VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 54/2018/TT-BTC về biểu khung giá dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam

Thứ Năm 14:20 22-10-2020

Kính gửi: Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải

Trả lời đề nghị của Bộ Giao thông vận tải về việc lấy ý kiến Dự thảo Thông tư quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 54/2018/TT-BGTVT của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành biểu khung giá dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có một số ý kiến ban đầu như sau:

So với Thông tư 54/2018/TT-BGTVT thì khung giá của một số dịch vụ đã được điều chỉnh tăng lên, cụ thể:

  • Tăng mức giá tối đa dịch vụ sử dụng cầu, bến đối với tàu thuyền hoạt động nội địa;
  • Tăng giá tối thiểu dịch vụ bốc dỡ container nội địa khu vực I, II, III;
  • Tăng giá dịch vụ bốc dỡ container nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập tái xuất khu vực I, II, III, khu vực Lạch Huyện và Cái Mép – Thị Vải theo lộ trình: Khu vực I tăng từ năm 2021 đến năm 2023 mỗi năm tăng 10%; Khu vực II, Lạch Huyện tăng từ năm 2022 đến 2023 mỗi năm tăng 10%; Khu vực Cái Mép – Thị Vải tăng 10% năm 2021, 10% năm 2023;
  • Điều chỉnh mức giá tác nghiệp giữa Tàu – sà lan/ô tô, toa xe (shipside) bằng 90% Tàu (sà lan) – Bãi cảng (CY) so với 80% của quy định hiện hành

Theo giải trình tại Tờ trình thì việc tăng giá này chủ yếu xuất phát từ sự khó khăn của các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực hoa tiêu, lai dắt, cảng biển do mức giá quy định tại Thông tư 54/2018/TT-BGTVT chưa phù hợp với chi phí thực tế mà các doanh nghiệp này bỏ ra để thực hiện các hoạt động kinh doanh.

Việc Ban soạn thảo lắng nghe các ý kiến và sửa đổi các chính sách đã thể hiện tinh thần cầu thị và tích cực trong việc giải quyết khó khăn của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, việc tăng các mức giá trên cần được cân nhắc, xem xét toàn diện ở một số khía cạnh sau:

  • Việc tăng giá các dịch vụ trên sẽ tác động đến các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực, ngành khác như: chủ tàu nội địa. Trong Tờ trình cũng phản ánh tình trạng khó khăn ở thời điểm hiện tại của các hãng tàu nội địa. Vì vậy, việc tăng giá sẽ tác động đáng kể đến tình hình hoạt động kinh doanh khó khăn của các doanh nghiệp này;
  • Việc tăng biểu giá dịch vụ bốc dỡ chưa tính toán và dự đoán được hệ luỵ tiếp sau đó như các hãng tàu quốc tế sẽ tăng cước vận tải hay các loại phụ phí. Điều này sẽ tác động quan trọng đến hoạt động xuất nhập khẩu và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và hàng hoá Việt Nam.

Như trên đã phân tích, việc điều chỉnh tăng giá các dịch vụ trên sẽ tác động đến nhiều doanh nghiệp, thuộc nhiều lĩnh vực, tại nhiều ngành hàng, tới nhiều khía cạnh của nền kinh tế. Tuy nhiên, Tờ trình hiện chưa thể hiện toàn diện các đánh giá tác động này, chỉ mới thể hiện chi tiết về đánh giá tác động đối với các doanh nghiệp cảng biển, hoa tiêu, lai dắt. Điều này có thể khiến cho chính sách ban hành chưa đảm bảo được tính cân bằng lợi ích giữa các đối tượng chịu tác động.

Các doanh nghiệp trong năm qua chịu tác động nặng nề bởi dịch bệnh Covid 19, Chính phủ đã ban hành hàng loạt chính sách để hỗ trợ cộng đồng kinh doanh vượt qua giai đoạn khó khăn này, trong đó có các chính sách miễn, giảm các loại phí. Nhìn chung định hướng của Chính phủ thời gian này là kiềm chế không tăng các loại giá, phí để tạo thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp.

Vì vậy, việc ban hành quy định có tính chất gia tăng chi phí kinh doanh của doanh nghiệp trong giai đoạn này, đặc biệt trong năm 2020, cần được đánh giá một cách thận trọng.

Để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa đối tượng chịu tác động, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung phần đánh giá tác động của chính sách tăng giá này đối với các doanh nghiệp trong các ngành nghề khác: chủ tàu nội địa, các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kho bãi… Đặc biệt là cần đánh giá được khả năng tăng biểu phí sẽ dẫn đến tăng chi phí vận tải do các hãng tàu quốc tế tăng giá và tác động của nó tới năng lực cạnh tranh của hàng hoá và doanh nghiệp Việt Nam. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam kiến nghị Quý Cơ quan cần cân nhắc thận trọng về thời điểm thích hợp để ban hành chính sách này.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 54/2018/TT-BGTVT của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành biểu khung giá dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.