các bất cập từ việc tồn tại song song trong các văn bản khác nhau về cùng một vấn đề của hợp đồng liên quan đến giao kết hợp đồng đã được loại bỏ.

                   Như vậy việc thống nhất trong điều chỉnh một số vấn đề của hợp đồng đã có tiền lệ, đã được kiểm chứng trong thực tiễn là một sự thành công. Do đó, không có lý do gì có thể cản trở việc tiếp tục thống nhất pháp luật về xử lý việc vi phạm hợp đồng. Phần lớn các vấn đề chung liên quan đến hợp đồng đã được thống nhất trong một văn bản (BLDS). Chỉ còn một mảng vấn đề của hợp đồng chưa tìm được chủ thuyết và còn tồn tại trong BLDS và LTM. Đó chính là các quy định xử lý việc vi phạm hợp đồng. Việc tiến tới thống nhất các vấn đề liên quan đến vi phạm hợp đồng đang tồn tại song song trong BLDS và LTM chắc chắn sẽ đem lại sự thành công lớn cho pháp luật Việt Nam như việc thống nhất các quy định về giao kết hợp đồng đã kiểm chứng.

 

9. Việc thống nhất pháp luật hoàn toàn có cơ sở lý luận. Việc thống nhất pháp luật về xử lý việc không thực hiện đúng hợp đồng là hoàn toàn thuyết phục từ góc độ lý luận.

Các quan hệ “kinh doanh, thương mại, lao động xét về bản chất đều có chung nguồn gốc là quan hệ dân sự. Mặc dù trong hệ thống pháp luật của nước ta, các quan hệ nói trên được điều chỉnh bởi một số đạo luật chuyên ngành (Luật hôn nhân và gia đình, Luật lao động, Luật thương mại, Luật Doanh nghiệp…), song do về bản chất, chúng đều là quan hệ dân sự (được xác lập trên cơ sở tự nguyện, tự thỏa thuận, các bên bình đẳng với nhau về địa vị pháp lý khi tham gia quan hệ)” [10] [10]. Do đó, cũng như vấn đề giao kết hợp đồng đã được thống nhất trong BLDS, chúng ta hoàn toàn có thể thống nhất vấn đề xử lý vi phạm hợp đồng trong một văn bản.

Thêm nữa, “nhóm các quan hệ thương mại là một bộ phận nằm trong các giao dịch dân sự. Đối tượng điều chỉnh của Luật Thương mại là một nhóm quan hệ mang tính chất giống nhau và nằm trong số các giao dịch là đối tượng điều chỉnh của Luật Dân Sự, phương pháp điều chỉnh của Luật Dân sự và Luật Thương mại hoàn toàn giống nhau, cả hai đều điều chỉnh các quan hệ tài sản mang tính hàng hóa và tiền tệ trên cơ sở bình đẳng về địa vị pháp lý của các chủ thể ”12 Điều này một lần nữa cho phép khẳng định việc thống nhất pháp luật về xử lý vi phạm hợp đồng là có thể, lôgic.

 

10. Việc thống nhất pháp luật làm cho pháp luật Việt Nam tương đồng với thế giới. Việc phân biệt phân biệt pháp luật dân sự và pháp luật thương mại không mới trong khoa học pháp lý. Từ đầu thế kỷ thứ 19, Pháp đã có sự phân định này thông qua việc ban hành BLDS năm 1804 và BLTM năm 1807 (ý tưởng hình thành pháp luật thương mại đã có từ trước nhưng chỉ thực sự rõ nét với việc ban hành BLTM năm 1807). Cho đến nay sự phân biệt giữa pháp luật dân sự và pháp luật thương mại vẫn được duy trì và nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam theo hướng này.

Thông quan phần trên, chúng ta thấy có sự tương đồng giữa pháp luật Việt Nam và pháp luật một số nước liên quan đến sự phân biệt giữa pháp luật dân sự và pháp luật thương mại. Tuy nhiên, đó chỉ là sự tương đồng bề ngoài. Khi xem xét nội hàm của pháp luật dân sự và pháp luật thương mại của pháp luật Việt Nam và của Pháp, chúng ta sẽ thấy rất khác nhau và hoàn cảnh của Việt Nam có thể được coi là “độc nhất vô nhị”, nhất là khi chúng ta xem xét vấn đề xử lý vi phạm hợp đồng. Cụ thể như sau: Việc xử lý vi phạm hợp đồng thương mại là công việc hàng ngày của các luật gia Pháp (nhất là Tòa án). Tuy nhiên, quy định mà các luật gia Pháp sử dụng để xử lý vi phạm hợp đồng không phải là BLTM vì BLTM không có quy định về xử lý vi phạm hợp đồng như LTM của Việt Nam hiện nay. Để giải quyết các vấn đề về vi phạm hợp đồng thương mại, các luật gia Pháp chỉ phải xem xét các quy định trong pháp luật dân sự (áp dụng cho quan hệ dân sự thuần túy cũng như thương mại).

