VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đất đai
VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải nội bộ bằng xe ô tô
Kính gửi: Vụ Vận tải, Bộ Giao thông vận tải
Trả lời Công văn số 2774/BGTVT-VT của Bộ Giao thông vận tải về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải nội bộ bằng xe ô tô (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến ban đầu như sau:
- Yêu cầu lắp thiết bị giám sát hành trình đối với xe ô tô vận tải nội bộ
Theo quy định tại khoản 4 Điều 4, khoản 9 Điều 5, khoản 4 Điều 7, khoản 7 Điều 8 Dự thảo thì xe ô tô vận tải nội bộ (người và hàng hóa) phải lắp thiết bị giám sát hành trình theo lộ trình (trước ngày 01/7/2022, trước 31/12/2022 đối với xe ô tô tải có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông dưới 10 tấn).
Quy định này cần được xem xét ở các điểm sau:
- Tính thống nhất: Luật giao thông đường bộ 2008 chỉ có quy định phương tiện vận tải phải gắn thiết bị giám sát hành trình đối với các chủ thể kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Hoạt động vận tải nội bộ không phải hoạt động kinh doanh vận tải. Do đó, yêu cầu xe vận tải nội bộ phải gắn thiết bị giám sát hành trình là chưa phù hợp với Luật Giao thông đường bộ 2008;
- Tính hợp lý và khả thi: Theo giải trình của cơ quan soạn thảo thì việc lắp thiết bị giám sát hành trình sẽ phân biệt rõ được hai đối tượng (kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ), “tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng và bình đẳng giữa đối tượng không kinh doanh và đối tượng kinh doanh vận tải” (điểm 4.2.a mục 4, Phần II Báo cáo Đánh giá tác động chính sách). Các dữ liệu của thiết bị giám sát hành trình gồm các thông tin: hành trình, tốc độ vận hành, thời gian lái xe liên tục (điểm a khoản 3 Điều 12 Nghị định 10/2020/NĐ-CP). Với các thông tin này thì cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát đối với kinh doanh vận tải là hợp lý, nhưng với tính chất của vận tải nội bộ lại dường như chưa phù hợp, cụ thể:
- Hành trình: Đối với kinh doanh vận tải được phân loại theo từng loại hình vận tải do đó cần phải kiểm soát hành trình của xe để nhận biết xe có tuân thủ hành trình tương ứng với loại hình vận tải không. Nhưng với vận tải nội bộ thì Nhà nước không kiểm soát về hành trình của xe, do đó thu nhận thông tin này là không cần thiết;
- Thời gian lái xe liên tục: đối với một số hoạt động vận tải nội bộ, ví dụ như vận chuyển nhân viên đi làm, học sinh đi học thì thời gian vận chuyển sẽ không kéo dài giống như hoạt động kinh doanh vận tải hành khách. Thông thường thời gian xe chạy cho mỗi chuyến ít hơn 4 tiếng đồng hồ, vì vậy đối với các hoạt động vận tải người nội bộ việc kiểm tra thời gian lái xe liên tục là không cần thiết.
- Tốc độ vận hành: thiết bị này có thể cho biết được tốc độ vận hành của xe ô tô, nhưng bên cạnh thiết bị giám sát hành trình thì Nhà nước có thể có nhiều công cụ khác để kiểm soát vấn đề này. Mặt khác, câu hỏi đặt ra là nếu kiểm soát tốc độ vận hành của xe ô tô vận tải nội bộ thì tại sao lại không áp dụng biện pháp tương tự đối với những xe ô tô vận tải khác (xe ô tô vận tải cá nhân, xe ô tô vận tải nội bộ có sức chứa 10 người trở xuống – các phương tiện này có tính chất là vận tải nội bộ)?
- Tăng chi phí cho doanh nghiệp: Theo thông tin của cơ quan soạn thảo, hiện nay tổng số phương tiện phải thực hiện lắp thiết bị giám sát hành trình khoảng 400.000 phương tiện, chi phí lắp đặt thiết bị khoảng 1,5 triệu đồng/xe/thiết bị và tổng chi phí cho 400.000 xe vào khoảng 600 tỷ (điểm 4.2.a mục 4, Phần II Báo cáo Đánh giá tác động chính sách). Đây là chi phí chưa phản ánh đầy đủ chi phí thực tế xã hội phải bỏ ra. Cơ quan soạn thảo vẫn chưa tính chi phí từ phía cơ quan nhà nước phải bỏ ra để thực hiện biện pháp quản lý này? Chi phí để doanh nghiệp thực hiện thủ tục cấp Giấy phép hoạt động vận tải nội bộ. Đối với một số doanh nghiệp kinh doanh các ngành nghề kinh doanh có điều kiện và có hoạt động vận tải nội bộ thì việc yêu cầu lắp thêm thiết bị giám sát hành trình cũng như xin Giấy phép hoạt động vận tải nội bộ sẽ gia tăng chi phí và tạo gánh nặng về thủ tục hành chính. Trong bối cảnh Chính phủ đang có nhiều nỗ lực trong cắt giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp thì quy định về cơ chế quản lý đối với hoạt động vận tải nội bộ cần được đánh giá tác động đầy đủ và thận trọng hơn.
