VCCI_Góp ý Dự thảo Quy hoạch tỉnh Lai Châu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Thứ Sáu 13:18 01-04-2022

Kính gửi: Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lai Châu

Ngày 28/3/2022, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận được Công văn số 857/UBND-TH ngày 22/3/2022 của Quý Cơ quan đề nghị tham gia ý kiến đối với dự thảo Quy hoạch tỉnh Lai Châu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (sau đây gọi tắt là Dự thảo).

Dự thảo được xây dựng rất chi tiết, cụ thể, bám sát phạm vi, yêu cầu, mục đích, quan điểm và nguyên tắc xây dựng quy hoạch được nêu trong Quyết định số 349/QĐ-TTg ngày 06/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Lai Châu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Dự thảo đã có đánh giá phân tích thực trạng, nhận định thuận lợi, khó khăn và thách thức, từ đó xây dựng các giải pháp, phương án phát triển các ngành, lĩnh vực, phương án phân bổ không gian kinh tế-xã hội, phát triển kết cấu hạ tầng, bảo vệ môi trường và phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, khoanh vùng bảo vệ đất đai… Việc công khai, minh bạch trong xây dựng Quy hoạch cũng như sớm công bố Quy hoạch của tỉnh sẽ góp phần sử dụng nguồn lực hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương.

Do Dự thảo chi tiết bao hàm rất nhiều vấn đề khác nhau, trong khoảng thời gian hạn chế, VCCI bước đầu cung cấp một số thông tin cơ bản từ khảo sát chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) công bố mới nhất (PCI 2020) để Quý Cơ quan tham khảo, xem xét đưa vào Dự thảo những nội dung thích hợp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh địa phương, cải thiện chỉ số PCI của tỉnh, đảm bảo phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh. Cụ thể như sau:

  1. Thông tin chung

Kết quả PCI 2020 của Lai Châu đạt 61,98 điểm trên thang điểm 100. Với kết quả này, thứ hạng của Lai Châu ở vị trí 57 trong số 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. So với kết quả năm trước, PCI 2020 của Lai Châu tăng 2,03 điểm và tăng 6 bậc (cụ thể, kết quả PCI 2019 của Lai Châu đạt 59,95 điểm, đứng thứ hạng 63 /63 địa phương).

Năm 2020, 2021 vừa qua là một thời kỳ đặc biệt khi cộng đồng doanh nghiệp, hệ thống chính quyền phải căng sức để đối phó với đại dịch COVID-19 và thiên tai xảy ra liên tiếp, tác động tiêu cực và trực tiếp tới hoạt động đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp, từ doanh nghiệp nhỏ tới các tập đoàn lớn, từ doanh nghiệp du lịch, dịch vụ cho đến doanh nghiệp sản xuất. Đa số các doanh nghiệp của Lai Châu đang gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động. Chính quyền các ngành, các cấp của Tỉnh chủ động, sáng tạo trong nỗ lực tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, nâng cao hiệu quả thực thi chính sách sẽ là những giải pháp quan trọng giúp cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, từ đó có thể đóng góp vào sự phát triển bền vững của Tỉnh trong thời gian tới.

  1. Một số kết quả cụ thể

Môi trường kinh doanh của tỉnh Lai Châu năm 2020 có chuyển động tích cực so với năm 2019, thể hiện ở bảng dưới đây:

Bảng 1: Những chỉ số thành phần PCI năm 2020 tăng so với năm 2019

Chỉ số thành phần

2019

2020

Thay đổi

Chi phí không chính thức

4,77

5,98

1,21

Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp

5,09

5,64

0,55

Chi phí thời gian

5,66

6,04

0,38

Gia nhập thị trường

7,72

7,82

0,10

Lao động

5,88

5,94

0,06

Tuy nhiên bên cạnh đó, theo đánh giá của các doanh nghiệp, vẫn có những lĩnh vực cần thêm nỗ lực cải thiện:

Bảng 2: Những chỉ số thành phần PCI 2020 giảm so với năm 2019

Chỉ số thành phần

2019

2020

Thay đổi

Tiếp cận đất đai

6,32

5,78

-0,54

Cạnh tranh bình đẳng

6,92

6,67

-0,25

Tính năng động

6,79

6,56

-0,22

Thiết chế pháp lý

6,98

6,84

-0,14

Minh bạch

6,53

6,50

-0,03

Phản ánh của doanh nghiệp trong điều tra PCI 2020 cho thấy một số  lĩnh vực thủ tục hành chính tại Tỉnh còn không ít doanh nghiệp cho biết còn gặp nhiều phiền hà trong quá trình thực hiện. Cụ thể bao gồm:

Bảng 3: Những lĩnh vực thủ tục hành chính còn nhiều phiền hà (%)

Lĩnh vực thủ tục hành chính

Tỷ lệ đánh giá là phiền hà

Đất đai

45

Thuế

27

Kho bạc

24

Môi trường

21

Phòng cháy

17

Giao thông

16

Quản lý thị trường

16

Xây dựng

14

Bảo hiểm xã hội

12

An toàn thực phẩm

7

Hải quan

7

Lao động

5

Đăng ký doanh nghiệp, đầu tư

3

Khác

1

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tại tỉnh Lai Châu đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động, trong đó có 5 khó khăn vướng mắc nhất là Tiếp cận vốn tín dụng, Tìm kiếm khách hàng, Rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu, Tìm kiếm nhân sự thích hợp, Biến động thị trường và Biến động chính sách, pháp luật. Cơ sở hạ tầng yếu kém, tính Ổn định trong sử dụng đất và quyền tài sản khác và việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ cũng là những vấn đề doanh nghiệp băn khoăn.

