Ý kiến của GS. Nguyễn Mại về Dự thảo báo cáo rà soát Luật Đầu tư

Thứ Bảy 22:03 03-09-2011

Tôi rất tán thành với LS Phạm Chí Công. Tôi xin kể một chút về lịch sử vì sao có Luật Đầu tư: bắt đầu từ Luật Đầu tư nước ngoài 1987, chúng ta phải khuyến khích đầu tư nước ngoài nên chúng ta tập hợp 18 luật đầu tư nước ngoài làm thành 18 Luật Đầu tư nước ngoài của Việt Nam. Chúng ta lọc những cái tốt nhất nên được thế giới cho rằng đây là luật Đầu tư nước ngoài tốt nhất trong khu vực. Lúc này, chúng ta chưa có kinh nghiệm gì về làm luật. Thực chất Luật Đầu tư nước ngoài là Luật doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Toàn bộ Luật này chỉ có một đoạn đầu nói về khuyến khích đầu tư, nói chung là quản lý doanh nghiệp đầu tư, quản trị, tổng giám đốc, cách phân chia tài chính, phân chia lợi nhuận. Đến năm 1991, bắt đầu có một số doanh nghiệp tư nhân ở trong nước cho rằng Chính phủ đã ưu đãi quá nhiều nhà đầu tư nước ngoài mà không chú ý nhà đầu tư trong nước. Do đó mà ra đời Luật khuyến khích đầu tư trong nước vào năm 1991.

Nhưng hai luật này không phải là luật đầu tư, một luật điều chỉnh doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, một luật khuyến khích đầu tư tư nhân trong nước. Lúc bấy giờ chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước, bắt đầu phát triển kinh tế tư nhân.

Đến năm 2000, chúng ta có Luật Doanh nghiệp chủ yếu điều chỉnh các doanh nghiệp tư nhân. Đây là một cứu cánh của kinh tế Việt Nam vào lúc khủng hoảng kinh tế khu vực từ 1997. Năm 1999 ban hành Luật Thuế giá trị gia tăng làm khốn đốn tất cả các doanh nghiệp Việt Nam, vì luật Việt Nam là "ông chằng, bà chuộc". Cho nên người ta gọi "Khoán 10" của doanh nghiệp giống như "Khoán 10" trong nông nghiệp và công nghiệp. Bắt đầu có ý tưởng thay đổi các luật liên quan đến doanh nghiệp, luật đầu tư để không có phân biệt đầu tư trong nước, đầu tư nước ngoài. Không có phân biệt đối xử doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp nước ngoài. Lộ trình WTO chúng ta có 3 hoạt động rất quan trọng:

1) Hoạt động trước năm 2000 minh bạch hóa chính sách: yêu cầu chúng ta trả lời 1560 câu hỏi về minh bạch hóa chính sách.

2) Giai đoạn đàm phán ở Geneve

3) Giai đoạn đàm phán song phương như Mỹ, Nhật, Trung Quốc…

để tiến tới gia nhập WTO vào năm 2007. Lúc đó bắt buộc chúng ta phải rà soát luật pháp như phải sửa đổi luật theo nguyên tắc NT - đối xử quốc gia và MFN - tối huệ quốc để bảo đảm phù hợp thông lệ quốc tế. Như vậy, có một câu chuyện từ năm 2004, bắt đầu yêu cầu phải thay đổi pháp luật. Lúc bấy giờ, có 2 phương án: phương án của chúng tôi - tổ kinh tế đối ngoại của Thủ tướng Chính phủ (1998-2006)-đề nghị ban hành một chương về đầu tư trong luật doanh nghiệp. Chỉ một luật thống nhất. Đầu tư sẽ là hoạt động đầu tiên trong hoạt động của doanh nghiệp. Trừ hoạt động dịch vụ thì đầu tư gần như là hoạt động đầu tiên của bất kỳ doanh nghiệp nào. Theo đó, là các hoạt động kinh doanh và hoạt động mở rộng đầu tư.

Phương án thứ 2 như bây giờ là tách ra làm 2 luật. Căn nguyên lịch sử bắt đầu từ đầu tư nước ngoài, Luật khuyến khích đầu tư trong nước, Luật Doanh nghiệp và 2 phương án khác nhau. Cuối cùng, Bộ Kế hoạch Đầu tư chọn phương án 2.

