VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định về kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm với hàng hóa nhập khẩu
Kính gửi: Vụ Pháp luật quốc tế – Bộ Tư pháp
Trả lời Công văn số 1903/BTP-PLQT ngày 10/6/2021 của Bộ Tư pháp về việc đề nghị có ý kiến thẩm định với Dự thảo Nghị định quy định kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có ý kiến ban đầu như sau:
- Vật tư, linh kiện nhập khẩu để bảo hành, sửa chữa, thay thế cho sản phẩm hoàn chỉnh
Điều 4.1.s Dự thảo quy định một trong các trường hợp miễn kiểm tra chất lượng là vật tư, linh kiện nhập khẩu để bảo hành, sửa chữa, thay thế cho một đơn vị sản phẩm hoàn chỉnh. Tuy nhiên, quy định này chưa rõ ràng ở chỗ không biết thế nào được coi là “đơn vị sản phẩm hoàn chỉnh”, cụ thể, có thể hiểu đây là một bộ phận hoàn chỉnh của sản phẩm hay phải là toàn bộ sản phẩm hoàn chỉnh. Chẳng hạn, nếu doanh nghiệp nhập một linh kiện về để sửa chữa cho một bộ phận hoàn chỉnh trong máy móc thì có thuộc trường hợp miễn kiểm tra chất lượng không? Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định làm rõ nội dung này.
- Tài liệu với hàng nhập khẩu để quảng cáo, nghiên cứu, thử nghiệm để miễn kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm
Điều 4.2.a Dự thảo quy định doanh nghiệp cần nộp tài liệu, hồ sơ quảng cáo, nghiên cứu, thử nghiệm đối với hàng hóa nhập khẩu để quảng cáo, nghiên cứu, thử nghiệm thuộc trường hợp miễn kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, quy định như vậy là tương đối chung chung vì chưa cụ thể tài liệu cần nộp ở đây là gì. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định làm rõ nội dung này hoặc thay vào đó cho phép doanh nghiệp nộp bản cam kết hàng hóa nhập khẩu vì mục đích quảng cáo, nghiên cứu, thử nghiệm.
- Thông tin về hàng hóa không đạt yêu cầu trong lưu thông để áp dụng quản lý rủi ro
Điều 8.2.c Dự thảo quy định một trong các thông tin được thu thập để phân tích đánh giá rủi ro là thông tin về hàng hóa không đạt yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm được phát hiện trong khâu lưu thông. Tuy nhiên, quy định này có phần chưa hợp lý vì hàng hóa không đạt yêu cầu trong khâu lưu thông có thể đến từ nhiều nguyên nhân khác ngoài nguyên nhân hàng hóa không đạt chất lượng ngay từ quá trình nhập khẩu, chẳng hạn do nhà phân phối bảo quản không đúng quy cách, các nguyên nhân trong quá trình vận chuyển,… Các yếu tố này đều ảnh hưởng trực tiếp lên chất lượng sản phẩm nhưng không liên quan đến chất lượng của hàng hóa tại giai đoạn nhập khẩu, do vậy không nên đưa vào như một thông tin để phân tích rủi ro để kiểm tra chất lượng của hàng hóa nhập khẩu. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi theo hướng thông tin về hàng hóa không đạt yêu cầu trong quá trình lưu thông nhưng không phải do yếu tố trong quá trình vận chuyển sau nhập khẩu và lưu thông gây ra.
- Đăng ký bản công bố hợp quy
Điều 11, 12 Dự thảo quy định về đăng ký bản công bố hợp quy với hàng hóa nhập khẩu. Hiện nay, các quy định về đăng ký bản công bố hợp quy với hàng hóa nhập khẩu đang được quy định tại Nghị định 127/2007/NĐ-CP và Thông tư 28/2012/TT-BKHCN. Tuy nhiên, Điều 42 Dự thảo chưa có nội dung về bãi bỏ quy định tương ứng trong 2 văn bản trên, tạo ra nguy cơ chồng chéo giữa các văn bản pháp luật nếu quy định này có hiệu lực. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định nhằm bãi bỏ hiệu lực của các quy định cũ tại Nghị định 127/2007/NĐ-CP và Thông tư 28/2012/TT-BKHCN.
