VCCI_Góp ý Quyết định của Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Thủ tướng Chính phủ trong các lĩnh vực ngân hàng, quốc phòng, tài chính
VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi về đăng ký quốc tịch tàu bay và đăng ký các quyền đối với tàu bay
VCCI_Góp ý Thông tư quy định về quản lý chất lượng dịch vụ bưu chính
Kính gửi: Vụ Bưu chính, Bộ Thông tin và Truyền thông
Trả lời Công văn số 1724/BTTTT-BC của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư quy định về quản lý chất lượng dịch vụ bưu chính (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có một số ý kiến như sau:
- Về báo cáo (Điều 5): Khoản 1 Dự thảo quy định về hình thức báo cáo định kỳ là “văn bản và dạng tệp dữ liệu điện tử kèm theo thư điện tử”. Để tạo thuận lợi về mặt thủ tục cho doanh nghiệp, đề nghị Ban soạn thảo quy định gửi báo cáo bằng phương tiện điện tử thay vì cả hình thức truyền thống;
- Về kiểm tra chất lượng dịch vụ của cơ quan quản lý nhà nước (Điều 8)
- Thẩm quyền kiểm tra:
Khoản 1 Điều 8 Dự thảo quy định Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ kiểm tra chất lượng dịch vụ bưu chính trong phạm vi cả nước; Sở Thông tin và Truyền thông kiểm tra chất lượng dịch vụ bưu chính tại địa phương. Như vậy, phạm vi kiểm tra của Bộ và Sở sẽ bị chồng lấn đối với việc kiểm tra chất lượng bưu chính ở địa phương. Điều này có thể gây ra hiện tượng, một chủ thể hoạt động bưu chính tại địa phương có thể chịu sự kiểm tra của cả Bộ và Sở. Hơn nữa, phạm vi hoạt động của doanh nghiệp về nguyên tắc là không giới hạn phạm vi địa lý (doanh nghiệp có quyền hoạt động trên cả nước). Còn trên thực tế, đối với trường hợp cụ thể này, doanh nghiệp trung ương thực tế không có hoạt động dịch vụ bưu chính cụ thể theo địa bàn (bởi kể cả ở Hà Nội thì hoạt động này do Công ty… Hà Nội thực hiện).
Để hạn chế tình trạng này, đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh quy định liên quan theo hướng: Sở Thông tin và Truyền thông kiểm tra chất lượng dịch vụ bưu chính tại địa phương và báo cáo với Bộ Thông tin và Truyền thông, trên cơ sở báo cáo của các Sở thì Bộ có thể nắm được thông tin về tình hình hoạt động và chất lượng bưu chính công ích trong phạm vi cả nước.
- Kiểm tra đột xuất:
Dự thảo quy định “trường hợp cần thiết, Bộ Thông tin và Truyền thông quyết định kiểm tra đột xuất chất lượng dịch vụ bưu chính do các doanh nghiệp cung ứng trong phạm vi toàn quốc” (điểm a khoản 2 Điều 8).
“Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định kiểm tra đột xuất chất lượng dịch vụ bưu chính trên địa bàn quản lý” (điểm b khoản 2 Điều 8).
Quy định trên là chưa rõ về:
- Khi nào được xem là “cần thiết” phải kiểm tra đột xuất – nói cách khác, những trường hợp nào thì cơ quan nhà nước sẽ tiến hành kiểm tra đột xuất? Việc không rõ ràng về các trường hợp này sẽ nảy sinh tình trạng tùy tiện của cơ quan quản lý trong việc tiến hành kiểm tra doanh nghiệp và gây khó khăn cho hoạt động của các chủ thể này. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ các trường hợp cơ quan nhà nước sẽ tiến hành kiểm tra đột xuất (có thể là các trường hợp phản ánh về chất lượng dịch vụ bưu chính công ích, …).
- Sự chồng chéo về thẩm quyền tiến hành kiểm tra đột xuất, tương tự như phân tích ở phần trên.
Trên đây là một số ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư quy định về quản lý chất lượng dịch vụ bưu chính. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.