VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định về Thanh toán không dùng tiền mặt

Thứ Tư 10:03 25-12-2019

Kính gửi: Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận được Công văn số 8587/NHNN-TT của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định quy định về thanh toán không dùng tiền mặt (sau đây gọi tắt là Dự thảo). Đây là Dự thảo tác động lớn đến cộng đồng doanh nghiệp, vì vậy ngày 11/12/2019, VCCI đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp đối với Dự thảo này. Đồng thời, VCCI cũng tiến hành lấy ý kiến góp ý rộng rãi các đối tượng liên quan. Trên cơ sở ý kiến góp ý của doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia thu nhận được từ các hoạt động này, Phòng Thương mại và Công nghiệp có một số ý kiến tổng hợp đối với Dự thảo như sau:

  1. Giải thích từ ngữ (Điều 3)

            Khoản 13 và Khoản 14 Điều 3 Dự thảo quy định:

  • Tiền di động là tiền điện tử do tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán kinh doanh dịch vụ viễn thông phát hành và định danh khách hàng thông qua cơ sở dữ liệu thuê bao di động
  • Ví điện tử là tiền điện tử do tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phát hành và định danh khách hàng thông qua tài khoản thanh toán của khách hàng mở tại ngân hàng.

            Theo quy định trên thì “tiền di động” và “ví điện tử” được phân loại căn cứ theo chủ thể phát hành và phương thức định danh.

            Tuy nhiên, việc phân biệt này có lẽ là không cần thiết, bởi:

  • Việc phân biệt chủ thể phát hành (có kinh doanh dịch vụ viễn thông hay không) và phương thức định danh (theo thuê bao viễn thông hay tài khoản ngân hàng) không làm ảnh hưởng tới bản chất hoàn toàn giống nhau của hai hình thức trung gian thanh toán này (cho phép người sử dụng có thể thanh toán mọi lúc mọi nơi với thiết bị di động được kết nối Internet)
  • Về tiêu chí chủ thể phát hành: Đối với 02 loại này, dù là chủ thể phát hành nào thì vẫn phải có quyền cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán, cũng không có điều kiện gì khác nhau giữa hai chủ thể từ góc độ quản lý của Ngân hàng Nhà nước)
  • Về tiêu chí phương thức định danh: Dù phương thức định danh nào trong hai loại thì kết quả vẫn giống nhau – khách hàng được định danh với các thông tin cơ bản về nhân thân.

            Trong khi đó, việc phân biệt hai loại hình này lại dẫn tới các cơ chế quản lý riêng cho mỗi loại, khiến doanh nghiệp bị đặt ở thế cạnh tranh khác biệt, đồng thời cũng làm phức tạp hơn hoạt động quản lý của Ngân hàng Nhà nước.

            Do vậy, để thể hiện đúng bản chất của phương thức, đồng thời tạo thế cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực trung gian thanh toán và tạo điều kiện để quản lý Nhà nước đối với vấn đề này được đơn giản và hiệu quả hơn, các doanh nghiệp đề nghị Ban soạn thảo quy định theo hướng không phân biệt giữa “ví điện tử” và “tiền di động” mà chỉ cần 01 loại duy nhất, cụ thể:

  • Chỉ dùng chung một khái niệm “ví điện tử”;
  • Ví điện tử có thể được định danh bằng tài khoản ngân hàng hoặc các dữ liệu định danh của các công ty viễn thông.
  • Tùy theo mức độ định danh có thể phân cấp ví điện tử thành các loại khác nhau và có những giới hạn giao dịch phù hợp theo mỗi loại (ví dụ theo hướng mức định danh càng chi tiết thì hạn mức giao dịch càng cao)
  1. Các hành vi bị cấm (Điều 8)

Khoản 5 Điều 8 Dự thảo quy định “cho thuê, cho mượn tài khoản thanh toán” sẽ bị xem là hành vi bị cấm. Quy định này là chưa hợp lý, bởi vì việc tự nguyện cho thuê/cho mượn và thuê/mượn tài khoản để nhờ chuyển tiền, rút tiền, trả nợ, thanh toán tiền mua hàng hóa, dịch vụ … là các hoạt động đang diễn ra khá phổ biến trên thực tế, phù hợp với các nguyên tắc của giao dịch dân sự, không mâu thuẫn với các yêu cầu an toàn tài chính cơ bản. Thực tế thời gian qua cũng cho thấy các hoạt động này diễn ra bình thường, không có phản ánh nào về tác động bất lợi đáng kể tới lợi ích công cộng đến mức buộc phải cấm hoạt động này.

