VCCI_ Góp ý Dự thảo Thông tư ban hành quy định tiêu chí giám sát, nghiệm thu dịch vụ công ích bảo đảm an toàn hàng hải và Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 52/2017/TT-BGTVT về bảo trì công trình hàng hải

Thứ Sáu 09:58 02-11-2018

Kính gửi: Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông, Bộ Giao thông vận tải

Trả lời Công văn số 11133/BGTVT-KCHT của Bộ Giao thông vận tải về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư ban hành quy định tiêu chí giám sát, nghiệm thu dịch vụ công ích bảo đảm an toàn hàng hải và Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 52/2017/TT-BGTVT ngày 29/12/2017 về bảo trì công trình hàng hải, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có một số ý kiến như sau:

  1. Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 52/2017/TT-BGTVT về bảo trì công trình hàng hải

Dự thảo bổ sung quy định Điều 6a về các hình thức bảo trì công trình hàng hải do Nhà nước đầu tư, quản lý, trong đó khoản 1 quy định “chủ sở hữu hoặc người quản lý, khai thác, sử dụng công trình hàng hải có trách nhiệm lựa chọn hình thức bảo trì công trình hàng hải sau: Bảo trì theo chất lượng thực hiện; Bảo trì theo khối lượng thực tế; Bảo trì kết hợp tận thu sản phẩm. Việc lựa chọn hình thức bảo trì thực hiện theo quyết định của Bộ Giao thông vận tải”.

Quy định này cần được xem xét ở một số điểm sau:

  • Mâu thuẫn với quy định của Nghị định về cùng vấn đề: Theo quy định tại Nghị định 43/2018/NĐ-CP thì Bộ Giao thông vận tải quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định việc áp dụng hình thức bảo trì theo chất lượng thực hiện và bảo trì theo khối lượng thực tế (khoản 3 Điều 9). Còn “việc bảo trì kết hợp tận thu sản phẩm phải được lập thành dự án và tổ chức triển khai thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công, pháp luật về đấu thầu” (khoản 2 Điều 11). Như vậy, việc Dự thảo quy định cả ba hình thức bảo trì trên “thực hiện theo quyết định của Bộ Giao thông vận tải” là chưa phù hợp với quy định tại Nghị định 43;
  • Mâu thuẫn trong nội dung: Theo quy định trên thì việc lựa chọn hình thức bảo trì vừa thuộc quyền của chủ sở hữu/người quản lý, khai thác, sử dụng công trình vừa thuộc quyền của Bộ Giao thông vận tải? Nếu hiểu là quy trình lựa chọn phải qua cả hai nhóm chủ thể này thì quy trình này được hiểu là gì: chủ sở hữu hoặc người quản lý, khai thác, sử dụng công trình hàng hải sẽ đề xuất lựa chọn hình thức bảo trì sau đó trình cơ quan có thẩm quyền quyết định hay là cơ quan có thẩm quyền sẽ lựa chọn hình thức bảo trì và chủ sở hữu/người quản lý, khai thác, sử dụng công trình hàng hải không được quyền lựa chọn mà chỉ thực hiện dựa trên quyết định của cơ quan có thẩm quyền?

Từ những phân tích trên, đề nghị Ban soạn thảo:

  • Điều chỉnh lại quy định tại Điều 6a để đảm bảo tính thống nhất với Nghị định 43 và
  • Quy định lại cho rõ ràng về các chủ thể có thẩm quyền trong việc lựa chọn hình thức bảo trì và thẩm quyền đó được thực hiện theo quy trình nào.
  1. Dự thảo Thông tư ban hành quy định tiêu chí giám sát, nghiệm thu dịch vụ công ích bảo đảm an toàn hàng hải

VCCI đã triển khai lấy ý kiến rộng rãi doanh nghiệp – đối tượng chịu tác động của Dự thảo và chưa nhận được ý kiến phản hồi. VCCI sẽ gửi ý kiến tới Quý Cơ quan khi nhận được phản hồi của doanh nghiệp.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Thông tư ban hành quy định tiêu chí giám sát, nghiệm thu dịch vụ công ích bảo đảm an toàn hàng hải và Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 52/2017/TT-BGTVT ngày 29/12/2017 về bảo trì công trình hàng hải. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan.