VCCI_Góp ý Dự thảo Báo cáo xây dựng Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn 2021 – 2030

Thứ Năm 10:29 02-12-2021

Kính gửi: Vụ Kế hoạch, Bộ Công Thương

Trả lời Công văn số 7073/BCT-KH của Bộ Công Thương về việc đề nghị góp ý Dự thảo Báo cáo xây dựng Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn 2021 – 2030 (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có một số ý kiến ban đầu như sau:

I. Về Phần I – Kết quả tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn 2011-2020

  1. Kết quả về thương mại quốc tế (trang 11-12 Dự thảo)
  • Về số lượng các FTA đã ký kết (trang 11): Đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc điều chỉnh số lượng FTA mà Việt Nam ký kết. Cụ thể, hiện Việt Nam mới chỉ ký kết 15 FTA, một số Hiệp định với Cuba, Hiệp định biên giới với Lào, Campuchia, Trung Quốc không được xem là FTA theo khái niệm của WTO;
  • Về các số liệu so sánh với các nước khác về tốc độ tăng trưởng (trang 11): Đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung rõ thông tin về nguồn dữ liệu trích dẫn;
  1. Đánh giá hạn chế trong xuất nhập khẩu (trang 19)
  • Về đánh giá “xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, đặc biệt là nhập khẩu nguyên phụ liệu (chiếm trên 90% tổng kim ngạch nhập khẩu) dẫn đến giá trị gia tăng thấp” (với dẫn chứng trong chú thích là “tỷ trọng nhập khẩu tư liệu sản xuất trong tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu tăng từ 88.6% năm 2011 lên 91,5% năm 2020”) (trang 19):

Số liệu về sự gia tăng tỷ trọng nguyên phụ liệu, tư liệu sản xuất trong tổng nhập khẩu dường như không thể phản ánh được mức độ phụ thuộc của xuất khẩu vào nhập khẩu do: (i) nhập khẩu nguyên phụ liệu, tư liệu sản xuất có thể được sử dụng để sản xuất hàng tiêu dùng trong nước, không nhất thiết để xuất khẩu; (ii) giá trị nguyên phụ liệu nhập khẩu sử dụng cho sản xuất hàng xuất khẩu mặc dù tăng lên nhưng tốc độ tăng của giá trị hàng xuất khẩu có thể cao hơn; và (iii) nhập khẩu tư liệu sản xuất dạng máy móc, thiết bị nếu tính trực tiếp/toàn bộ vào giá trị nhập khẩu của hàng xuất khẩu có thể chưa hoàn toàn chính xác.

Vì vậy, để có căn cứ hợp lý cho đánh giá này, đề nghị cơ quan soạn thảo căn cứ vào dữ liệu về tỷ trọng của giá trị nguyên phụ liệu nhập khẩu được sử dụng để sản xuất hàng xuất khẩu trên tổng trị giá hàng hóa xuất khẩu.

  • Về đánh giá “giá trị gia tăng xuất khẩu đạt thấp do Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sản phẩm cuối cùng” (trang 19):

Mặc dù nhận định này có thể đúng với thực trạng một số ngành gia công của Việt Nam hiện nay (điện tử, dệt may, da giày, giấy…), trong tổng thể đánh giá này cần cân nhắc thêm. Bởi vìgiá trị gia tăng trong giá trị xuất khẩu cao hay thấp phụ thuộc vào hàm lượng giá trị đóng góp ở Việt Nam đối với sản phẩm xuất khẩu đó, không phụ thuộc vào việc sản phẩm đó là cuối cùng hay không. Ví dụ với sản phẩm điện tử, nếu ngoài lắp ráp Việt Nam có thể sản xuất các bộ phận đơn giản khác của sản phẩm đó rồi lắp ráp luôn ở Việt Nam thì mặc dù sản phẩm xuất khẩu là sản phẩm cuối cùng nhưng giá trị gia tăng ở Việt Nam cũng vẫn có thể cao. Đặc biệt đối với các sản phẩm nông lâm thủy sản sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước, sản phẩm càng xuất thô thì giá trị gia tăng ở Việt Nam càng thấp, sản phẩm càng gần cuối cùng thì giá trị gia tăng thu được càng cao.

Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc lại đánh giá này và điều chỉnh cho phù hợp (giới hạn ở các trường hợp, các ngành cụ thể…).

  • Về đánh giá “chất lượng hàng hóa chưa đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn của các thị trường do năng lực của doanh nghiệp còn hạn chế” (trang 19):

Nhận định này chỉ đúng với một số trường hợp, khi hàng xuất khẩu bị từ chối tại cảng đến do không đáp ứng các yêu cầu bắt buộc của nước nhập khẩu về chất lượng sản phẩm, trong khi phần lớn các trường hợp khác hàng hóa của Việt Nam đã đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu về chất lượng. Một nhận định chung như thế này thậm chí có thể là rủi ro, ảnh hưởng không tốt tới uy tín nói chung của hàng xuất khẩu Việt Nam.

Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh lại nhận định này, theo hướng giới hạn chỉ ở “một số trường hợp”.

  • Về đánh giá “Nếu Việt Nam không sớm cải thiện năng lực sản xuất trong nước theo hướng mở rộng sang sản xuất linh phụ kiện thì sẽ không phát triển được xuất khẩu theo chiều sâu và thực hiện công nghiệp hóa, hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu” (trang 19)

Tương tự như trường hợp trên, nhận định này chỉ đúng với một số ngành nhất định (đặc biệt là điện tử) mà không phải cho tất cả các ngành sản xuất, xuất khẩu. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh để giới hạn rõ đánh giá này.

  1. Về các nguyên nhân của tồn tại, hạn chế

Xác định các nguyên nhân cụ thể dẫn tới các tồn tại, hạn chế trong cơ cấu ngành Công Thương là nhiệm vụ quan trọng của Đề án, bởi chỉ khi xác định được các nguyên nhân cụ thể thì mới có thể nhận diện rõ các trọng tâm cần tập trung xử lý trong giai đoạn tiếp theo.

Mặc dù phần nội dung này của Dự thảo (trang 22, 23) đã nêu được bao quát 05 nhóm nguyên nhân chính nhưng cần có những phân tích chi tiết hơn, từ đó nhận diện rõ hơn nguyên nhân cụ thể. Ví dụ, liên quan tới công tác xây dựng thể chế chính sách, pháp luật, Dự thảo có nêu một nguyên nhân bất cập là “khung chính sách pháp luật về thương mại còn chậm được điều chỉnh phù hợp với các FTA đã ký kết” (trang 22). Có thể thấy hiện trạng chậm điều chỉnh này có thể xuất phát từ các nguyên nhân cụ thể như sự chậm trễ, thiếu chủ động, thiếu bao trùm… trong công tác chuẩn bị soạn thảo, ban hành các văn bản thực thi các FTA; sự thiếu chủ động trong việc rà soát, điều chỉnh các chính sách, pháp luật khác mặc dù đã tương thích nhưng chưa đủ để thúc đẩy việc tận dụng hiệu quả các FTA (ví dụ sửa Luật Thương mại 2005…).

Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung các nội dung phân tích sâu hơn về các nguyên nhân cụ thể của các tồn tại, hạn chế giai đoạn 2011-2020.

II. Về Phần II – Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn 2021-2030

  1. Bối cảnh
  • Bối cảnh quốc tế

Đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung thêm một khía cạnh quan trọng đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong giai đoạn 10 năm sắp tới: Xu hướng bảo hộ toàn cầu vẫn sẽ tiếp tục phức tạp, có thể cộng hưởng với các nhân tố khác (như cạnh tranh chiến lược nước lớn, khó khăn do dịch COVID-19…) gây ra những tác động khó lường tới hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Cụ thể: 

  • Xu hướng này không chỉ thể hiện ở các hàng rào phi thuế quan (các biện pháp kỹ thuật, an toàn thực phẩm, thủ tục xuất nhập khẩu, phòng vệ thương mại…) mà có thể được thể hiện ở nhiều hình thức khác nhau (ví dụ các điều tra theo Điều 301 của Hoa Kỳ, các cáo buộc liên quan tới môi trường, lao động hay các yếu tố ngoài thương mại khác ở nhiều thị trường…);
  • Việc lạm dụng các biện pháp có tính bảo hộ không chỉ giới hạn ở các đối tác đã có FTA với nhau (mặc dù về lý thuyết giữa các nước đã có FTA, việc dỡ bỏ hàng rào thuế quan có thể làm gia tăng nguy cơ về các hàng rào phi thuế) mà có thể là ở nhiều đối tác khác nhau, kể cả các đối tác lớn và nhỏ;
  • Nguy cơ ảnh hưởng tới xuất khẩu Việt Nam của một số biện pháp bảo hộ của các nước có thể không chỉ dừng lại ở một ngành mà có thể ở rất nhiều ngành (ví dụ, các biện pháp xử lý sau điều tra Điều 301 của Mỹ đối với Trung Quốc, EU… không dừng lại ở các sản phẩm mục tiêu điều tra mà mở rộng ra nhiều sản phẩm khác).

Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung một số nội dung nói trên để làm nổi bật bối cảnh này.

  • Bối cảnh trong nước

Dự thảo đã đề cập tới một yếu tố quan trọng về bối cảnh trong nước, đó là “quá trình cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, quản trị nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh” (trang 27) tuy nhiên mục tiêu của các hoạt động này trong thời gian tới sẽ không còn là “để đáp ứng các cam kết trong các FTA mà Việt Nam đã ký”. Bởi vì, hầu như tất cả các cam kết FTA cao hơn pháp luật Việt Nam đều đã được nội luật hóa (tính tới cuối 2021).

Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc điều chỉnh mục tiêu của các cải cách thể chế sắp tới là để “tạo môi trường pháp lý và kinh doanh thuận lợi và hợp lý cho việc tận dụng các cam kết FTA hiệu quả nhất có thể, qua đó hiệu thực hóa các lợi ích dự kiến từ các hiệp định này”.

  1. Các mục tiêu cụ thể

     a. Đối với xuất nhập khẩu

Về mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu, tỷ lệ nội địa hóa của hàng hóa xuất khẩu, tỷ trọng hàng hóa dán nhãn Made in Vietnam…:

  • Để có thể đánh giá được mức độ hợp lý của các mục tiêu này, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung số liệu về vấn đề này trong phần báo cáo về kết quả giai đoạn 2011-2020.
  • Ngoài ra đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc làm rõ một số khái niệm trước khi đưa ra chỉ tiêu. Ví dụ cách tính “tỷ lệ nội địa hóa trong hàng xuất khẩu”, cách hiểu về “hàng hóa dán nhãn Made in Vietnam”. Bởi là hiện mỗi FTA có quy định xuất xứ riêng, hàng hóa không hưởng ưu đãi FTA có quy định xuất xứ riêng. Nhiều hàng hóa không dán nhãn Made in Vietnam do không hưởng ưu đãi thuế quan, cũng không được khách hàng nước ngoài yêu cầu…

     b.Đối với thị trường trong nước

Dự thảo đặt ra mục tiêu đến năm 2030 “không còn tình trạng hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được bày bán ở tất cả các cơ sở kinh doanh, được sản xuất và bày bán công khai tại các làng nghề”.Tính khả thi của mục tiêu cụ thể này cần được đánh giá thêm, bởi vì tình trạng hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là một trong những vấn đề chưa được giải quyết hiệu quả trong thời gian qua.

Mặc dù, cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý nhiều vụ mua bán hàng giả nhưng trên thị trường, nhưng theo phản ánh của doanh nghiệp, tình trạng mua bán hàng giả diễn ra cả công khai và không công khai. Do đó, việc đặt ra mục tiêu hoàn toàn không còn tình trạng mua bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong vòng 09 năm tới, trong khi các nhiệm vụ và giải pháp tại mục III Dự thảo lại chưa thấy rõ ràng giải pháp hiệu quả nào để đạt được mục tiêu này, là khó khả thi. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc điều chỉnh lại mục tiêu này.

