VCCI_Góp ý Nghị định sửa đổi Điều 8.3 NĐ 20/2017 quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết

Thứ Tư 11:30 25-12-2019

Kính gửi: Tổng cục Thuế – Bộ Tài chính

Trả lời công văn số 5164/TCT-TTKT ngày 11/12/2019 của Tổng cục Thuế về việc lấy ý kiến Dự thảo Nghị định sửa đổi Khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP, sau khi tham vấn các doanh nghiệp và chuyên gia, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến góp ý như sau:

Mục đích tiêu ban hành của Nghị định 20 về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết là để ngăn chặn tình trạng gian lận thuế. Tên ban đầu của Nghị định này là Nghị định quy định về quản lý giá chuyển nhượng của giao dịch liên kết, chồng chuyển giá, chống thất thu Ngân sách nhà nước. Tờ trình của Nghị định này cũng chỉ tập trung vào mục tiêu chống chuyển giá nhằm giảm nghĩa vụ thuế của một số doanh nghiệp.

Trong quá trình soạn thảo, cơ quan quản lý đã thực hiện việc lấy ý kiến rộng rãi. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, các ý kiến chủ yếu đến từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc các đơn vị tư vấn thuế. Nhiều doanh nghiệp trong nước nghĩ rằng Nghị định này không tác động đến họ do họ không có hoạt động chuyển giá và cũng không có động cơ chuyển giá do không có chênh lệch thuế suất giữa hai công ty liên kết.

Đây là một Nghị định quan trọng giúp chống lại tình trạng chuyển giá, đặc biệt là chuyển giá ra nước ngoài để giảm nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp tại Việt Nam. Qua thực tế áp dụng, Nghị định này đã hoàn thành rất tốt nhiệm vụ trên, giúp tránh sói mòn cơ sở thuế tại Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh sự thành công trên, Nghị định cũng gây ra một số “tác dụng phụ” khi áp nghĩa vụ cho cả những trường hợp không có hành vi chuyển giá nhằm trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế.

Nghị định 20 sử dụng hai công cụ chính để chống chuyển giá. Thứ nhất là người nộp thuế có giao dịch liên kết phải lập hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết với phương pháp xác định giá theo Điều 7, công cụ này áp dụng với mọi loại giao dịch. Thứ hai, đối với một số trường hợp cụ thể thì áp dụng quy định riêng tại Điều 8. Như vậy, Điều 7 có thể coi là phương pháp chung để xác định giá của giao dịch liên kết, còn Điều 8 là quy định riêng cho một số trường hợp cụ thể.

Điều 11 của Nghị định 20 cũng đã có quy định miễn trừ nghĩa vụ lập hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết trong trường hợp hai bên giao dịch cùng ở Việt Nam, chung mức thuế suất, không doanh nghiệp nào được hưởng ưu đãi thuế, và trường hợp giá trị giao dịch liên kết nhỏ, không đáng kể. Như vậy, Điều 11 đã thể hiện rõ tinh thần loại trừ nghĩa vụ đối với các giao dịch giữa hai công ty liên kết trong nước không có chênh lệch thuế suất, bởi những công ty này không có động cơ để chuyển giá. Cũng chính vì lý do này nên rất nhiều doanh nghiệp trong nước tin rằng Điều 11 đã loại bỏ nghĩa vụ của họ trong việc áp dụng Nghị định 20. Mục tiêu này là hợp lý vì trong trường hợp hai doanh nghiệp ở Việt Nam có chung mức thuế suất thì việc chống chuyển giá là không thực sự cần thiết. Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ về mặt ngôn từ, Điều 11 chỉ miễn trừ nghĩa vụ lập hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết cho các doanh nghiệp, tức là miễn trừ nghĩa vụ chung, nhưng vẫn bắt buộc doanh nghiệp phải tuân thủ Điều 8 về nghĩa vụ riêng trong một số trường hợp cụ thể.

Với những lý do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi Nghị định 20 theo hướng  mở rộng phạm vi của Điều 11, bao gồm cả miễn trừ nghĩa vụ tại Điều 8. Nói cách khác, các giao dịch liên kết giữa các bên đều ở Việt Nam, không có chênh lệch thuế suất thì không phải áp dụng các nghĩa vụ tại Nghị định này, bao gồm cả nghĩa vụ lập hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết và nghĩa vụ xác định giá cho một số trường hợp cụ thể tại Điều 8 của Nghị định 20.

Có ý kiến cho rằng Điều 8.3 của Nghị định 20 là nhằm mục tiêu chống vốn mỏng, chứ không chỉ nhằm mục tiêu chống chuyển giá. VCCI cho rằng, mục tiêu chống vốn mỏng không phải là mục tiêu khi ban hành Nghị định 20. Quan trọng hơn, việc chống vốn mỏng cần phải được nghiên cứu và đánh giá tác động hết sức thấu đáo trước khi quyết định cụ thể. Phạm vi áp dụng cũng phải là toàn bộ các giao dịch vay tài sản chứ không chỉ dừng lại ở những giao dịch vay giữa các bên liên kết. Do đó, việc áp dụng Điều 8.3 để nhằm mục tiêu chống vốn mỏng là không phù hợp trong hoàn cảnh hiện nay. Quy định về chống vốn mỏng nên được thảo luận kỹ hơn khi ban hành Luật sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.

Trên đây là ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với dự thảo Nghị định sửa đổi Khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP. Kính mong cơ quan soạn thảo xem xét, cân nhắc.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.