Ý kiến về Dự thảo Báo cáo kết quả rà soát Luật Hải quan năm 2001 và Luật Hải quan sửa đổi năm 2005 – Bà Trần Thị Tố Uyên

Thứ Bảy 21:52 03-09-2011

Ý kiến về Dự thảo Báo cáo kết quả rà soát Luật Hải quan năm 2001 và Luật Hải quan sửa đổi năm 2005

 

Trần Thị Tố Uyên - Quản lý Chương trình cao cấp, Dự án Sáng kiến cạnh tranh Việt Nam (VNCI)

I. Nhận xét chung

Báo cáo đã nghiên cứu, xem xét khá toàn diện và tổng thể các vấn đề. Các tiêu chí rà soát khá đầy đủ, toàn diện và phù hợp với phương pháp tiếp cận của Đề án 30 về cải cách thủ tục hành chính. Mặc dù tiêu chí rà soát không đề cập đến tính cần thiết của các quy định, tuy nhiên, trong báo cáo đã có cân nhắc, xem xét tính cần thiết của một số quy định và đề xuất loại bỏ các quy định không cần thiết, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Tập trung vào 4 vấn đề là tính minh bạch, thống nhất, hợp lý và khả thi. 4 tính này khá là phù hợp với đề án mà chúng tôi hỗ trợ. Chỉ có tính cần thiết là anh chị chưa đề cập đến. Tuy nhiên trong báo cáo thì tôi đã thấy có hiện diện tính cần thiết trong này.

Đề xuất chung:

1. Đề nghị nhóm nghiên cứu, rà soát bổ sung thông tin và phân tích sâu hơn đối với 4 nhóm vấn đề lớn sau đây (đã được đề cập trong báo cáo):

- Cơ chế phối hợp giữa cơ quan hải quan và các bộ, ngành chuyên môn liên quan đến thủ tục hải quan nhằm: thống nhất và quy định chi tiết các loại chứng từ cần có trong hồ sơ hải quan, cần chú trọng đến các loại chứng từ theo thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau giữa Việt Nam và các nước đã cam kết, tránh quy định chung chung “chứng từ khác”; phối hợp kiểm tra thực tế hàng hóa giữa cơ quan hải quan và các bộ, ngành chuyên môn, giảm phiền hà cho các doanh nghiệp.

Khi rà soát Đề án 30 thì chúng tôi đã đưa vào Nghị định 68. Cơ chế phối hợp không chỉ liên quan đến thủ tục thông quan hải quan mà còn bao gồm trong đó đến thống nhất các chứng từ giữa cơ quan hải quan và các bộ ngành liên quan. Kể cả sử dụng những thỏa thuận lẫn nhau giữa các nước.thì chúng tôi muốn bên làm luật tập trung vào làm chi tiết vấn đề này.

Về kiểm tra thực tế hàng hóa có những ngành chuyên môn mà yêu cầu có nhiều ngành tham gia khi  thông quan hàng hóa. Ví dụ như kiểm dịch vệ sinh, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm hay kiểm tra chất lượng hàng hóa thì chúng tôi mong Bộ tài chính xây dựng cơ chế phối hợp giữa hải quan với các bộ ngành liên quan để giải quyết vấn đề này.

- Hải quan điện tử: những kinh nghiệm từ thực tiễn thí điểm hải quan điện tử và thể chế hóa các quy định mang tính thực tiễn này, có tham khảo kinh nghiệm quốc tế.

- Phát triển dịch vụ cảng trung chuyển: bổ sung những kinh nghiệm thực tiễn về phát triển khu trung chuyển và cảng trung chuyển để xây dựng cơ chế phối hợp giữa Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải cho phù hợp.

Có những bài báo viết rằng hiện nay cảng trung chuyển của chúng ta chưa phát triển nên đã mất rất nhiều cơ hội cho các nước khác cung cấp dịch vụ này.

- Dịch vụ vận tải đa phương thức quốc tế: bổ sung những vướng mắc từ thực tiễn triển khai khi chưa được quy định trong Luật, bổ sung những kinh nghiệm quốc tế. Vì đây là loại hình vận tải mới phát sinh tại Việt Nam, chưa được quy định trong Luật, do đó, phát sinh nhiều vướng mắc khi thực thi.

2. Những lưu ý khi nghiên cứu và xây dựng báo cáo đề xuất sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật

- Về xác định vấn đề: khi xác định vấn đề cần tập trung phân tích các nguyên nhân làm phát sinh vấn đề, không phân tích các hậu quả. Vì hậu quả chỉ là phần ngọn, nguyên nhân là gốc làm phát sinh vấn đề. Do đó, quy định cần giải quyết tận gốc những nguyên nhân sâu xa làm phát sinh vấn đề.

