VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo (phần về điện ảnh)

Thứ Sáu 17:29 26-08-2022

Kính gửi:  Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch

Trả lời Công văn số 2496/BVHTTDL-PC ngày 13/7/2022 của về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo (phần về điện ảnh) (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có ý kiến ban đầu như sau:

  1. Xử phạt với hành vi hoạt động điện ảnh có nội dung bị nghiêm cấm

Điều 1.3 Dự thảo (sửa đổi Điều 6 Nghị định 38/2021/NĐ-CP) quy định xử phạt vi phạm hành chính nếu hoạt động điện ảnh có chứa nội dung bị nghiêm cấm. Các nội dung bị cấm này về cơ bản tương ứng các quy định tại Điều 9.1 Luật Điện ảnh 2022 về các nội dung bị cấm trong hoạt động bị cấm. Tuy nhiên, quy định này cần xem xét ở các điểm như sau:

Thứ nhất, về nội dung bị cấm liên quan danh dự, uy tín, Dự thảo quy định sẽ xử phạt vi phạm hành chính với hoạt động điện ảnh có nội dung “thể hiện không đúng, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân”. Quy định này là chưa phù hợp. Quyền được bảo vệ về danh dự, nhân phẩm, uy tín là một trong các quyền dân sự của cá nhân, tổ chức (Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015). Do vậy, các biện pháp dân sự sẽ là phương thức phù hợp để xử lý nội dung này.[1] Cụ thể, nếu cá nhân, tổ chức cho rằng nội dung đó xâm phạm đến quyền và lợi ích của mình có thể thực hiện bảo vệ quyền dân sự thông qua biện pháp tố tụng tại Toà án hoặc trọng tài.[2] Nếu có vi phạm, Toà án (hoặc Trọng tài) có thể yêu cầu cơ sở điện ảnh không được phổ biến nội dung đó hoặc biện pháp khác.[3] Trường hợp cá nhân, tổ chức không phản đối thì những nội dung trên vẫn được phép sản xuất, phổ biến và phát hành. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ nội dung trên khỏi Dự thảo.

Thứ hai, về nội dung liên quan đến bí mật đời tư, Dự thảo quy định sẽ xử phạt vi phạm chính với hoạt động điện ảnh có nội dung “tiết lộ bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật”. Tuy nhiên, quy định này cũng chưa phù hợp. Điều 38.2 Bộ luật Dân sự 2015 không cấm việc công khai bí mật đời tư, mà chỉ yêu cầu sự đồng ý của cá nhân đó. Bên cạnh đó, quyền về đời sống riêng tư cũng là một quyền dân sự, do vậy, tương tự như trên, có thể thực hiện thông qua các biện pháp dân sự (qua Toà án). Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ nội dung trên khỏi Dự thảo. Nếu không, đề nghị sửa đổi theo hướng tiết lộ bí mật mà không có sự đồng ý.

Thứ ba, về các nội dung liên quan đến bạo lực, khoả thân, tình dục, Dự thảo quy định xử phạt hành chính với hoạt động điện ảnh có nội dung “kích động bạo lực, hành vi tội ác”, “hình ảnh, âm thanh, lời thoại dâm ô, truỵ lạc, loạn luân”. Quy định xử phạt với nội dung này là chưa thực sự phù hợp do các nội dung này trong phim thường đã được kiểm duyệt bởi một tổ chức được trao quyền, cụ thể:

– Phim chiếu rạp, chiếu tại nơi công cộng: cơ quan nhà nước (Điều 27 Luật Điện ảnh);

– Phim chiếu trên hệ thống truyền hình: cơ quan báo chí (Điều 20 Luật Điện ảnh);

– Phim chiếu trên mạng: doanh nghiệp tự kiểm soát nếu đáp ứng các điều kiện do Chính phủ quy định (Điều 21 Luật Điện ảnh);

– Nội dung liên quan đến bạo lực, khoả thân, tình dục được coi là nhóm tiêu chí quan trọng để phân loại phim

Như vậy, phim sau khi được phân loại sẽ được coi là đáp ứng đủ điều kiện phổ biến.

Nếu vì một lý do nào đó, phim vẫn có chứa các nội dung này, thì không nên coi đây là lỗi của doanh nghiệp,[4] và chỉ nên thực hiện dừng phổ biến, loại bỏ nội dung vi phạm theo quy định tại Luật Điện ảnh. Nếu không, các doanh nghiệp sẽ rất dễ có nguy cơ bị xử phạt, và các nhà phim sẽ có nguy cơ bị cản trở quyền tự do sáng tạo, đặc biệt trong bối cảnh các quy định về phân loại phim, cách hiểu và quan điểm về cảnh bạo lực, khoả thân, tình dục còn chưa thực sự tường minh. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bỏ các nội dung trên khỏi Dự thảo.

  1. Hành vi vi phạm quy tắc đạo đức, quy tắc ứng xử

Điều 1.3 Dự thảo (sửa đổi Điều 8 Nghị định 38/2021/NĐ-CP) quy định xử phạt hành vi không tuân thủ quy tắc đạo đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Quy định này là chưa phù hợp. Lý do là vì các quy tắc trên không phải là quy định pháp luật bắt buộc áp dụng, mà chỉ là các hướng dẫn có giá trị tự nguyện áp dụng và không được đảm bảo thi hành bằng quyền lực nhà nước. Trong khi đó, Điều 2.1 Luật Xử phạt vi phạm hành chính quy định một hành vi vi phạm hành chính là hành vi vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước, tức là hành vi này phải xâm phạm lợi ích công được pháp luật quy định. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định này.

