Ý kiến của Bà Nguyễn Thị Yến tại Tọa đàm góp ý định hướng sửa đổi Luật doanh nghiệp 2005 -VCCI ngày 09.12.2013

Thứ Hai 18:28 09-12-2013

MỘT SỐ Ý KIẾN VỀ CÁC VẤN ĐỀ CẦN SỬA ĐỔI CỦA

LUẬT DOANH NGHIỆP 2005

VCCI, 09/12/2013

                                              TS Nguyễn Thị Yến

Khoa Pháp luật Kinh tế - Đại học Luật Hà Nội

Trong khuôn khổ buổi Toạ đàm lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp và chuyên gia về các vấn đề cần sửa đổi của Luật doanh nghiệp 2005, với tư cách là người giảng dạy, nghiên cứu Luật Doanh nghiệp tại trường Đại học Luật Hà Nội, tôi xin có 1 vài ý kiến về nội dung thứ 2 của Toạ đàm “Một số nhóm vấn đề xin ý kiến sửa đổi, hoàn thiện Luật Doanh nghiệp 2005”. Các ý kiến của tôi tập trung vào các vấn đề sau:

Thứ nhất: Nhóm vấn đề về thủ tục đăng ký kinh doanh thống nhất theo Luật Doanh nghiệp đối với tất cả các loại hình doanh nghiệp (vấn đề 20)

Hiện nay, thủ tục thành lập doanh nghiệp được ghi nhận trong nhiều văn bản khác nhau như: LDN 2005 và Nghị định 43/2010/NĐ-CP; Luật Đầu tư 2005, Luật Chứng khoán 2006 (sửa đổi bổ sung 2010), Luật kinh doanh bảo hiểm 2000 (sửa đổi bổ sung 2010, Luật Luật sư 2006... Trên cơ sở đó, nhiều cơ quan khác nhau có thẩm quyền khai sinh tư cách pháp lý của doanh nghiệp mà chủ yếu là cơ quan ĐKKD, bên cạnh đó, còn có cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đầu tư, các cơ quan quản lý chuyên ngành cấp Giấy phép thành lập theo luật chuyên ngành. Quy định như trên dẫn đến 1 số điểm bất cập sau:

 Một là: Có quá nhiều đầu mối có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận ĐKKD; Giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép thành lập (đồng thời là giấy chứng nhận ĐKKD). Điều này sẽ dẫn đến sự chồng chéo về thẩm quyền khai sinh tư cách pháp lý của doanh nghiệp; hay các cơ quan quản lý đầu tư và cơ quan quản lý chuyên ngành đang “lấn sân” sang thẩm quyền của cơ quan ĐKKD trong việc công nhận tư cách pháp lý của chủ thể kinh doanh. Đồng thời, điều này cũng dẫn đến sự vô hiệu hoá 1 phần LDN về quy định liên quan đến thẩm quyền và thủ tục ĐKKD đối với các doanh nghiệp kinh doanh trong các lĩnh vực đặc thù.

Hai là: Sẽ phức tạp cho doanh nghiệp khi doanh nghiệp đồng thời kinh doanh trong 1 số lĩnh vực, ngành nghề được nhiều cơ quan khác nhau cấp giấy chứng nhận ĐKKD, giấy chứng nhận đầu tư hay giấy phép thành lập. Ví dụ: 1 doanh nghiệp vừa kinh doanh trong lĩnh vực mua bán hàng hoá thông thường, vừa kinh doanh trong lĩnh vực chứng khoán, vừa kinh doanh dịch vụ pháp lý..., họ đồng thời phải đến cơ quan ĐKKD để xin Giấy chứng nhận ĐKDN đối với lĩnh vực kinh doanh hàng hoá thông thường; vừa phải đến Uỷ ban chứng khoán Nhà nước để xin Giấy phép thành lập đối với lĩnh vực kinh doanh chứng khoán; vừa phải đến Sở Tư pháp cấp tỉnh để xin Giấy phép thành lập đối với lĩnh vực kinh doanh dịch vụ pháp lý... Và vì các Giấy phép thành lập đều đồng thời là giấy chứng nhận ĐKKD nên họ sẽ phải thành lập 3 doanh nghiệp để kinh doanh 3 lĩnh vực ngành nghề nói trên, chứ không kinh doanh đa ngành như trong các lĩnh vực khác. Điều này sẽ khiến doanh nghiệp tốn kém nhiều thời gian, chi phí cho việc gia nhập thị trường hơn nhiều so với việc thủ tục này chỉ được thực hiện bởi 1 cơ quan.

Ba là: Sẽ có thể dẫn đến sự trùng tên đối với các doanh nghiệp được cấp phép bởi các cơ quan khác nhau, gây nên sự nhầm lẫn không đáng có trong các doanh nghiệp, vì Hệ thống mạng đăng ký doanh nghiệp quốc gia chỉ cập nhật thông tin của tất cả các doanh nghiệp đăng ký tại cơ quan ĐKKD mà không cập nhật thông tin liên quan đến các doanh nghiệp được cấp phép bởi các cơ quan quản lý đầu tư hay cơ quan quản lý chuyên ngành. Điều này có thể ảnh hưởng đến uy tín kinh doanh, doanh thu hay hình ảnh của doanh nghiệp trong mắt người tiêu dùng...