- Về đề xuất: đề xuất sửa các quy định trong văn bản quy phạm pháp luật cần chú trọng tới quy định giải quyết bản chất vấn đề, không giải quyết hình thức vấn đề.             Ví dụ các tiêu chí để xét một doanh nghiệp ưu tiên thì chúng ta nên xét về bản chất chứ không nên xét về họ vi phạm 5 lần hay 10 lần, những lần vi phạm đấy là họ cố tình hay không cố tình.

- Kinh nghiệm quốc tế: cần bổ sung kinh nghiệm quốc tế để lập luận cho đề xuất có sức thuyết phục hơn.

Nếu đưa vào quy định là cơ quan nhà nước quy định cụ thể ai chịu trách nhiệm về phần thuế, lệ phí hải quan thì như thế có phải cơ quan nhà nước can thiệp quá sâu vào doanh nghiệp hay không? Chúng ta nên giảm sự can thiệp của cơ quan quản lý nhà nước.

- Về tiêu chí rà soát: cần tập trung hơn nữa các tiêu chí về “tính khả thi” và “sự cần thiết” của các quy định.

II. Nhận xét cụ thể

1. Về việc giao dịch với cơ quan hải quan qua bên thứ ba

Vấn đề:

Không tuân thủ các chuẩn mực của Công ước Kyoto (Chuẩn mực 8.2, 8.5, 8.6, 8.7 Phụ lục tổng quát). Cụ thể:

- Quy định bên thứ ba giới hạn là đại lý hải quan

- Chưa quy định rõ trách nhiệm của bên thứ ba về nghĩa vụ thuế, phí, lệ phí hải quan và các hành vi vi phạm của bên thứ ba

Căn cứ pháp lý: sửa Luật hải quan, Nghị định số 14/2011/NĐ-CP

Ý kiến:

- Đồng ý với điểm 1.

- Đồng ý với điểm 2. Tuy nhiên, có nên để các bên tự thỏa thuận trong hợp đồng giữa doanh nghiệp và bên thứ ba, tránh sự can thiệp của cơ quan hành chính nhà nước ở quy định này? Kinh nghiệm quốc tế?

Đề xuất:              

- Mở rộng đối tượng là bên thứ ba, bao gồm đại lý hải quan, công ty giao nhận, đại lý vận tải…

- Quy định rõ trách nhiệm của bên thứ ba về nghĩa vụ thuế, phí, lệ phí hải quan và các hành vi vi phạm của bên thứ ba.

Tuy nhiên, cần phân tích và nghiên cứu thực tiễn các nước về quy định đối với các trường hợp này, nhất là về thuế, phí, lệ phí hải quan à Nên để các bên tự thỏa thuận trong hợp đồng giữa doanh nghiệp và bên thứ ba, cơ quan nhà nước không nên can thiệp?

2. Về người khai hải quan

Vấn đề: Khái niệm “người khai hải quan” quy định tại Nghị định số 154/2005/NĐ-CP hẹp so với định nghĩa ở Luật hải quan và Công ước Kyoto.

Công ước: bất cứ người nào có quyền sắp đặt hàng hóa

Luật: người được chủ hàng, chủ phương tiện vận tải ủy quyền

Nghị định: người được ủy quyền khai và làm thủ tục; đại lý làm thủ tục hải quan

Căn cứ pháp lý: Nghị định số 154/2005/NĐ-CP

Ý kiến: Đồng ý

Đề xuất:

Mở rộng định nghĩa tại Nghị định nhằm loại bỏ hạn chế áp dụng một số điều kiện giao hàng như EXW, DPP

 

 

3. Về thời hạn khai và nộp tờ khai hải quan, giá trị của tờ khai hải quan

Vấn đề:

- Quy định về thời hạn khai và nộp tờ khai hải quan chưa hợp lý, không đủ thời gian để thực hiện đối với một số trường hợp. Chưa tuân thủ chuẩn mực 3.24 và 3.24 Công ước Kyoto: “thời hạn phải đủ để cho phép người khai hải quan hoàn thành tờ khai hàng hóa và thu được các chứng từ đi kèm theo yêu cầu”; và “nếu có lý do chính đáng, cơ quan hải quan phải gia hạn thời hạn đã quy định cho việc nộp tờ khai hàng hóa”

Luật hải quan quy định về thời hạn khai và nộp tờ khai hải quan trước hoặc trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hàng về đến cửa khẩu

Luật và các văn bản hướng dẫn không quy định “gia hạn” tờ khai hải quan

- Quy định về giá trị hiệu lực của tờ khai hải quan không hợp lý, không đủ thời gian để thực hiện đối với một số trường hợp.

