Nghị định sửa đổi Nghị định về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí

Thứ Ba 10:22 03-07-2018

Kính gửi: Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương

Trả lời Công văn số 3614/BCT-QLTT của Bộ Công Thương về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội, có một số ý kiến như sau:

Dự thảo này sửa đổi, bổ sung nhiều quy định liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khí theo các điều chỉnh về cơ chế quản lý đối với hoạt động kinh doanh khí tại Nghị định 87[1] vừa mới ban hành. Xuất phát từ tính chất này, các quy định tại Dự thảo cần đáp ứng các yêu cầu:

  • Tính thống nhất: nhất quán với các quy định tại Nghị định 87;
  • Tính logic: chỉ xử phạt những hành vi vi phạm có tính chất hành chính (những hành vi tác động đến các lợi ích công cộng buộc Nhà nước phải điều chỉnh), không xử phạt đối với những hành vi đã được điều chỉnh bởi hệ thống pháp luật tư;
  • Tính hợp lý: các mức xử phạt phù hợp với mức độ nguy hiểm của hành vi, tương ứng với các hành vi cùng loại trong Dự thảo

Rà soát Dự thảo, nhận thấy còn có một số quy định chưa đáp ứng được yêu cầu trên, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét để hoàn thiện:

  1. Về hành vi vi phạm quy định về sản xuất, chế biến LPG (khoản 15 Điều 1 Dự thảo sửa đổi Điều 41 Nghị định 67)
  • Dự thảo quy định xử phạt đối với hành vi “không thiết lập hệ thống phân phối theo quy định khi tiến hành bán lẻ LPG chai trên thị trường” (khoản 3 Điều 41 được sửa đổi). Tuy nhiên, theo Nghị định 87, từ Điều 20-22, “thiết lập hệ thống phân phối” là “quyền” của thương nhân chứ không phải nghĩa vụ; thương nhân có thể bán hàng cho hệ thống phân phối hoặc bán trực tiếp cho khách hàng sử dụng. Nghị định cũng không có quy định nào về hệ thống phân phối (cho trường hợp thương nhân có hệ thống phân phối), chỉ dẫn chiếu tới quy định chung tại Luật Thương mại. Do đó, việc xử phạt đối với hành vi này là không phù hợp với Nghị định 87 và không có căn cứ (do đây không phải hành vi vi phạm pháp luật). Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tại khoản 3 Điều 41 (được sửa đổi).
  • Dự thảo quy định xử phạt đối với hành vi “không kiểm tra an toàn đối với máy, thiết bị, dây chuyển công nghệ để phát hiện và kịp thời khắc phục các dấu hiệu không đảm bảo an toàn trong quá trình sản xuất, chế biến khí” (điểm c khoản 2 Điều 41 được sửa đổi). Quy định này được hiểu là để áp dụng cho trường hợp vi phạm quy định về nghĩa vụ “Thường xuyên kiểm tra an toàn đối với máy, thiết bị, dây chuyển công nghệ để phát hiện và kịp thời khắc phục các dấu hiệu không đảm bảo an toàn trong quá trình sản xuất, chế biến khí” quy định tại Điều 21.5 Nghị định 87. Tuy nhiên, cần chú ý rằng nghĩa vụ gốc ở đây là “thường xuyên kiểm tra…công nghệ”, còn “để phát hiện….” chỉ là mục tiêu của hành vi, không thể thuộc diện xử phạt. Ngoài ra, hành vi là “thường xuyên kiểm tra” chứ không chỉ đơn giản là “kiểm tra”. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo sửa lại quy định này như sau “không thường xuyên kiểm tra an toàn đối với máy, thiết bị, dây chuyển công nghệ”.
  1. Hành vi vi phạm về kinh doanh LPG (khoản 16 Điều 1 Dự thảo sửa đổi Điều 42 Nghị định 67)
  • Khoản 1 Điều 42 (được sửa đổi) quy định xử phạt đối với “hành vi sử dụng LPG chai mini không được phép nạp lại trong cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống”. Theo pháp luật xử phạt vi phạm hành chính thì để xác định xử phạt phải có yếu tố “Lỗi” trong hành vi[2]. Tuy nhiên, đối với hành vi này, phần lớn các trường hợp cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống không thể biết được LPG chai mini có được phép nạp lại hay không (bởi việc sang nạp không thực hiện bởi họ). Vì vậy xử phạt hành vi này là chưa phù hợp. Đề nghị Ban soạn thảo hoặc xem xét bỏ quy định tại khoản 1 Điều 42 (được sửa đổi) hoặc sửa đổi theo hướng, chỉ xử phạt trong trường hợp cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống biết hoặc buộc phải biết LPG chai mini không được phép nạp lại.
  • Khoản 3 Điều 42 (được sửa đổi) quy định xử phạt đối với các hành vi:
  • Không thực hiện chế độ ghi chép và xuất hóa đơn, chứng từ theo quy định của Bộ Tài chính” (điểm a). Hành vi này thuộc phạm vi xử phạt trong lĩnh vực hóa đơn, vì vậy Dự thảo quy định xử phạt đối với hành vi này sẽ gây ra sự chồng lấn về phạm vi xử phạt. Đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tại điểm a khoản 3 Điều 42 (được sửa đổi);

Góp ý tương tự đối với các quy định tại khoản 2 Điều 52 (khoản 26 Điều 1 Dự thảo sửa đổi Điều 52 Nghị định 67); khoản 2 Điều 60 (khoản 35 Điều 1 Dự thảo sửa đổi Điều 52 Nghị định 67);

  • Không có biên bản giao nhận có ký tên xác nhận của khách hàng sử dụng về kiểm tra độ kín của van chai, các đầu nối và ống mềm sau khi lắp đặt mới hoặc thay chai LPG xong”, “không treo biển hiệu, biểu tượng của thương nhân kinh doanh LPG mà cửa hàng ký hợp đồng bán LPG chai” bị xử phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng (điểm c). Đây là mức xử phạt quá nặng đối với các hành vi trên. Xét bản chất thì các hành vi này không gây nguy hiểm đến các lợi ích công cộng mà chỉ là các lỗi về mặt kĩ thuật trong các hoạt động kinh doanh. Mặt khác, khi so sánh với các hành vi khác trong cùng khung, các hành vi này cũng không nghiêm trọng bằng (ví dụ so sánh với hành vi “kinh doanh chai LPG mini, LPG chai mini không được phép nạp lại”). Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo chuyển khung xử phạt đối với hai hành vi này sang khung nhẹ hơn.
  • Chỉ được thay thế, cung cấp cho khách hàng các loại phụ kiện đảm bảo an toàn khi sử dụng và là loại chuyên dùng cho sử dụng với LPG; Các ống mềm phải là loại ngăn ngừa hoặc có bảo vệ được khỏi sự xâm hại của loại gặm nhấm”. Quy định này là chưa rõ về hành vi vi phạm mà chỉ là quy định mô tả về nghĩa vụ của doanh nghiệp khi bán LPG (nhắc lại nghĩa vụ quy định tại Điều 32.10 Nghị định 87). Đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi theo hướng quy định rõ hành vi vi phạm của doanh nghiệp đối với nghĩa vụ này.
  • Khoản 4 Điều 42 (được sửa đổi) quy định xử phạt các hành vi:
  • Cửa hàng bán lẻ LPG chai bán LPG chai của thương nhân kinh doanh LPG khác mà không có hợp đồng hoặc bán LPG chai ngoài hợp đồng đã ký” (điểm b). Chú ý rằng Nghị định 87 và Luật Thương mại đều không có quy định bắt buộc hợp đồng mua bán này phải được thực hiện dưới hình thức văn bản, vì vậy, mọi dạng thỏa thuận đều có thể coi là “hợp đồng”, miễn là được người bán và người mua thống nhất tự nguyện. Do đó, sẽ không thể chứng minh vi phạm này. Hơn nữa, chú ý là ngay cả khi pháp luật có quy định hợp đồng phải bằng văn bản hoặc tương đương thì việc vi phạm cũng rất ít tác động đến các mối quan hệ hành chính hay trật tự công. Vì vậy xử phạt đối với hành vi này là chưa phù hợp, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tại điểm b khoản 4 Điều 42 (được sửa đổi);
  • Không đăng ký hệ thống phân phối với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định” (điểm c). Quy định này là chưa phù hợp vì Nghị định 87 không có quy định về nghĩa vụ đăng ký hệ thống phân phối của thương nhân kinh doanh khí, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định này.
  • Tương tự, đề nghị bỏ quy định xử phạt đối với hành vi “gian lận trong kê khai đăng ký hệ thống phân phối” quy định tại điểm d.
  • Chiếm giữ chai LPG của các thương nhân kinh doanh LPG ngoài hợp đồng mà cửa hàng đã ký” (điểm i). Đây là vấn đề dân sự giữa các thương nhân kinh doanh LPG và sẽ được giải quyết theo hệ thống pháp luật tư. Đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định này.
  • Khoản 5 Điều 42 (được sửa đổi) quy định xử phạt đối với các hành vi:
  • Mua bán các loại LPG và LPG chai của thương nhân kinh doanh LPG khác ngoài hợp đồng đã ký” (điểm c). Việc ký kết hợp đồng hay thực hiện mua, bán các loại LPG là quyền tự do của các thương nhân. Việc yêu cầu chỉ được thực hiện giao dịch với một thương nhân là can thiệp sâu vào quyền tự chủ của doanh nghiệp. Đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định này.
  • Không báo cáo nhãn hiệu hàng hóa theo quy định” (điểm d); “Không báo cáo hệ thống phân phối, hoạt động mua bán khí trên thị trường đến cơ quan quản lý có thẩm quyền theo quy định” (điểm đ) với khung từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng. Đây là mức phạt quá nặng, nhất là so sánh với các hành vi trong cùng khung (ví dụ so với hành vi “Mua, bán LPG và LPG chai trôi nổi trên thị trường không có nguồn gốc xuất xứ hoặc không đủ điều kiện lưu thông trên thị trường”). Đề nghị Ban soạn thảo chuyển khung xử phạt đối với các hành vi này theo hướng nhẹ hơn.

