VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư quy định về việc thể hiện một số nội dung ghi nhãn bắt buộc theo phương thức điện tử
VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 201/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tài nguyên nước
Kính gửi: Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường
Trả lời Công văn số 1963/BTNMT-TNN ngày 18/04/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 201/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tài nguyên nước (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có ý kiến ban đầu như sau:
- Đại diện cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân liên quan trong hoạt động ý kiến kiến
Điều 1.2 Dự thảo (sửa đổi Điều 2 Nghị định 201/2013/NĐ-CP) quy định việc lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước có ảnh hưởng lớn đến sản xuất, đời sống nhân dân trên địa bàn. Tuy nhiên, quy định này không quy định rõ thế nào là đại diện cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân liên quan. Đại diện này cần bao gồm những ai, và có cần có chuyên môn liên quan hay không? Quy định không rõ ràng như vậy có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc hoàn thành quy trình lấy ý kiến để tiến hành các thủ tục tiếp theo. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định làm rõ nội dung này.
- Các trường hợp khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải đăng ký
Điều 1.4 Dự thảo (bổ sung Điều 16a Nghị định 201/2013/NĐ-CP) quy định các trường hợp khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải đăng ký. Quy định này cần được xem xét ở điểm sau:
Thứ nhất, với trường hợp khai thác, sử dụng nước dưới đất với quy mô nhỏ hơn 10 m3/ngày đêm thuộc khu vực hạn chế khai thác, quy định này dường như trùng với thủ tục đăng ký khai thác nước dưới đất tại Điều 1.5 Dự thảo (bổ sung Điều 17 Nghị định 201/2013/NĐ-CP). Điều 1.5 Dự thảo cũng quy định việc đăng ký với các trường hợp khai thác nước dưới đất, và có thủ tục đăng ký riêng. Do vậy, để đảm bảo tính thống nhất, đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát các quy định để tránh trùng lặp.
Thứ hai, với trường hợp tái sử dụng tuần hoàn nước dưới đất để tuyển quặng trong các mỏ khoáng sản, yêu cầu đăng ký trong trường hợp này dường như chưa hợp lý vì các lý do sau:
– Việc tái sử dụng tuần hoàn nước dưới đất để tuyển quặng trong các mỏ khoáng sản thường đã được nêu trong Báo cáo khả thi về kinh tế – kỹ thuật, Báo cáo đánh giá tác động môi trường, và đã được phê duyệt bởi các cơ quan có thẩm quyền. Việc yêu cầu đăng ký sẽ phát sinh thêm một thủ tục hành chính khác cho doanh nghiệp.
– Dự án khai thác mỏ cũng đã thực hiện xin phép để sử dụng nước cho mục đích kinh doanh, và phải trải qua khâu xin phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Khi đó, doanh nghiệp sẽ phải thực hiện cùng lúc hai thủ tục liên quan đến tài nguyên nước cho cùng một dự án.
Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ nội dung này.
- Quan trắc tự động
Điều 1.6 Dự thảo (sửa đổi Điều 20 Nghị định 201/2013/NĐ-CP) quy định trường hợp khai thác, sử dụng nước mặt cho mục đích sinh hoạt phải lắp đặt hệ thống quan trắc tự động chất lượng nguồn nước khai thác. Theo Tờ trình, quy định này nhằm nâng cao chất lượng trong việc kiểm soát, cảnh báo sớm chất lượng nguồn nước khai thác. Tuy nhiên, quy định này là không cần thiết và gây tốn kém chi phí cho doanh nghiệp. Việc kiểm soát nước sinh hoạt đã được thực hiện theo phương pháp kiểm tra tiêu chuẩn đầu ra, cụ thể là các tiêu chuẩn nước sạch và tiêu chuẩn nước sinh hoạt. Các doanh nghiệp phải đảm bảo sản phẩm đầu ra đáp ứng các yêu cầu này trước khi cung cấp đến người tiêu dùng. Khi đó, việc bắt buộc doanh nghiệp thực hiện thêm một bước kiểm soát đầu vào nữa là không cần thiết. Thay vào đó, các doanh nghiệp sẽ chủ động thực hiện các biện pháp khác nhau, miễn sao đảm bảo chất lượng nước đầu ra. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định này.
- Lồng ghép thủ tục hành chính
Dự thảo đang quy định các thủ tục cấp, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo hướng riêng rẽ các thủ tục. Việc này có thể gây khó khăn và tốn kém chi phí cho doanh nghiệp khi giấy phép gần hết hạn mà có nhu cầu điều chỉnh các nội dung trong giấy phép. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định cho phép lồng ghép thủ tục điều chỉnh trong thủ tục gia hạn giấy phép.
- Trả lại giấy phép
Điều 1.9 Dự thảo (Điều 26 Nghị định 201/2013/NĐ-CP) quy định doanh nghiệp cần thực hiện thủ tục trả lại giấy phép cho cơ quan cấp phép cũ sau khi được cấp giấy phép mới bởi một cơ quan khác. Tuy nhiên, quy định này sẽ phát sinh thêm một thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Do vậy, để tránh phát sinh thủ tục hành chính mới theo Nghị quyết 68/NQ-CP năm 2020, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng doanh nghiệp sẽ nộp lại giấy phép cho cơ quan cấp phép mới. Cơ quan cấp phép mới có trách nhiệm thông báo cho cơ quan cấp phép trước đây.
- Hồ sơ cấp lại giấy phép tài nguyên nước
Điều 1.16 Dự thảo (sửa đổi Điều 33 Nghị định 201/2013/NĐ-CP) quy định hồ sơ cấp lại giấy phép tài nguyên nước, trong đó yêu cầu các thành phần hồ sơ sau: (i) Báo cáo tình hình khai thác, sử dụng nước và tình hình thực hiện giấy phép; (ii) Tài liệu chứng minh lý do đề nghị cấp lại giấy phép; (iii) Giấy tờ chứng minh việc chuyển nhượng công trình, việc hoàn thành nghĩa vụ tài chính (với trường hợp chuyển nhượng)
Quy định này là không hợp lý vì thủ tục cấp lại chỉ áp dụng cho các trường hợp thay đổi các thông tin không liên quan đến điều kiện cấp phép, cũng như việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp. Với trường hợp cấp lại do mất, rách, hư hỏng, việc chứng minh lý do thường rất phức tạp do doanh nghiệp phải chờ xác nhận của cơ quan công an hoặc chính quyền địa phương. Với trường hợp thay đổi tên của chủ giấy phép, doanh nghiệp đã thực hiện thủ tục tại cơ quan đăng ký đầu tư, do vậy việc yêu cầu chặt chẽ các thành phần hồ sơ là không cần thiết. Theo kinh nghiệm từ các thủ tục hành chính khác, thủ tục cấp lại thường được thiết kế rất đơn giản, chỉ bao gồm Mẫu đơn đề nghị cấp lại giấy phép. Sau khi được cấp lại, doanh nghiệp có trách nhiệm nộp lại giấy phép cũ (trừ trường hợp mất). Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng trên.
Góp ý tương tự với Điều 1.17 Dự thảo (bổ sung Điều 34a Nghị định 201/2013/NĐ-CP). Cụ thể, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi theo hướng Hồ sơ đề nghị trả lại giấy phép tài nguyên nước chỉ bao gồm đơn đề nghị trả lại giấy phép.
- Trình tự, thủ tục cấp lại giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước
Điều 1.19 Dự thảo (sửa đổi Điều 36 Nghị định 201/2013/NĐ-CP) quy định về trình tự, thủ tục cấp lại giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước, và được thiết kế theo hướng tương đối giống với trình tự cấp, gia hạn, điều chỉnh. Quy định như vậy là không hợp lý vì thủ tục cấp lại tương đối đơn giản, không cần tốn quá nhiều thời gian của cơ quan thẩm định. Theo kinh nghiệm của các thủ tục hành chính khác, thời gian giải quyết thủ tục cấp lại gồm: thời gian xem xét tính hợp lệ của hồ sơ: 01 ngày, thời gian xem xét cấp lại giấy phép: 02 ngày. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng trên.
Góp ý tương tự với Điều 1.20 Dự thảo (bổ sung Điều 36a Nghị định 201/2013/NĐ-CP).
- Trình tự, thủ tục đăng ký khai thác tài nguyên nước mặt, nước biển
Điều 1.21 Dự thảo (bổ sung Điều 36b Nghị định 201/2013/NĐ-CP) quy định về trình tự, thủ tục đăng ký khai thác tài nguyên nước mặt, nước mặt. Quy định này cần xem xét ở một số điểm sau:
Thứ nhất, về hiệu lực, quy định này dường như áp dụng cho cả các công trình hiện có. Theo đó, Uỷ ban nhân dân cấp xã sẽ lập danh sách doanh nghiệp có công trình thuộc diện phải đăng ký và phát biểu mẫu cho doanh nghiệp kê khai. Quy định này là không phù hợp với quy định tại Điều 152 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 về hồi tố hiệu lực văn bản. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng chỉ áp dụng với các công trình mới.
Thứ hai, về trình tự, thủ tục, quy định được thiết kế tương đối phức tạp khi việc đăng ký phải được kiểm tra nội dung và xác nhận thông tin tờ khai. Theo kinh nghiệm từ các thủ tục hành chính khác, thủ tục đăng ký nên được thiết kế theo hướng tự khai, tự chịu trách nhiệm. Cơ quan nhà nước chỉ thực hiện việc tiếp nhận tờ khai đăng ký và kiểm tra tính đầy đủ của thành phần hồ sơ. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng trên.
Góp ý tương tự với Điều 1.22 (bổ sung Điều 36c Nghị định 201/2013/NĐ-CP).
- Thủ tục chấp thuận sử dụng mặt nước hồ chứa để nuôi trồng thuỷ sản, kinh doanh du lịch, giải trí
Điều 1.23 Dự thảo (bổ sung Điều 36d Nghị định 201/2013/NĐ-CP) bổ sung quy định về chấp thuận sử dụng mặt nước hồ chứa để nuôi trồng thuỷ sản, kinh doanh du lịch, giải trí. Quy định này là cần thiết để tạo điều kiện tận dụng các cơ hội sản xuất kinh doanh trên mặt nước hồ chứa. Tuy nhiên, quy định này là một thủ tục hành chính và cần được thiết kế đầy đủ nội dung, bao gồm yêu cầu, điều kiện; thành phần hồ sơ; trình tự, thủ tục; thẩm quyền cấp phép. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung các nội dung trên, đảm bảo tuân thủ Nghị định 63/2010/NĐ-CP về kiểm soát thủ tục hành chính.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 201/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tài nguyên nước. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.