Luật: tờ khai hải quan có giá trị làm thủ tục hải quan trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày đăng ký

Nghị định 154/2005: Không quy định chi tiết nội dung này

Thông tư 79/2009/TT-BTC: đảm bảo “nhận hàng/đưa hàng đến cửa khẩu/xuất trình hàng hóa để kiểm tra” trong thời hạn 15 ngày

Thông tư 194/2010/TT-BTC: đảm bảo “làm xong thủ tục hải quan” trong thời hạn 15 ngày

Căn cứ pháp lý: Luật, Nghị định 154, Thông tư 79/2009, Thông tư 194/2010

Ý kiến:

- Đồng ý với điểm 1, 2

Đề xuất:

- Bỏ quy định về thời hạn khai và nộp tờ khai hải quan

- Bỏ quy định về thời hạn hiệu lực của tờ khai hải quan

4. Quy định về hồ sơ hải quan

Vấn đề:

- Luật và các văn bản hướng dẫn quy định chưa cụ thể về các chứng từ phải nộp. Quy định “chứng từ khác” – liên quan tới nhiều bộ, ngành

- Chứng từ thanh khoản còn rườm rà, nhiều loại chứng từ hải quan đã lưu

- Yêu cầu cung cấp những giấy tờ không cần thiết: hợp đồng mua bán hoặc giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương, vì đa số hàng hóa xuất khẩu có thuế xuất 0%.

Căn cứ pháp lý: Luật, Nghị định 154, Thông tư 79/2009, Thông tư 194/2010

Ý kiến:

- Đồng ý điểm 1

- Không đồng ý điểm 2: cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, hệ thống công nghệ thông tin giữa tổng cục, cục và chi cục chưa tích hợp, nên cơ quan hải quan các cấp chưa đủ điều kiện để chia sẻ thông tin. Do đó, để tránh gian lận (ví dụ: một tờ khai thanh khoản 2 lần…), quy định yêu cầu doanh nghiệp cung cấp lại tờ khai hải quan để đóng dấu đã thanh khoản.

- Không đồng ý điểm 3: một số trường hợp phải kiểm tra kết hợp cả chứng từ và hàng hóa để xác định thuế suất, nên vẫn cần yêu cầu cung cấp hợp đồng mua bán

Đề xuất:

- Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xác định những chứng từ liên quan cần xuất trình để được xuất, nhập khẩu hàng, cần áp dụng cả các quy định về thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau giữa các nước – thực hiện đúng phương án đơn giản hóa tại Nghị quyết 68/NQ-CP

5. Quy định về thời hạn bổ sung, sửa chữa, hủy tờ khai hải quan

Vấn đề:

- Quy định về khai bổ sung chưa thống nhất giữa các VBQPPL (Luật hải quan: 6 tháng kể từ ngày đăng ký tờ khai; Luật thuế XNK và Luật quản lý thuế: 60 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai) à Doanh nghiệp chịu phạt vì cách thực hiện thủ tục khác nhau giữa các cơ quan hải quan

- Quy định về khai bổ sung, điều chỉnh tờ khai chưa hợp lý. Cụ thể, nếu ảnh hưởng đến số thuế phải nộp: chỉ cho phép thực hiện trước thời điểm kiểm tra thực tế hoặc miễn kiểm tra thực tế; nếu ảnh hưởng đến số thuế phải nộp: được điều chỉnh trong 60 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai

- Thời hạn khai bổ sung 60 ngày là quá ngắn, vì sai sót thường được phát hiện trong quá trình lập báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán, kiểm kê cuối năm.

- Các VBQPPL chưa quy định về hủy tờ khai hải quan

Căn cứ pháp lý: Luật hải quan, Nghị định 154/2005, Thông tư 79/2009, Thông tư 194/2010

Ý kiến:

- Đồng ý điểm 1

- Không đồng ý điểm 2, 3: không nên liên hệ việc nộp thuế XNK với việc lập báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán, kiểm kê cuối năm. Riêng thuế XNK tách biệt với báo cáo tài chính. Ngoài ra, quy định hiện tại làm tăng trách nhiệm của doanh nghiệp trong quá trình kiểm soát hàng hóa XNK

- Không đồng ý điểm 4: quy định về hủy tờ khai hải quan tại Điều 13 Thông tư 79/2009; Điều 13 Thông tư 194/2010/TT-BTC

Đề xuất:

- Thống nhất quy định về khai bổ sung giữa các VBQPPL

6. Quy định về nộp tờ khai tạm còn chưa thống nhất, chưa hợp lý

- Quy định về tờ khai tạm tại Nghị định 154/2005 chưa thống nhất với Luật hải quan và Công ước Kyoto. Nghị định 154/2005 hạn chế các trường hợp chấp nhận tờ khai tạm

Căn cứ pháp lý: Luật hải quan, Nghị định 154/2005

Ý kiến:

Đồng ý

Đề xuất: Mở rộng các trường hợp được phép áp dụng tờ khai tạm để thông quan hàng hóa (nêu kinh nghiệm quốc tế để tham khảo và xem xét tính khả thi khi ứng dụng vào thực tiễn Việt Nam)

7. Quy định việc cho phép giải phóng hàng trước

Vấn đề:

- Chưa thống nhất với chuẩn mực 3.41 Phụ lục tổng quát Công ước Kyoto. Công ước Kyoto cho phép giải phóng hàng trước, tuy nhiên, Luật hải quan và các văn bản hướng dẫn chưa cho phép

Căn cứ pháp lý: Luật hải quan, Nghị định 154/2005, Thông tư 79/2009

Ý kiến:

Không đồng ý: Khoản 3 Điều 25 Thông tư số 194/2010/TT-BTC đã cho phép người khai hải quan được nhận hàng trước và nợ chứng từ

8. Quy định về xác định trị giá hải quan

Vấn đề:

- Quy định về xác định trị giá hải quan chưa hợp lý đối với trường hợp vận tải đa phương thức

Khoản 2 Điều 4 Nghị định 40/2007: quy định trị giá tính thuế là giá thực tế phải trả tính đến cửa khẩu nhập đầu tiên.

Khoản 5 Điều 2 Nghị định 49/2007: định nghĩa “cửa khẩu nhập đầu tiên” là cảng đích ghi trên vận tải đơn.

Điểm không hợp lý: trường hợp “cảng đích ghi trên vận đơn” là một địa điểm nằm trong nội địa (vận tải đa phương thức).

+ Nếu doanh nghiệp cấp vận đơn là doanh nghiệp nước ngoài trực tiếp vận chuyển thì doanh nghiệp này phải chịu thuế nhà thầu theo quy định tại Thông tư 134/2008/TT-BTC.

+ Nếu doanh nghiệp cấp vận đơn là doanh nghiệp nước ngoài thuê doanh nghiệp Việt Nam vận chuyển chặng nội địa thì doanh nghiệp Việt Nam phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp

Như vậy, đối với trường hợp sử dụng vận tải đa phương thức quốc tế, việc cộng trị giá vận chuyển từ cửa khẩu đến địa điểm giao hàng ghi trên vận đơn vào trị giá tính thuế hàng nhập khẩu là không phù hợp. Vì như vậy, giá vận chuyển phải chịu 1 lần thuế thu nhập doanh nghiệp, 1 lần thuế nhập khẩu và 2 lần thuế GTGT.

Căn cứ pháp lý: Luật hải quan, Nghị định 40/2007, Thông tư 205/2010/TT-BTC

Ý kiến:

- Đồng ý sửa quy định liên quan đến xác định trị giá hải quan để tính thuế xuất nhập khẩu đối với trường hợp vận tải đa phương thức.

- Không đồng ý: cách lập luận liên quan đến các khái niệm “cửa khẩu nhập đầu tiên”, “cảng đích ghi trên vận đơn”, vì khi xem xét cần chú trọng đến bản chất vấn đề, không chú trọng đến hình thức.

Đề xuất:

- Sửa đổi quy định về xác định trị giá tính thuế tại các văn bản pháp luật liên quan, tính đến các trường hợp sử dụng vận tải đa phương thức quốc tế (là loại hình vận tải mới phát sinh).

9. Lựa chọn địa điểm và thời gian làm thủ tục hải quan

Vấn đề:

- Chưa thống nhất với Chuẩn mực 3.2 Công ước Kyoto.

Công ước Kyoto cho phép thực hiện các chức năng phục vụ mục đích giải quyết thủ tục hải quan ngoài giờ hành chính và bên ngoài trụ sở hải quan.

Luật hải quan chưa quy định cơ chế làm thủ tục hải quan ngoài trụ sở hải quan

Thông tư 194/2010 chỉ cho phép hải quan kiểm tra thực tế ngoài trụ sở hải quan; đồng thời cho phép kiểm tra thực tế và thông quan hàng hóa ngoài giờ hành chính.

Chưa có quy định về việc tiếp nhận, đăng ký tờ khai và kiểm tra hồ sơ ngoài giờ hành chính.

Căn cứ pháp lý: Luật hải quan, Nghị định 154, Thông tư 79/2009, Thông tư 194/2010

Ý kiến: Đồng ý

Đề xuất:

- Sửa Luật và các văn bản hướng dẫn theo hướng: quy định các trường hợp được thực hiện thủ tục hải quan ngoài trụ sở hải quan; quy định các hoạt động liên quan đến giải quyết thủ tục hải quan được thực hiện ngoài giờ hành chính, bao gồm cả đăng ký tờ khai và kiểm tra hồ sơ

10. Cơ chế kiểm tra thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; cơ chế phối hợp kiểm tra giữa các ngành

Vấn đề:

- Quy định chưa thống nhất giữa Luật và các văn bản hướng dẫn về cơ chế kiểm tra thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu

Điều 30 Luật hải quan quy định các trường hợp được miễn kiểm tra thực tế hàng hóa

Điều 29 Duật hải quan quy định thủ trưởng cơ quan hải quan quyết định hình thức kiểm tra thực tế

Khoản 2.c Điều 11 Nghị định 154 quy định kiểm tra xác suất để đánh giá việc chấp hành pháp luật hải quan của chủ hàng không quá 5% tổng số tờ khai hải quan

- Chưa có văn bản hướng dẫn về việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong kiểm tra hàng hóa

Chuẩn mực 3.35 Công ước Kyoto quy định phải đảm bảo các hoạt động kiểm tra được phối hợp với nhau và nếu có thể, được tiến hành vào cùng thời điểm nếu có nhiều cơ quan tham gia kiểm tra hàng hóa

Điều 24 Luật hải quan quy định tương tự và giao Chính phủ hướng dẫn

Căn cứ pháp lý: Luật hải quan, Nghị định 154

Ý kiến:

- Không đồng ý với điểm 1: Điều 29 và 30 Luật hải quan năm 2001 đã được sửa đổi tại Khoản 18, 19 Điều 1 Luật hải quan sửa đổi năm 2005.

- Đồng ý với điểm 2. Nghị quyết 68/NQ-CP đã giao Bộ Tài chính xây dựng cơ chế phối hợp giữa cơ quan hải quan và các bộ, ngành chuyên môn trong kiểm tra thực tế hàng hóa

Đề xuất

- Đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ chế phối hợp giữa cơ quan hải quan và các Bộ, ngành liên quan trong kiểm tra thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu nhằm mục đích thông quan

11. Quy định địa điểm kiểm tra hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu

Vấn đề:

- Việc quy định phải đưa hàng hóa đến địa điểm được quy định cho việc kiểm tra hàng hóa thực tế là chưa phù hợp (Điểm b Khoản 1 Điều 16, Khoản 5 Điều 30 Luật hải quan sửa đổi năm 2005)

Căn cứ pháp lý: Luật hải quan

Ý kiến: Xem xét lại, vì thực tế một số trường hợp được phép kiểm tra tại trụ sở của chủ hàng

 

 

 

12. Chế độ ưu tiên đối với doanh nghiệp tuân thủ pháp luật

Vấn đề:

- Quy định về tiêu chí để xác định mức độ tuân thủ pháp luật về hải quan để áp dụng cơ chế ưu tiên tại các văn bản hướng dẫn chặt chẽ hơn các văn bản của cơ quan cấp trên (Khoản 4 Điều 3 Thông tư 194/2010 vs. Khoản 2 Điều 6 Nghị định 154)

- Quy định thiếu cụ thể về tiêu chí xác định 365 ngày

- Quy định về thời gian tối thiểu 365 ngày có hoạt động xuất nhập khẩu là chưa hợp lý, vì một số doanh nghiệp lớn tuân thủ pháp luật tốt, tuy nhiên, mới có hoạt động xuất nhập khẩu tại Việt Nam sẽ không đáp ứng tiêu chí này

- Các chế độ ưu tiên chưa đủ so với quy định tại Chuẩn mực 3.32 Công ước Kyoto

Căn cứ pháp lý: Luật hải quan, Nghị định 154, Thông tư 194/2010

Ý kiến:

- Không đồng ý với điểm 1: Thực tế Nghị định 154 giao Bộ Tài chính quy định chi tiết các tiêu chí đánh giá mức độ tuân thủ. Do đó, Thông tư 194 chỉ cụ thể hóa các quy định tại Nghị định 154. Tuy nhiên, quy định về hành vi vi phạm nêu trong Thông tư 194 chưa nhấn mạnh đến việc xem xét bản chất của hành vi vi phạm (sai sót do cố ý hay không cố ý)

- Không đồng ý với điểm 2: tiêu chí xác định 365 ngày là đã cụ thể

- Không đồng ý với điểm 3: thông thường bất cứ hoạt động nào mới đều dễ xảy ra sai sót do thiếu kinh nghiệm. Do đó, không thể khẳng định một doanh nghiệp lớn, tuân thủ tốt pháp luật, nhưng mới phát sinh nghiệp vụ xuất nhập khẩu mà không có sai sót.

- Đồng ý một phần với điểm 4. Không đồng ý với quan điểm không kiểm tra sau thông quan tại trụ sở doanh nghiệp đối với các trường hợp được ưu tiên, vì việc kiểm tra tính tuân thủ cần được thực hiện dưới mọi hình thức.