- Các hình thức xử lý các kết quả kiểm tra không đạt
Điều 16.6.b Dự thảo quy định cơ quan nhà nước có quyền quyết định một trong ba hình thức xử lý: buộc tái xuất, tiêu hủy hoặc tái chế hàng hóa trong trường hợp kết quả kiểm tra hồ sơ hoặc chứng thư giám định, kết quả chứng nhận xác định hàng hóa không phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, quy định này là chưa minh bạch vì không rõ căn cứ vào tiêu chí nào để cơ quan nhà nước lựa chọn hình thức xử lý hàng hóa nhập khẩu không đạt. Ngoài ra, lựa chọn của cơ quan nhà nước có thể không phù hợp với tình hình và nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, chẳng hạn như yêu cầu doanh nghiệp tái xuất, nhưng thực tế doanh nghiệp lại có khả năng tái chế hàng hóa đó. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng cho doanh nghiệp chọn hình thức xử lý và cơ quan nhà nước chỉ thực hiện việc giám sát doanh nghiệp. Thực tế, quy định này hiện cũng đang được quy định tương tự tại Điều 8 Nghị định 132/2008/NĐ-CP và Điều 9 Thông tư 06/2020/TT-BKHCN.
- Phương thức kiểm tra với hàng hóa nhập khẩu đã công bố hợp quy
Điều 17 Dự thảo quy định các phương thức kiểm tra hàng hóa nhập khẩu đã công bố hợp quy. Tuy nhiên, việc áp dụng phương thức kiểm tra nào lại chủ yếu dựa vào các thông tin của hàng hóa, chẳng hạn hàng hóa không đạt trong lần kiểm tra trước đó; hàng hóa có cảnh báo của Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh; hàng hóa có rủi ro cao… Trong khi Điều 8 Dự thảo đã quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong hoạt động kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm và áp dụng nhiều tiêu chí quản lý, trong đó có cả tiêu chí về người nhập khẩu… Do vậy, để thống nhất giữa các quy định trong Dự thảo, đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ việc áp dụng quản lý rủi ro tại Điều 8 trong các phương thức kiểm tra.
- Thủ tục kiểm dịch với thực phẩm
Điều 9.1 Dự thảo quy định một số thủ tục thực hiện trên Cổng thông tin một cửa quốc gia, gồm: thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm, thủ tục đăng ký bản công bố hợp quy, tự công bố sản phẩm, đăng ký bản công bố sản phẩm với hàng hóa nhập khẩu. Theo phản ánh của các doanh nghiệp, ngoài các thủ tục trên, các thủ tục kiểm dịch đối với hàng hóa nhập khẩu cũng cần được thực hiện thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia (với sản phẩm phải làm thủ tục nhập khẩu hoặc sản phẩm vừa phải thực hiện thủ tục kiểm tra an toàn thực phẩm vừa thực hiện thủ tục kiểm dịch) vì các lý sau:
Thứ nhất, quy định này sẽ thống nhất việc thực hiện quy trình nhập khẩu sản phẩm thực phẩm được thực hiện duy nhất thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia, góp phần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thông qua việc tiết kiệm thời gian, chi phí làm thủ tục nhập khẩu.
Hiện nay, đa phần các sản phẩm thực phẩm nhập khẩu đều vừa phải kiểm dịch vừa phải kiểm tra an toàn thực phẩm. Thủ tục kiểm tra an toàn thực phẩm được cải cách, thực hiện trên Cổng thông tin một cửa quốc gia, trong khi thủ tục kiểm dịch vẫn thực hiện bằng giấy sẽ chia cắt một nhóm thủ tục liên tục thành 2 quy trình, 2 bước tách biệt, từ đó khiến thời gian nhập khẩu không giảm đi đáng kể, và làm giảm hiệu quả của quá trình cải cách quy trình xuất nhập khẩu theo định hướng của Quyết định 38/QĐ-TTg năm 2021.
Thứ hai, việc bổ sung thủ tục kiểm dịch lên Cổng thông tin một cửa quốc gia vẫn phù hợp với quy định hiện hành, cụ thể Điều 13.1 Thông tư 26/2016/TT-BNNPTNT (được sửa đổi bởi Điều 1.6 Thông tư 36/2018/TT-BNNPTNT) cho phép một trong các hình thức thực hiện kiểm dịch là qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.
Vì những lý do trên, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi bổ sung quy định theo hướng cho phép thủ tục kiểm dịch được thực hiện qua Cổng thông tin một cửa quốc gia,
Trên đây là một số ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Nghị định quy định kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Rất mong Quý Bộ tổng hợp, hoàn thiện Báo cáo thẩm định.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.