VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư quy định về việc thể hiện một số nội dung ghi nhãn bắt buộc theo phương thức điện tử

Thứ Năm 14:55 26-05-2022

Kính gửi: Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng,

Trả lời Công văn số 95/QLCL-CL3 ngày 18/3/2022 của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư quy định về việc thể hiện một số nội dung ghi nhãn bắt buộc theo phương thức điện tử (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có ý kiến ban đầu như sau:

  1. Phương thức thể hiện

Điều 4 Dự thảo quy định 2 phương thức thể hiện nội dung ghi nhãn điện tử, gồm: (i) đường dẫn website; (ii) mã quét, mã QR. Quy định này cần xem xét ở một số điểm sau đây:

  • Phương thức built-in display (thể hiện nội dung ghi nhãn ngay trong màn hình của sản phẩm): Một số sản phẩm điện tử có màn hình thường cung cấp các thông tin ghi nhãn cho người tiêu dùng thông qua việc truy cập trên màn hình của chính thiết bị đó bằng cú pháp đơn giản (được hướng dẫn trước). Đây thực chất cũng là một phương thức ghi nhãn điện tử. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung phương thức này.
  • Phương thức thể hiện thông qua đường dẫn website:

Điều 4.1 Dự thảo yêu cầu thể hiện cụ thể thông tin đường dẫn đến website trên nhãn hàng hoá. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, đường dẫn website thường tương đối dài với nhiều ký tự không theo trật tự xác định (chữ cái thường, chữ cái in hoa, số, ký tự đặc biệt), dẫn đến khó khăn cho người tiêu dùng trong việc nhập đúng đường link. Thay vào đó, một số nước cho phép áp dụng quy tắc “không quá 3 bước”, nghĩa là thông tin ghi nhãn có thể được tiếp cận trong không quá 3 bước từ trang chủ

Ví dụ: Bắt đầu tư Trang chủ:

Bước 1: Ấn vào “Cài đặt”

Bước 2: Ấn vào “Pháp lý và Quy định”

Bước 3: Ấn vào “Quy định” (nơi thông tin ghi nhãn được hiển thị)

Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi theo hướng cho phép doanh nghiệp dẫn đường link hoặc chỉ dẫn truy cập như trên.

  1. Ngôn ngữ ghi nhãn điện tử

Điều 6 Dự thảo quy định ngôn ngữ trình bày nội dung ghi nhãn được thực hiện theo quy định tại Điều 7 Nghị định 43/2017/NĐ-CP. Tuy nhiên, Điều 7.2 Nghị định 43/2017/NĐ-CP quy định nội dung nhãn hàng hoá được sản xuất và lưu thông trong nước có thể ghi bằng ngôn ngữ khác nhưng phải tương ứng nội dung tiếng Việt. Quy định này sẽ chưa phù hợp với các trường hợp ghi nhãn điện tử của các doanh nghiệp toàn cầu, trong đó toàn bộ thông tin có thể ghi nhãn điện tử sẽ được doanh nghiệp cung cấp bằng nhiều thứ tiếng khác nhau, cho người dùng toàn cầu truy cập, và nội dung có thể khác nhau cho một số quốc gia. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng ngôn ngữ ghi nhãn thực hiện theo quy định tại Nghị định 43/2017/NĐ-CP, ngoại trừ ngôn ngữ ghi nhãn không phải là tiếng Việt.

  1. Các nội dung được phép ghi nhãn điện tử

Phụ lục Dự thảo quy định các nội dung được thể hiện theo phương thức điện tử, trong đó chủ yếu chỉ cho phép các nội dung sau: thông số kỹ thuật, hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản, và một loại sản phẩm thườn chỉ được cho phép 1 hoặc 2 nội dung trên. Theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định như vậy sẽ khó tạo động lực để doanh nghiệp đầu tư phương thức điện tử. Lý do là vì diện tích nhãn trực tiếp giảm được từ quy định này khá ít, trong tương quan doanh nghiệp phải tốn thêm chi phí để thiết lập phương thức mới.

Cần lưu ý rằng, bên cạnh các nội dung ghi nhãn bắt buộc tại Nghị định 43/2017/NĐ-CP, các quy định pháp luật khác cũng quy định thêm các nội dung ghi nhãn bắt buộc khác, chẳng hạn như mỹ phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng… (theo pháp luật chuyên ngành), ghi nhãn vật liệu ô nhiễm khó phân huỷ, nhãn sinh thái (theo pháp luật khác)… Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, cho phép một số nội dung khác theo pháp luật liên quan được thực hiện theo phương thức điện tử. Các nội dung được ghi nhãn điện tử có thể là các nội dung đã được đăng ký, công bố với cơ quan nhà nước, chẳng hạn như thành phần công thức (mỹ phẩm) hoặc các diễn giải chi tiết cho cụm từ, biểu tượng bắt buộc phải thể hiện trên nhãn.

Bên cạnh đó, Phụ lục Dự thảo chỉ cho phép 12 loại hàng hoá được áp dụng quy định này. Trong khi đó, Nghị định 43/2017/NĐ-CP quy định 66 loại hàng hoá thuộc diện ghi nhãn bắt buộc. Việc này vô tình sẽ hạn chế khả năng ứng dụng rộng rãi của loại hình ghi nhãn này lên hoạt động thương mại. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc mở rộng phạm vi các loại hàng hoá ghi nhãn điện tử.

  1. Thông báo nội dung ghi nhãn điện tử

Điều 8 Dự thảo quy định doanh nghiệp phải thực hiện thông báo đến cơ quan quản lý nhãn hàng hoá về phương thức, nội dung ghi nhãn điện tử và thông báo lại khi có thay đổi. Quy định này được suy đoán là nhằm giúp cơ quan chức năng có căn cứ, bằng chứng nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, thủ tục thông báo là một dạng thủ tục hành chính, và được nghiêm cấm ban hành ở cấp Thông tư theo quy định tại Điều 14.4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định này. Thay vào đó, cơ quan nhà nước có thể lập một cổng (portal) lưu trữ cho phép doanh nghiệp tải lên một bản sao nội dung ghi nhãn (và các phiên bản cập nhật sau đó).

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Thông tư quy định về việc thể hiện một số nội dung ghi nhãn bắt buộc theo phương thức điện tử. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.