 

Đề xuất:

- Chuẩn hóa các tiêu chí xác định mức độ tuân thủ pháp luật hải quan đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu để xét ưu tiên, trong đó chú trọng đến bản chất của các hành vi vi phạm

- Xem xét áp dụng các chế độ ưu tiên theo công ước Kyoto: sử dụng sổ sách theo dõi và báo cáo hàng hóa xuất nhập khẩu có chữ ký của người có thẩm quyền của doanh nghiệp

13. Quy định về một số thủ tục hành chính, báo cáo

Vấn đề:

- Một số thủ tục hành chính được quy định trái với văn bản quy phạm pháp luật cấp trên, như: đăng ký Danh mục hàng hóa nhập khẩu được miễn thuế; báo cáo quyết toán việc sử dụng hàng hóa miễn thuế ; Đồng thời, quy định cá nhân, tổ chức bắt buộc phải đăng ký danh mục hàng miễn thuế ở một cơ quan hải quan được chỉ định

Điều 12 Nghị định 87/2010/NĐ-CP quy định các trường hợp được miễn thuế; Khoản 19 Điều 12 Nghị định quy định cá nhân, tổ chức chịu trách nhiệm về việc tự xác định các mặt hàng được miễn thuế

Điều 102 và 104 Thông tư 194/2010 quy định hàng hóa được miễn thuế phải đăng ký danh mục hàng hóa nhập khẩu được miễn thuế và phải báo cáo quyết toán việc sử dụng hàng hóa miễn thuế

- Việc kiểm tra cơ sở vật chất đối với doanh nghiệp có hoạt động gia công xuất khẩu chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật

- Quy định các doanh nghiệp trong khu phi thuế quan có trách nhiệm thực hiện báo cáo thanh khoản như đối với doanh nghiệp gia công hoặc nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu

Căn cứ pháp lý: Nghị định 87/2010, Thông tư 194/2010, Thông tư 116 và 74

Ý kiến:

- Đồng ý với điểm 1

- Đồng ý với điểm 2: đã phát sinh một số trường hợp gian lận, cần kiểm tra cơ sở vật chất. Tuy nhiên, việc kiểm tra cần sử dụng tối đa các thông tin từ bên thứ ba để xác định sự gian lận, không nên yêu cầu quá mức đối với doanh nghiệp. Ngoài ra, các quy định cần đưa vào văn bản quy phạm pháp luật. Những nội dung này đã được đưa vào Nghị quyết 25/NQ-CP và Bộ Tài chính có trách nhiệm thực thi

- Không đồng ý với điểm 3: để ngăn chặn hiện tượng gian lận thuế, tất cả các doanh nghiệp hoạt động trong khu phi thuế quan đều phải có trách nhiệm báo cáo thanh khoản như loại hình gia công và nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu.

Đề xuất

- Bãi bỏ quy định phải đăng ký danh mục hàng miễn thuế và báo cáo quyết toán việc sử dụng hàng miễn thuế

14. Quy định về thông quan đối với hàng hóa phải kiểm dịch, kiểm tra nhà nước về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm

Vấn đề:

- Luật hải quan chưa quy định về hồ sơ và thông quan đối với trường hợp hàng hóa phải kiểm dịch, kiểm tra nhà nước về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm

- Nghị định 154 chỉ đề cập đến thông quan hàng hóa và nội dung chưa thống nhất với quy định tại Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Điều 8 Nghị định 12/2006 (Nghị định 154 yêu cầu xuất trình giấy đăng ký kiểm tra sẽ được thông quan; Điều 35, 36 Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa quy định hàng hóa chỉ được thông quan sau khi đã hoàn thành việc kiểm tra chất lượng)

- Điều 25 Thông 194/2010 hướng dẫn việc thông quan đối với hàng hóa thuộc diện kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm; đối với loại khác – quy định “thực hiện theo hướng dẫn riêng của Bộ Tài chính”/”thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch của Bộ Tài chính và Bộ Khoa học Công nghệ. Tuy nhiên, những văn bản hướng dẫn này chưa được ban hành

Căn cứ pháp lý: Luật hải quan, Nghị định 154, Nghị định 12/2006, Thông tư 194

 

Ý kiến:

- Không đồng ý với điểm 1: Khoản 6 Điều 30 Luật hải quan sửa đổi 2005 có quy định về nội dung này

- Đồng ý với điểm 2. Điểm này đã có trong nội dung đơn giản hóa thủ tục hành chính tại Nghị quyết 25/NQ-CP và Bộ Tài chính có trách nhiệm thực thi

- Đồng ý với điểm 3

Đề xuất:

- Đẩy nhanh việc thực thi phương án đơn giản hóa theo Nghị quyết 25/NQ-CP

- Đẩy nhanh việc xây dựng cơ chế phối hợp giữa cơ quan hải quan và các bộ, ngành chuyên môn liên quan đến việc thông quan hàng hóa theo Nghị quyết 68/NQ-CP

15. Kiểm tra sau thông quan

Vấn đề:

- Chưa có các tiêu chí cho kiểm tra sau thông quan

Căn cứ pháp lý: Luật hải quan, Luật quản lý thuế

Ý kiến: Không đồng ý. Việc kiểm tra sau thông quan mang tính kiểm tra ngẫu nhiên, hạn chế cơ hội cá nhân, tổ chức hủy bỏ các bằng chứng về gian lận

16. Chế độ ưu đãi đối với hàng hóa trong kho bảo thuế

Vấn đề:

- Khoản 2 Điều 29 Nghị định 154 quy định chế độ thanh khoản kho bảo thuế chưa hợp lý: việc thanh khoản phải được thực hiện hàng năm vào ngày 31/12 và nếu tỷ lệ xuất khẩu nhỏ hơn tỷ lệ được bảo thuế thì doanh nghiệp phải nộp thuế ngay, do đó, nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu chỉ được miễn thuế trong thời hạn 1 năm.

