VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 01/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ, hủy bỏ các quy định có liên quan đến thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nghị định số 61/2016/NĐ-CP quy định điều kiện kinh doanh giám định cổ vật và hành nghề bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh, Nghị định số 36/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao

Thứ Tư 14:54 06-12-2023

Kính gửi: Bộ Tư pháp

Trả lời Công văn số 696/GM-BTP của Bộ Tư pháp về việc đề nghị tham dự cuộc họp Hội đồng thẩm định đối với Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 01/2012/NĐ-CP, Nghị định 61/2016/NĐ-CP và Nghị định 36/2019/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến góp ý đối với Dự thảo như sau:

I. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 01/2012/NĐ-CP

  1. Cấp chứng chỉ hành nghề đối với chủ cửa hàng mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia

Theo quy định tại Điều 25, 26 Nghị định 98/2010/NĐ-CP chủ cửa hàng mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia phải đáp ứng các điều kiện, trong đó phải có “chứng chỉ hành nghề kinh doanh mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia”. Điều kiện để cấp chứng chỉ là “Có trình độ đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành đào tạo về di sản văn hóa, lịch sử (khảo cổ học, văn hóa học), mỹ thuật, Hán Nôm, dân tộc học, cổ nhân học, cổ sinh vật học (động vật, thực vật), địa chất; hoặc là thành viên của tổ chức xã hội – nghề nghiệp liên quan đến các chuyên ngành đào tạo nêu trên và đã thực hiện hoạt động sưu tầm cổ vật” (khoản 3 Điều 1 Nghị định 142/2018/NĐ-CP).

Đề nghị xem xét, đánh giá về tính cần thiết và phù hợp khi yêu cầu chủ cửa hàng mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia phải có Chứng chỉ hành nghề kinh doanh mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia. Di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia là loại hàng hóa đặc biệt. Việc xác định loại hàng hóa này có thực sự là “di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia” hay không sẽ do chuyên gia giám định cổ vật thực hiện. Pháp luật về di sản văn hóa đã có các quy định về đăng ký di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; các quy định liên quan đến bảo quản, đưa các loại hàng hóa này ra nước ngoài; thông báo khi thay đổi chủ sở hữu …

Việc mua bán dị vật, cổ vật là các giao dịch có tính chất dân sự. Yêu cầu trình độ chuyên môn của người bán – không rõ nhằm hướng đến bảo đảm mục tiêu nào và liệu có phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật Đầu tư 2020 hay không? Đề nghị cân nhắc xem xét bỏ yêu cầu Chứng chỉ đối với chủ cửa hàng mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.

  1. Thủ tục thành lập, cấp giấy phép bảo tàng

Theo quy định tại khoản 2 Điều 50 Luật Di sản văn hóa năm 2001, khoản 25 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009, Điều 28 Nghị định 98/2010/NĐ-CP, điểm e khoản 3 Điều 2 Nghị định 01/2012/NĐ-CP thì để được cấp giấy phép hoạt động bảo tàng ngoài công lập, tổ chức, cá nhân phải thực hiện thủ tục sau:

  • (1) Thủ tục xác nhận đủ điều kiện để thành lập bảo tàng do Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp

Hồ sơ: Đơn đề nghị; Đề án hoạt động bảo tàng

  • (2) Thủ tục cấp giấy phép hoạt động bảo tàng do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp

Hồ sơ: Văn bản đề nghị thành lập; Giấy xác nhận đủ điều kiện thành lập bảo tàng của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Quy trình thủ tục trên là chưa hợp lý và tạo gánh nặng về thủ tục hành chính, cụ thể:

Hai thủ tục trên có thể gộp làm một vì Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh trong vấn đề về quản lý văn hóa. Việc cơ quan này xác nhận đủ điều kiện thành lập bảo tàng thì có thể kiến nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cấp giấy phép luôn. Việc tách ra làm hai thủ tục khiến cho quy trình cấp phép trở nên phiền phức, kéo dài một cách không cần thiết;

Đề nghị thiết kế lại quy trình thủ tục cấp giấy phép thành lập bảo tàng theo hướng, chỉ cần thực hiện một thủ tục và thời gian giải quyết nên rút ngắn lại.

II. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 61/2016/NĐ-CP

  1. Trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh giám định cổ vật (khoản 1 Điều 2 Dự thảo bổ sung khoản 1 Điều 6 Nghị định 61/2016/NĐ-CP)

Theo quy định tại Dự thảo hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh giám định có “Bản sao quyết định thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có giá trị pháp lý”. Quy định này tương tự như quy định tại Nghị định 61/2016/NĐ-CP.

Đề nghị bỏ yêu cầu phải cung cấp giấy tờ này, bởi vì đây là thông tin mà cơ quan cấp phép có thể tra cứu trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, cũng phù hợp với các đề xuất cắt giảm chi phí tuân thủ trong các phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định về kinh doanh mà các Bộ, ngành đang xây dựng.

  1. Chứng chỉ hành nghề tu bổ di tích

Theo quy định tại Điều 9 Nghị định 61/2016/NĐ-CP để được cấp Chứng chỉ hành nghề tu bổ di tích, cá nhân phải có chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực xây dựng (tùy thuộc vào lĩnh vực) và hoàn thành chương trình bồi dưỡng kiến thức về tu bổ di tích theo quy định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Như vậy, để được phép hành nghề tu bổ di tích, cá nhân phải có ba loại chứng nhận sau:

  • Chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực xây dựng
  • Chứng chỉ hoặc chứng nhận đã tham gia chương trình bồi dưỡng kiến thức về tu bổ di tích
  • Chứng chỉ hành nghề tu bổ di tích

Cần xem xét lại tính cần thiết và phù hợp phải phải có Chứng chỉ hành nghề tu bổ di tích. Chứng chỉ này được cấp khi cá nhân đáp ứng điều kiện là đã có hai Chứng chỉ khác, điều này sẽ tạo gánh nặng về thủ tục hành chính cho cá nhân muốn cấp Chứng chỉ. Đề nghị bỏ yêu cầu phải có Chứng chỉ hành nghề tu bổ di tích mới được phép hành nghề tu bổ di tích, cá nhân chỉ cần có Chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực xây dựng và Chứng nhận đã tham gia chương trình bồi dưỡng kiến thức về tu bổ di tích là đủ. Tương ứng, đề nghị bỏ các thủ tục hành chính liên quan đến việc cấp Chứng chỉ hành nghề tu bổ di tích tại Nghị định 61/2016/NĐ-CP.

Trên đây là một số ý kiến của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 01/2012/NĐ-CP, Nghị định 61/2016/NĐ-CP và Nghị định 36/2019/NĐ-CP. Rất mong quý Cơ quan cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.