Mặt khác, khoản 2 Điều 10 Dự thảo quy định “chủ tài khoản thanh toán có thể ủy quyền có thời hạn bằng văn bản cho người khác sử dụng tài khoản thanh toán theo quy định pháp luật”. Quy định này được hiểu là một hình thức sử dụng tài khoản của người khác. Như vậy, quy định tại khoản 5 Điều 8 và khoản 2 Điều 10 đang mâu thuẫn nhau.

Để đảm bảo tính hợp lý và thống nhất, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định “cho thuê, cho mượn tài khoản thanh toán” tại khoản 5 Điều 8.

  1. Đóng tài khoản thanh toán (Điều 12)

Một số quy định tại Dự thảo liên quan tới đóng tài khoản chưa hợp lý và cần điều chỉnh, cụ thể:

  • Khoản 1 Điều 12 Dự thảo quy định các trường hợp đóng tài khoản thanh toán trong đó có quy định quét “các trường hợp khác theo quy định của pháp luật” (điểm e). Quy định quét trong trường hợp này là chưa đủ rõ ràng, tạo khả năng mở quá lớn. Vì vậy đề nghị Ban soạn thảo liệt kê cụ thể các trường hợp khác nếu có và bỏ quy định tại điểm e;
  • Khoản 2 Điều 12 Dự thảo quy định việc xử lý số dư khi đóng tài khoản thanh toán trong đó “xử lý theo quy định của pháp luật đối với trường hợp người thụ hưởng hợp pháp số dư trên tài khoản thanh toán đã được thông báo mà không đến nhận”. Quy định này không rõ cách thức xử lý số dư và cũng không rõ văn bản pháp luật nào quy định về vấn đề này. Đề nghị Ban soạn thảo hoặc quy định cụ thể cách thức xử lý số dư hoặc dẫn chiếu văn bản cụ thể quy định.
  1. Hồ sơ và trình tự thủ tục mở/đóng tài khoản thanh toán tại Ngân hàng Nhà nước của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước, tổ chức bảo hiểm tiền gửi (Điều 14)

Quy định về các vấn đề này tại Điều 14 Dự thảo có một số điểm chưa hợp lý cần được điều chỉnh, cụ thể:

  • Điểm b khoản 1 Điều 14 Dự thảo quy định hồ sơ mở tài khoản thanh toán tại Ngân hàng Nhà nước trong đó có các giấy tờ chứng minh tổ chức mở tài khoản được thành lập và hoạt động hợp pháp gồm “điều lệ, quyết định thành lập, giấy phép hoạt động, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đầu tư”.

Về mặt pháp lý, tổ chức liên quan chỉ cần xuất trình quyết định thành lập, giấy phép hoạt động, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đầu tư là đủ để chứng minh mình có được thành lập và hoạt động hợp pháp. “Điều lệ” chỉ là văn bản về công tác tổ chức, phân quyền nội bộ chứ không phải văn bản hành chính xác nhận tính hợp pháp của tổ chức. Vì vậy, để tinh giản tài liệu trong hồ sơ thủ tục hành chính, đề nghị Ban soạn thảo bỏ yêu cầu phải cung cấp “điều lệ”.

  • Điểm d khoản 1 Điều 14 Dư thảo quy định các giấy tờ trong hồ sơ là “bản chính” hoặc “bản sao”. Yêu cầu cung cấp bản chính trong hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính này là chưa hợp lý, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định này.
  • Theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Dự thảo thì việc mở tài khoản của các tổ chức này tại Ngân hàng Nhà nước có thể bị từ chối. Tuy nhiên Dự thảo lại không có quy định nào về các trường hợp cơ quan nhà nước có quyền từ chối mở tài khoản thanh toán. Để đảm bảo tính minh bạch của quy định, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ những trường hợp này.

  1. Dịch vụ thanh toán không qua tài khoản của khách hàng (Điều 18)

Theo quy định tại khoản 2 Điều 18 Dự thảo thì doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích được cung ứng các dịch vụ chuyển tiền, thu hộ và chi hộ. Đây là đối tượng mới được cung cấp dịch vụ thanh toán không qua tài khoản của khách hàng.

Theo giải trình của Ban soạn thảo tại Tờ trình thì căn cứ để bổ sung đối tượng này vào các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản là Luật Bưu chính, Quyết định 41/2011/QĐ-TTg. Giải trình này dường như chưa thật hợp lý để giải thích tại sao doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích được xem là tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản của khách hàng còn các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính khác lại không được, trong khi tất cả các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính đều phải đáp ứng điều kiện kinh doanh như nhau theo 02 văn bản nói trên.

Mặt khác, trên thực tế thì một số doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính (không phải công ích) cũng đang có hoạt động thu hộ, chi hộ không thông qua tài khoản của khách hàng. Và thông lệ này không gây ra tác động bất lợi đáng kể nào cho lợi ích công cộng, hơn nữa còn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc:

  • Hoặc là cho phép tất cả các doanh nghiệp bưu chính thực hiện hoạt động này;
  • Hoặc là giải trình rõ về lý do tại sao chỉ giới hạn quyền này ở doanh nghiệp bưu chính công ích để đảm bảo tính minh bạch về chính sách và công bằng cho các doanh nghiệp
  1. Điều kiện cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản của khách hàng của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích (Điều 19)

Điều 19 Dự thảo quy định các điều kiện để doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích phải đáp ứng để được phép cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản.

Về tính chất, quy định này có tính chất như điều kiện kinh doanh (các điều kiện doanh nghiệp phải đáp ứng mới được phép thực hiện một hoạt động kinh doanh), do đó là chưa phù hợp với Luật Đầu tư 2014 (sửa đổi Danh mục năm 2016) vì đây là ngành nghề không thuộc Danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Về các chủ thể: Bình luận tại mục 5 Công văn này (ở trên) cũng áp dụng với quy định tại Điều 19 này

Về các điều kiện cụ thể quy định tại Điều 19, một số nội dung sau chưa hợp lý:

  • Điều kiện “trang bị cơ sở vật chất, điều kiện kỹ thuật, hệ thống công nghệ thông tin tại các địa điểm cung ứng dịch vụ đảm bảo đáp ứng yêu cầu hạch toán và xử lý các giao dịch thanh toán thông suốt, bảo mật và an toàn; đội ngũ nhân sự có trình độ chuyên môn phù hợp và am hiểu về lĩnh vực tài chính ngân hàng, nắm rõ quy trình và thao tác thực hiện giao dịch thanh toán” (khoản 1) là khá chung chung, rất khó định lượng (cơ sở vật chất như thế nào được cho là đáp ứng yêu cầu hạch toán và xử lý các giao dịch thông suốt, bảo mật và an toàn? nhân sự có trình độ chuyên môn thế nào để được cho là “phù hợp”, “am hiểu về lĩnh vực tài chính ngân hàng”). Điều này sẽ gây khó khăn cho các đối tượng trên thực tế áp dụng và trao nhiều quyền có tính chất suy đoán cho cán bộ thực thi;
  • Các điều kiện quy định tại khoản 2 đến khoản 6 có tính chất như quy trình nghiệp vụ, trách nhiệm của doanh nghiệp hơn là điều kiện kinh doanh
  • Khoản 6 quy định “(trường hợp) có những diễn biến bất thường, nguy cơ xảy ra rủi ro an toàn, an ninh tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước có quyền yêu cầu Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích tạm dừng (kèm theo thực hiện các biện pháp khắc phục) hoặc chấm dứt hoạt động này”. Đây là quy định ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích nhưng lại chưa rõ ràng. Ví dụ: như thế nào được cho là có diễn biến bất thường, nguy cơ xảy ra rủi ro an toàn, an ninh tiền tệ? Các biện pháp khắc phục trong trường hợp doanh nghiệp bị tạm dừng hoạt động là gì? Sau khi tạm dừng hoặc chấm dứt hoạt động này thì có quyền được hoạt động lại khi đã hết nhưng bất thường, nguy cơ xảy ra rủi ro an toàn, an ninh tiền tệ không? Thời gian và điều kiện hoạt động lại như thế nào?

Tóm lại, để đảm bảo tính thống nhất và hợp lý, đề nghị Ban soạn thảo:

  • Bỏ quy định tại khoản 1 Điều 9 – quy định có tính chất là điều kiện kinh doanh
  • Chuyển các quy định từ khoản 2 đến khoản 6 Điều 9 thành quy trình nghiệp vụ và/hoặc trách nhiệm của doanh nghiệp bưu chính công ích khi cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản của khách hàng
  • Khoản 6 Điều 9: Đề nghị quy định rõ những vấn đề được nêu ở trên.
  1. Quy trình, thủ tục chấp thuận bằng văn bản hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản của khách hàng của Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích (Điều 20)

Điều 20 Dự thảo quy định về trình tự thủ tục cấp phép đối với hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản của khách hàng của Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích. Như đã phân tích ở mục 6 Công văn này (ở trên) thì việc xác định hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản của khách hàng của Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và quy định điều kiện kinh doanh cho ngành nghề này là chưa phù hợp với Luật Đầu tư.

Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tại Điều 20.

  1. Nguyên tắc thực hiện hoạt động đại lý thanh toán (Điều 22)

Khoản 3 Điều 22 Dự thảo quy định “Bên đại lý thanh toán không phải là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được đồng thời làm đại lý thanh toán cho bên giao đại lý khác nếu không được chấp thuận bằng văn bản của bên giao đại lý mà mình đang làm đại lý thanh toán. Bên đại lý thanh toán không phải là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được phép giao đại lý cho bên thứ ba”.

      Không rõ mục tiêu của quy định hạn chế quyền hoạt động (cùng lúc làm đại lý cho nhiều bên, giao đại lý tiếp cho bên thứ ba) bên đại lý thanh toán không phải là tổ chức tín dụng là gì? Để đối phó với nguy cơ gì (nếu nhận làm đại lý cho nhiều bên mà không được sự đồng ý của bên giao đại lý trước đó thì dẫn tới rủi ro gì? Cho ai?..)

Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ quy định tại khoản 3 Điều 22 nếu không làm rõ được lý do và mục tiêu của quy định này.

  1. Nghiệp vụ giao đại lý thanh toán (Điều 23)

Khoản 5 Điều 23 Dự thảo quy định: trường hợp bên đại lý không phải là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, bên giao đại lý có biện pháp quản lý số dư, hạn mức giao dịch:

  • (1) Hạn mức rút tiền mặt tối đa đối với khách hàng cá nhân là 20 triệu đồng/khách hàng/ngày; hạn mức trả tiền hoặc chuyển tiền tối đa đối với khách hàng cá nhân là 50 triệu đồng/khách hàng/ngày;
  • (2) Bên giao đại lý căn cứ vào cơ sở vật chất, hạ tầng của bên đại lý để xác định hạn mức hoặc số dư trên một tài khoản thanh toán, thẻ ghi nợ, thẻ trả trước định danh, thẻ tín dụng của khách hàng cá nhân mở tại bên giao đại lý theo phương thức quy định tại khoản 1 Điều này

Quy định trên cần được xem xét ở các điểm sau:

  • (1) Dự thảo chỉ quy định hạn mức rút tiền mặt đối với khách hàng là cá nhân còn khách hàng là tổ chức có bị khống chế hạn mức không? Nếu có thì bao nhiêu? Nếu không thì tại sao lại không khống chế đối với khách hàng là tổ chức trong khi quy định này yêu cầu bên giao đại lý phải có biện pháp quản lý số dư, hạn mức giao dịch? Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ về vấn đề hạn mức của khách hàng là tổ chức.
  • (2) Quy định bên giao đại lý căn cứ vào “cơ sở vật chất, hạ tầng của bên đại lý để xác định hạn mức và số dư trên một tài khoản thanh toán, thẻ ghi nợ, thẻ trả trước định danh, thẻ tín dụng của khách hàng cá nhân mở tại bên giao đại lý” là chưa hợp lý vì việc xác định hạn mức hoặc số dư tùy thuộc vào nhu cầu của khách hàng và mối quan hệ giữa ngân hàng và khách hàng, không phụ thuộc vào cơ sở vật chất, hạ tầng của bên đại lý thanh toán. Trong trường hợp cần thiết, khách hàng vẫn có thể thực hiện thêm giao dịch ở chi nhánh, phòng giao dịch và đại lý thanh toán khác của ngân hàng giao đại lý. Đề nghị Ban soạn thảo bỏ cụm từ “căn cứ vào cơ sở vật chất, hạ tầng của bên giao đại lý” quy định tại điểm b khoản 5 Điều 23.
  1. Trách nhiệm của bên giao đại lý (Điều 25)

Khoản 1 Điều 25 Dự thảo quy định về các tiêu chí tối thiểu của bên đại lý thanh toán. Bên giao đại lý và bên đại lý có mối quan hệ dân sự. Bên đại lý thực hiện các hoạt động nhân danh bên giao đại lý, vì vậy bên giao đại lý có trách nhiệm lựa chọn bên đại lý phù hợp. Hơn nữa, bên giao đại lý sẽ chịu trách nhiệm toàn bộ cho hoạt động nghiệp vụ thanh toán mà bên đại lý thực hiện. Và những rủi ro về tài chính, thanh toán đối với khách hàng thì đã được Nhà nước kiểm soát thông qua các biện pháp quản lý đối với bên giao đại lý – bên chịu trách nhiệm cuối cùng với khách hàng. Do đó, một số doanh nghiệp cho rằng không cần thiết phải quy định các tiêu chí tối thiểu đối với doanh nghiệp làm đại lý thanh toán, có thể cho phép bên giao đại lý tự lựa chọn bên đại lý và sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm cho việc này.