  1. Hành vi phổ biến phim ngoài thời gian cho phép

Điều 1.3 Dự thảo (sửa đổi Điều 10 Nghị định 38/2021/NĐ-CP) quy định xử phạt vi phạm hành chính với hành vi phổ biến phim ngoài khoảng thời gian từ 8 giờ đến 24 giờ hàng ngày tại rạp chiếu phim, địa điểm chiếu phim công cộng. Quy định này cần chưa phù hợp ở các điểm sau:

Thứ nhất, chưa rõ căn cứ xử phạt hành vi này. Hiện nay, việc giới hạn thời gian hoạt động đang được quy định tại Nghị định 103/2009/NĐ-CP ban hành Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh công cộng[5]. Tuy nhiên, Quy chế này không điều chỉnh hoạt động của rạp chiếu phim.[6] Không rõ việc xử phạt hành vi này được căn cứ dựa trên quy định pháp luật nào về giới hạn thời gian hoạt động?

Thứ hai, quy định này chưa phù hợp với định hướng phát triển kinh tế ban đêm. Theo phản ánh của doanh nghiệp, việc giới hạn hoạt động chiếu phim đến 24h khiến các doanh nghiệp buộc phải bố trí các suất chiếu tương đối sớm, nhiều khi không phù hợp với nhu cầu sinh hoạt của một bộ phận người dân thành thị, khiến doanh nghiệp mất đi một khoản thu nhất định. Trong khi đó, Quyết định 1129/QĐ-TTg năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam đã đặt ra yêu cầu chủ động phát triển kinh tế ban đêm để tận dụng tối đa thời gian, phục vụ tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của người dân, người nước ngoài.

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng cần cân nhắc đến thời gian tối đa mở cửa. Việc này có thể nhìn dưới góc độ kinh tế, theo đó, việc đầu tư rạp chiếu phim tốn rất nhiều chi phí, do vậy, các doanh nghiệp cần có kế hoạch kinh doanh bài bản, đúng pháp luật để đảm bảo bài toán doanh thu. Trong khi đó, việc duy trì các suất chiếu ban đêm thường tốn chi phí duy trì nhiều hơn so với ban ngày. Vì vậy, doanh nghiệp buộc phải tự tính toán bài toán kinh doanh vào ban đêm cho phù hợp, trong đó có việc mở suất chiếu đến mấy giờ và mở bao nhiêu suất. Cơ quan nhà nước có thể không cần can thiệp sâu vào hoạt động này của doanh nghiệp.

Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định trên.

  1. Hành vi không đảm bảo tỷ lệ, khung giờ chiếu phim Việt Nam

Điều 1.3 Dự thảo (sửa đổi Điều 10.4.a Nghị định 38/2021/NĐ-CP) quy định xử phạt từ 40 -60 triệu đồng với hành vi không bảo đảm tỷ lệ suất chiếu phim Việt Nam, khung giờ chiếu phim Việt Nam, đồng thời không kèm theo hình thức phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả nào khác. Cần lưu ý rằng, chính sách quy định về tỷ lệ suất chiếu, khung giờ chiếu phim Việt là một biện pháp can thiệp mạnh mẽ từ phía Nhà nước để bảo hộ nền công nghiệp sản xuất phim nội địa non trẻ trước các phim điện ảnh nước ngoài. Với mức xử phạt như trên, liệu đã đủ sức răn đe để đảm bảo các rạp chiếu phim tuân thủ nghiêm túc về tỷ lệ chiếu và khung giờ chiếu hay không? Trong khi đó, nếu doanh nghiệp nhập phim nước ngoài về chiếu để thu lợi nhuận cao và chấp nhận nộp phạt thì mục tiêu của chính sách này sẽ không đạt được. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc sửa đổi quy định này.

Góp ý tương tự với quy định tại Dự thảo sửa đổi Điều 10.5.a Nghị định 38/2021/NĐ-CP.

  1. Hành vi gỡ bỏ phim chiếu mạng vi phạm

Điều 1.3 Dự thảo (sửa đổi Điều 10.6.đ Nghị định 38/2021/NĐ-CP) quy định xử phạt với hành vi không gỡ bỏ phim vi phạm … ngay khi có yêu cầu bằng văn bản hoặc qua phương tiện điện tử của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Quy định này là chưa thống nhất với nghĩa vụ tại Luật Điện ảnh. Cụ thể, Điều 21.2.e Luật Điện ảnh quy định doanh nghiệp phổ biến phim trên không gian mạng có trách nhiệm gỡ bỏ phim vi phạm khi có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Như vậy, quy định này không đặt ra thời hạn cụ thể thực hiện nghĩa vụ này, chưa nói đến việc yêu cầu thực hiện “ngay”. Đồng thời, quy định như trên sẽ khiến doanh nghiệp có nguy cơ dễ bị xử phạt vi phạm hành chính do có độ chậm trễ trong việc thực hiện nghĩa vụ. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định này để đảm bảo tính thống nhất.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính và quảng cáo (phần về điện ảnh). Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.

[1] Trừ trường hợp hành vi nghiêm trọng đến mức phải xử lý hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015.

[2] Điều 14 Bộ luật Dân sự 2015

[3] Điều 11 Bộ luật Dân sự 2015

[4] Một hành vi được coi là vi phạm hành chính phải có yếu tố lỗi (cố ý). Trường hợp này phim đã được kiểm duyệt rồi nên không thể coi là doanh nghiệp cố ý sản xuất, phổ biến các hình ảnh này.

[5] Ngoại trừ các lĩnh vực đặc thù như vũ trường, karaoke… thực hiện theo quy định pháp luật dành riêng cho lĩnh vực này.

[6]