VCCI_ Góp ý Dự thảo Thông tư ban hành quy định tiêu chí giám sát, nghiệm thu dịch vụ công ích bảo đảm an toàn hàng hải và Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 52/2017/TT-BGTVT về bảo trì công trình hàng hải
VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư ban hành biểu khung dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam
VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường
Kính gửi: Cục Văn hóa cơ sở – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Trả lời Công văn số 4291/BVHTTDL-VHCS của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có một số ý kiến như sau:
- Về điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke (Điều 5)
Điều 5 Dự thảo quy định về các điều kiện để được kinh doanh dịch vụ karaoke, tuy nhiên các điều kiện này cần được cân nhắc, xem xét ở một số vấn đề sau:
- Điều kiện về phòng cháy chữa cháy và an ninh trật tự (khoản 2)
Khoản 2 Điều 5 quy định doanh nghiệp phải “bảo đảm tuân thủ đầy đủ các yêu cầu điều kiện về phòng cháy chữa cháy theo quy định hiện hành”.
Theo quy định tại Nghị định 96/2016/NĐ-CP[1] thì kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự và phải được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự mới được phép kinh doanh. Để được cấp Giấy chứng nhận này, doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện về phòng cháy, chữa cháy theo quy định.
Tuy nhiên, với quy định tại khoản 2 nói trên thì không rõ Nghị định 96/2016/NĐ-CP đã đủ chưa hay còn quy định trong văn bản nào khác?
Ngoài ra, quy định này của khoản 2 cũng không cần thiết bởi nếu đã có Nghị định 96/2016/NĐ-CP hay văn bản nào khác thì doanh nghiệp đương nhiên phải tuân thủ, Nghị định này chỉ cần yêu cầu bằng chứng về việc tuân thủ là đủ.
Để đảm bảo tính thống nhất và minh bạch, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định tại khoản 2 theo hướng thay quy định tại Dự thảo bằng quy định “Có Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự”.
- Các điều kiện về cơ sở vật chất (khoản 3, 4)
Khoản 3 Điều 5 quy định về điều kiện “bảo đảm các yêu cầu về cách âm, âm thanh, ánh sáng của phòng hát karaoke”. Quy định này sẽ tạo ra nhiều cách hiểu khác nhau nếu không có chuẩn chung về “cách âm, âm thanh, ánh sáng” của phòng hát karaoke.
Để đảm bảo tính minh bạch, đề nghị Ban soạn thảo dẫn chiếu tới quy định về các yêu cầu về “cách âm, âm thanh, ánh sáng của phòng hát karaoke”.
- Thủ tục hành chính liên quan đến kinh doanh dịch vụ karaoke
Theo quy định tại Dự thảo thì để kinh doanh dịch vụ karaoke, doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục thông báo về việc mình đáp ứng điều kiện. Để đảm bảo tính minh bạch của thủ tục hành chính, đề nghị Ban soạn thảo xem xét một số quy định sau:
- Về hồ sơ thông báo kinh doanh dịch vụ karaoke (Điều 7)
Điểm b khoản 2 Điều 7 Dự thảo quy định, doanh nghiệp phải cung cấp trong Hồ sơ “các văn bản chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự và phòng chống cháy nổ của cơ quan có thẩm quyền cấp”. Quy định này là chưa rõ loại giấy tờ phải cung cấp. Như phân tích ở trên, chỉ cần cung cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự là có thể chứng minh được điều kiện về an ninh, trật tự và phòng chống cháy nổ.
Đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định tại điểm b khoản 2 Điều 7 Dự thảo thành “Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự”.
Góp ý tương tự đối với điểm b khoản 2 Điều 16 Dự thảo.
- Về trình tự thông báo kinh doanh dịch vụ karaoke (Điều 8)
Theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Dự thảo thì thông báo kinh doanh dịch vụ karaoke được thực hiện theo các phương thức: gửi trực tiếp, qua đường bưu điện hoặc trực tuyến (nếu đủ điều kiện áp dụng).
Quy định này là chưa rõ về các điều kiện áp dụng nếu muốn thực hiện thủ tục theo phương thức trực tuyến. Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ về các điều kiện này.
- Về đình chỉ kinh doanh dịch vụ karaoke (Điều 10)
Theo quy định tại khoản 4 Điều 10 Dự thảo thì “trường hợp thời gian đình chỉ không đủ khắc phục vi phạm, thì cá nhân tổ chức kinh doanh đề nghị lùi thời hạn khắc phục vi phạm bằng văn bản gửi cơ quan quản lý karaoke và phải có văn bản đồng ý”. Quy định này chưa rõ về thủ tục đề nghị lùi thời hạn khắc phục vi phạm, cụ thể:
- Hồ sơ đề nghị lùi thời hạn khắc phục vi phạm
- Thời hạn nhận hồ sơ, thẩm định và ra văn bản đồng ý/từ chối của cơ quancos thẩm quyền
- Căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định đồng ý/từ chối
Để đảm bảo tính minh bạch, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ các vấn đề trên.
- Điều kiện kinh doanh dịch vụ vũ trường (Điều 13)
- Về điều kiện “Bảo đảm tuân thủ đầy đủ các yêu cầu điều kiện về phòng cháy chữa cháy và an toàn trật tự theo quy định” (khoản 2)
Góp ý tương tự như mục 1, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định thành “Có Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự” vì kinh doanh vũ trường là ngành, nghề kinh doanh phải đáp ứng điều kiện về an ninh, trật thự theo quy định tại Nghị định 96/2016/NĐ-CP;
- Về điều kiện “Có giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ vũ trường” (khoản 3)
Đây không thể là điều kiện cấp phép (bởi đây chính là kết quả của việc cấp phép rồi), vì vậy đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định này.
- Về điều kiện “bảo đảm các yêu cầu về cách âm, âm thanh, ánh sáng của phòng khiêu vũ” (khoản 5)
Góp ý tương tự như mục 1, đề nghị Ban soạn thảo dẫn chiếu tới quy định về tiêu chuẩn về cách âm, âm thanh, ánh sáng của phòng khiêu vũ. Trong trường hợp không có quy định, đề nghị bỏ điều kiện này.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Nghị định quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.
[1] Nghị định 96/2016/NĐ-CP của Chính phủ ngày 01/7/2016 quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện