VCCI_Góp ý Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi)

Thứ Ba 14:37 25-05-2021

Kính gửi: Cục Điện ảnhBộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch

            Trả lời Công văn số 5013/BVHTTDL-ĐA ngày 30/12/2020 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc đề nghị góp ý đối với Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) (sau đây gọi tắt là Dự thảo), trên cơ sở tham khảo ý kiến chuyên gia và doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến ban đầu như sau:

  1. Tiêu chí xác định phim Việt Nam

Điều 3.11 Dự thảo đưa ra 3 tiêu chí xác định phim Việt Nam gồm: (i) quốc tịch của đạo diễn; (ii) ngôn ngữ chính của phim; (iii) nhà đầu tư sản xuất phim. Trong đó, tiêu chí thứ ba về “có ít nhất một nhà đầu tư Việt Nam tham gia vào quá trình sản xuất phim” dường như chưa thực sự rõ ràng do không có căn cứ xác định như thế nào được coi là “tham gia” vào quá trình sản xuất phim. Khi đó, có thể có khả năng quy định này bị lạm dụng khi một pháp nhân nào đó ở Việt Nam đứng tên cùng pháp nhân nước ngoài trong danh sách nhà đầu tư sản xuất phim, nhưng thực tế không hoặc tham gia rất ít vào quá trình sản xuất phim. Việc này có thể đi ngược lại mục tiêu ban đầu của chính sách nhằm bảo vệ và tạo điều kiện phát triển ngành công nghiệp trong nước. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc chỉnh sửa làm rõ tiêu chí trên, chẳng hạn quy định tỷ lệ phần chi phí đầu tư tối thiểu mà nhà đầu tư Việt Nam bỏ ra trong tổng chi phí đầu tư (chẳng hạn 30%).

  1. Quyền sở hữu trí tuệ với điện ảnh trên không gian mạng

Hiện nay việc bảo hộ quyền tác giả đối với các nhà làm phim Việt Nam vẫn còn nhiều khoảng trống pháp lý. Tình trạng các phim bị quay lậu tại các rạp chiếu phim và phổ biến phim trên không gian mạng diễn ra tương đối nhiều mà chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả. Hệ quả là các doanh nghiệp tốn rất nhiều chi phí đầu tư vào sản xuất phim, nhưng sản phẩm trí tuệ của họ có thể bị đánh cắp một cách dễ dàng.

Các chế tài xử lý vi phạm hành chính chưa đủ tính răn đe và mặc dù có quy định về trách nhiệm hình sự hành vi vi phạm quyền tác giả, có rất ít trường hợp phải chịu trách nhiệm hình sự đối với đối với người xem phổ biến phim ra ngoài khi chưa có sự đồng ý của tác giả và đơn vị phổ biến, phát hành phim. Đặc biệt, hiện chưa có chế tài nào cho các rạp chiếu phim có người xem phổ biến phim ra không gian mạng. Khi các nhà sản xuất phim thỏa thuận với các rạp chiếu phim, bảo vệ quyền tác giả của nhà sản xuất phim là một trong những nghĩa vụ của các đơn vị phổ biến phim. Nói cách khác, khi rạp chiếu phim để người xem phổ biến phim trên không gian mạng, rạp chiếu phim đã một phần vi phạm nghĩa vụ với đơn vị sản xuất phim, do đó rạp chiếu phim cần chịu trách nhiệm về việc không đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ cho nhà sản xuất phim.

Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung một số quy định như sau:

  • Các quy định cấm hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của chủ sở hữu;
  • Chế tài cho các rạp chiếu phim có người xem phổ biến phim trên không gian mạng;
  • Trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc ngăn chặn các website chiếu phim vi phạm sở hữu trí tuệ.
  1. Đơn vị cấp giấy phép phổ biến phim

Điều 24.1 Dự thảo quy định việc cấp giấy phép phổ biến phim chủ yếu do cơ quan nhà nước thực hiện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (trong trường hợp được phân cấp). Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định này tạo ra sự độc quyền về kiểm duyệt phim, dẫn dến phiền phức, mất nhiều thời gian và gây rủi ro cho doanh nghiệp. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc chuyển từ cơ chế độc quyền sang cơ chế cho phép nhiều đơn vị được tham gia công tác kiểm duyệt, cụ thể, có thể giao cho các cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động phát thanh – truyền hình.