  1. Doanh nghiệp kiến nghị

Trong bối cảnh dịch COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp, những kết quả đạt được trong việc cải thiện môi trường kinh doanh của chính quyền tỉnh Lai Châulà đáng khích lệ. Nhằm tạo thuận lợi cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời kiến tạo nền tảng vững chắc cho việc thu hút đầu tư vào Lai Châu, chính quyền tỉnh có thể cân nhắc triển khai một số giải pháp sau:

– Xây dựng và triển khai thực chất, hiệu quả các quy hoạch, chương trình, kế hoạch hành động cải thiện môi trường kinh doanh địa phương, đáp ứng nhu cầu từ thực tiễn qua các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp. VCCI cam kết hợp tác chặt chẽ với chính quyền tỉnh Lai Châu;

– Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp và cải thiện trách nhiệm giải trình giữa các cơ quan chính quyền các cấp trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, cơ quan chính quyền các cấp của Tỉnh cần chủ động nắm bắt và tháo gỡ nhanh chóng các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách và quy định pháp luật liện quan tới hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đề xuất kịp thời phương án giải quyết các vấn đề vượt thẩm quyền tới Chính phủ và các Bộ, ngành nhằm khai thông nguồn lực cho sản xuất kinh doanh và thúc đẩy đầu tư;

– Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính; thực hiện nghiêm túc việc xử lý trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm liên đới đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra việc cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý trực tiếp của mình có hành vi gây nhũng nhiễu, phiền hà trong việc tiếp nhận và giải quyết công việc của doanh nghiệp và nhà đầu tư;

– Thường xuyên rà soát, sửa đổi hoặc kiến nghị sửa đổi các quy trình và thủ tục hành chính còn bất hợp lý, trong đó tập trung vào việc đơn giản hoá quy trình, thủ tục và thực hiện tối đa các thủ tục được giải quyết theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông nhằm cắt giảm mạnh mẽ gánh nặng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, giảm thiểu cơ hội phát sinh chi phí không chính thức, theo đúng yêu cầu Chính phủ đặt ra tại Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 về việc ban hành Chương trình cắt giảm đơn giản hoá quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025;

– Nâng cao hiệu quả hoạt động của các Trung tâm phục vụ hành chính công và bộ phận một cửa, tăng tối đa số thủ tục hành chính đưa vào giải quyết tại các trung tâm hành chính công và bộ phận một cửa, nhất là các thủ tục hành chính mà doanh nghiệp phản ánh còn gặp nhiều phiền hà trong quá trình thực hiện;

– Hoàn thành sớm việc xây dựng Chính quyền điện tử, hướng tới số hoá chính quyền theo mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra tại Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, cần tạo lập và kết nối liên thông cơ sở dữ liệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước, hướng tới việc không yêu cầu doanh nghiệp và nhà đầu tư phải cung cấp lại các thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được chấp nhận khi thực hiện thủ tục hành chính trước đó hoặc kết quả giải quyết thủ tục hành chính do cơ quan nhà nước đã thực hiện;

– Đảm bảo thực chất yêu cầu công khai minh bạch thông tin của các cơ quan chính quyền, đặc biệt là các thông tin về quy hoạch, kế hoạch phát triển của địa phương, các dự án đầu tư công, đấu thầu, các dự án kêu gọi đầu tư, các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, kể cả các quy trình, thủ tục cũng như kết quả giải quyết thủ tục hành chính của các ngành, các cấp;

– Tiếp tục giảm thiểu gánh nặng thanh, kiểm tra doanh nghiệp, theo hướng áp dụng triệt để nguyên tắc quản lý rủi ro trong thực hiện thanh tra kiểm tra. Theo đó, các cơ quan quản lý nhà nước trong từng ngành, lĩnh vực cần đánh giá, phân loại mức độ rủi ro tiềm ẩn (về môi trường, trật tự an toàn xã hội…) để từ đó áp dụng mức độ kiểm tra, thanh tra phù hợp. Xác định rõ đầu mối kiểm soát các hoạt động thanh kiểm tra doanh nghiệp trên địa bàn, kể cả các cuộc thanh kiểm tra của cơ quan trung ương; công khai đầy đủ và kịp thời trên website của cơ quan nhà nước danh sách các đối tượng bị thanh kiểm tra theo kế hoạch, cũng như kết quả thanh, kiểm tra sau khi có kết luận;

– Phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp tiến hành thường xuyên và thực chất các cuộc đối thoại doanh nghiệp. Đảm bảo các cuộc gặp mặt, đối thoại này có sự tham gia của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Kịp thời giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp; giao hiệp hội doanh nghiệp của tỉnh theo dõi, giám sát quá trình giải quyết; định kỳ tiến hành đánh giá công khai kết quả giải quyết vướng mắc từ các doanh nghiệp. Đăng tải kịp thời những thông tin về phản hồi, đánh giá, phản ánh vướng mắc kiến nghị, khiếu nại của doanh nghiệp; tiếp tục tổ chức và thực hiện việc đánh giá thực thi của sở, ngành, huyện, thị thông qua việc xây dựng và công bố bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, quận huyện (DDCI) định kỳ hàng năm theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 19-2018;

– Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại địa phương, thông qua việc cải thiện chất lượng giáo dục phổ thông và giáo dục dạy nghề, theo hướng cải thiện năng lực của người lao động đáp ứng yêu cầu của việc phát triển kinh tế số trong thời kỳ mới;

– Xây dựng và triển khai hiệu quả, thực chất các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chịu tác động của dịch COVID-19, tập trung vào đối tượng doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, chủ động nghiên cứu và cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp về tiếp cận thị trường và tiếp cận vốn tín dụng.

Trên đây là một số ý kiến và thông tin ban đầu Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trân trọng gửi tới Quý Cơ quan tham khảo, hoàn thiện Dự thảo.

Trân trọng cảm ơn.