Căn cứ pháp lý: Nghị định 154

Ý kiến: Đồng ý. Tuy nhiên, để ngăn chặn hiện tượng gian lận thuế, chiếm dụng vốn bằng cách nhập khẩu quá nhiều nguyên liệu để dự trữ nhưng không sử dụng hết cho sản xuất hàng xuất khẩu cần bổ sung quy định yêu cầu nộp thuế ngay đối với nguyên liệu chưa đưa vào sản xuất trong năm và được phép hoàn thuế nếu nguyên liệu đó được sử dụng cho sản xuất xuất khẩu. Yêu cầu nộp thuế ngay đối với nguyên liệu chưa đưa vào sản xuất trong năm và được phép hoàn thuế nếu trong năm tiếp theo nguyên liệu thừa đó được đưa vào xuất khẩu.

Đề xuất: Giữ nguyên quy định nộp thuế nếu tỷ lệ xuất khẩu nhỏ hơn tỷ lệ được bảo thuế. Tuy nhiên, bổ sung quy định được hoàn thuế nếu nguyên liệu đó được sử dụng cho sản xuất hàng xuất khẩu trong năm tiếp theo

17. Cấp phép đối với hàng quá cảnh có lưu kho ngoài khu vực cửa khẩu hoặc đi qua lãnh thổ đất liền

Vấn đề:

- Quy định chưa thống nhất giữa Luật hải quan, Nghị định 154 và Nghị định 12 về cấp phép đối với hàng quá cảnh có lưu kho ngoài khu vực cửa khẩu hoặc đi qua lãnh thổ đất liền

Khoản 2 Điều 40 Luật hải quan: yêu cầu phải xuất trình giấy phép của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nếu hàng hóa yêu cầu phải có giấy phép

Khoản 3 Điều 19 Nghị định 154: yêu cầu phải xin giấy phép của Bộ Thương mại

Nghị định 12/2005: không quy định đối với trường hợp này, chỉ quy định cấp phép theo loại hàng quá cảnh

Căn cứ pháp lý: Luật hải quan, Nghị định 154, Nghị định 12/2005

Ý kiến: Đồng ý

Đề xuất: Thống nhất các quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật

18. Áp dụng chế độ chuyển cửa khẩu

Vấn đề:

- Quy định chưa thống nhất giữa Luật và Nghị định về loại hàng hóa được chuyển cửa khẩu

Điều 41 Luật hải quan: không hạn chế loại hàng hóa được chuyển cửa khẩu

Khoản 3 Điều 18 Nghị định 154: giới hạn loại hình, chủng loại hàng được chuyển cửa khẩu; giới hạn cửa khẩu được làm thủ tục chuyển cửa khẩu

- Thủ tục chuyển cửa khẩu đối với trường hợp xuất nhập khẩu của doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp trong khu phi thuế quan chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật

Căn cứ pháp lý: Luật hải quan, Nghị định 154

Ý kiến:

- Đồng ý một phần với điểm 1: Khoản 3 Điều 18 Nghị định 154 không hạn chế cửa khẩu được làm thủ tục chuyển cửa khẩu

- Đồng ý với điểm 2

Đề xuất:

- Bỏ quy định giới hạn loại hình, chủng loại hàng hóa được phép chuyển cửa khẩu

- Bổ sung quy định thủ tục chuyển cửa khẩu đối với trường hợp xuất nhập khẩu của doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp trong khu phi thuế quan trong văn bản quy phạm pháp luật

19. Chuyển khẩu, chuyển cảng, trung chuyển

Vấn đề:

- Chưa có quy định về chuyển khẩu trong Luật hải quan, mặc dù thủ tục này được quy định trong Điều 30 Luật thương mại và Điều 38 Thông tư 194/2010

- Chưa có quy định về chuyển cảng trong Luật hải quan, mặc dù thủ tục này quy định tại Điều 17 Nghị định 154/2005. Ngoài ra, thủ tục chuyển cảng chưa quy định đối với trường hợp sử dụng vận tải đa phương thức, vì Nghị định 87/2009 và Điều 3 Thông tư 45/2011/BTC yêu cầu phải có giấy phép kinh doanh vận tải nếu hàng hóa vận chuyển từ nước ngoài đến ICD và từ ICD ra nước ngoài, trong khi đó, Khoản 3 Điều 17 Nghị định 154 không yêu cầu phải có giấy phép kinh doanh vận tải