Ngoài ra, nếu chỉ xét riêng về tính hợp lý và minh bạch, một số tiêu chí của bên đại lý (nếu vẫn giữ các tiêu chí này) cũng cần phải được cân nhắc lại:

  • Tiêu chí “Là doanh nghiệp thành lập hợp pháp có thời gian hoạt động trước khi được lựa chọn làm bên đại lý tối thiểu là 12 tháng” (điểm a khoản 1): việc đặt ra thời hạn hoạt động tối thiểu trước khi nhận đại lý không có nhiều tính thuyết phục trong việc xác định doanh nghiệp có năng lực hay không? Trong khi đây là điều kiện cản trở đáng kể đến các doanh nghiệp muốn tham gia vào thị trường này;
  • Các tiêu chí “có đội ngũ cán bộ được đào tạo, có khả năng xử lý giao dịch bằng tiền mặt và/hoặc cung cấp các dịch vụ thanh toán dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, viễn thông” (điểm c khoản 1); “có địa điểm thuận lợi và cơ sở hạ tầng để được trang bị máy móc, thiết bị công nghệ nhằm xử lý giao dịch; … trang bị các điều kiện đảm bảo an toàn trong giao nhận, bảo quản, vận chuyển tiền mặt theo yêu cầu của bên giao đại lý” (điểm d khoản 1); “có địa điểm kinh doanh thường xuyên gắn liền với một địa chỉ thường trú nhất định với vị trí địa lý thuận tiện để khách hàng có thể tiếp cận dịch vụ” (điểm đ khoản 1); “có biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn, kiểm soát nội bộ và khả năng cung cấp thông tin, báo cáo để giám sát” (điểm e khoản 1) là chưa đủ rõ ràng. Ví dụ: đội ngũ cán bộ được đào tạo là trong lĩnh vực, chuyên môn nào? Như thế nào được cho là có địa điểm thuận lợi? …

Từ những phân tích trên, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ quy định về các tiêu chí tối thiểu của các đại lý thanh toán.

  1. Các dịch vụ trung gian thanh toán (Điều 26)

Điều 26 Dự thảo quy định về điều kiện cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trong đó có các điều kiện:

  • Điều kiện về nhân sự: yêu cầu về bằng cấp và số năm kinh nghiệm của người đại diện theo pháp luật, Tổng giám đốc (Giám đốc); yêu cầu bằng cấp của một số cán bộ chủ chốt (Phó Giám đốc, Trưởng phòng hoặc tương đương, các cán bộ kỹ thuật) (điểm d khoản 2);
  • Điều kiện về kỹ thuật: có cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, hệ thống công nghệ thông tin, giải pháp công nghệ phù hợp với yêu cầu của hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (điểm đ khoản 2)

Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét các điều kiện trên ở điểm sau:

  • Điều kiện về nhân sự: Đây là điều kiện không rõ về mục tiêu quản lý và dường như chưa thực sự phù hợp với mục tiêu khi quy định về điều kiện kinh doanh quy định tại Điều 7 Luật Đầu tư. Nếu quy định này nhằm đảm bảo tính hiệu quả trong hoạt động của doanh nghiệp thì không cần thiết vì đây là nhu cầu tự thân của doanh nghiệp. Trên thực tế, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đã hoạt động nhiều năm có hiệu quả nhưng không cần phải có người đại diện theo pháp luật và/hoặc các nhân sự chủ chốt đáp ứng điều kiện như quy định ở trên. Để đảm bảo tính hợp lý, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ quy định này, tức là bỏ điểm d khoản 2 Điều 26;
  • Điều kiện về kỹ thuật: Quy định trên là chưa đủ rõ ràng vì không rõ như thế nào được cho là có các cơ sở vật chất phù hợp với yêu cầu của hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Để đảm bảo tính minh bạch, đề nghị Ban soạn thảo quy định theo hướng có thể định lượng được về điều kiện này.
  1. Dịch vụ trung gian thanh toán không thực hiện cấp Giấy phép (Điều 28)

Khoản 3 Điều 28 Dự thảo quy định “ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chịu trách nhiệm xây dựng và thực hiện quy định nội bộ về đánh giá, lựa chọn tổ chức không phải là ngân hàng để hợp tác cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trên cơ sở đáp ứng đủ điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 26 Nghị định này”.

