VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định về kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm với hàng hóa nhập khẩu
VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Khoản 5 Điều 1 Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND ngày 09/12/2020 của Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (Tp. HCM) về ban hành thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh
VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định về nhãn hàng hóa (bản thẩm định)
Kính gửi: Vụ Pháp luật dân sự, kinh tế – Bộ Tư pháp
Trả lời Công văn 209/GM-BTP ngày 17/6/2021 của Bộ Tư pháp về việc tham gia cuộc họp thẩm định với Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa (sau đây gọi tắt là Dự thảo), tiếp theo ý kiến tại cuộc họp thẩm định ngày 22/6/2020, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến như sau:
- Ghi nhãn với hàng hóa xuất khẩu chuyển sang lưu thông trên thị trường
Điều 2.2.b Dự thảo bãi bỏ quy định hàng hóa không xuất khẩu được hoặc bị trả lại được đưa ra lưu thông trên thị trường cần dán nhãn phụ tại Điều 8.2 Nghị định 43/2017/NĐ-CP. Khi đó, các hàng hóa này sẽ phải bỏ nhãn chính (bằng tiếng nước ngoài) và thay bằng nhãn tiếng Việt như nhãn với hàng hóa lưu thông trong nước. Lý do được đưa ra là việc quy định như tại Điều 8.2 Nghị định 43/2017/NĐ-CP sẽ tạo cơ hội cho gian lận thương mại.
Tuy nhiên, việc quy định như vậy cũng cần cân nhắc đến chi phí có thể tạo ra cho doanh nghiệp. Mục đích của việc đưa hàng hóa không xuất khẩu được về tiêu thụ tại thị trường nội địa là để tránh phải tiêu hủy các hàng hóa này, trong khi hàng hóa vẫn có khả năng sử dụng, đồng thời giúp doanh nghiệp giảm tổn thất về doanh thu. Quy định như Dự thảo khiến doanh nghiệp phải bóc bỏ nhãn cũ, thậm chí thay cả bao bì bên ngoài, để in nhãn mới bằng tiếng Việt, và tốn thêm nhiều chi phí về nhân công và thời gian để thực hiện việc này. Việc này làm gia tăng chi phí để chuyển đổi hàng hóa khi bán nội địa, thậm chí quá đắt đỏ để thực hiện. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bỏ quy định này.
- Ghi nhãn dinh dưỡng với thực phẩm
Điều 1.9 Dự thảo bổ sung quy định mới về việc ghi nhãn dinh dưỡng với thực phẩm, và quy định trách nhiệm của Bộ Y tế hướng dẫn lộ trình, cách ghi nhãn dinh dưỡng theo loại thực phẩm phù hợp, thực phẩm được miễn ghi một số chỉ tiêu dinh dưỡng. Quy định về ghi nhãn dinh dưỡng với thực phẩm là cần thiết, tuy nhiên cách quy định như trên là chưa phù hợp về hiệu lực thi hành. Theo đó, việc ghi nhãn dinh dưỡng sẽ được thực hiện khi Nghị định sửa đổi này có hiệu lực, còn lộ trình, nội dung ghi nhãn và các trường hợp miễn giảm thì lại phải chờ đến khi Bộ Y tế có văn bản hướng dẫn. Khi đó, doanh nghiệp có thể gặp vướng mắc do không biết phải thực hiện như thế nào. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định theo hướng việc ghi nhãn dinh dưỡng sẽ được thực hiện theo quy định của Bộ Y tế.
- Thời gian chuyển tiếp với các thay đổi về nhãn
Nghị định 43/2017/NĐ-CP là văn bản chung quy định về nhãn hàng hóa. Thực tế, các bộ quản lý chuyên ngành còn ban hành thêm các quy định ghi nhãn khác với một số loại sản phẩm hàng hóa. Điều này dẫn đến việc doanh nghiệp liên tục phải thay mới nhãn hàng hóa, gây tốn kém chi phí và công sức của doanh nghiệp. Điều 3.3 Dự thảo đã bổ sung quy định chuyển tiếp, cho phép doanh nghiệp sử dụng nhãn cũ đã in ấn để gắn lên hàng hóa, nhưng không quá 02 kể từ khi có hiệu lực. Tuy nhiên, pháp luật chuyên ngành khác thường không có quy định chuyển tiếp như vậy. Do vậy, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về thời gian chuyển tiếp cho bất kỳ quy định thay đổi về nhãn hàng hóa nào theo hướng như trên.
- Hướng dẫn thực hiện trong trường hợp bất khả kháng
Điều 1.12 Dự thảo bổ sung quy định cho phép Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, trong trường hợp bất khả kháng, có thể tùy tình hình thực tế hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện quy định tại Nghị định. Thực tế, trong một số tình huống, doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc đáp ứng một số quy định về ghi nhãn hàng hóa. Chẳng hạn, trong tình hình dịch bệnh có diễn biến phức tạp và vẫn có nguy cơ bùng phát kể cả khi có vắcxin, số lượng nhãn đã in từ trước có thể vượt quá so với khả năng sản xuất của doanh nghiệp, dẫn đến tình trạng bỏ phí số lượng nhãn này. Có thể thấy, quy định này là cần thiết và phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
Tuy nhiên, cũng có quan ngại cho rằng nội hàm của quy định quá rộng, không rõ thẩm quyền hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ đến đâu, được hướng dẫn những nội dung gì. Vì vậy, để làm rõ hơn nội dung này, theo hướng thuận lợi cho doanh nghiệp, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ tuỳ tình hình thực tế hướng dẫn doanh nghiệp được miễn, giảm một số nghĩa vụ trong Nghị định này, theo nguyên tắc công bằng, bình đẳng giữa các doanh nghiệp.
Trên đây là một số ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa (phiên bản thẩm định). Rất mong Quý Bộ tổng hợp, hoàn thiện Báo cáo thẩm định.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.