- Chưa có quy định về hàng trung chuyển trong Luật hải quan, trong khi đó Điều 20 Nghị định 154 và Điều 43 Thông tư 194/2010 có quy định. Ngoài ra, Bộ Luật hàng hải và các văn bản hướng dẫn không quy định điều kiện thành lập cơ chế hoạt động của các khu trung chuyển

Căn cứ pháp lý: Luật hải quan, Luật Thương mại, Nghị định 154, Thông tư 194/2010, Nghị định 87/2009, Thông tư 45/2011, Bộ Luật hàng hải

Ý kiến:

- Đồng ý với điểm 1

- Đồng ý với điểm 2

- Đồng ý với điểm 3

Đề xuất:

- Bổ sung quy định về các loại hình chuyển khẩu, chuyển cảng, hàng trung chuyển trong Luật hải quan; thống nhất quy định với các văn bản liên quan

- Giao Bộ Tài chính xây dựng cơ chế phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Giao thông để hoàn thiện cơ chế pháp lý về hoạt động kinh doanh cũng như cơ sở hạ tầng cho khu trung chuyển, cảng trung chuyển

20. Chế độ lưu kho tạm thời

Vấn đề:

- Chưa có quy định về lưu kho tạm thời trong các văn bản quy phạm pháp luật

Ý kiến: Đề nghị nêu các loại hình kho tạm theo thông lệ quốc tế?

21. Quy định về loại hàng hóa được gửi kho ngoại quan

Vấn đề:

- Quy định chưa thống nhất giữa Nghị định 154 và Thông tư 194 về loại hàng hóa được gửi tại kho ngoại quan

Khoản 1 Điều 25 Nghị định 154: trừ một số loại hàng không được lưu giữ trong kho ngoại quan, gồm hàng giả, hàng gây nguy hiểm cho người, hàng gây ô nhiễm môi trường, hàng cấm nhập khẩu

Điểm b.2 Khoản 4 Điều 55 Thông tư 194: quy định hàng hóa thuộc danh mục hàng tiêu dùng không được đưa từ kho ngoại quan vào nội địa

Khoản 1a Điều 55 Thông tư 194: không hạn chế hàng hóa là hàng tiêu dùng từ nước ngoài gửi kho ngoại quan

Căn cứ pháp lý: Nghị định 154, Thông tư 194

Ý kiến: Đồng ý một phần. Điểm b.2 Khoản 4 Điều 55 Thông tư 194 quy định chưa rõ ràng, dẫn đến hiểu lầm (bản chất của quy định là “hàng tiêu dùng chưa nộp xong thuế không được đưa từ kho ngoại quan vào nội địa”?)

Đề xuất:

- Sửa đổi quy định tại Điểm b.2 Khoản 4 Điều 55 Thông tư 194 cho rõ ràng, cụ thể.

22. Thủ tục hải quan điện tử

Vấn đề:

- Chưa có cơ sở pháp lý đầy đủ để thực hiện hải quan điện tử

Ý kiến: Đồng ý

Đề xuất:

- Sớm hoàn thành thí điểm hải quan điện tử và xây dựng cơ chế chính sách trên cơ sở thực tiễn đã đúc kết

23. Áp dụng kiểm soát quyền sở hữu trí tuệ tại biên giới

Vấn đề:

- Quy định về đối tượng áp dụng các biện pháp kiểm soát trí tuệ tại Luật hải quan chưa thống nhất với Luật sở hữu trí tuệ

Khoản 3 Điều 57 Luật hải quan: loại trừ hàng quá cảnh đối với việc áp dụng các biện pháp kiểm soát quyền sở hữu trí tuệ

Điều 214 Luật sở hữu trí tuệ: áp dụng cả đối với hàng quá cảnh

- Quy định về tổ chức giám định về sở hữu trí tuệ tại Khoản 3 Điều 55 Nghị định 154 và Khoản 2 Điều 201 Luật sở hữu trí tuệ chưa thống nhất

Khoản 3 Điều 55 Nghị định 154: quy định tổ chức giám định là Cục sở hữu trí tuệ, Cục bản quyền tác giả VHNT

Khoản 2 Điều 201 Luật sở hữu trí tuệ: quy định tổ chức giám định rộng hơn, gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp, tổ chức hành nghề luật sư

Căn cứ pháp lý: Luật hải quan, Nghị định 154, Luật sở hữu trí tuệ

Ý kiến: Đồng ý

Đề xuất: Thống nhất quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật

24. Hợp tác với doanh nghiệp

Vấn đề:

- Quy định về hợp tác giữa cơ quan hải quan và người khai hải quan chỉ được quy định tại Thông tư 194, chưa có tính pháp lý cao, chưa được phổ biến rộng rãi nên công các phối hợp chưa tốt

Ý kiến: Đồng ý

Đề xuất: Đưa quy định này vào văn bản cấp cao hơn: Luật, Nghị định

 

 

Các văn bản liên quan