VCCI_Góp ý Dự thảo Đề án áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế vào Việt Nam

Thứ Sáu 16:34 26-04-2019

Kính gửi:  Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán – Bộ Tài chính

Trả lời Công văn số 3461/BTC-QLKT ngày 26/03/2019 của Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý Dự thảo Đề án áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế vào Việt Nam (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có một số ý kiến như sau:

  1. Đối tượng doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ

Dự thảo quy định việc áp dụng IFRS chỉ dành cho các các doanh nghiệp lớn, mà không cho phép các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ áp dụng. Quy định về phân loại doanh nghiệp lớn, vừa, nhỏ và siêu nhỏ nhằm mục đích đưa ra các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và theo hướng tối đa diện doanh nghiệp được hỗ trợ. Theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp có vốn dưới 100 tỷ đồng được coi là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong khi đó, theo Luật Chứng khoán hiện hành, doanh nghiệp có mức vốn 10 tỷ đồng đã có thể niêm yết (dự thảo Luật Chứng khoán dự kiến tăng lên 30 tỷ đồng).

Trên thực tế, vẫn có thể có một số doanh nghiệp quy mô không lớn nhưng có quan hệ chặt với nước ngoài (như vay vốn, sử dụng thương hiệu, nhượng quyền, trong chuỗi sản xuất…). Những doanh nghiệp này có thể sẽ phải áp dụng IFRS theo yêu cầu của phía đối tác. Quy định của đề án có thể dẫn đến tình trạng những doanh nghiệp quy mô không lớn vừa phải áp dụng IFRS theo yêu cầu của đối tác, vừa phải áp dụng VAS theo yêu cầu của Việt Nam. Điều này sẽ gây lãng phí không cần thiết. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh quy định theo hướng, bỏ quy định về việc loại trừ các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Trường hợp các doanh nghiệp này đủ năng lực và tự nguyện áp dụng IFRS thì vẫn được phép và được miễn VAS.

  1. Đối tượng được Bộ Tài chính lựa chọn

Dự thảo hiện đang quy định việc áp dụng IFRS với 3 nhóm đối tượng: (1) tự nguyện áp dụng; (2) bắt buộc áp dụng, và (3) được Bộ Tài chính lựa chọn. Hiện không rõ nhóm đối tượng doanh nghiệp “được Bộ Tài chính lựa chọn” sẽ thuộc diện tự nguyện hay bắt buộc áp dụng? Việc lựa chọn sẽ được diễn ra như thế nào? Nếu được chọn nhưng không thuộc diện bắt buộc thì doanh nghiêp có quyền từ chối không? Đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ các vấn đề này. Trường hợp không thể xác định được nhóm doanh nghiệp “được Bộ Tài chính lựa chọn” có gì khác với nhóm tự nguyện và bắt buộc thì đề nghị bỏ đối tượng này, chỉ còn hai nhóm đối tượng là tự nguyện và bắt buộc.

  1. Đối tượng thực hiện báo cáo tài chính hợp nhất

Dự thảo hiện đang phân loại thành hai trường hợp (1) báo cáo tài chính hợp nhất và (2) báo cáo tài chính riêng. Trong nhóm báo cáo tài chính hợp nhất bao gồm các công ty niêm yết và công ty đại chúng quy mô lớn là công ty mẹ chưa niêm yết. Theo pháp luật kế toán, báo cáo tài chính hợp nhất áp dụng cho các nhóm công ty được tổ chức theo hình thức tập đoàn, tổng công ty (gồm công ty mẹ, công ty con và các công ty thành viên khác). Trong khi đó, không phải công ty niêm yết, công ty đại chúng nào cũng có công ty con, công ty thành viên. Những công ty này thuộc diện lập báo cáo tài chính riêng chứ không phải là báo cáo tài chính hợp nhất. Lời văn của Dự thảo có thể dẫn đến cách hiểu là chỉ những công ty niêm yết, công ty đại chúng nào có công ty con thì mới thuộc phạm vi điều chỉnh. Nếu dụng ý chính sách đúng như vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo viết lại lời văn cho rõ. Nếu dụng ý chính sách là mọi công ty niêm yết, công ty đại chúng đều thuộc phạm vi điều chỉnh (bất kể được tổ chức theo hình thức nhóm công ty, tập đoàn, tổng công ty hay độc lập) thì cần quy định cho cả diện lập báo tài chính riêng.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Đề án áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế vào Việt Nam. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan./.