Lúc bấy giờ ai cũng hoan nghênh vì đó là một bước tiến rất lớn thị trường chúng ta không phân biệt đối xử với các nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước.

Bây giờ chúng ta sửa, phải đặt vấn đề tại sao phải sửa. Tôi nghĩ có 3 nguyên nhân:

Thứ nhất, bản thân Luật Đầu tư năm 2005 chứa đựng quá nhiều đối tượng mà hoàn toàn theo những trục khác nhau. Đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài cứ nghĩ là chung nhưng mà hoàn toàn riêng. Cho đến bây giờ hoàn toàn không giống nhau. Từ nay cho đến khi con cháu chúng ta có tiến lên đến đâu đi chăng nữa thì đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài vẫn khác nhau. Kể cả ở Mỹ thì vẫn cứ khác nhau xa.

Tôi xin mở ngoặc, nhiều người hiểu WTO là mở cửa đầu tư, là tự do đầu tư là hoàn toàn không phải. Anh Hiệp có trả lời về WTO "Tại sao không có hiệp định đầu tư riêng?". Nếu các anh các chị biết, trong lịch sử WTO đã có một thời kỳ người ta làm một Hiệp định đầu tư MIA (Multi-investment agreement). sau đó đã rất nhiều bài báo cho rằng MIA đã chết nên bắt buộc phải gắn đầu tư với thương mại, đầu tư với dịch vụ. Chỉ có riêng hiệp định đầu tư Việt Nam và Mỹ thì có một chương đầu tư riêng. Cho đến bây giờ chưa có hiệp định đầu tư của WTO vì hoạt động đầu tư lẫn vào trong thương mại.

Vì vậy, đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài là luôn luôn khác nhau.

Thứ hai, đầu tư công và đầu tư tư là khác nhau. Rất đáng tiếc, đầu tư công trong Luật Đầu tư chỉ có một trang. Để tư vấn, Thủ tướng Chính phủ mời một số anh em chúng tôi. Rất nhiều người cho rằng đã đến lúc phải có Luật đầu tư công để không cho các tập đoàn hoạt động đa chức năng hiện nay tập trung vào một mũi nhọn riêng vào điện, dầu khí. Không có lý do gì điện đi làm khách sạn, làm văn phòng. Đó không phải là những nắm đấm nhất định của Nhà nước. Dứt khoát sẽ có Luật Đầu tư công. Ở đây có một chương về đầu tư công chẳng ra sao cả. Đầu tư vào trong nước và đầu tư ra nước ngoài là 2 hoạt động ngược chiều nhau. Đầu tư trong nước chính là thu hút vốn nước ngoài, đầu tư ra nước ngoài chính là chuyển vốn từ trong nước ra nước ngoài. Tức là đầu tư trong nước thu hút từ lao động chuyển hóa từ các nước vào nước ta. Đầu tư ra nước ngoài chính là lao động từ nước ta ra nước ngoài.

Đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp là hoàn toàn khác nhau. Tất cả các chuyên gia quốc tế đều khuyến nghị đối với các nước đang phát triển như chúng ta thì phải cảnh giác với đầu tư gián tiếp. Bài học năm 1997 tôi nhớ rõ ngày 2/7, đồng Bạt mất giá một cách nghiêm trọng là do đầu tư gián tiếp, do ồ ạt rút tiền từ các ngân hàng. Dự trữ ngoại tệ của Thái Lan trong vòng 2 tuần lễ mất đi 10 tỷ Đô la, làm cho nền kinh tế suy sụp, ảnh hưởng đến các nước khác. Người ta cảnh báo rằng đầu tư gián tiếp là một hoạt động cần thiết nhưng phải có "van an toàn" của một quốc gia để bảo đảm đầu tư gián tiếp không làm ảnh hưởng đến nền kinh tế. Đặc biệt là tài chính của đất nước. Đầu tư trực tiếp phải hết sức coi trọng vì đó là hướng đầu tư ổn định nhất. Các nhà đầu tư mong muốn ở đây, họ không thể rút ra khỏi một khách sạn, một nhà máy. Nhà đầu tư nước ngoài sợ Nhà nước sở tại quốc hữu hóa nên có một điều rất hay trong Hiến pháp là không quốc hữu hóa phần vốn của nhà đầu tư nước ngoài.

