VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Nghị định 13/2020/NĐ-CP ngày 21/01/2021 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi

Thứ Sáu 22:31 07-01-2022

Kính gửi:  Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Trả lời Công văn số 7817/BNN-CN ngày 19/11/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc đề nghị góp ý đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Nghị định 13/2020/NĐ-CP ngày 21/01/2021 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi (sau đây gọi tắt là Dự thảo), trên cơ sở tham khảo ý kiến chuyên gia và doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến đối với dự thảo như sau:

  1. Về cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi (Điều 32a Dự thảo)

Việc bổ sung các quy định về điều kiện sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi là phù hợp với Luật đầu tư năm 2020, tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định theo hướng đơn giản hơn theo hướng cho phép doanh nghiệp thực hiện thủ tục theo hình thức “Văn bản xác nhận, chấp thuận” (quy định tại điểm điểm d, khoản 6 Điều 7 Luật Đầu tư) hoặc theo hình thức khác mà “không cần phải có xác nhận bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền” (quy định tại điểm đ, khoản 6 Điều 7 Luật Đầu tư).

Quy định như vậy sẽ giúp giảm thiểu chi phí của doanh nghiệp, đồng thời giảm gánh nặng về cấp phép cho cơ quan quản lý. Các điều kiện sản xuất của doanh nghiệp hoàn toàn có thể được kiểm tra bằng hình thức hậu kiểm mà vẫn bảo đảm được hiệu quả của công tác quản lý nhà nước và thúc đẩy nhanh chóng hoạt động của doanh nghiệp.

Trường hợp vẫn giữ lại quy định về Cấp giấy chứng nhận, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục, ví dụ:

  • Thời gian thẩm định hồ sơ: rút ngắn còn 02 ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ;
  • Thời gian đánh giá thực tế: rút ngắn còn 05 ngày, kể từ ngày kết thúc thẩm định hồ sơ;
  • Thời gian cấp giấy chứng nhận: rút ngắn còn 02 ngày, kể từ ngày kết thúc đánh giá thực tế.

Việc quy định tổng thời gian 35 ngày từ khi doanh nghiệp nộp hồ sơ cho đến khi cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện như Dự thảo hiện tại là quá dài và hoàn toàn có thể rút ngắn hơn nữa bằng việc cơ quan quản lý áp dụng công nghệ thông tin trong quá trình thực hiện thủ tục.

  1. Quy định chung về thực hiện thủ tục hành chính (Điều 4 Nghị định 13)

Đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung thêm một số quy định sau vào Điều 4 Nghị định 13/2020/NĐ-CP quy định chung về thủ tục hành chính như sau:

  • Thứ nhất, cơ quan tiếp nhận không được phép yêu cầu thêm thành phần hồ sơ so với những thành phần hồ sơ đã được quy định tại Nghị định này.
  • Thứ hai, cơ quan tiếp nhận chỉ được trả lời về tính đầy đủ của thành phần hồ sơ một lần.
  • Thứ ba, với các bản dịch tiếng Việt từ tài liệu chữ nước ngoài, cho phép doanh nghiệp được lựa chọn một trong hai hướng sau: (1) cho phép doanh nghiệp tự dịch tự chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản dịch, hoặc (2) doanh nghiệp có thể sử dụng dịch vụ công chứng bản dịch, khi đó cơ quan tiếp nhận không được phép từ chối hồ sơ vì lý do bản dịch không chính xác.
  1. Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận với cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi (Điều 8 Nghị định 13)

Điều 8 Nghị định 13/2020/NĐ-CP quy định thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi như sau: (i) Cục Chăn nuôi với các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi bổ sung (có hoặc không sản xuất thêm các loại thức ăn khác), cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi xuất khẩu theo đề nghị của bên nhập khẩu; (ii) Sở NNPTNT với các cơ sở sản xuất các loại thức ăn chăn nuôi khác. Việc quy định thẩm quyền cấp phép của Cục Chăn nuôi thường sẽ gây tốn kém về chi phí và mất thời gian hơn đối với các doanh nghiệp so với Sở NNPTNT. Trong khi đó, nếu các điều kiện kinh doanh được quy định đủ rõ ràng, minh bạch thì các Sở NNPTNT hoàn toàn có thể thực hiện toàn bộ các công việc này. Nhằm đơn giản hoá thủ tục hành chính, giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng giao toàn bộ thẩm quyền cấp phép cho các Sở NNPTNT, trừ trường hợp có yêu cầu của nước nhập khẩu, bên nhập khẩu.

  1. Đánh giá giám sát duy trì điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi (Điều 11 Nghị định 13)

Hiện tại, Chỉ thị 20/CT-TTg năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp[1] yêu cầu: “Khi xây dựng, phê duyệt kế hoạch thanh tra hàng năm không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá 01 lần/năm đối với doanh nghiệp”. Do đó, Nghị định 13/2020/NĐ-CP quy định tại Điều 11 về tần suất kiểm tra duy trì điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi 12 tháng một lần là đã chạm mức trần về tần suất kiểm tra đặt ra theo Chỉ thị này.  