Yêu cầu ngân hàng phải xây dựng quy định nội bộ về đánh giá, lựa chọn tổ chức để hợp tác cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán là không cần thiết, tạo gánh nặng về tài liệu, hồ sơ trong quá trình hoạt động. Trong khi đó, về lý thuyết, những tổ chức đáp ứng điều kiện để được cấp phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, đã được kiểm soát các rủi ro có thể có trong lĩnh vực này. Vì vậy, ngân hàng có thể lựa chọn bất kì doanh nghiệp nào có giấy phép mà không cần quan tâm đến rủi ro đã được Nhà nước kiểm soát.

Để tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ quy định trên.

  1. Điều kiện và tỷ lệ phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài trong hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (Điều 29)

Theo quy định tại khoản 2 Điều 29 Dự thảo thì “tỷ lệ tối đa phần vốn góp của các nhà đầu tư nước ngoài bao gồm cả sở hữu trực tiếp và gián tiếp là 49% vốn điều lệ của tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép cung ứng dịch vụ”. Khống chế tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài là quy định mới tại Dự thảo và làm thay đổi hoàn toàn hiện trạng về vấn đề này. Vì vậy, quy định này nhận được nhiều ý kiến góp ý từ phía doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài.

  • Về cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế có liên quan

Theo các doanh nghiệp thì quy định hạn chế tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài là chưa phù hợp với cam kết của Việt Nam trong một số điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên (WTO, CTPPP, …), cụ thể Việt Nam đã cam kết mở cửa thị trường cho phép 100% sở hữu nước ngolài đối với các dịch vụ sau (là dịch vụ trung gian thanh toán theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định 101/2012/NĐ-CP):

  • Dịch vụ chuyển mạch tài chính cung ứng hạ tầng kỹ thuật để thực hiện việc kết nối, truyền dẫn và xử lý dữ liệu điện tử để thực hiện các giao dịch thanh toán thông qua ATM, POS, Internet, điện thoại di động và các kênh giao dịch điện tử khác giữa các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và/hoặc giữa các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
  • Dịch vụ bù trừ điện tử cung ứng hạ tầng kỹ thuật để thực hiện việc tiếp nhận, đối chiếu dữ liệu thanh toán và tính toán kết quả số tiền phải thu, phải trả sau khi bù trừ giữa các bên thành viên tham gia là tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để thực hiện việc quyết toán cho các bên có liên quan.
  • Dịch vụ cổng thanh toán điện tử cung ứng hạ tầng kỹ thuật để thực hiện việc kết nối giữa các đơn vị chấp nhận thanh toán và ngân hàng nhằm hỗ trợ khách hàng thực hiện thanh toán trong giao dịch thương mại điện tử, thanh toán hóa đơn điện tử và các dịch vụ thanh toán điện tử khác.

Theo Ban soạn thảo thì “khái niệm và phạm vi trung gian thanh toán theo quy định của pháp luật trong nước không thuộc phạm vi cam kết mở cửa của Việt Nam tại Hiệp định WTO và Hiệp định CTPPP. Do vậy, các quy định pháp luật để quản lý dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó có quy định tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để đưa vào dự thảo Nghị định không thuộc phạm vi cam kết và không chịu ràng buộc bởi các cam kết quốc tế đã dẫn ở trên. Việt Nam được quyền ban hành các biện pháp để quản lý hoạt động trung gian thanh toán mà không bị coi là vi phạm các nghĩa vụ cam kết quốc tế nêu trên”.

Rà soát cam kết trong WTO của Việt Nam đối với phân ngành dịch vụ tài chính cho thấy:

  • Đối với loại dịch vụ ngân hàng, tài chính đã cam kết mở cửa: Việt Nam chỉ cam kết mở cửa đối với 11 dịch vụ cụ thể, trong đó có “mọi dịch vụ thanh toán và chuyển tiền, bao gồm thẻ tín dụng, thẻ thanh toán và thẻ nợ, séc du lịch và hối phiếu ngân hàng” nhưng không có dịch vụ chuyển mạch tài chính, dịch vụ bù trừ điện tử, dịch vụ cổng thanh toán điện tử;
  • Đối với nhà đầu tư nước ngoài đã có cam kết cho thành lập hiện diện thương mại trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính: Việt Nam chỉ cam kết cho các chủ thể nhất định được thành lập các hiện diện thương mại trong các lĩnh vực tài chính nhất định (ví dụ: chỉ có tổ chức tín dụng nước ngoài mới được phép hiện diện thương mại cung cấp các dịch vụ ngân hàng và tài chính mà Việt Nam cam kết; với mỗi loại tổ chức tín dụng – ví dụ ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính, tổ chức cho thuê tài chính thì lại có giới hạn về loại hoạt động).