Hiện nay, cả nước có khoảng 70 đài truyền hình. Các đài này có chức năng kiểm duyệt các phim được chiếu trên hệ thống của mình. Tuy nhiên, giới hạn đối tượng chỉ ở phim truyền hình của chính đài đó là chưa khai thác hết khả năng của các đài truyền hình này. Với năng lực đó, các đài có thể thực hiện việc kiểm duyệt với cả các phim chiếu rạp.

Các doanh nghiệp phổ biến phim có thể lựa chọn đài truyền hình phù hợp với tiêu chí của doanh nghiệp để xác lập hợp đồng cung cấp dịch vụ thẩm định phim. Hai bên có thể tự do thỏa thuận về nền tảng phổ biến phim, chi phí, thù lao, nghĩa vụ của các bên. Ví dụ, nếu phim được các đài truyền hình thẩm định “Đạt” khi nội dung phim đó không thuộc các trường hợp bị cấm tại Điều 8 Dự thảo, nghĩa là tuân thủ pháp luật về hoạt động phổ biến điện ảnh nói chung, thì các doanh nghiệp hoàn toàn có thể phổ biến phim tại mọi rạp chiếu phim trên toàn quốc. Ngoài ra, tên của văn bản kết luận thẩm định của đài truyền hình phim, để ngắn gọn, đúng trọng tâm, nên đổi từ Quyết định phát sóng sang Kết quả thẩm định nội dung.

Các đài truyền hình có khả năng thẩm định phim và cấp Giấy phép phổ biến phim và phân loại phim đối với cả phim chiếu rạp và phim truyền hình. Điều này không đồng nghĩa với việc sử dụng dịch vụ thẩm định phim của đài truyền hình thì phải được phổ biến trên đài truyền hình đó, mà hoàn toàn phụ thuộc vào hợp đồng, thỏa thuận của các bên.

Cơ chế này không chỉ nâng cao quyền tự do sáng tạo của các nhà làm phim, thúc đẩy cạnh tranh thẩm định giữa các đài truyền hình và doanh nghiệp phổ biến phim mà còn giảm gánh nặng về các thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp, giải quyết vấn đề về thời gian thẩm định phim kéo dài qua các cơ quan nhà nước do các cơ quan còn nhiều công việc khác phải giải quyết. Thực tế, cơ chế chuyển từ Nhà nước độc quyền kiểm định hàng hóa sang cơ chế ủy quyền cho nhiều đơn vị khác có quyền kiểm định đã được thực hiện thành công ở rất nhiều lĩnh vực như dược phẩm, thuốc bảo vệ thực vật, an toàn thực phẩm… Trong lĩnh vực tư tưởng văn hoá thì sách và xuất bản phẩm cũng đã được trao quyền cho nhiều nhà xuất bản khác nhau trên cả nước chứ không phải một đầu mối tập trung.

Thậm chí cơ chế thẩm định này có thể mở rộng ra cho các doanh nghiệp tư nhân nếu có đủ nguồn lực, nhân lực và thí điểm ở một số lĩnh vực thể thao, giải trí… Các nhóm có nhiều cá nhân đã có nhiều năm kinh nghiệm làm thẩm định phim tại các cơ quan nhà nước, đài truyền hình có đủ khả năng chuyên môn cung cấp dịch vụ thẩm định phim.

Với những lý do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo mạnh dạn đổi mới cơ chế kiểm duyệt định phim, cụ thể như sau:

  • Bỏ cơ chế thẩm định phim của các cơ quan trung ương và cơ quan địa phương, và giao trách nhiệm này cho các cơ quan báo chí đã có giấy phép phát thanh – truyền hình;
  • Phim được công chiếu trên toàn quốc (bao gồm cả phim chiếu rạp và phim truyền hình) nếu có Kết quả thẩm định nội dung phim “Đạt” của bất kỳ đài truyền hình nào.
  • Nghiên cứu cơ chế cấp phép cho một số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thẩm định phim, nếu có đủ điều kiện nhân lực.
  1. Tiêu chí thẩm định phim

Điều 8.1 Dự thảo quy định các nội dung bị cấm trong hoạt động điện ảnh, là căn cứ để thẩm định phim. Tuy nhiên, quy định này chưa phù hợp do chưa tách bạch rõ ràng giữa các hành vi bị cấm tuyệt đối và các hành vi bị cấm tương đối. Theo kinh nghiệm ở các lĩnh vực khác, các hành vi cấm được phân thành 2 hình thức sau:

  • Loại thứ nhất là hành vi cấm tuyệt đối, là những hành vi vi phạm lợi ích công cộng (chẳng hạn tuyên truyền chống phá Nhà nước, kích động chiến tranh, bạo lực, xuyên tạc sự thật lịch sử, dâm ô, đồi trụy, mê tín dị đoan);
  • Loại thứ hai là hành vi bị cấm tương đối, là những hành vi có nội dung vi phạm lợi ích tư nhân, như xúc phạm cá nhân, tổ chức. Các hành vi này chỉ bị cấm nếu không được cá nhân, tổ chức đó đồng ý, cụ thể, nếu cá nhân, tổ chức có yêu cầu cho rằng nội dung đó xâm phạm đến quyền và lợi ích của mình, thông qua các phương thức giải quyết, sẽ yêu cầu cơ sở điện ảnh không được phổ biến nội dung đó nữa. Do vậy, nếu cá nhân, tổ chức không phản đối thì những nội dung có dạng như trên vẫn được phép sản xuất, phổ biến và phát hành.

Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định về các hành vi bị cấm theo hướng tách bạch thành hai loại như trên. Đồng thời, bổ sung quy định về phương án xử lý với từng loại nội dung vi phạm, chẳng hạn cho phép thực hiện phương thức kiện bồi thường thiệt hại với loại nội dung bị cấm tương đối.

  1. Điều kiện với doanh nghiệp nước ngoài phổ biến phim trên không gian mạng

Điều 19.2 Dự thảo quy định doanh nghiệp nước ngoài phổ biến phim trên mạng phải đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện ở Việt Nam. Lý do có thể suy đoán là việc trao đổi thông tin và kiểm soát của cơ quan nhà nước với các doanh nghiệp nước ngoài gặp khó khăn do khoảng cách địa lý. Tuy nhiên, việc yêu cầu hiện diện vật lý như văn phòng đại diện hoặc chi nhánh ở Việt Nam không còn thực sự phù hợp và hiệu quả trong thời đại công nghệ số như hiện nay. Thay vào đó, việc này có thể được giải quyết thông qua các phương thức liên lạc trực tuyến. Theo đó, các nền tảng này sẽ thông báo hoạt động với cơ quan quản lý thông qua các cách thức trực tuyến với đầu mối liên hệ cụ thể. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định này theo hướng yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp đầu mối liên lạc cụ thể cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại Việt Nam.

  1. Hình thức hoạt động của cơ sở điện ảnh

Điều 7.1 Dự thảo quy định cơ sở điện ảnh được thành lập dưới hình thức doanh nghiệp hoặc đơn vị sự nghiệp. Tuy nhiên, quy định này chưa phù hợp, còn tương đối gò bó, chưa tạo hệ sinh thái để phát triển nền điện ảnh. Nền điện ảnh không chỉ bao gồm các nhà sản xuất phim lớn với năng lực tốt, mà còn gồm nhiều cá nhân, nhóm cá nhân nhỏ tự thực hiện sản xuất phim, hay còn gọi phim độc lập (independent film hay indie film). Các phim này có thể thiếu sót về mặt nội dung, kỹ thuật, nhưng nếu không vi phạm pháp luật điện ảnh thì vẫn xứng đáng được bảo hộ, khuyến khích phát triển. Những nhà làm phim nhỏ lẻ này chính là một cấu phần trong hệ sinh thái làm phim, vừa gia tăng lựa chọn cho khán giả yêu thích phim ảnh, vừa có thể mang đến những ý tưởng, xu hướng mới cho nền điện ảnh nước nhà. Do vậy, để tạo điều kiện cho các nhà sản xuất phim độc lập, đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh lại quy định về hình thức hoạt động của cơ sở điện ảnh.

  1. Giấy phép xuất khẩu phim

Điều 15.1 Dự thảo quy định phim xuất khẩu phải có Giấy phép phổ biến và phân loại phim hoặc Quyết định phát sóng của cơ quan báo chí có giấy phép phát hành – truyền hình. Tuy nhiên, quy định này cần xem xét ở một số điểm sau:

Thứ nhất, quy định này dường như không cần thiết. Giấy phép phổ biến hay Quyết định phát sóng chỉ thực hiện nhiệm vụ ngăn chặn những hoạt động điện ảnh chứa nội dung thuộc các trường hợp bị nghiêm cấm tại Điều 8, nhằm mục đích bảo vệ chủ quyền, an ninh trật tự, danh dự, văn hóa, con người Việt Nam. Hay nói cách khác, các nội dung này nhằm đảm bảo sự phù hợp của điện ảnh theo mục tiêu quản lý của Nhà nước tại thị trường nội địa. Trong khi đó, thị trường nước ngoài với các phim xuất khẩu có thể có các quy định khác so với pháp luật Việt Nam, và do đó phim xuất khẩu chỉ cần tuân thủ pháp luật nước nơi nhập khẩu phim;

Thứ hai, quy định này chưa thực sự phù hợp. Hiện nay, không chỉ các doanh nghiệp, mà các nhà làm phim độc lập đều có thể sản xuất phim và tải lên các nền tảng trực tuyến (không chỉ các nền tảng OTT mà còn có thể là các nền tảng xem video như youtube, facebook hoặc các nền tảng đám mây). Phim trên các nền tảng này có thể được phổ biến cho người xem ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Trường hợp này đã làm lu mờ đi khái niệm “biên giới” và gây khó khăn trong việc xác định thế nào là hành vi “xuất khẩu phim”.

Trong trường hợp phim chiếu trên các nền tảng trên chỉ áp dụng theo quy định tại Điều 19.1 Dự thảo (tức là tự kiểm duyệt), dường như lại có sự phân biệt giữa việc phim xuất khẩu theo hình thức truyền thống với phim “xuất khẩu” trên internet. Rất khó lý giải tại sao phim xuất khẩu theo hình thức truyền thống lại cần kiểm duyệt mạnh mẽ hơn, trong khi phim xuất khẩu theo hình thức này thường có khả năng lan tỏa, tiếp cận ít hơn và khả năng thu hồi (nếu cần) cao hơn so phim trên internet. Vô hình trung, việc này lại khiến các phim của Việt Nam có xu hướng phát hành trên nền tảng hơn so với việc xuất khẩu chính thống do những phức tạp về mặt thủ tục.

Vì những lý do trên, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định trên.

  1. Đặt hàng phim sử dụng ngân sách nhà nước

Điều 5.1.a Dự thảo quy định về quy định đặt hàng sản xuất phim sử dụng Ngân sách Nhà nước. Trong thời gian qua, việc thực hiện đặt hàng các tác phẩm truyền thông như trên không đạt được mục tiêu truyền thông như dự tính, dẫn đến sự lãng phí rất lớn về tiền bạc. Vấn đề này đã được trình bày tại Công văn số 2277/PTM-PC ngày 01 tháng 10 năm 2019 của VCCI gửi đến Quý Cơ quan. Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, xem xét tiếp thu để chỉnh lý Dự thảo.

  1. Giấy phép với phim Việt Nam tham dự liên hoan phim nước ngoài

Điều 36 Dự thảo quy định phim Việt Nam tham dự liên hoan phim nước ngoài cần phải có Giấy phép phổ biến phim của cơ quan quản lý nhà nước hoặc Quyết định phát sóng của đài truyền hình. Quy định có thể suy đoán nhằm bảo đảm tác phẩm phải đảm bảo không có nội dung bị cấm. Tuy nhiên, quy định này chưa phù hợp và có thể tạo ra rào cản ngăn cản phim Việt tham dự liên hoan phim quốc tế. Cụ thể, như đã phân tích ở trên, Giấy phép phổ biến phim hay Quyết định phát sóng nhằm đảm bảo sự phù hợp của phim với khán giả và định hướng quản lý trong nước. Trong khi đó, phim tham dự liên hoan phim thường hướng đến tính nghệ thuật của tác phẩm, và do đó áp dụng các tiêu chuẩn trên vào tác phẩm mang đi dự thi có thể trở thành “cái áo chật”, ngăn cản quyền tự do sáng tạo nghệ thuật của tác giả, cũng ảnh hưởng đến yếu tố nghệ thuật của tác phẩm. Mặt khác, theo kinh nghiệm từ các lĩnh vực khác, khi nền điện ảnh còn đang non trẻ, việc cần làm là khuyến khích sự phát triển thông qua tạo không gian phát triển, giảm bớt thủ tục hành chính. Các biện pháp quản lý có thể được cân nhắc áp dụng trở lại khi nền điện ảnh đã đủ mạnh (với mục đích bảo vệ hình ảnh tốt đã được xây dựng của ngành). Vì những lý do trên, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định trên. 

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi). Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.