VCCI_Góp ý Dự thảo Đề án phát triển đội tàu vận tải biển quốc tế của Việt Nam

Thứ Năm 17:20 25-08-2022

Kính gửi: Vụ Vận tải, Bộ Giao thông vận tải

Trả lời Công văn số 8462/BGTVT-VT ngày 17/8/2022 của Bộ Giao thông vận tải đề nghị góp ý dự thảo Đề án phát triển đội tàu vận tải biển quốc tế của Việt Nam (sau đây gọi tắt là Dự thảo Đề án), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến ban đầu như sau:

  1. Về kết cấu của Dự thảo Đề án

Dự thảo Đề án có kết cấu tương đối hợp lý, với 3 phần (mở đầu, nội dung và kết luận, kiến nghị). Tuy nhiên, kết cấu phần Nội dung của Dự thảo có thể cần được cân nhắc thêm. Cụ thể, điểm I.8 Tổng kết việc thực hiện Quyết định 1481/QĐ-BGTVT ngày 27/4/2015 của Bộ Giao thông vận tải về việc phê duyệt Đề án tái cơ cấu vận tải biển đến năm 2020 đặt trong mục I. Thực trạng hoạt động vận tải biển của Việt Nam dường như chưa phù hợp, bởi nội dung đánh giá việc triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp là khá rộng so với phạm vi của Dự thảo Đề án. Do vậy, đề nghị Cơ quan soạn thảo cân nhắc đưa một số nội dung tại điểm I.8 vào các nội dung có liên quan của mục I, nội dung đầy đủ của mục này có thể đưa thành phụ lục của Đề án.

  1. Về các quy định hiện hành về vận tải biển

Dự thảo Đề án có trình bày các quy định hiện hành về vận tải biển (mục I.7), tuy nhiên mới dừng ở việc giới thiệu rất sơ lược. Dự thảo Đề án hiện chỉ nêu vắn tắt “trong quá trình cập nhật, sửa đổi bổ sung một số các quy định, cho thấy có những quy định hiện không còn phù hợp với hoạt động hàng hải, không tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp như các quy định về mua bán tàu biển, quy định về đăng kiểm tàu biển, quy định về hoa tiêu, tàu lai…”

Để tiếp tục hoàn thiện bản Dự thảo, đề nghị Cơ quan soạn thảo cân nhắc phân tích kỹ hơn về kết quả đạt được trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật về vận tải biển cho tới nay. Đồng thời, cần làm rõ được các vấn đề, bất cập của quy định hiện hành có thể đang gây trở ngại cho hoạt động và phát triển của đội tàu vận tải biển quốc tế của Việt Nam.

Một phương án khác là có thể tiến hành lồng ghép các phân tích về quy định pháp luật hiện hành trong các nội dung trong mục I. Thực trạng hoạt động vận tải biển của Việt Nam, đó là trong các nội dung phân tích về hiện trạng đội tàu, thị phần vận tải, các dịch vụ hỗ trợ vận tải biển và kết nối phương thức vận tải, nguồn nhân lực, công tác an ninh, an toàn hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường.

  1. Về kinh nghiệm của các nước

Dự thảo Đề án đã dành một phần quan trọng (mục B Phần I, mục II.4) để giới thiệu kinh nghiệm của các nước, với nhiều thông tin hữu ích cho việc phát triển đội tàu vận tải biển quốc tế tại Việt Nam. Trong đó, Dự thảo đã nêu các chính sách của Chính phủ các nước đang được thực hiện hiệu quả. Tuy nhiên, để góp phần hỗ trợ cho quá trình lựa chọn các giải pháp triển khai tại Việt Nam, đề nghị Cơ quan soạn thảo cân nhắc tiến hành đánh giá mức độ phù hợp và khả năng áp dụng những chính sách đó tại Việt Nam.

  1. Về đánh giá điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của đội tàu biển quốc tế Việt Nam

Mục B Phần II của Dự thảo Đề án đã phân tích tương đối kỹ về điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của đội tàu biển quốc tế Việt Nam. Để nội dung này có mang tính thống nhất cao hơn, đề nghị Cơ quan soạn thảo sử dụng những phát hiện đã nêu ở các phần trước. Ví dụ, dự thảo Đề án có nêu vấn đề kết nối vận chuyển hàng hóa container (trang 20) và nhấn mạnh “cần có những chính sách thúc đẩy, hỗ trợ việc kết nối bằng đường thủy để trung chuyển hàng container phục vụ các cảng khu vực phía Nam và từng bước mở rộng ra khu vực phía Bắc”, như vậy có thể suy đoán hiện còn thiếu vắng các chính sách thúc đẩy, hỗ trợ việc kết nối bằng đường thủy và đây có thể là một điểm yếu về chính sách tại hiện nay. Tương tự, một số nội dung khác liên quan tới phân tích về dịch vụ hỗ trợ vận tải biển, nguồn nhân lực… Tuy nhiên, trong đánh giá về điểm yếu, Dự thảo mới chỉ nêu “vẫn còn có nhiều quy định mang tính ràng buộc thực sự chưa đáp ứng được đòi hỏi thực tiễn phát triển ngành; “chưa có các quy định pháp luật liên ngành hỗ trợ các chủ tàu trong hoạt động vận tải biển” và nhắc tới “chưa có văn bản pháp luật chuyên ngành của Bộ Tài chính quy định các mức ưu đãi về thuế, lãi suất vay vốn trong đầu tư phát triển đội tàu và trong hoạt động vận tải biển”. Việc bổ sung thêm những phát hiện ở phần trước sẽ có thể góp phần củng cố và làm sâu sắc hơn các phân tích trong mục này.

  1. Về giải pháp phát triển đội tàu biển quốc tế của Việt Nam

Các giải pháp phát triển đội tàu biển quốc tế của Việt Nam đã được nêu khá toàn diện tại mục III Phần B. Nội dung, tuy nhiên có thể thấy hầu hết các giải pháp liên quan tới Bộ Giao thông vận tải. Vai trò của các Bộ, ngành khác trong việc triển khai Đề án này là khá mờ nhạt, dù đã nhắc tới Bộ Công Thương (khuyến khích chủ hàng thay đổi phương thức mua bán), Ngân hàng Nhà nước (cho phép vay ngoại tệ để đầu tư mua tàu biển đối với chủ tàu có tàu hoạt động quốc tế có doanh thu ngoại tệ), hoặc một số hiệp hội (vai trò đại diện, kết nối). Trong khi đó, như Dự thảo Đề án đã chỉ ra, rất nhiều vấn đề hiện nay khiến đội tàu vận tải biển quốc tế của Việt Nam chưa thể phát triển như kỳ vọng liên quan tới rất nhiều các bộ, ngành và chính quyền các địa phương, từ việc xây dựng chính sách, pháp luật cho tới phát triển hạ tầng và các dịch vụ có liên quan… Do vậy, đề nghị Cơ quan soạn thảo cân nhắc xác định rõ vai trò của các bộ, ngành và chính quyền các địa phương trong việc triển khai các giải pháp cụ thể, để đảm bảo tính khả thi của việc triển khai Đề án sau khi phê duyệt.

Trên đây là một số ý kiến và thông tin ban đầu Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trân trọng gửi tới Quý Cơ quan tham khảo, hoàn thiện Dự thảo.

Trân trọng cảm ơn.

 

Các văn bản liên quan