VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp
VCCI_ Góp ý Dự thảo Thông tư ban hành quy định tiêu chí giám sát, nghiệm thu dịch vụ công ích bảo đảm an toàn hàng hải và Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 52/2017/TT-BGTVT về bảo trì công trình hàng hải
VCCI góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 134/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu
Kính gửi: Tổng cục Hải quan – Bộ Tài chính
Trả lời Công văn của Bộ Tài chính về việc lấy ý kiến đối với Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 134/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), sau khi tham vấn một số chuyên gia và doanh nghiệp, có một số ý kiến như sau:
- Về qui chế đối xử với hàng hóa nhập khẩu tại chỗ
Dự thảo bổ sung khoản 3, điều 3 Nghị định 134 quy định về điều kiện hưởng mức thuế suất ưu đãi và ưu đãi đặc biệt đối với hàng hóa nhập khẩu tại chỗ. Theo đó, hàng hóa nhập khẩu tại chỗ thuộc trường hợp Điều 35.1.a và Điều 35.1.c Nghị định 08/2015/NĐ-CP được hưởng thuế suất MFN nếu được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam, hoặc được thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng tại Việt Nam. Còn hàng hoá thuộc trường hợp Điều 35.1.b, Nghị định 08 thì được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt nếu có giấy chứng nhận xuất xứ.
Quy định như vậy là đã có sự phân biệt đối xử giữa hàng hoá nhập khẩu tại chỗ từ khu phi thuế quan và từ nội địa. Theo quy tắc xuất xứ trong các FTA và được quy định tại Điều 3.1, Nghị định 31/2018/NĐ-CP, thì hàng hoá được sản xuất toàn bộ hoặc thực hiện công đoạn chế biến cuối cùng trong nội khối (trong các nước cùng tham gia FTA đó) thì sẽ được hưởng thuế xuất ưu đãi đặc biệt. Theo cách hiểu này, nếu hàng hoá được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam hoặc được thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng tại Việt Nam thì chắc chắn đã có xuất xứ nội khối FTA, không phân biệt trong hay ngoài khu chế xuất. Do đó, nếu hàng hoá này lưu thông trong khối (nhập khẩu tại chỗ vào Việt Nam cũng là lưu thông trong khối) thì phải được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt.
Về mục tiêu, thuế ưu đãi đặc biệt thấp hơn thuế suất MFN là nhằm ưu đãi cho các doanh nghiệp, nhà sản xuất tại các quốc gia trong FTA. Ví dụ, Việt Nam ký FTA với ASEAN là nhằm ưu đãi cho các quốc gia trong ASEAN. Như vậy, không có lý do gì mà hàng hoá đến từ các quốc gia ASEAN khác được hưởng thuế ưu đãi đặc biệt, mà hàng hoá tương tự đến từ Việt Nam lại phải chịu thuế MFN.Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo quy định theo hướng, hàng hoá nhập khẩu tại chỗ sẽ được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt, bất kể nhập khẩu từ khu chế xuất hay từ nội địa.
- Về bảo lãnh tiền thuế xuất nhập khẩu
Thứ nhất, Dự thảo đưa ra quy định bổ sung Điều 4.2.f, theo đó: Trong trường hợp tổ chức tín dụng cam kết bảo lãnh không thực hiện đúng cam kết thì cơ quan hải quan sẽ tiến hành các biện pháp cưỡng chế đối với người nộp thuế, chứ không phải đối với tổ chức tín dụng. Điều này chưa phù hợp với quy định về bảo lãnh tại Điều 355 của Bộ luật Dân sự cũng như Điều 4.2.c của Nghị định 134. Trong trường hợp này, bên phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ thuế cho ngân sách nhà nước phải là bên bảo lãnh (tổ chức tín dụng). Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng, nếu tổ chức tín dụng không thực hiện đúng cam kết thì cơ quan hải quan tiến hành các biện pháp cưỡng chế đối với tổ chức tín dụng để thu hồi phần nghĩa vụ còn thiếu đối với ngân sách.
Thứ hai, Dự thảo đưa ra quy định bổ sung Điều 4.2.g xử lý trường hợp dừng bảo lãnh chung. Đây là quy định rất cần thiết nhưng nếu chỉ dừng lại như quy định tại dự thảo thì chưa giải quyết hết các trường hợp phát sinh trên thực tế. Ví dụ, khi tổ chức tín dụng có văn bản đề nghị dừng bảo lãnh chung, nhưng chưa thanh toán hết các nghĩa vụ ngân sách thì cơ quan hải quan sẽ không chấp thuận dừng bảo lãnh chung. Khi đó, nếu phát sinh một nghĩa vụ mới (như lô hàng mới nhập khẩu về) thì nghĩa vụ mới đó có được bảo lãnh hay không? Trường hợp này, đề nghị quy định theo hướng, khi tổ chức tín dụng có văn bản đề nghị dừng bảo lãnh thì cơ quan hải quan chỉ truy thu tổ chức tín dụng những nghĩa vụ ngân sách phát sinh trước thời điểm có văn bản đề nghị dừng bảo lãnh chung, còn những nghĩa vụ phát sinh sau thời điểm đó không thuộc phạm vi bảo lãnh.