Vì vậy, đưa đầu tư gián tiếp và đầu tư trực tiếp vào đây là không đúng. Hơn nữa cần có luật đầu tư gián tiếp, hiện nay chúng ta chưa có thì sắp tới sẽ có. Đây là một khâu rất cần nhưng rất nguy hiểm. Đó là lý do thứ nhất. Bản thân khi ban hành luật chứa đựng những đối tượng khác nhau, không theo một sự điều chỉnh chung của hệ luật pháp. Rõ ràng đây là nhược điểm rất lớn.

Thứ hai, khi thực hiện Luât qua 6 năm vừa rồi, năm 2009-2010 chúng tôi được Vụ Pháp luật của Bộ KHĐT đi rất nhiều địa phương, phát hiện ra không biết bao nhiêu câu chuyện không thể điều chỉnh được bằng luật và các nghị định dưới Luật Đầu tư. Tôi lấy ví dụ đơn giản, có một loạt các nhà đầu tư ở Bình Dương rút về nước, không trở lại nữa, không có cách gì mà thu hồi lại đất, giải thể được. Như vậy, hiện nay có các nhà đầu tư "rởm". Chắc các anh chị biết chúng ta sẽ giải thể một dự án 4 tỷ Đô la Mỹ sau chỉ có 6 tháng cấp phép. Vừa rồi một tỉnh đề nghị chấm dứt một dự án trị giá 250 tỷ Đô la Mỹ đã cấp phép hơn 3 tỷ Đô la Mỹ mà không thể thực hiện được.

Câu chuyện hiện nay, chúng ta không thể kiểm soát được nhà đầu tư chính trực và nhà đầu tư rởm. Chúng tôi đã khuyến nghị các địa phương phải cảnh giác đối với các nhà đầu tư nghi ngờ là rởm.

Đó là nguyên nhân thứ hai, từ khi ra đời cho tới nay, bản thân các quy định trong Luật Đầu tư và các Nghị định dưới Luật có nhiều điều trong thực tế là bất cập.

Nguyên nhân thứ ba, khi chúng ta bước vào giai đoạn mới, chúng ta tuyên truyền quá ít về việc chúng ta là nước có thu nhập trung bình thấp. Chưa nhiều lắm so với Mỹ, so với châu Âu nhưng quả là một bước tiến rất quan trọng, rất đáng kể. Thế giới đối xử với chúng ta không phải như trước, không phải là nước có thu nhập thấp để cấp các ưu đãi ODA. Do đó, kênh đầu tư nước ngoài vẫn là kênh quan trọng khi mà ODA giảm thiểu. Vì nhiều nước đã thông báo chấm dứt ODA không hoàn lại. Còn ODA có lãi suất thì sẽ từ 5% trở lên. FDI sẽ tăng lên dần. Câu chuyện hiện nay là chúng ta phải thay đổi một cách cơ bản chính sách về FDI. Ngày 20/8 tôi có phát biểu trong Hội nghị các chuyên gia về kinh tế đối ngoại, có 2 điểm quan trọng được Thủ tướng nhắc lại khi tổng kết.

Thứ nhất, phải nâng cấp chính sách từ thu hút FDI sang chính sách kết hợp giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nước ngoài. Đối tượng FDI từ chủ yếu vừa và nhỏ sang các …quốc tế. Hướng thu hút FDI từ thu hút vốn để xử lý hoạt động và có một phần công nghệ sang chủ yếu là công nghệ cao, công nghệ bền vững và các dịch vụ cấp cao. Thủ tướng đã đồng ý theo hướng ấy. Đồng chí Bùi Quang Vinh đã nói chuyện với tôi, đề nghị làm một phương án về việc ấy và nghiên cứu đề nghị của tôi là nếu có thể được thì tổ chức một diễn đàn FDI vào năm 2012 giống như chúng ta đã làm năm 1991 để Thủ tướng ra thông điệp cho cả thế giới biết rằng nước ta đang thu hút FDI theo một hướng mới, có chất lượng, có hiệu quả và theo hướng bền vững.