Theo quy định, trong trường hợp có sự trùng lặp về kế hoạch thanh tra, kiểm tra thì các cơ quan nhà nước phối hợp với nhau để tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành. Tuy nhiên, với quy định này thì thực tế khả năng doanh nghiệp phải chịu nhiều hơn 1 lần thanh tra, kiểm tra với các nội dung trùng lắp là rất cao.

Do đó, để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu theo hướng áp dụng quản lý dựa vào rủi ro: doanh nghiệp nào có kết quả kiểm tra trước đó tốt thì tần suất kiểm tra sau đó ít hơn, doanh nghiệp nào có kết quả kiểm tra trước đó không tốt thì tần suất kiểm tra cao hơn (bên cạnh các quy định riêng cho doanh nghiệp có chứng nhận quản lý chất lượng (ISO), thực hành tốt (GMP) hay HCAPP (quy định tại điểm a, khoản 5)).

  1. Tiêu chí vật nuôi được sử dụng thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh để phòng bệnh ở giai đoạn con non (Điều 9 Nghị định 13)

Điều 9 Nghị định 13/2020/NĐ-CP quy định tiêu chí vật nuôi được sử dụng thức ăn chăn nuôi kháng sinh để phòng bệnh ở giai đoạn con non. Tuy nhiên, quy định này mới chỉ đề cập đến một số loại vật nuôi cơ bản như lợn, gà, vịt, ngan, chim cút, thỏ, bê, nghé mà chưa quy định đối với các loại vật nuôi khác. Điều này dẫn đến câu hỏi là có được sử dụng thức ăn chăn nuôi có kháng sinh để phòng bệnh cho con non ở các loại vật nuôi khác không? Đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ vấn đề này.

  1. Mật độ chăn nuôi (Điều 22 Nghị định 13)

Điều 22 và Phụ lục VI của Nghị định 13/2020/NĐ-CP quy định về mật độ chăn nuôi của các vùng. Dựa trên phụ lục này, các tỉnh thành phố sẽ ban hành quy định về mật độ chăn nuôi cho tỉnh thành của mình. Do diện tích của các vùng sinh thái hầu như không thay đổi, diện tích các tỉnh thành phố cũng không đổi, nên bản chất quy định này được hiểu sẽ giới hạn số lượng con được nuôi tại mỗi đơn vị hành chính. Nhiều doanh nghiệp e ngại liệu đây có phải là sự can thiệp quá mức của Nhà nước vào thị trường hay không?

Về bản chất, với cách quy định về mật độ chăn nuôi tại Phụ lục VI hiện nay có thể không khác với quy hoạch chăn nuôi trước đây, được lập để xác định vùng nào được nuôi bao nhiêu, con gì. Thậm chí, quy hoạch chăn nuôi trước đây chỉ mang tính tham khảo, định hướng thì quy định này mang tính bắt buộc thông qua việc giới hạn số lượng vật nuôi của các trang trại phải phù hợp với mật độ chăn nuôi. Cần lưu ý rằng quy hoạch chăn nuôi đã được bãi bỏ bởi khoản 2 Điều 13 Luật Quy hoạch, theo đó cấm các quy hoạch “về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ” nhằm mục đích hạn chế sự can thiệp của Nhà nước vào các quyết định của thị trường. Như vậy, cần cân nhắc lại quy định tại Phụ lục VI của dự thảo, dường như đang có dấu hiệu trái với tinh thần của Luật Quy hoạch.

Nếu cho rằng việc quản lý mật độ chăn nuôi như tại Phụ lục VI là nhằm bảo vệ môi trường hoặc phòng dịch bệnh thì cũng không hợp lý. Vì việc bảo vệ môi trường và phòng dịch bệnh hoàn toàn có thể được thực hiện bằng rất nhiều biện pháp kỹ thuật khác (như khoảng cách an toàn, biện pháp phòng dịch) chứ không nên áp dụng biện pháp ấn định số lượng vật nuôi tại mỗi địa phương.

Với những lý do đó, đề nghị Cơ quan soạn thảo bổ sung đánh giá hiệu quả của việc thực hiện quy hoạch mật độ chăn nuôi trong những năm vừa qua và xem xét lại một lần nữa về tính cần thiết của việc quy định mật độ chăn nuôi tại Điều 12 và Phụ lục VI.

Trên đây là một số ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 13/2020/NĐ-CP về hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Chăn nuôi. Ngoài ra, đính kèm theo đây là góp ý của cộng đồng doanh nghiệp, rất mong Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.

[1]http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=2&_page=1&mode=detail&document_id=189820