Từ những phân tích trên, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ quy định xe ô tô vận tải nội bộ phải lắp thiết bị giám sát hành trình. Trong trường hợp đánh giá tác động của chính sách này cho thấy lợi ích thu được từ hoạt động quản lý lớn hơn chi phí xã hội phải bỏ ra thì đề nghị Ban soạn thảo chờ đến thời điểm Luật Giao thông đường bộ 2008 được sửa đổi và có quy định này thì quy định tại Nghị định.
- Cấp Giấy phép hoạt động vận tải bằng xe ô tô
Điều 10 Dự thảo quy định:
- Đơn vị vận tải sử dụng xe vận tải người nội bộ, ô tô đầu kéo kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc, xe ô tô chuyên dùng và xe ô tô tải có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông từ 10 tấn trở lên; đơn vị vận tải sử dụng xe ô tô tải có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông dưới 10 tấn: phải có Giấy phép hoạt động vận tải nội bộ bằng xe ô tô theo lộ trình;
- Đơn vị vận tải nội bộ sử dụng xe ô tô khách có sức chứa từ 10 chỗ trở lên (bao gồm cả người lái xe); sử dụng xe ô tô kéo rơ moóc, xe ô tô đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc, xe ô tô chuyên dùng; các tổ chức sử dụng xe ô tô tải. Cá nhân, hộ kinh doanh sử dụng xe ô tô tải có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông từ 3.500 kg trở lên hoặc có sử dụng trên 4 xe ô tô tải có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông dưới 3.500 kg
- Giấy phép hoạt động vận tải nội bộ cấp cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) dưới 51%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên 51% có hoạt động vận tải trước ngày 01/12/2014 để phục vụ sản xuất, kinh doanh của chính doanh nghiệp
Quy định trên rất cần được xem xét ở dưới các khía cạnh sau:
- Tác động của quy định này tới hoạt động kinh doanh và thu hút đầu tư nước ngoài: Giới hạn quy định này có thể tạo ra rào cản lớn cho hoạt động của các doanh nghiệp khi có nhu cầu vận tải nội bộ. Việc phải xin phép tạo ra nhiều chi phí và phiền hà thủ tục, tạo ra trở ngại hoạt động đầu tư. Với doanh nghiệp nước ngoài, hầu hết các dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam giai đoạn sau hoạt động dưới hình thức 100% vốn đầu tư nước ngoài nên tác động của quy định này rất lớn, họ không thể tiến hành hoạt động vận tải nội bộ. Thực tiễn thời gian qua đã có rất nhiều phản ánh, khiếu nại của doanh nghiệp với VCCI về việc này.
- Tính pháp lý: Tính chất của Giấy phép hoạt động vận tải nội bộ là gì? Có phải là một dạng giấy phép kinh doanh không? Nếu là giấy phép kinh doanh thì cấp cho hoạt động vận tải nội bộ – không có tính chất kinh doanh vận tải là chưa phù hợp và không phù hợp với quy định tại Luật Đầu tư 2020 (vận tải người/hàng hóa nội bộ không phải là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện). Nếu không là giấy phép kinh doanh thì nó là dạng giấy gì, bởi vì Giấy phép hoạt động vận tải nội bộ sẽ tác động đáng kể đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (có giấy chứng nhận này thì doanh nghiệp mới được phép sử dụng ô tô để vận chuyển hàng hóa, người phục vụ cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp);
- Mục tiêu quản lý suy đoán là nhằm xác định những doanh nghiệp được phép hoạt động vận tải người/hàng hóa nội bộ. Tuy nhiên, hiện tại Dự thảo đang quy định các xe vận tải nội bộ phải có phù hiệu “XE NỘI BỘ” để để nhận diện, do đó việc yêu cầu cấp thêm Giấy chứng nhận là không cần thiết;
- Tạo gánh nặng về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp vì doanh nghiệp sẽ phải thực hiện thủ tục để có được Giấy phép này;
- Tính công bằng cho các đối tượng áp dụng: Theo quy định trên thì những doanh nghiệp FDI có vốn trên 51% có hoạt động vận tải từ 01/12/2014 sẽ không được cấp Giấy chứng nhận, còn những doanh nghiệp FDI có vốn trên 51% có hoạt động vận tải trước 01/12/2014 sẽ được cấp Giấy chứng nhận. Quy định này tạo ra sự phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp FDI trong cùng điều kiện.