Một đề nghị thứ 2 của tôi liên quan đến vấn đề này là chúng ta sắp bước vào một giai đoạn không thể khác được là năm 2015 nước ta là một thành viên của Cộng đồng ASEAN. Trụ cột kinh tế trước hết là một thị trường chung ASEAN, có mặt hàng. Như vậy, câu chuyện không chỉ với WTO mà trước hết với ASEAN. Mà ASEAN có một Hiệp định đầu tư ASEAN. Nhà đầu tư sắp tới ở Indonesia cũng là nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam. Chúng ta chưa thấy bàn gì về câu chuyện này cả.

Thứ ba, chúng ta phải sửa luật chính là chuyển qua giai đoạn mới phải có cách tiếp cận mới, chính sách mới trong Luật Đầu tư Việt Nam.

Tôi đề nghị ban soạn thảo nên nêu rõ 3 mục tiêu như vậy. Tôi cho rằng không nên có một Luật Đầu tư riêng. Từ những luật về đầu tư công, đầu tư gián tiếp, đầu tư ra nước ngoài, ngoài các cái trùng với Luật Doanh nghiệp thì còn không bao nhiêu điểm riêng cho một Luật Đầu tư. Từ mười mấy trang còn lại sẽ chỉ còn mấy trang. Danh mục khuyến khích đầu tư với doanh nghiệp hạn chế phải phù hợp, không chồng chéo với nhau.

Cần phải phù hợp với thông lệ quốc tế trong các định nghĩa của chúng ta. Tôi chỉ xin lấy một vài định nghĩa không giống ai. Trong Hiệp định thương mại Việt - Mỹ quy định "đầu tư nước ngoài bao gồm cả trực tiếp, gián tiếp là mọi hình thức đầu tư trên lãnh thổ của một bên do công dân hoặc công ty của bên kia sở hữu hoặc kiểm soát trực tiếp hay gián tiếp, thực hiện dưới các hình thức như một công ty hay một doanh nghiệp cổ phần, cổ phiếu và hình thức góp vốn khác (Trái phiếu, giấy ghi nợ, các quyền trên hợp đồng, tài sản vô hình, quyền sở hữu trí tuệ). Đó là cái trong Hiệp định thương mại, nhưng chúng ta lại quy định khác. Hoặc là định nghĩa đầu tư trực tiếp của UNCTAD "là một mối quan hệ đầu tư trong dài hạn", khác với đầu tư gián tiếp - luôn là đầu tư ngắn hạn. Tôi có thể mua cổ phiếu hôm nay, bán cổ phiếu tuần sau. "phạm lại lợi ích và quyền kiểm soát ngắn hạn của một thực thể thường trú (có thể là cá nhân hoặc doanh nghiệp) ở một nền kinh tế khác với nền kinh tế của nhà đầu tư nước ngoài". Cho nên hai đặc trưng quan trọng là quyền kiểm soát và quyền khống chế.

* Chúng ta không nên làm khác với thông lệ quốc tế. Chúng ta nghĩ rằng làm khác là một sự thông minh nhưng đôi khi lại là phản tác dụng. Cho đến nay, cái được gọi là cổ phần hóa của chúng ta là một điều mà nước ngoài luôn không hiểu. Người ta chỉ có tư nhân hóa thôi. Nhiều nhà lãnh đạo của chúng ta ra nước ngoài cũng chỉ dùng từ tư nhân hóa thôi. Chúng ta cũng phải theo thông lệ quốc tế thôi.

* Đã đến lúc các anh nên gắn với nhiều luật. Tôi nhớ đã có một phương án của Quốc hội khi sửa mấy chục luật, nếu như Quốc hội sửa một luật thì ra một Nghị quyết sửa điều a, điều b của luật nào đó. Nhưng hồi đó yêu cầu sửa rất nhiều luật nên đề nghị Quốc hội ra một Nghị quyết sửa đổi nhiều luật cùng một lúc. Tôi cho rằng không nên tiến hành rà soát một luật riêng lẻ mà nên tiến hành rà soát các luật liên quan đến doanh nghiệp. Và như vậy chúng ta sẽ có một bức tranh tổng thể vì sao doanh nghiệp không phát triển được? Vì sao doanh nghiệp nước ngoài không hăng hái vào đầu tư ở trong nước ta và đặc biệt là doanh nghiệp của Mỹ, châu Âu? Hiện nay mới chỉ là các doanh nghiệp châu Á là chủ yếu. Vì sao thị trường chứng khoán lại như vậy? Có thể nói, nếu đưa ra một luật để mà sửa thì chúng ta vấp phải một cái ta đã vấp phải: sửa luật này lại đá luật sau. Và chắc chắn không có hệ thống pháp luật cho hoàn chỉnh để điều hành các hành vi kinh doanh của các loại hình doanh nghiệp trên đất nước chúng ta.

