Ông Phạm Hưng Củng – Hiệp hội Thực phẩm chức năng về Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm

Thứ Sáu 00:50 15-04-2011

Kính thưa quý vị, tôi đại diện cho gần 3000 hội viên vừa là pháp nhân, vừa là thể nhân của Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam xin có một vài ý kiến.

Thứ nhất, chúng tôi mong muốn VCCI sau Hội thảo này có một quan tâm đến góp ý của chúng tôi tới Ban soạn thảo. Vì lần trước, tại hội trường này, chúng tôi góp nhiều ý kiến từ Dự thảo số 8, đến hôm nay là Dự thảo 16 và gần như không có một sự thay đổi cũng giống như một đại biểu nào đó nói "Hội thảo để cho có Hội thảo", chứ sau đó "hậu hội thảo" và kết quả của những đóng góp hôm nay với văn bản pháp quy như Luật hoặc Nghị định của Chính phủ thì chưa được quan tâm.

Tôi nghĩ rằng sau Hội thảo này, đối với những vấn đề chính đáng thì VCCI cần làm việc với Ban soạn thảo để đến Dự thảo 17, 18 nếu có, chứ không nên để trôi qua.

Chúng tôi có 2 ý phản biện đối với hai vị trong Hội thảo này. Đó là một vị nữ ở pháp lý và một vị nam ở Cục chất lượng - Bộ Nông nghiệp. Thưa quý vị tôi xin góp 3 ý kiến.

Lâu nay, về phân công quản lý chúng tôi cảm thấy vẫn lùng nhùng không hiểu có sự đùn đẩy hay là ôm vào hay không giữa các ngành, các bộ? Đùn đẩy hay ôm vào đều không được vì mạng sống của 86 triệu người dân Việt Nam và sau đấy là con, cháu, chắt chúng ta, hàng trăm triệu nữa phải chịu ảnh hưởng nếu như hôm nay chúng ta làm Nghị định không hợp lý trong phân công quản lý. Vì tôi thấy lùng nhùng nhất lâu nay là phân công quản lý thôi, những vấn đề khác thuộc về học thuật không có vấn đề gì. Tôi là doanh nghiệp thì tôi không biết liệu bây giờ phải đến Bộ Nông nghiệp, Bộ Công thương hay Bộ Y tế để xin Giấy công bố hợp quy hay giấy này, giấy nọ. Vì trong Nghị định này không rõ ràng. Đề nghị sau Hội thảo này cần phải có sự cụ thể hơn nữa. 

Ý thứ hai, về phân công ta phải theo Luật này ở Điều 61, tiết 3 đã nói rõ: "Bộ Y tế chịu trách nhiệm về quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm". Nghĩa là Bộ Y tế như người nhạc trưởng điều phối hết các Bộ chứ không phải là ngồi tranh dành với Bộ Nông nghiệp hay là Bộ Công thương. Không phải cắt ngang, cắt dọc gì cả nhưng điều tối thượng là vì sức khỏe người dân. Chứ không phải là trước đây ta làm cắt ngang thì không tốt, bây giờ phải cắt dọc, thế này, thế kia. Tôi nói xin lỗi các quý vị Bộ Nông nghiệp chỉ quản lý thức ăn cho bò, lợn thôi. Thức ăn cho người là phải Bộ Y tế. Cái này phải rõ ràng như thế. Đề nghị VCCI can thiệp để Ban Soạn thảo cần có một thái độ rõ ràng trong phân công, phân nhiệm để quản lý vấn đề này.

Chúng tôi có dịp làm việc với một thượng nghị sỹ của Mỹ phụ trách 57 thành viên lo vấn đề thực phẩm của nước Mỹ ông nói với chúng tôi có 2 nguyên tắc chuyên môn đó là: khi chưa thành sản phẩm thì Bộ sản xuất (ví dụ nuôi con lợn là Bộ Nông nghiệp) nhưng khi đưa vào miệng thì quản lý phải là Bộ Y tế. Một nguyên tắc tối thượng đó là nguyên tắc vì sức khỏe con người.

Tôi thấy phải nắm được thông lệ quốc tế này, Việt Nam không thể làm riêng từ A đến Z một bộ làm. Bộ Nông nghiệp làm sao có một hệ thống thầy thuốc học 6 năm trời nghiên cứu từng bạch cầu, hồng cầu, gien của người mà kiểm tra giám sát bảo vệ sức khỏe từ lúc ăn uống lúc nghỉ ngơi, lúc thở... Đây là vấn đề khách quan. Vì thế ý kiến của tôi là Bộ Y tế phải quản lý thế này.

Vấn đề thứ 2: Ban hành quy chuẩn kỹ thuật. Đã rõ rồi Bộ Nông nghiệp ban hành quy trình kỹ thuật để nuôi con lợn, nhưng khi nó thành thực phẩm thì Bộ Y tế ban hành quy chuẩn. Làm rõ các tiêu chí như vậy thì Nghị định tự nhiên sẽ sáng lên thôi, không còn lùng nhùng gì nữa. Và nơi nào ban hành quy chuẩn thì nơi đó thẩm định cơ sở để cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Như vậy là gọn. Như vậy thì doanh nghiệp rất dễ làm vì đơn giản.

Một ý tôi đồng ý với ông Justin và ông Hùng là đối với 9 triệu hộ sản xuất nhỏ lẻ mà ta không cần phải làm gì cả trong điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm như nước ta là không nên. Vì từ trước năm 45 cho đến bây giờ chả nhẽ vẫn để như vậy ư? Mà 9 triệu hộ làm thực phẩm này là mầm mống của bao nhiêu loại bệnh tật, dù nó không thành đại dịch nhưng lại ngấm ngầm. Vì thế tôi thấy, những hộ sản xuất này dù là nhỏ lẻ nhưng vẫn cần quy định những điều kiện sản xuất. Và ở mức độ nào đấy để đảm bảo được họ sản xuất, cung cấp thực phẩm đi dần vào tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.

Tôi xin hết ý kiến. Xin cảm ơn.

Các văn bản liên quan