                   Như vậy, cũng như Việt Nam, Pháp có phân biệt pháp luật dân sự (thể hiện chủ yếu trong BLDS) và pháp luật thương mại (thể hiện chủ yếu trong BLTM). Tuy nhiên, đối với xử lý vi phạm hợp đồng thương mại, Pháp không có quy định trong pháp luật thương mại như chúng ta: vi phạm hợp đồng dân sự và hợp đồng thương mại ở Pháp được xử lý giống nhau bằng một hệ thống quy phạm thống nhất trong pháp luật dân sự. Nghiên cứu thực tiễn áp dụng pháp luật Việt Nam và pháp luật Pháp chúng ta thấy hệ thống pháp luật Việt Nam về xử lý vi phạm hợp đồng phức tạp hơn nhiều và một phần của sự phực tạp này là do chúng ta chưa tìm ra chủ thuyết, chưa thống nhất được các quy định trong cùng một văn bản.

 

III- Cách thức thống nhất pháp luật về xử lý việc vi phạm hợp đồng

 

10. Thống nhất các biện pháp xử lý vi phạm hợp đồng trong BLDS. Hai phần trên cho thấy việc tồn tại trong BLDS cũng như LTM các quy định về xử lý vi phạm hợp đồng và những bất cập từ sự tồn tại song song này. Phần trên cũng cho thấy việc thống nhất pháp luật về chủ đề này là nên làm. Vấn đề đặt ra là chúng ta tiến hành thống nhất như thế nào?

Ở Trung Quốc, trong một thời gian dài, các quy định về hợp đồng nằm trong nhiều văn bản. Nhận thức được sự phức tạp từ sự tản mản và chồng chéo này, Trung Quốc đã tiến hành thống nhất pháp luật về hợp đồng. Ngày nay, các vấn đề về hợp đồng được điều chỉnh chung trong một đạo Luật. Chúng ta có nên theo hướng của Trung Quốc bằng các ban hành một đạo Luật quy định chung về hợp đồng trong đó có xử lý vi phạm hợp đồng không? Thiết nghĩ là không vì lý do sau: Trung Quốc chưa xây dựng được BLDS như Việt Nam (họ vẫn đang cố gắng xây dựng) nên việc Trung Quốc xây dựng một đạo Luật chung về hợp đồng là thuyết phục. Ngược lại, Việt Nam đã có một BLDS khá tốt trong đó đã có quy định về hầu hất các vấn đề chung của hợp đồng. Việc chúng ta xây dựng một đạo Luật chung về hợp đồng như Trung Quốc sẽ làm vô hiệu hóa các quy định hiện hành trong BLDS. Đây là điều không nên làm vì nhìn một cách tổng thể BLDS có rất nhiều ưu điểm.

Có nên thống nhất pháp luật về xử lý vi phạm hợp đồng trong LTM không? Câu trả lời cũng là không. Bởi lẽ, LTM chỉ có phạm vi điều chỉnh quan hệ thương mại. Bên cạnh đó, Điều 1 BLDS quy định BLDS điều chỉnh cả quan hệ “kinh doanh, thương mại”. Do đó, chúng ta nên thống nhất các quy định về xử lý việc vi phạm hợp đồng trong BLDS. Điều đó cũng có nghĩa là chúng ta sẽ bỏ các quy định về xử lý vi phạm hợp đồng từ Điều 292 đến 316 trong LTM.

                  

11. Kế thừa và phát huy những ưu điểm của LTM. Chúng ta đã thành công khi bỏ các quy định về giao kết hợp đồng trong Luật thương mại và thống nhất dùng BLDS để điều chỉnh. Chỉ còn cái « đuôi » của chế định hợp đồng (xử lý việc không thực hiện đúng hợp đồng) được giữ lại trong LTM và việc giữ lại cái « đuôi » này chỉ đem lại sự « bất tiện ». Chúng ta nên đi xa hơn trong việc lập pháp bằng quyết tâm cắt nốt cái « đuôi » này khỏi LTM và để BLDS thống nhất điều chỉnh như vấn đề giao kết hợp đồng.

Điều đó không có nghĩa là chúng ta « vứt bỏ » hoàn toàn những giải pháp trong LTM. Ngoài việc hoàn thiện các quy định hiện hành của BLDS về chủ đề này, chúng ta nên chắt lọc những quy định tốt nhất trong LTM về việc không thực hiện đúng hợp đồng để hoàn thiện BLDS. Chúng ta nên tìm ra một « chủ thuyết » để thống nhất điều chỉnh vấn đề này trong BLDS như đã làm đối với giao kết hợp đồng.

Ví dụ, về bồi thường thiệt hại LTM rất thuyết phục khi không coi yếu tố « lỗi » là căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường và cho phép rõ ràng bồi thường « khoản lợi đáng lẽ được hưởng » nếu hợp đồng được thực hiện đúng [11] [11]. Những quy định này nên được đưa vào BLDS. Ngoài việc cho phép bên không thực hiện đúng hợp đồng được miễn trách nhiệm khi có sự kiện bất khả kháng, LTM còn cho phép miễn trách nhiệm bồi thường khi việc không thực hiện đúng hợp đồng là do thực hiện một quyết định hành chính. Quy định này cũng nên được ghi nhận trong BLDS. Tương tự, về đơn phương chấm dứt, hủy bỏ hợp đồng, LTM rất thuyết phục khi đưa ra tiêu chí chung để cho phép đơn phương chấm dứt, hủy bỏ hợp đồng khi một bên « vi phạm cơ bản hợp đồng » [12] [12]. Tiêu chí có tính bao quát chung không tồn tại trong BLDS. Chúng ta nên kế thừa ý tưởng này trong BLDS.