Từ những lý do trên, tôi cho rằng cần thống nhất về thủ tục ĐKDN đối với tất cả các doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Cụ thể, khi người kinh doanh muốn thành lập doanh nghiệp trong bất kỳ lĩnh vực nào, họ sẽ đến cơ quan ĐKKD để xin cấp Giấy chứng nhận ĐKDN. Sau khi đã có tư cách pháp lý, nếu hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh thông thường, họ sẽ được quyền hoạt động ngay; nếu hoạt động trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện, họ phải thoả mãn các quy định của các cơ quan quản lý chuyên ngành. Như thế, các cơ quan quản lý chuyên ngành không mất đi quyền quản lý doanh nghiệp trong lĩnh vực mà mình quản lý, hơn nữa các cơ quan này cũng thực hiện đúng chức năng và không “đụng chạm” đến quyền khai sinh tư cách pháp lý đối với doanh nghiệp của cơ quan ĐKKD. Quy định như vậy cũng tránh những rắc rối không cần thiết cho các nhà đầu tư nước ngoài, khi họ được cấp Giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là giấy chứng nhận ĐKKD, bởi vì khi có những thay đổi trong quá trình hoạt động, việc nhà đầu tư nước ngoài đến Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh hay Ban Quản lý các khu kinh tế đặc biệt để thay đổi nội dung giấy chứng nhận đầu tư sẽ phức tạp hơn đến cơ quan ĐKKD.

Tuy nhiên, giải pháp này có thể dẫn đến việc các doanh nghiệp kinh doanh trong các lĩnh vực đặc thù sẽ phải làm 2 thủ tục: thủ tục ĐKKD và thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh. Vì thế, ở thủ tục ĐKKD, cần hết sức đơn giản và quy định chung như các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực thông thường. Cơ quan quản lý chuyên ngành sẽ quản lý chặt hơn ở thủ tục cấp giấy phép kinh doanh để đảm bảo doanh nghiệp có tư cách pháp lý như các doanh nghiệp thông thường, đồng thời vẫn đáp ứng đủ điều kiện khi kinh doanh trong các lĩnh vực cần quản lý chặt để tránh rủi ro cho các chủ thể có liên quan.

Thứ hai: Kiến nghị thuận lợi hóa thủ tục hành chính (bãi bỏ các thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp) (vấn đề 21)

LDN đặt ra nhiều quy định về thủ tục hành chính và thời hạn thực hiện các thủ tục đó đối với doanh nghiệp. Cụ thể, điều 35.2 quy định về thủ tục thông báo thời gian mở cửa tại trụ sở chính với cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; điều 39.1 quy định về thủ tục thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh việc thành viên thay đổi loại tài sản góp vốn đã cam kết; điều 39.1 quy định về thủ tục thông báo bằng văn bản tiến độ góp vốn đăng ký đến cơ quan đăng ký kinh doanh; điều 84. 2 quy định về thủ tục thông báo việc góp vốn cổ phần đến cơ quan đăng ký kinh doanh sau 90 ngày, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; điều 143.2 quy định về thủ tục chủ doanh nghiệp tư nhân đăng ký việc thuê người khác làm giám đốc; điều 86.4 quy định về thủ tục đăng ký cổ đông sở hữu từ 5% tổng số cổ phần trở lên… Những quy định này trên thực tế hầu như không có nhiều ý nghĩa, vì gần như chỉ mang tính chất thông báo cho cơ quan ĐKKD; nhưng lại khiến doanh nghiệp và cổ đông, thành viên có thể gặp nhiều phiền phức khi thực hiện. Ví dụ: quy định tại khoản 4 điều 84 LDN: “Cổ đông sở hữu từ 5% tổng số cổ phần trở lên phải được đăng ký với cơ quan ĐKKD có thẩm quyền trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày có được tỷ lệ sở hữu đó”. Thực tiễn, cổ đông CTCP có thể có sự thay đổi thường xuyên về tỷ lệ vốn góp trong công ty, nhất là những công ty đại chúng. Vì vậy, vào thời điểm hôm nay, cổ đông A có thể sở hữu 5% (thậm chí nhiều hơn) cổ phần của công ty, nhưng đến mai hay 1 vài ngày sau đó, anh ta có thể bán đi toàn bộ số cổ phần mình có khi giá cổ phiếu biến động. Do đó, nếu cứ sở hữu đến tỷ lệ này mà phải đăng ký với cơ quan ĐKKD, sẽ làm cho cổ đông mất thời gian, công sức và nhiều khi, quy định này cũng không thực hiện được vì họ cũng không đủ thời gian nắm giữ là 7 ngày. Hơn nữa, cơ quan ĐKKD thực hiện việc đăng ký cổ đông nắm giữ tỷ lệ cổ phần như vậy cũng không có bất cứ quyền hạn gì liên quan đến hoạt động của công ty hay của cổ đông. Chính vì thế, nên bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết đối với doanh nghiệp, cụ thể là bãi bỏ những thủ tục thông báo, đăng ký không cần thiết với cơ quan ĐKKD, để tạo điều kiện tốt hơn cho hoạt động của doanh nghiệp, đồng thời khiến các quy định pháp luật có tính khả thi cao hơn.