Rà soát các cam kết mở cửa dịch vụ ngân hàng, tài chính trong các FTA khác (EVFTA, CPTPP) cho thấy cơ bản mức mở cửa đối với dịch vụ ngân hàng, tài chính là không đổi so với mức mở trong WTO. Đồng thời, ngay cả ở các khía cạnh mở hơn, cam kết mở cửa trong EVFTA, CPTPP không tự động áp dụng chung cho nhà đầu tư nước ngoài từ các nước ngoài Hiệp định. Trong khi Nghị định này có giá trị áp dụng chung, vì vậy không nhất thiết phải theo các mức mở cửa của EVFTA, CPTPP hay bất kỳ FTA nào khác.

Như vậy, giải trình của Ban soạn thảo về cam kết là hợp lý, tuy nhiên chưa đủ rành mạch để lý giải cho doanh nghiệp. Vì vậy đề nghị Ban soạn thảo phân tích kỹ nội dung này để giúp doanh nghiêp hiểu rõ, đầy đủ và chính xác về cam kết của Việt Nam

  • Về tính minh bạch

Khoản 2 Điều 29 Dự thảo quy định “tỷ lệ tối đa phần vốn góp của các nhà đầu tư nước ngoài bao gồm cả sở hữu trực tiếp và gián tiếp là 49% vốn điều lệ của tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán …”. Khái niệm sở hữu gián tiếp là chưa rõ, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ về khái niệm này hoặc dẫn chiếu tới văn bản có quy định.

  • Tính hợp lý của quy định

Trên thực tế, đối với không ít ngành dịch vụ, vì nhu cầu nội địa, Việt Nam vẫn mở cửa ở mức cao hơn so với cam kết WTO. Do đó, đối với trường hợp của dịch vụ trung gian thanh toán, mặc dù chưa cam kết, Việt Nam vẫn có thể cân nhắc mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài ở mức hợp lý để phục vụ nhu cầu nội địa, thúc đẩy hoạt động tài chính lành mạnh, an toàn và cạnh tranh ở Việt Nam. Theo hướng này, Dự thảo đã chủ động mở cửa dịch vụ trung gian thanh toán cho nhà đầu tư nước ngoài nhưng chỉ duy nhất ở hình thức liên doanh, với vốn nước ngoài tối đa không quá 49%.

Vấn đề còn lại là mức mở cửa này có thực sự phù hợp không. Theo doanh nghiệp thì dường như mức này là chưa phù hợp bởi:

  • Trong khi Việt Nam đã cho phép thành lập các ngân hàng thương mại (chủ thể được xem là chủ thể có tác động đến an ninh kinh tế, xã hội lớn hơn nhiều so với các tổ chức trung gian thanh toán) ở hình thức 100% vốn đầu tư nước ngoài thì tại sao lĩnh vực trung gian thanh toán lại không cho phép thành lập doanh nghiệp cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán 100% vốn đầu tư nước ngoài?
  • Nghị định 101/2012/NĐ-CP không quy định phân biệt về nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực đầu tư này.Trong thời gian Nghị định 101 phát sinh hiệu lực cho đến nay (hơn 06 năm), sự tồn tại của các doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này chưa gây ra tác động bất lợi nào đáng kể tới lợi ích công cộng. Điều này cho thấy rủi ro của nhà đầu tư nước ngoài (liên doanh không hạn chế tỷ lệ vốn nước ngoài, và 100% vốn nước ngoài) trong lĩnh vực này là không lớn. Vậy nhu cầu nội địa nào dẫn tới việc phải hạn chế mức vốn nước ngoài trong các tổ chức này?
  • Các dịch vụ trung gian thanh toán và lĩnh vực công nghệ tài chính nói chung đang ở giai đoạn đầu phát triển tại Việt Nam. Đây cũng là những loại hình gắn với sự phát triển không ngừng của kỹ thuật và công nghệ hiện đại, đòi hỏi nhu cầu vốn rất lớn. Việc thu hút vốn nước ngoài sẽ vừa giúp các doanh nghiệp trong nước có thêm nguồn lực tài chính vừa có cơ hội tiếp cận, tận dụng các công nghệ tiên tiến. Việc giới hạn tỷ lệ vốn của nhà đầu tư nước ngoài sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp đã và đang đầu tư vào lĩnh vực trung gian thanh toán nhưng có tỷ lệ vốn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài vượt quá tỷ lệ khống chế này. Mặt khác, tỷ lệ khống chế này cũng sẽ hạn chế đáng kể mức độ hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài khi muốn đầu tư vào dịch vụ trung gian thanh toán. Đây là những tác động đáng kể cần phải được đánh giá tác động một cách kỹ càng.