Hơn nữa, theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO trong lĩnh vực vận tải ô tô thì Việt Nam cam kết cho hoạt động cung cấp dịch vụ vận tải – có nghĩa là ràng buộc về tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài chỉ áp dụng cho hoạt động kinh doanh vận tải, còn vận tải nội bộ thì không ràng buộc. Do đó, với mục tiêu là phù hợp với cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO thì quy định này là không cần thiết, vì cam kết WTO không ràng buộc.
Từ những phân tích trên, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định về cấp Giấy phép vận tải nội bộ quy định tại Điều 10, 11 Dự thảo.
- Quy định đối với đơn vị vận tải người, hàng hóa nội bộ
- Cho thuê, mượn xe có phù hiệu “XE NỘI BỘ”
Theo quy định tại khoản 6 Điều 5, khoản 3 Điều 8 Dự thảo thì không được sử dụng xe có phù hiệu “XE NỘI BỘ” để kinh doanh vận tải hoặc cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào thuê, mượn để kinh doanh dưới mọi hình thức.
Xe ô tô là tài sản của cá nhân, tổ chức, vì vậy các chủ thể có toàn quyền định đoạt đối với tài sản mà mình sở hữu hợp pháp (có thể cho mượn hoặc cho thuê) và họ không phải chịu trách nhiệm đối với việc sử dụng tài sản của bên mượn/bên thuê. Quy định có tính chất hạn chế quyền định đoạt của chủ sở hữu tài sản trên là trái với các quy định tại Bộ luật dân sự 2015.
Quy định trên có thể hiểu là nhằm kiểm soát hoạt động kinh doanh vận tải trá hình, tuy nhiên cách thức quản lý lại chưa phù hợp. Cần phải kiểm soát đối với chủ thể sử dụng xe ô tô (có thể có được thông qua cho mượn/thuê của chủ thể khác), nếu sử dụng ô tô để kinh doanh vận tải – sẽ phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh về vận tải ô tô, sử dụng ô tô để vận tải nội bộ sẽ phải tuân thủ các quy định đối với hình thức vận tải này. Hiện tại, cơ quan quản lý nhà nước đang có các công cụ để kiểm soát việc sử dụng ô tô để kinh doanh vận tải hoặc vận tải nội bộ.
Từ phân tích trên, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tại khoản 6 Điều 5, khoản 3 Điều 8 Dự thảo.
- Giấy vận tải
Khoản 6 Điều 8 Dự thảo quy định đơn vị vận tải hàng hóa nội bộ “phải cấp cho lái xe Giấy vận tải trước khi vận chuyển hàng hóa trên đường. Giấy vận tải phải có các thông tin tối thiểu gồm: Tên đơn vị vận tải nội bộ; biển kiểm soát xe; hành trình vận chuyển (điểm đầu, điểm cuối); loại hàng và khối lượng hàng vận chuyển trên xe”.
Đây là phương thức quản lý tương tự như kinh doanh vận tải hàng hóa, tuy nhiên áp dụng cho vận tải nội bộ là chưa phù hợp. Bởi vì, theo quy định tại Điều 73, 75 Luật Giao thông đường bộ 2008, Giấy vận chuyển có tính chất như bằng chứng xác thực các thông tin về hàng hóa vận chuyển giữa các bên thuê vận tải – bên vận tải – bên nhận hàng, và sẽ là căn cứ giải quyết tranh chấp (nếu có) giữa các bên.
Hoạt động vận tại nội bộ là hoạt động vận chuyển người hoặc hàng hóa của chính đơn vị có phương tiện, yêu cầu phải có giấy vận chuyển với tính chất như trong quy định ở đây dường như không thích hợp. Nếu quy định này nhằm mục đích xác định chính xác, hợp pháp của loại hàng, khối lượng hàng vận chuyển trên xe trong trường hợp cơ quan chức năng kiểm tra khi lưu thông trên đường thì yêu cầu này là không cần thiết, bởi theo quy định hiện hành lái xe phải mang theo các giấy tờ để chứng minh nguồn gốc hàng hóa hợp pháp khi lưu thông trên đường.
Đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tại khoản 6 Điều 8 Dự thảo.
Trên đây là một số ý kiến sơ bộ ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải nội bộ bằng xe ô tô. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.