 

12. Kết luận. Nhìn vào thực tiễn thế giới, nhiều quốc gia theo truyền thống dân luật cũng không phân định chế tài thương mại và chế tài dân sự. Bộ luật dân sự Quebec là văn bản áp dụng cho mọi loại hợp đồng, trong đó có cả hợp đồng thương mại. Ở Pháp, tồn tại BLDS và Bộ luật thương mại nhưng Bộ luật thương mại không có quy định về giao kết (như chúng ta) và xử lý việc không thực hiện đúng hợp đồng (khác với chúng ta). Ở đây, họ đã thống nhất các quy định chung về hợp đồng (trong đó cả các quy định về xử lý việc không thực hiện đúng hợp đồng) trong BLDS và thực tế cho thấy quan hệ thương mại vẫn phát triển tốt, thực tiễn xét xử không lúng túng như chúng ta.

Chưa có công trình nào được công bố khẳng định tính ưu việt của việc cùng tồn tại trong một hệ thống pháp luật hai loại quy định như hiện nay trong Bộ luật dân sự và Luật thương mại về không thực hiện đúng hợp đồng. Ngược lại, quan sát thực tiễn áp dụng thì chúng ta thấy việc tồn tại song song này mang lại nhiều bất cập, lúng túng. Ngày nay chúng ta đã thống nhất được phần lớn các vấn đề liên quan đến hợp đồng trong một văn bản và sự thống nhất này đã gặt hái được thành công so với việc tồn tại song song các quy định trong nhiều văn bản khác nhau (về cùng một chủ đề).

Do đó, theo chúng tôi, chúng ta nên sớm thống nhất pháp luật về xử lý việc vi phạm hợp đồng bằng cách bỏ các quy định từ Điều 292 đến 316 của LTM và hoàn thiệt các quy định trong BLDS (trong đó có kế thừa ưu điểm của LTM) về xử lý việc vi phạm nghĩa vụ hợp đồng.

 


* Tiến sỹ luật học, Quyền Trưởng Khoa Luật Dân sự, ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh.

[1] [1] Điều 4 là điều luật đầu tiên trong số các nguyên tắc cơ bản của BLDS đã quy định “ cam kết, thoả thuận hợp pháp có hiệu lực bắt buộc thực hiện đối với các bên”.

[2] [2] Xem Đỗ Văn Đại , Các biện pháp xử lý việc không thực hiện đúng hợp đồng trong pháp luật Việt Nam , Nxb. CTQG 2010.

[3] [3] Về những điểm và khác nhau này, xem thêm Đỗ Văn Đại, Các biện pháp xử lý việc không thực hiện đúng hợp đồng trong pháp luật Việt Nam, Nxb. CTQG 2010.

[4] [4] Quyết định số 03/2009/GĐT-KDTM ngày 9/4/2009 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

[5] [5] Quyết định số 17/2009/DS-GĐT ngày 29/6/2009 của Tòa dân sự Tòa án nhân dân tối cao.

[6] [6] Xem thêm Đỗ Văn Đại , Các biện pháp xử lý việc không thực hiện đúng hợp đồng trong pháp luật Việt Nam , Nxb. CTQG 2010, phần số 80 và tiếp theo.

[7] [7] Bản án số 178/2007/KDTM ngày 5/9/2007 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội.

[8] [8] Bản án số 1350/2008/KDTM-PT ngày 17/11/2008 của Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh.

[9] [9] Trong các quyết định của Trọng tài, người đọc cũng thấy nhiều bất cập liên quan đến việc xử lý vi phạm hợp đồng. Trong không hiếm trường hợp người đọc phán quyết trọng tài thấy phần đầu Trọng tài xác định quan hệ có tranh chấp là quan hệ thương mại nhưng khi vận dụng quy định để giải quyết tranh chấp lại áp dụng BLDS trong khi đó LTM cũng có quy định về vấn đề Trọng tài giải quyết.

[10] [10] Đinh Trung Tụng (chủ biên), Bình luận những nội dung mới của BLDS, NXB. Tư pháp, 2005, tr. 26.

[11] [11] Về vấn đề này, xem thêm Đỗ Văn Đại, Luật hợp đồng Việt Nam-Bản án và Bình luận bản án, Nxb. CTQG 2011 (tái bản lần thứ ba), Bản án số 63 và 64.

[12] [12] Về vấn đề này, xem thêm Đỗ Văn Đại, Luật hợp đồng Việt Nam-Bản án và Bình luận bản án, Nxb. CTQG 2011 (tái bản lần thứ ba), Bản án số Bản án số 75 và 76.

Các văn bản liên quan