VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Nghị định 13/2020/NĐ-CP ngày 21/01/2021 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi
VCCI_ Góp ý Dự thảo Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng
VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định mô hình ban quản lý khu du lịch quốc gia
Kính gửi: Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch
Trả lời Công văn số 2662/BVHTTDL-TCDL ngày 28/7/2021 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về việc đề nghị góp ý đối với dự thảo Nghị định mô hình ban quản lý khu du lịch quốc gia (sau đây gọi tắt là Dự thảo), trên cơ sở tham khảo ý kiến chuyên gia và doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến đối với dự thảo như sau:
- Về định nghĩa “khu du lịch do doanh nghiệp đầu tư hình thành” (khoản 1 Điều 3 Dự thảo) và các vấn đề về tiếp cận thị trường của doanh nghiệp trong quản lý khu du lịch quốc gia:
Định nghĩa về khu du lịch do doanh nghiệp đầu tư hình thành tại Dự thảo Nghị định có một số nội dung cần xem xét như sau:
Khoản 1 Điều 3 Dự thảo quy định trường hợp khu du lịch quốc gia do doanh nghiệp đầu tư hình thành là “khu du lịch, trong đó doanh nghiệp trực tiếp đầu tư xây dựng, hình thành, phát triển tài nguyên du lịch, các công trình…”. Theo cách quy định này, doanh nghiệp chỉ được phép quản lý khu du lịch quốc gia cho chính doanh nghiệp xây dựng, hình thành từ đầu, đối với các khu du lịch quốc gia đã có từ trước thì doanh nghiệp không được tham gia quản lý, khai thác. Việc này là loại trừ khả năng chuyển đổi quyền quản lý từ khu du lịch từ nhà nước sang doanh nghiệp. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo xem xét mở rộng chính sách cho phép doanh nghiệp được tham gia quản lý các khu du lịch quốc gia đã có sẵn, với các lý do sau:
- Luật Du lịch giải thích về khu du lịch tại khoản 6 Điều 3 như sau: “là khu vực có ưu thế về tài nguyên du lịch, được quy hoạch, đầu tư phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch” mà không giới hạn chủ thể hình thành khu du lịch là cơ quan nhà nước hay doanh nghiệp, cũng không cấm doanh nghiệp tiếp nhận quản lý các khu du lịch quốc gia có sẵn;
- Đây là phương án quản lý đang được triển khai trên thế giới như mô hình phối hợp quản lý giữa chính quyền địa phương và tổ chức của người bản địa ở Công viên quốc gia Uluru-Kata Tjuta của Úc[1]; Công viên lịch sử quốc gia Fort Sumter và Fort Moultrie của Mỹ[2];
- Không có khu du lịch quốc gia nào đơn thuần hình thành từ đầu. Yếu tố quan trọng nhất của một khu du lịch quốc gia là “tài nguyên du lịch”, đây cũng là điều kiện tiên quyết khi xác định một địa điểm có thể phát triển thành khu du lịch hay không. Điều này được thể hiện tại Luật Du lịch và Nghị định 168/2017/NĐ-CP. Rà soát các quy định pháp luật trong lĩnh vực này, không có quy định nào hạn chế việc doanh nghiệp được quản lý khu du lịch quốc gia đã có sẵn;
- Việc doanh nghiệp đầu tư hình thành hoặc phối hợp với địa phương quản lý khu du lịch quốc gia có nhiều lợi ích. Thu hút nguồn lực xã hội, áp dụng kiến thức, kỹ năng chuyên môn sâu và hiện đại vào quản lý, bảo tồn, bảo vệ môi trường; vốn của doanh nghiệp sẽ được sử dụng hiệu quả hơn so với ngân sách nhà nước. Do đó, cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp gia nhập thị trường lĩnh vực này.
Để thực hiện được nội dung này, cần thiết kế các quy định về cơ chế chuyển đổi, trình tự thủ tục dành cho việc chuyển đổi quyền quản lý khu du lịch quốc gia từ nhà nước sang doanh nghiệp. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứ dự liệu tình huống này làm cơ sở cho việc chuyển đổi mô hình quản lý phù hợp với khu du lịch quốc gia
- Về chính sách đối với doanh nghiệp quản lý khu du lịch quốc gia
Dự thảo hiện không quy định riêng một điều về quản lý khu du lịch quốc gia do doanh nghiệp đầu tư hình thành. Khoản 4 Điều 8 Dự thảo chỉ quy định trách nhiệm của doanh nghiệp trong quản lý khu du lịch quốc gia mà chưa rõ điều kiện, trình tự, thủ tục thực hiện việc đầu tư này được thực hiện theo văn bản nào. Rà soát vấn đề này, VCCI có một số ý kiến như sau:
- Đây có phải là lĩnh vực không có điều kiện gia nhập thị trường hay không? Cần làm rõ điều này bởi nếu quy định không rõ ràng hoặc điều kiện gia nhập thị trường không minh bạch thì sẽ không có điều kiện thu hút sự tham gia của doanh nghiệp vào lĩnh vực này.
- Cơ chế quản lý của doanh nghiệp như thế nào để bảo đảm nguồn tài nguyên thiên nhiên của quốc gia được giữ gìn, bảo tồn và phát triển. Tránh tình trạng giao khoán cho doanh nghiệp, dẫn đến khai thác quá mức, gây ảnh hưởng tới đa dạng sinh học, giá trị bản địa, phá vỡ cảnh quan… Cơ chế giám sát, phối hợp của cơ quan nhà nước ở các khu du lịch quốc gia do doanh nghiệp quản lý cần được quy định cụ thể theo hướng đặc thù hơn;
- Luật Du lịch quy định Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nộp hồ sơ đề nghị công nhận khu du lịch quốc gia (khoản 2 Điều 28) và Dự thảo Nghị định quy định: “Ban quản lý khu du lịch quốc gia được thành lập hoặc tổ chức lại sau khi khu du lịch quốc gia được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận.” Đây được hiểu là quy định dành cho các khu du lịch quốc gia do cơ quan nhà nước quản lý.
Rà soát Luật Du lịch và các văn bản hướng dẫn thi hành không thấy có quy định trình tự, thủ tục đối với trường hợp khu du lịch quốc gia do doanh nghiệp đầu tư hình thành. Không rõ doanh nghiệp có quyền đề nghị Tổng cục Du lịch công nhận khu du lịch quốc gia mà mình có kế hoạch đầu tư hay không? Nếu không thì nếu muốn đầu tư, doanh nghiệp sẽ phải liên hệ với cơ quan nào để đề nghị. Không làm rõ nội dung này thì sẽ có thể dẫn đến thiếu thống nhất hoặc lúng túng trong áp dụng các quy định, gây khó khăn cho hoạt động đầu tư của doanh nghiệp.
Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu làm rõ các nội dung trên để tăng cường tính minh bạch, hợp lý của Dự thảo.
Trên đây là một số ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về dự thảo dự thảo Nghị định mô hình ban quản lý khu du lịch quốc gia. Rất mong Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.
[1] https://parksaustralia.gov.au/uluru/about/joint-management/
[2] https://www.nps.gov/articles/a-model-for-partnership.htm