  1. Định hướng tái cơ cấu

Một số định hướng tái cơ cấu lĩnh vực xuất nhập khẩu trong Dự thảo, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung, điều chỉnh hoặc làm rõ thêm các nội dung:

  • Về các mặt hàng định hướng mở rộng xuất khẩu (điểm a trang 35-36): Đề nghị bổ sung thêm các sản phẩm có giá trị gia tăng cao;
  • Về ưu tiên phát triển xuất khẩu Halah, Kosher (điểm b trang 36): Đề nghị bổ sung các sản phẩm này trong phần định hướng đối với tái cơ cấu các ngành công nghiệp (từ trang 31) – bởi nếu không có định hướng từ sản xuất thì không thể có sản phẩm Halah, Kosher để xuất khẩu;
  • Về định hướng quản lý nhập khẩu (điểm d trang 36): Đề nghị cân nhắc bổ sung thêm định hướng về biện pháp quản lý nhập khẩu linh hoạt, hiệu quả, bảo đảm lợi ích hợp pháp và chính đáng của quốc gia khi cần thiết (với ý phía sau là cần có nghiên cứu để áp dụng các biện pháp bảo hộ được phép trong các hoàn cảnh cần thiết, thích hợp). Định hướng này rất quan trọng trong bối cảnh thương mại thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt khi các nước áp dụng các biện pháp bảo hộ – trả đũa lẫn nhau.
  1. Nhiệm vụ, giải pháp

     a. Về giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh tế thị trường

Các giải pháp về hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh tế thị trường trong Dự thảo cần cân nhắc, bổ sung một số nội dung sau:

  • Việc bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh trong các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện liên quan đến lĩnh vực công thương cần được thúc đẩy trong thời gian tới. Hoạt động này sẽ tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, thúc đẩy cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và cũng phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh;
  • Luật Thương mại 2005 là văn bản quy phạm pháp luật quan trọng trong hệ thống pháp luật về thương mại. Luật này đã được ban hành và triển khai thực hiện hơn 16 năm và đang bộc lộ nhiều điểm hạn chế, không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế hiện tại. Vì vậy cần phải được nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ;

     b. Về giải pháp cải cách tổ chức bộ máy theo hướng phân cấp phân quyền và số hóa hoạt động quản lý ngành

Điểm 1.2.c Mục III Dự thảo đưa ra giải pháp về hoàn thiện hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập, “phát triển thị trường dịch vụ sự nghiệp công và thu hút mạnh mẽ các loại hình kinh tế tham gia cung cấp dịch vụ công, chuyển đổi cung cấp trực tiếp dịch vụ công sang phương thức đặt hàng”. Nội dung này cần được xem xét ở điểm sau:

Nghị quyết 76/NQ-CP của Chính phủ ngày 15/7/2021 ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 đã đặt ra nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước cho tới năm 2030, trong đó có: “Rà soát, xác định rõ nhiệm vụ của các cơ quan hành chính phải thực hiện, những công việc cần phân cấp cho địa phương, cấp dưới thực hiện; công việc cần chuyển giao cho doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đảm nhiệm; trên cơ sở đó thiết kế, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính phủ hợp ở Trung ương và địa phương”. Liên quan tới nhiệm vụ tổ chức sắp xếp, kiện toàn các cơ quan trong bộ máy hành chính nhà nước: Nghị quyết 76 cũng đã xác định “Tiếp tục thí điểm chuyển giao một số nhiệm vụ và dịch vụ hành chính công mà Nhà nước không nhất thiết phải thực hiện cho doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đảm nhiệm”. Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ năm 2014 cũng đã giao nhiệm vụ cho các  “Bộ, cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập hợp, rà soát và đánh giá tình hình thực hiện các dịch vụ công, có giải pháp đổi mới tổ chức cung ứng các dịch vụ công theo hướng đa dạng hóa, xóa bỏ tình trạng độc quyền của một hoặc một số đơn vị trực thuộc hoặc nhà cung ứng được chỉ định trước; nghiên cứu đề xuất những dịch vụ có thể mở cho tư nhân cung cấp với mức độ mở phù hợp trước khi ban hành các quy định mở cửa thị trường, bảo đảm tiếp cận công bằng và bình đẳng đối với với cơ hội kinh doanh các loại dịch vụ này và quyền tự do lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ theo cơ chế thị trường”. Và đầu năm 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 07/NQ-CP thông qua đề nghị xây dựng Nghị định quy định chính sách khuyến khích xã hội hóa trong cung ứng dịch vụ sự nghiệp công.

