VCCI_Góp ý Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)

Thứ Năm 14:16 22-10-2020

Kính gửi: Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Tài Nguyên và Môi trường

Trả lời Công văn số 1826/UBKHCNMT14 của Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về việc lấy ý kiến Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trên cơ sở ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội có một số ý kiến ban đầu như sau:

  1. Nội dung Đánh giá sơ bộ tác động môi trường

Điều 30.4.d hoặc 30b.3.d quy định nội dung của ĐSTM phải có “Phân tích, đánh giá, lựa chọn phương án về quy mô, công nghệ sản xuất, công nghệ xử lý chất thải, địa điểm thực hiện dự án và các biện pháp giảm thiểu tác động môi trường (nếu có);

Việc đánh giá sơ bộ tác động môi trường (ĐSTM) nhằm phục vụ cho việc ra quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư. Theo thủ tục đầu tư hiện nay, một quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư sẽ xác định các yếu tố về địa điểm, quy mô, công nghệ sản xuất chính của dự án. Do đó, các nội dung của ĐSTM cũng chỉ cần tập trung vào việc trả lời các câu hỏi về tác động môi trường của các phương án về địa điểm, quy mô, công nghệ sản xuất chính. Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư không có nội dung về công nghệ xử lý chất thải hay các biện pháp giảm thiểu tác động môi trường. Do đó, giai đoạn ĐSTM không nên bao gồm các nội dung này, mà nên để ở giai đoạn ĐTM chi tiết.

Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ các nội dung về công nghệ xử lý chất thảicác biện pháp giảm thiểu tác động môi trường, chỉ giữ lại việc đánh giá quy mô, công nghệ sản xuất chínhđịa điểm thực hiện dự án, tại quy định về đánh giá sơ bộ tác động môi trường của Dự thảo.

  1. Nội dung đánh giá tác động môi trường

Điều 32.4 quy định về nội dung đánh giá tác động môi trường, trong đó, có quy định về tại điểm (b) “Đánh giá việc lựa chọn công nghệ, hạng mục công trình và các hoạt động của dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường và xã hội;” và điểm (c) “Đánh giá hiện trạng môi trường tự nhiên, kinh tế – xã hội, xu thế phát triển kinh tế – xã hội, biến động về môi trường nơi thực hiện dự án, vùng lân cận và thuyết minh sự phù hợp của địa điểm lựa chọn thực hiện dự án;”

Lưu ý rằng khi làm ĐTM là các dự án đã có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư và đã được làm ĐSTM. Trong giai đoạn chủ trương, các yếu tố về địa điểm, quy mô, công nghệ sản xuất chính đã được quyết định, rất khó có thể thay đổi. Các yếu tố này cũng đã được đánh giá trong giai đoạn ĐSTM. Do đó, đến giai đoạn ĐTM mà lại đánh giá lại về lựa chọn công nghệ sản xuất chínhđịa điểm của dự án sẽ là không cần thiết. Điều này dẫn đến việc một nội dung được đánh giá hai lần và quyết định hai lần, gây tốn kém và tạo rủi ro cho nhà đầu tư.

Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh theo hướng, các nội dung đã được quyết định trong giai đoạn phê duyệt chủ trương đầu tư thì không cần đánh giá lại trong giai đoạn ĐTM.

  1. Căn cứ cấp giấy phép môi trường

Theo Điều 43a.1 thì căn cứ cấp giấy phép môi trường bao gồm (c) quy hoạch bảo vệ môi trường, khả năng chịu tải của môi trường; (d) quy chuẩn kỹ thuật môi trường; (đ) các quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước và pháp luật khác có liên quan.

Trong đó, chỉ có điểm (c) về quy hoạch bảo vệ môi trường và khả năng chịu tải của môi trường thì mới xét đến sự thay đổi chính sách của thời điểm cấp phép so với thời điểm phê duyệt báo cáo ĐTM. Còn các điểm (d) về quy chuẩn kỹ thuật và (đ) các quy định khác, thì không xem xét sự thay đổi pháp luật.

Quy định như vậy sẽ khiến các nhà đầu tư gặp rủi ro rất lớn nếu có sự thay đổi của pháp luật dẫn đến việc không thể tiếp tục dự án hoặc làm đội chi phí bảo vệ môi trường lên quá cao.

Hơn nữa, quy định này không phù hợp với việc cấp giấy phép môi trường lần đầu. Ví dụ, dự án được phê duyệt báo cáo ĐTM sau đó triển khai xây dựng, trong quá trình này, Nhà nước thay đổi quy hoạch, khả năng chịu tải, quy chuẩn hoặc quy định khác thì đến khi nhà đầu tư đi xin giấy phép môi trường sẽ lại phải điều chỉnh dự án, trong khi dự án còn chưa đi vào hoạt động. Thời gian này ngắn hơn rất nhiều so với thời hạn của giấy phép môi trường từ 7 đến 10 năm.

Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo xử lý như sau:

  • Đối với việc cấp giấy phép môi trường lần đầu đối với dự án mới, mà có sự thay đổi về quy hoạch, khả năng chịu tải, quy chuẩn hoặc quy định khác theo hướng nghiêm ngặt hơn so với quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM thì căn cứ vào quy hoạch, khả năng chịu tải, quy chuẩn và quy định khác tại thời điểm phê duyệt ĐTM.
  • Việc đưa ra lộ trình phù hợp không chỉ áp dụng với sự thay đổi quy hoạch bảo vệ môi trường và khả năng chịu tải của môi trường tiếp nhận tại điểm (c) mà phải bao gồm cả việc thay đổi quy chuẩn kỹ thuật môi trường và các quy định khác có liên quan tại điểm (d) và điểm (đ)
  1. Cung cấp thông tin về môi trường cho cộng đồng

Điều 111.3 của Dự thảo quy định, các cá nhân, tổ chức muốn quan trắc và cung cấp thông tin cho cộng đồng về chất lượng môi trường một cách định kỳ, thường xuyên liên tục thì phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước.

Qua trao đổi, VCCI được biết lo ngại của cơ quan quản lý môi trường là nguy cơ các thông tin không chính xác về tình trạng ô nhiễm môi trường sẽ gây hoang mang cho người dân. Đây là lo ngại chính đáng, nhưng việc quản lý thông qua yêu cầu kỹ thuật và thủ tục đăng ký là không phù hợp, vì các lý do sau:

  • Việc đặt ra yêu cầu kỹ thuật và thủ tục đăng ký sẽ làm hạn chế quyền tiếp cận thông tin về môi trường của người dân. Các thông tin về môi trường được đo đạc chính xác, khoa học vẫn chưa được phép cung cấp cho cộng đồng ngay mà vẫn phải chờ làm thủ tục đăng ký với cơ quan nhà nước.
  • Hiện nay, với cách mạng công nghiệp 4.0 và sự phát triển của Internet vạn vật (Internet of Things), việc quan trắc và cung cấp thông tin môi trường có thể được thực hiện một cách phân tán với rất nhiều bên liên quan chứ không chỉ do một cá nhân, tổ chức cụ thể nào. Ví dụ, các thiết bị có khả năng đo thông số môi trường được bán rộng rãi và mỗi người dân đều có thể mua để biết chất lượng môi trường sống quanh mình. Nếu một người dân bình thường đăng tải các thông tin này lên mạng internet thì theo quy định này cũng sẽ phải đăng ký, xin phép cơ quan nhà nước. Điều này là không khả thi trên thực tế.
  • Để chống lại các thông tin sai lệch, gây hoang mang cho người dân thì thay vì cấp phép, Nhà nước nên áp dụng đồng thời hai biện pháp (1) cung cấp thông tin chính xác hơn, đáng tin cậy hơn cho người dân; và (2) xử phạt những hành vi cung cấp thông tin sai lệch. Cơ chế này được thực hiện đối với tất cả các loại thông tin khác và phù hợp với thực tiễn. Ví dụ, trong đợt dịch bệnh Covid vừa qua, Nhà nước không hề yêu cầu cá nhân, tổ chức phải có giấy phép thì mới được cung cấp thông tin về dịch bệnh cho cộng đồng. Thay vào đó, Nhà nước cung cấp thông tin về dịch bệnh một cách minh bạch, đáng tin cậy, đồng thời xử phạt những người đăng tải tin giả, thông tin không chính xác về dịch bệnh. Chỉ sau một thời gian ngắn, tình trạng tin giả về dịch bệnh gần như biến mất, nhưng vẫn không làm ảnh hưởng đến quyền tiếp cận thông tin của cộng đồng.
  • Hiện nay, việc quan trắc môi trường xung quanh và cung cấp thông tin một cách chính thống, đáng tin cậy của CQNN là chưa đáp ứng nhu cầu của người dân. Nếu áp dụng cơ chế phải xin cấp phép thì sẽ không khuyến khích được tổ chức, cá nhân đầu tư vào quan trắc môi trường. Đồng thời, cũng sẽ không tạo áp lực cần thiết để cơ quan nhà nước làm tốt hơn công tác cung cấp thông tin môi trường một cách đáng tin cậy cho người dân.
  • Quy định về điều kiện kỹ thuật về quan trắc môi trường chỉ nên áp dụng đối với các trường hợp quan trắc bắt buộc theo quy định của pháp luật và quan trắc phục vụ nhiệm vụ quản lý nhà nước theo Điều 111.1 của Dự thảo. Còn việc quan trắc với mục đích cung cấp thông tin tham khảo cho người dân thì nên để cơ chế tự làm, tự chịu trách nhiệm.

Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ Điều 111.3 của Dự thảo.

Trên đây là một số ý kiến tổng hợp ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan./.