Ban soạn thảo dẫn chiếu quy định của Indonesia để bổ sung cho lý do áp trần tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài. Việc chỉ đưa ra quy định của một nước để làm kinh nghiệm quốc tế dường như chưa thực sự toàn diện. Cần phải trích dẫn thêm kinh nghiệm của nhiều nước khác để chứng minh rằng, việc Việt Nam áp trần tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài là phù hợp với xu hướng của quy định các nước trên thế giới.

Tóm lại, để đảm bảo tính hợp lý của quy định này, đề nghị Ban soạn thảo giải trình rõ những vấn đề trên. Trong trường hợp giải trình không thuyết phục, đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành.

  1. Quy trình, thủ tục, hồ sơ cấp, thu hồi và cấp lại Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (Điều 30)
  • Về hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán

Khoản 3 Điều 30 Dự thảo quy định trong hồ sơ phải có:

  • (1) Sơ yếu lý lịch của Tổng giám đốc, Giám đốc, các cán bộ chủ chốt. Phiếu lý lịch tư pháp của những người đại diện theo pháp luật, Tổng Giám đốc (Giám đốc), Kế toán trưởng (điểm e);
  • (2) Tài liệu chứng minh đã góp đủ vốn điều lệ theo quy định tại Luật Doanh nghiệp trước ngày nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép (điểm i)

Đề nghị Ban soạn thảo xem xét quy định trên ở các điểm:

  • Đối với tài liệu (1): không thể hiện bất kì điều kiện nào quy định tại Điều 26 Dự thảo
  • Đối với tài liệu (2): Luật Doanh nghiệp không quy định về tài liệu nào chứng minh việc góp đủ vốn điều lệ

Để đảm bảo tính thống nhất, đề nghị Ban soạn thảo bỏ các quy định trên.

  • Về quy trình, thủ tục cấp phép

Theo quy định tại đoạn 4 điểm c khoản 2 Điều 30 Dự thảo thì trong trường hợp bị Ngân hàng Nhà nước từ chối cấp phép thì 06 tháng kể từ ngày bị từ chối, tổ chức có nhu cầu mới được phép gửi lại Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

Quy định này vừa chưa rõ về mục tiêu quản lý (tại sao lại hạn chế đối tượng gửi hồ sơ xin cấp phép? Nhằm hướng tới mục tiêu gì?), vừa chưa hợp lý (phân biệt đối xử giữa các đối tượng xin cấp phép trong lĩnh vực này).

Đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định này.

  • Về thu hồi Giấy phép

Khoản 5 Điều 30 Dự thảo quy định về quy trình thu hồi Giấy phép trong đó đối với một số trường hợp bị Ngân hàng Nhà nước phát thông báo thu hồi thì tổ chức trung gian thanh toán phải có văn bản giải trình và “sau 10 ngày làm việc kể từ ngày có thông báo (ngoại trừ thời hạn quy định tại tiết iv điểm a khoản 5 Điều này), tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không có văn bản giải trình hoặc nội dung giải trình không phù hợp thì Ngân hàng Nhà nước ra quyết định thu hồi Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán và lý do thu hồi Giấy phép”.

Quy định này là chưa rõ ràng về nội dung giải trình thế nào được cho là phù hợp hoặc không phù hợp? Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ về vấn đề này để đảm bảo minh bạch trong quy định.

Góp ý tương tự đối với việc giải trình trong quy trình thủ tục đình chỉ hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán quy định tại điểm b khoản 9 Điều 30 Dự thảo.

  1. Trách nhiệm của các bên liên quan
  • Điều 32, 33 Dự thảo quy định về bồi thường thiệt hại và giải quyết tranh chấp giữa tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và khách hàng. Quy định này có nội dung tương tự như các quy định tương ứng trong pháp luật dân sự áp dụng chung cho mọi trường hợp. Đề nghị Ban soạn thảo bỏ hai quy định này..
  • Điều 35 Dự thảo quy định về nghĩa vụ của tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải cung cấp thông tin có liên quan tới thanh toán cho Ngân hàng Nhà nước theo “định kỳ và đột xuất”. Định kỳ theo khoảng thời gian nào: hàng tháng, hàng quý, 6 tháng hay một năm? Đột xuất trong những trường hợp nào? Để đảm bảo thuận lợi trong quá trình hoạt động, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ vấn đề này.

Trên đây là một số ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với  Dự thảo Nghị định quy định về thanh toán không dùng tiền mặt. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.