- Về quy định miễn thuế đối với hàng hoá nhập khẩu để gia công, sản phẩm gia công xuất khẩu
Thứ nhất, dự thảo Nghị định sửa đổi Điều 10.1.h với nội dung: Nếu hàng hoá gia công được sản xuất từ nguyên liệu đầu vào chịu thuế xuất khẩu thì khi xuất khẩu hàng hoá gia công phải nộp thuế xuất khẩu cho phần nguyên liệu đầu vào đó. Hiện nay, thuế xuất khẩu của Việt Nam chỉ tập trung vào các nguyên liệu thô, như các loại khoáng sản chưa qua chế biến. Mục đích của chính sách này là nhằm hạn chế việc xuất khẩu các nguyên liệu thô, khuyến khích các doanh nghiệp phải qua gia công, chế biến hàng hoá trong nước thành sản phẩm công nghiệp có giá trị cao thì mới xuất khẩu. Nếu hàng hoá sau khi gia công vẫn chịu thuế xuất khẩu cho phần nguyên liệu thô đầu vào thì tức là việc xuất khẩu hàng hoá đã qua chế biến cũng phải nộp thuế tương tự như xuất khẩu nguyên liệu thô. Quy định này đi ngược lại mục tiêu của chính sách thuế xuất khẩu. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định tại Điều 10.1.h theo hướng loại bỏ nghĩa vụ kê khai nộp thuế xuất khẩu cho phần nguyên liệu đầu vào khi xuất khẩu hàng hoá đã qua gia công chế biến.
Thứ hai, dự thảo Nghị định sửa đổi Điều 10.2.d với nội dung: “Trường hợp hàng hóa nhập khẩu để gia công quy định tại khoản 1 Điều này thay đổi mục đích sử dụng hoặc chuyển tiêu thụ nội địa phải kê khai nộp thuế. Người nộp thuế phải đăng ký tờ khai hải quan mới tại thời điểm chuyển tiêu thụ nội địa,…”. Quy định này chưa làm rõ được trường hợp thay đổi mục đích sử dụng thì có phải đăng ký tờ khai hải quan mới hay không, và đăng ký tại thời điểm nào? Đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định như sau: “Người nộp thuế phải đăng ký tờ khai hải quan mới trước thời điểm chuyển tiêu thụ nội địa, chuyển đổi mục đích sử dụng”.
Thứ ba, Điều 10.4 của Dự thảo yêu cầu doanh nghiệp phải kê khai nộp thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường (nếu có) đối với phế liệu, phế thải, phế phẩm nằm trong định mức sản xuất cho cơ quan hải quan theo Mẫu số 15, Phụ lục VII. Phần nghĩa vụ thuế này rất nhỏ, trong khi lại phát sinh nhiều thủ tục cho doanh nghiệp. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh theo hướng doanh nghiệp kê khai và nộp thuế đối với phần doanh thu này cùng với việc kê khai và nộp nghĩa vụ thuế định kỳ của doanh nghiệp theo pháp luật quản lý thuế, tránh phát sinh thủ tục mới đối với doanh nghiệp.
- Về hoàn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu tại chỗ
Điều 34.1.a của Dự thảo quy định: Hàng hoá nhập khẩu đã nộp thuế nhập khẩu nhưng được tái xuất ra nước ngoài bao gồm xuất khẩu trả lại chủ hàng nước ngoài, xuất khẩu bán sang nước thứ ba hoặc xuất khẩu vào khu phi thuế để sử dụng trong khu phi thuế quan thì được hoàn thuế. Quy định này đã liệt kê 3 trường hợp tái xuất là (1) xuất khẩu trả lại chủ hàng nước ngoài, (2) xuất khẩu bán sang nước thứ ba, và (3) xuất khẩu vào khu phi thuế, nhưng lại thiếu trường hợp xuất nhập khẩu tại chỗ. Xuất khẩu tại chỗ cũng được coi là xuất khẩu và cũng cần phải được hoàn thuế nhập khẩu đã nộp.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 134/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này. VCCI xin gửi kèm công văn này một số góp ý của doanh nghiệp và kết quả khảo sát doanh nghiệp về việc thực hiện Nghị định 134 do VCCI tiến hành.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan./.