Chuyển dịch cung cấp dịch vụ công cho khối tư nhân thực hiện đang trở thành xu hướng trong các chính sách hiện tại và thời gian tới. Tuy nhiên, tinh thần này chưa thể hiện đậm nét trong Dự thảo. Dự thảo tập trung chủ yếu vào các chính sách về kiện toàn đơn vị sự nghiệp công lập, phát triển thị trường dịch vụ sự nghiệp công – có nghĩa là dịch vụ công vẫn do các đơn vị của nhà nước thực hiện, mà chưa thấy nhấn mạnh đến sự tham gia của các tổ chức ngoài công lập với tư cách là chủ thể cung cấp dịch vụ công.

Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc điều chỉnh nội dung này tại Dự thảo theo hướng chuyển giao một số dịch vụ công cho tổ chức ngoài công lập thực hiện để phù hợp với chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước về vấn đề này.

     c. Giải pháp về chính sách công nghiệp

Tại trang 42 Dự thảo đề ra giải pháp “xây dựng một số Trung tâm kỹ thuật công nghiệp có đủ tiềm lực thuộc ngành Công Thương của nhà nước ở cấp Trung ương, vùng và địa phương nhằm hỗ trợ nghiên cứu đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực công nghệ, chuyển đổi số cho các doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ”.

Giải pháp này có đưa đến cách hiểu, Nhà nước sẽ nghiên cứu đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực công nghệ, chuyển đổi số cho các doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp nền tảng và chuyển giao cho các doanh nghiệp? Hay là các Trung tâm này sẽ cung cấp nguồn lực cho các doanh nghiệp trong nghiên cứu đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực công nghệ? Theo tìm hiểu, hiện nay có một số Trung tâm hỗ trợ kỹ thuật công nghiệp, ví dụ như Trung tâm Kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp khu vực phía Nam là đơn vị sự nghiệp công lập có nhiệm vụ tư vấn hỗ trợ phát triển kỹ thuật công nghiệp cho doanh nghiệp[1]. Đây là các nhiệm vụ mà các tổ chức ngoài công lập có thể thực hiện được, thay vì Nhà nước phải thực hiện.

Mặt khác, trong lĩnh vực hỗ trợ doanh nghiệp, Nhà nước nên tiếp cận theo hướng tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, có các chính sách ưu đãi cho các đối tượng trong từng nhóm lĩnh vực ưu tiên, thay vì thành lập đơn vị để làm thay những công việc/hoạt động của thị trường hoặc tổ chức tư nhân có thể thực hiện được. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc lại hướng tiếp cận của giải pháp này.

     d. Giải pháp về chính sách xuất nhập khẩu

Một số các giải pháp về chính sách xuất nhập khẩu trong Dự thảo cần được cân nhắc bổ sung, điều chỉnh hoặc làm rõ thêm:

  • Về giải pháp liên quan tới doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME)(trang 46-47): Đề nghị cơ quan soạn thảo (i) bổ sung nội dung về hỗ trợ SME để nâng cao khả năng cạnh tranh ở trong nước, giữ và nâng thị phần trên thị trường nội địa (hiện Dự thảo mới đề cập tới thị trường xuất khẩu là chủ yếu); (ii) nghiên cứu để tận dụng hiệu quả các ngoại lệ được phép trong các FTA để hỗ trợ SME (đặc biệt là các ngoại lệ cho phép chỉ hỗ trợ cho SME của nhà đầu tư trong nước);
  • Về các giải pháp quản lý nhập khẩu (trang 47):

+ Đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung các giải pháp quản lý nhập khẩu để đối phó với các cú sốc từ bên ngoài, ví dụ các tình huống nhập khẩu tăng đột biến, nhập khẩu sản phẩm công nghệ thấp… là hệ quả của các biến động thị trường thế giới hoặc chính sách của các nước đối tác lớn;

+ Đối với các giải pháp về “ban hành chính sách, công cụ quản lý có hiệu quả hoạt động nhập khẩu, nhất là đối với các nhóm mặt hàng không thiết yếu, các mặt hàng trong nước đã sản xuất được”: Cần thận trọng hơn với nội dung này, bởi (i) Việt Nam đã cam kết mở cửa đối với các sản phẩm này; (ii) sức ép cạnh tranh từ hàng nhập khẩu có thể giúp cạnh tranh trong nước tốt hơn, mang lại lợi ích của người tiêu dùng và doanh nghiệp hạ nguồn; (iii) khái niệm “mặt hàng trong nước đã sản xuất được” là khái niệm để xác định các trường hợp có cho hưởng ưu đãi khi nhập khẩu các sản phẩm này hay không, chứ không phải là để xác định việc có hạn chế hay không hạn chế nhập khẩu các sản phẩm đó;

  • Đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung các giải pháp về quản lý nhằm thúc đẩy khả năng tận dụng hiệu quả các ưu đãi thuế quan theo FTA, đặc biệt là đối với hàng xuất khẩu (ví dụ: tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong cấp C/O; giải thích quy tắc xuất xứ FTA theo hướng có lợi nhất cho doanh nghiệp miễn là không vi phạm cam kết; đẩy nhanh và mở rộng thí điểm tự chứng nhận xuất xứ, tiến tới áp dụng cơ chế này trên diện rộng, ít nhất với các FTA đã có cam kết về tự chứng nhận xuất xứ…).

     e. Chính sách liên quan đến ngành logistics

Logistics là ngành tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong nhiều ngành lĩnh vực. Theo phản ánh của doanh nghiệp, chi phí logistics ở nước ta khá cao so với các nước trong khu vực. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam. Thời gian qua, các doanh nghiệp, hiệp hội phản ánh vì chi phí logistic tăng cao, hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề, thậm chí mất các thị trường nhập khẩu lớn[2].

Chi phí logistics bao gồm: phí vận tải, bến bãi, xếp dỡ, thủ tục hành chính tại các cảng, … liên quan đến nhiều ngành. Nhà nước đã có nhiều chính sách để tháo gỡ cho ngành logistics tuy nhiên chi phí cho hoạt động này vẫn còn khá cao[3]. Vì vậy, trong thời gian tới, Nhà nước cần phải có nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng này, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu.

Đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung các giải pháp liên quan đến ngành logistic.

     f. Chính sách phát triển thị trường trong nước

Điểm 2.6.e Mục III Dự thảo đề ra giải pháp “tăng cường công tác ổn định giá thị trường, đặc biệt là ổn định giá cả hàng tiêu dùng, hàng nông sản quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của nhân dân”. Giải pháp này cần phải được phân tích và giải trình rõ hơn vì có thể sẽ đưa đến cách hiểu là Nhà nước sẽ can thiệp vào thị trường để giữ ổn định giá. Đây là biện pháp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp và ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển của nền kinh tế thị trường, vì vậy cần phải hạn chế áp dụng. Đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bỏ nội dung này và giải pháp này chỉ nên dừng ở việc xây dựng hệ thống thông tin, phân tích dự báo thị trường để cung cấp cho doanh nghiệp, người dân.

     g. Chính sách về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Điểm 3.1.c Mục III Dự thảo đề ra giải pháp “khuyến khích nhập khẩu và chuyển giao công nghệ tiên tiến của thế giới, tạo thuận lợi hóa hoạt động chuyển giao công nghệ, đặc biệt là từ các nước phát triển”. Đây là vấn đề đã được đặt ra hàng chục năm qua, tuy nhiên vẫn chưa thực sự hiệu quả. Luật Chuyển giao công nghệ 2017 cũng đã có nhiều chính sách để thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung nội dung theo hướng cụ thể hơn, trong đó cần đánh giá về thực trạng của hoạt động chuyển giao công nghệ và tìm ra nguyên nhân của những hạn chế trong hoạt động này, để đảm bảo tính khả thi của giải pháp này.

III. Về Phần V – Tổ chức thực hiện

Đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp như là một chủ thể thực hiện Đề án này, từ cả góc độ chủ động thực hiện các nhiệm vụ và phối hợp với các Bộ ngành liên quan thực hiện các nhiệm vụ.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Báo cáo xây dựng Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn 2021 – 2030. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.

[1] https://idcs.gov.vn/gioi-thieu

[2] http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Chi-phi-logistics-tang-ho-tieu-Viet-Nam-co-nguy-co-mat-thi-truong-chinh/438039.vgp

[3] https://laodong.vn/kinh-te/chi-phi-logistics-o-viet-nam-cao-gap-gan-2-lan-cac-nuoc-phat-trien-857441.ldo