Tôi tán thành ý kiến không nên có Luật Đầu tư, nhưng cho rằng nên sửa một loạt luật có liên quan, kể cả luật chuyên ngành. Cái gì đã để luật chuyên ngành thì không bê vào luật chung, cái gì đã luật chung không bê vào chuyên ngành. Rà soát cả hệ thống pháp luật về thuế, đặc biệt là thuế xuất nhập khẩu. Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp hiện nay mâu thuẫn rất nhiều với luật thuế. Tôi cũng đã từng có một kiến nghị riêng với ông Nguyễn Văn An nhưng chưa làm được là làm thế nào để Quốc hội thực sự là cơ quan lập pháp. Bây giờ Quốc hội không phải là cơ quan lập pháp, mà là Chính phủ, là các Bộ bởi vì luật chung chung. Nghị định không lách được thì lách sang thông tư. Sự chồng chéo giữa luật chung với nghị định và thông tư rất nhiều. Do cách làm luật của chúng ta hiện nay là dành quá nhiều sân cho nghị định và thông tư. Đưa tất cả các luật liên quan đến kinh doanh, doanh nghiệp vào luật doanh nghiệp. Có thể 200 trang cũng được, rất cụ thể, có đầy đủ dữ liệu để đưa vào luật doanh nghiệp. Ông Nguyễn Văn An chưa làm được, nhưng nói rằng tôi sẽ cố gắng để khi kết thúc nhiệm kỳ sẽ bắt đầu một giai đoạn Quốc hội là cơ quan lập pháp, Chính phủ là cơ quan hành pháp, Tòa án, Viện kiểm sát là cơ quan tư pháp dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tôi cho rằng, một câu chuyện đại sự của chúng ta là chưa có một hệ thống luật đúng nghĩa của nó. Tức là hệ thống để điều chỉnh hành vi của doanh nghiệp, của cá nhân trong một đất nước có quyền tự do. Điều chỉnh này là do cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước tạo ra và chỉ có cơ quan đấy có quyền thay đổi. Chúng ta chưa có một hệ thống như vậy, chúng ta phải chịu quá nhiều lợi ích nhóm được đưa vào các nghị định, thông tư và "ông chằng bà chuộc". Tôi cho rằng đầu óc người Việt Nam khi mới đổi mới thì còn kém cỏi nhưng giờ thì trí tuệ chúng ta cũng chẳng kém cạnh gì trí tuệ của những người đã giúp chúng ta cách đây 20 năm. Thậm chí có thể so với họ bây giờ được. Chẳng ngại gì mà chúng ta không kiến nghị với Thủ tướng về một đội đặc nhiệm trong đó có các chuyên gia hàng đầu để giúp Thủ tướng ra quyết định rất nhanh để xử lý các biến cố của quốc tế ảnh hưởng đến Việt Nam về dầu, vàng, giá…về các rào cản của nước láng giềng chúng ta chẳng hạn.

Cuối cùng, tôi tán thành không có Luật Đầu tư nữa, vì lịch sử là như vậy. Thứ nữa là không chỉ rà soát một luật mà rà soát nhiều luật. Nên tập hợp tất cả các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp để rà soát. Nếu cần thì đề nghị Quốc hội ra một văn bản sửa nhiều luật. Đề nghị chúng ta thay mặt doanh nghiệp kiến nghị Quốc hội thực sự trở thành cơ quan lập pháp để có cơ chế thực hiện được quyền lập pháp của Quốc hội, không phải chỉ từ các tờ trình Luật của Chính phủ. Mà như các nước, đại biểu Quốc hội có thể đề nghị một luật, tổ chức các nhóm để giúp Quốc hội ra luật, có thể hình thành đấu thầu về luật với 3, 4 dự án để Quốc hội lựa chọn để thực thi trí tuệ của người Việt Nam.

 

 

 

Các văn bản liên quan