Thứ ba: Hoàn thiện quy định về giải thể doanh nghiệp theo hướng đơn giản hóa thủ tục (vấn đề 24)

Giải thể doanh nghiệp là thủ tục chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp 1 cách tự nguyện. Do vậy khi doanh nghiệp giải thể, yêu cầu quan trọng mà pháp luật đặt ra là việc chấm dứt hoạt động này không được ảnh hưởng đến quyền lợi của các chủ thể có liên quan, đặc biệt là các chủ nợ. Cụ thể, điều kiện để doanh nghiệp được giải thể là phải “bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác” (khoản 2 điều 157 LDN). Thủ tục giải thể phải thực hiện theo điều 158 LDN. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là: nếu doanh nghiệp không tuân thủ đầy đủ các điều kiện này mà tự động chấm dứt hoạt động, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền có vào cuộc không? Sẽ xử lý như thế nào nếu doanh nghiệp giải thể nhưng không thanh toán được hết nợ và các nghĩa vụ tài sản khác; hay không thực hiện đúng thủ tục theo quy định của pháp luật? Có vẻ những chế tài áp dụng trong trường hợp này không được đặt ra. Vậy những quy định chặt chẽ như trên có ý nghĩa gì? Theo tôi, Luật cần linh hoạt hơn trong việc xử lý giải thể đối với doanh nghiệp. Cụ thể, khi doanh nghiệp chấm dứt hoạt động theo thủ tục giải thể, về nguyên tắc doanh nghiệp phải đáp ứng đủ các điều kiện như trên. Bên cạnh đó, LDN nên để 1 cơ chế thứ hai là doanh nghiệp sẽ thoả thuận với chủ nợ và các chủ thể có liên quan về nghĩa vụ trả nợ, cách thức trả nợ, thời hạn trả nợ... cho phù hợp với thực tế tài chính của doanh nghiệp. Ví dụ, toàn bộ giá trị tài sản của doanh nghiệp vào thời điểm giải thể là 3 tỷ đồng, nhưng khoản nợ là 7 tỷ; về nguyên tắc doanh nghiệp không đủ điều kiện giải thể mà phải thực hiện thủ tục phá sản theo quy định của Luật Phá sản (2004). Tuy nhiên, phá sản thì chủ nợ sẽ được gì? Có được trả nợ nhiều hơn so với giải thể không? Chắc chắn là không, vì chi phí cho thủ tục phá sản lớn hơn nhiều so với thủ tục giải thể, mà toàn bộ tiền của doanh nghiệp vẫn chỉ có vậy. Trong trường hợp này, doanh nghiệp và chủ nợ có quyền thoả thuận tiến hành giải thể không? Nếu có sẽ vi phạm quy định của LDN; nếu không quyền lợi của các chủ nợ có thể bị ảnh hưởng nếu chuyển qua thủ tục phá sản. Như vậy, nếu giữa chủ nợ và doanh nghiệp đạt được thoả thuận về vấn đề trả nợ, LDN nên cho phép các bên thực hiện thủ tục giải thể để vừa đơn giản cho các bên về thủ tục, vừa đảm bảo tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể có liên quan.

Thực tiễn thời gian qua cho thấy, nhiều doanh nghiệp khi lâm vào tình trạng không thanh toán được nợ đã tự đóng cửa doanh nghiệp, gỡ biển hiệu, cắt đứt các liên lạc... Hay nói cách khác, doanh nghiệp tự chấm dứt hoạt động, “biến mất” khỏi thị trường mà không thông qua bất cứ thủ tục gì. Xảy ra tình trạng trên, 1 phần xuất phát từ các quy định pháp luật về giải thể và phá sản quá phức tạp, rườm rà, bó buộc các bên. Do vậy, tôi đồng ý với việc hoàn thiện quy định về giải thể doanh nghiệp theo hướng đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà kinh doanh để họ rút lui khỏi thị trường 1 cách có trật tự, ít ảnh hưởng nhất đến thị trường và các chủ thể có liên quan.

Trên đây là 1 vài ý kiến của tôi liên quan đến Một số nhóm vấn đề xin ý kiến sửa đổi, hoàn thiện Luật Doanh nghiệp 2005. Hy vọng trong quá trình sửa đổi, bổ sung LDN thời gian tới, Việt Nam sẽ có 1 đạo luật điều chỉnh hoạt động của các loại hình doanh nghiệp hoàn thiện, phù hợp và tương thích với các văn bản pháp luật trong nước cũng như các điều ước quốc tế mà chúng ta ký kết và tham gia./.

Các văn bản liên quan