Nghị định sửa đổi Nghị định về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí
VCCI_Góp ý Quyết định của Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Thủ tướng Chính phủ trong các lĩnh vực ngân hàng, quốc phòng, tài chính
Kính gửi: Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp
Trả lời Công văn số 1470/BTP-KTrVB của Bộ Tư pháp về việc đề nghị góp ý Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Thủ tướng Chính phủ trong các lĩnh vực ngân hàng, quốc phòng, tài chính và Dự thảo Nghị định bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ trong lĩnh vực quốc phòng, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có một số ý kiến như sau:
- Về Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Thủ tướng Chính phủ trong các lĩnh vực ngân hàng, quốc phòng, tài chính
- Về giải trình lý do văn bản đã hết hiệu lực theo quy định của pháp luật
Việc bãi bỏ Quyết định 111[1] như Dự thảo là phù hợp. Tuy nhiên, lý do của việc bãi bỏ chưa chính xác.
Cụ thể, theo Tờ trình thì Quyết định 111 hết hiệu lực vì “theo quy định tại khoản 3 Điều 74 Luật đầu tư số 67/2014/QH13 ngày 26/11/2014 được sửa đổi, bổ sung năm 2016, điều kiện đầu tư kinh doanh tại các văn bản quy phạm pháp luật ban hành trước ngày Luật đầu tư năm 2014 có hiệu lực thi hành thì hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2016”.
Nội dung này chưa chính xác về lý do bãi bỏ văn bản này ở điểm:Theo giải trình trên thì tất cả các điều kiện kinh doanh ban hành tại các văn bản quy phạm pháp luật trước ngày Luật đầu tư 2014 có hiệu lực sẽ hết hiệu lực kể từ ngày 01/7/2016. Trong khi đó, khoản 3 Điều 74 Luật đầu tư 2014 lại quy định chỉ những điều kiện kinh doanh “trái với quy định tại khoản 3 Điều 7 Luật đầu tư” mới hết hiệu lực sau thời điểm này. Có nghĩa, chỉ có những điều kiện kinh doanh ban hành trong các văn bản không phải ở cấp luật, pháp lệnh, nghị định sẽ hết hiệu lực sau ngày 01/7/2016. Quyết định 111 là văn bản có chứa đựng điều kiện kinh doanh nhưng lại là văn bản dạng Quyết định của Thủ tướng, chính vì vậy sẽ hết hiệu lực vì vi phạm khoản 3 Điều 7 Luật đầu tư theo nghĩa này.
Đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi nội dung giải trình này theo hướng trên để đảm bảo tính chính xác.
- Về tên gọi của Quyết định
Tờ trình đưa ra hai phương án về tên của Quyết định, trong đó:
- Phương án 1: Quyết định tên là “bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Thủ tướng Chính phủ trong các lĩnh vực ngân hàng, quốc phòng, tài chính” với lý do các văn bản được bãi bỏ là do các Bộ: Quốc phòng, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước chủ trì soạn thảo.
- Phương án 2: Quyết định tên là “bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Thủ tướng Chính phủ trong các lĩnh vực bảo hiểm, lao động, thương binh, xã hội, ngân hàng, quốc phòng, y tế” vì trong nội dung 07 văn bản bị bãi bỏ có những nội dung này.
Dự thảo lựa chọn Phương án 1. Lý do để không chọn Phương án 2 theo giải trình là “07 văn bản này … thuộc phạm vi 67 đề mục trong Bộ pháp điển đã được Chính phủ phê duyệt mà không phải toàn bộ các văn bản thuộc lĩnh vực bảo hiểm, lao động, thương binh, xã hội, ngân hàng, quốc phòng, y tế”.
Tuy nhiên, nếu lập luận như vậy thì bản thân Phương án 1 còn thiếu rõ ràng hơn bởi (i) theo tên của Phương án 1 thì cũng không thể biết trong “ngân hàng, quốc phòng, tài chính” sẽ có “y tế, lao động, thương binh xã hội” (Từ góc độ này, Phương án 2 lại hợp lý hơn bởi thể hiện được tất cả lĩnh vực nội dung của các văn bản bị bãi bỏ trong Quyết định) và (ii) bản thân Phương án 1 cũng không bao trùm toàn bộ các văn bản thuộc lĩnh vực “ngân hàng, quốc phòng, an ninh”.
Cần chú ý rằng tên văn bản chỉ là “bãi bỏ một số”, do đó không nhất thiết phải là tất cả các văn bản trong các lĩnh vực liên quan.
Nếu kết hợp với mục tiêu thể hiện rõ cả lĩnh vực nội dung và thẩm quyền quản lý trong tên gọi của văn bản, đề nghị Ban soạn thảo lựa chọn tên theo hướng “bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Thủ tướng Chính phủ trong các lĩnh vực bảo hiểm, lao động, thương binh, xã hội, ngân hàng, quốc phòng, y tế thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Ngân hàng Nhà nước”
[1] Quyết định 111/2009/QĐ-TTg ngày 01/9/2009 của Thủ tướng Chính phủ về điều kiện, thủ tục tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng
2. Dự thảo Nghị định bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ trong lĩnh vực quốc phòng
Tờ trình đưa ra hai phương án về tên của Nghị định với lý do tương tự như trên:
- Phương án 1: Nghị định bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ trong lĩnh vực quốc phòng
- Phương án 2: Nghị định bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ trong các lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng, quốc phòng, y tế
Dự thảo lựa chọn Phương án 1.
Với những lý phân tích tương tự trên, để làm rõ nội dung của văn bản thể hiện trong tên của Nghị định, đề nghị Ban soạn thảo lựa chọn tên sau: “Nghị định bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ trong các lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng, quốc phòng, y tế thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng”.
Trên đây là một số ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Thủ tướng Chính phủ trong các lĩnh vực ngân hàng, quốc phòng, tài chính và Dự thảo Nghị định bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ trong lĩnh vực quốc phòng. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.