Góp ý tương tự đối với quy định tại điểm a, b khoản 4 Điều 60 (khoản 35 Điều 1 Dự thảo sửa đổi Điều 52 Nghị định 67).

  1. Về hành vi vi phạm quy định về nạp LPG vào chai (khoản 17 Điều 1 Dự thảo sửa đổi Điều 43 Nghị định 67)
  • Hành vi “Nạp LPG vào chai không đáp ứng đủ điều kiện lưu thông trên thị trường” (điểm a khoản 2) có cùng tính chất với hành vi “Nạp LPG vào chai LPG mini không được phép nạp lại” (điểm b khoản 1) vì chai LPG mini không được phép nạp lại sẽ không đáp ứng đủ điều kiện lưu thông trên thị trường trong khi hai hành vi này lại ở hai khung xử phạt khác nhau.

Để tránh sự chồng lấn, đề nghị Ban soạn thảo loại hành vi quy định tại điểm b khoản 1 ra khoải hành vi điểm a khoản 2.

  • Khoản 3 xử phạt đối với hành vi “chứa chai LPG của thương nhân khác không có hợp đồng thuê nạp LPG tại trạm nạp” (điểm a). Đây là hành vi thuộc về pháp luật tư, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định này.
  1. Về hành vi vi phạm quy định về nạp LNG vào phương tiện vận tải (Khoản 28 Điều 1 Dự thảo sửa đổi Điều 54 Nghị định 67)

Dự thảo quy định xử phạt “từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không ghi đầy đủ, rõ ràng biển hiệu, biểu tượng của trạm nạp theo quy định của pháp luật”. Đây là mức phạt quá nặng đối với hành vi này, trong khi mức độ nguy hiểm của hành vi không đáng kể, nhất là so sánh với các hành vi có cùng khung xử phạt trong Dự thảo.

Đề nghị Ban soạn thảo giảm mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm này.

Góp ý tương tự đối với khoản 1 Điều 62 (khoản 37 Điều 1 Dự thảo sửa đổi Điều 62 Nghị định 67).

Trên đây là một số ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.

[1] Nghị định 87/2018/NĐ-CP của Chính phủ ngày 15/6/2018 về kinh doanh khí

[2] Khoản 1 Điều 2 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012