Ý kiến của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia về Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm

Thứ Sáu 00:51 15-04-2011

Kính gửi Ban Soạn thảo

GIẢI TRÌNH GÓP Ý

Dự thảo Nghị định Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm.

(Kèm theo Công văn số 274/VKNQG-TC ngày 06 tháng 4 năm 2011)

I. Sửa đổi, bổ sung Điều 19 Dự thảo 15

Điều 19.Trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm của Bộ Y tế

2. Trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Bộ Y tế có trách nhiệm:

c. Xây dựng, quản lý hệ thống kiểm nghiệm an toàn thực phẩm đáp ứng yêu cầu quản lý an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý;

Sửa đổi thành:

Điều 19. Trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm của Bộ Y tế

2. Trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Bộ Y tế có trách nhiệm:

c. Xây dựng, quản lý hệ thống kiểm nghiệm an toàn thực phẩm đáp ứng yêu cầu quản lý an toàn thực phẩm trên phạm vi toàn quốc; quy định điều kiện chung về cơ sở vật chất, trang thiết bị, tiêu chuẩn về năng lực cán bộ viên chức của các tổ chức hoạt động kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm.

(lý do: + Khoản 2 Điều 61 Luật An toàn thực phẩm quy định : "Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm". Như vậy Chính phủ giao cho Bộ Y tế quản lý hệ thống kiểm nghiệm an toàn thực phẩm trên phạm vi toàn quốc là phù hợp.

+ Khoản 3 Điều 63 Luật An toàn thực phẩm quy định trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: "Quản lý an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, thu gom, giết mổ, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh đối với ngũ cốc,thịt và các sản phẩm từ thịt..." và khoản 2 Điều 64 quy định trách nhiệm của Bộ Công thương: "Quản lý an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh đối với các loại rượu bia...". Như vậy Chính phủ chỉ giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý từ khâu sản xuất cho đến bán sản phẩm thực phẩm ra thị trường còn khâu tiêu dùng không quy định mà Bộ Y tế chịu trách nhiệm về sức khỏe con người nên Chính phủ giao cho Bộ Y tế quản lý hệ thống kiểm nghiệm trên phạm vi toàn quốc là phù hợp.

II. Bổ sung Mục kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm sau Mục I: Phân công quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (cụ thể hóa Điều 46, Điều 47 Luật An toàn thực phẩm)

Điều...: Cơ sở kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm

1. Viện Kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm quốc gia thực hiện nhiệm vụ trọng tài và đánh giá năng lực các phòng kiểm nghiệm về an toàn vệ sinh thực phẩm trên toàn quốc; kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm khu vực phía Bắc; kiểm nghiệm các chỉ tiêu khó phức tạp vượt quá khả năng kỹ thuật của các địa phương; đào tạo, huấn luyện chỉ đạo, hướng dẫn kỹ thuật kiểm nghiệm về an toàn vệ sinh thực phẩm.

(Lý do: + Theo quy định tại Khoản 1 Điều 17 Nghị định số 79/2008/NĐ-CP ngagy 28/7/2008 của Chính phủ

+ Phải có một đơn vị làm trọng tài khi có sự tranh chấp trong vấn đề kiểm nghiệ an toàn vệ sinh thực phẩm mà trong chức năng nhiệm vụ của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia có quy định chức năng trọng tài)

2. Các cơ sở kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm thuộc nhà nước hoặc tư nhân phải đáp ứng các điều kiện sau:

a. Có bộ máy tổ chức, cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc, nhân lực có trình độ chuyên môn kỹ thuật phù hợp, có quy trình và phương pháp kiểm nghiệm đã được chuẩn hóa.

b. Thiết lập và duy trì hệ thống quản lý phù hợp với yêu cầu của tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế.

c. Đăng ký hoạt động đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật với cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp thực hiện hoạt động chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy.

d. Được Bộ Y tế xác định đủ điều kiện và chỉ định thực hiện các chỉ tiêu kiểm nghiệm về an toàn thực phẩm. (Lý do: vì các Bộ ngành chỉ thực hiện quản lý từ khâu sản xuất đến khi tiêu thụ thành phẩm ra thị trường, còn Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ về sức khỏe của cộng đồng nên đối với các cơ sở kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm cũng phải có sự chỉ định xác định đủ tiêu chuẩn của Bộ Y tế).

e. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả kiểm nghiệm của mình thực hiện

Điều ....: Kiểm nghiệm phục vụ giải quyết tranh chấp về an toàn thực phẩm

Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia là đơn vị trọng tài để thực hiện kiểm nghiệm thực phẩm về nội dung tranh chấp. Kết quả kiểm nghiệm của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia được sử dụng làm căn cứ giải quyết tranh chấp về an toàn thực phẩm.

(Lý do: + Theo quy định tại Khoản 1 Điều 17 Nghị định số 79/2008/NĐ-CP ngày 28/7/2008 của Chính phủ: "   Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia thực hiện nhiệm vụ trọng tài và đánh giá năng lực các phòng kiểm nghiệm về an toàn vệ sinh thực phẩm trên toàn quốc; kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm khu vực phía Bắc; kiểm nghiệm các chỉ tiêu khó phức tạp vượt quá khả năng kỹ thuật của các địa phương; đào tạo, huấn luyện chỉ đạo, hướng dẫn kỹ thuật kiểm nghiệm về an toàn vệ sinh thực phẩm và đánh giá nguy cơ về vệ sinh an toàn thực phẩm."

+Phải có một đơn vị làm trọng tài khi có sự tranh chấp trong vấn đề kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm mà trong chức năng nhiệm vụ của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia có quy định chức năng trọng tài).

 

 

Các văn bản liên quan