VCCI góp ý Dự thảo Thông tư xử phạt vi phạm hành chính trong đầu tư xây dựng

Thứ Ba 10:41 13-02-2018

Kính gửi: Thanh tra Bộ Xây dựng

Trả lời Công văn số 05/TTr-TH của Thanh tra Bộ Xây dựng về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà, quản lý sử dụng nhà và công sở (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội, có một số ý kiến như sau:

  1. Về căn cứ pháp lý

Theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 thì “trong trường hợp văn bản có điều, khoản, điểm mà nội dung liên quan đến quy trình, quy chuẩn kỹ thuật và những nội dung khác cần quy định chi tiết thì ngay tại điều, khoản, điểm đó có thể giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định chi tiết. Văn bản quy định chi tiết chỉ được quy định nội dung được giao ”.

Dự thảo hiện bao gồm các nội dung quy định chi tiết Điều 15 và Điều 79 của Nghị định 139 (như nêu tại Điều 1 Dự thảo). Tuy nhiên, Điều 15 Nghị định 139 không trao quyền cho Bộ trưởng (Thông tư) quy định chi tiết, và Điều 79 Nghị định 139 chỉ ủy quyền cho “Bộ Xây dựng quy định chi tiết các trường hợp và cách tính số lợi bất hợp pháp đối với công trình, phần công trình xây dựng vi phạm tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều này (Điều 79)”, trong khi nội dung Dự thảo hướng dẫn Điều 79 lại quy định cả phần áp dụng quy định chuyển tiếp (tức là vượt quá nội dung được giao).

Theo Công văn số 05/TTr-TH thì Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng “giao Bộ Xây dựng dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng” mà không thấy nhắc đến căn cứ ban hành Thông tư này.

Vì vậy, để đảm bảo tính thống nhất, phù hợp với Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đề nghị Ban soạn thảo giải trình căn cứ pháp lý đối với việc xây dựng và ban hành Thông tư này.

 

  1. Một số góp ý cụ thể

Trong trường hợp giải trình thuyết phục về căn cứ ban hành Thông tư (phần quy định hướng dẫn Điều 15 Nghị định và hướng dẫn vượt quá phạm vi Điều 79 Nghị định), đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét một số quy định sau, để đảm bảo hoàn thiện Dự thảo:

  1. Về việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả (Điều 3)

Khoản 2 Điều 3 Dự thảo quy định về quy trình xử lý đối với hành vi vi phạm khi bị người có thẩm quyền phát hiện mà hành vi này đang xảy ra, trong đó quy định khá chi tiết về các khoảng thời gian thực hiện các bước. Tuy nhiên, việc ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính sau đó lại không được xác định thời hạn tối đa (bao nhiêu ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính).

Để đảm bảo tính minh bạch, cụ thể, rõ ràng, đề nghị Ban soạn thảo quy định về thời hạn ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính tính từ khi lập biên bản vi phạm hành chính.

  1. Về áp dụng biện pháp bồi thường thiệt hại (Điều 4)

Khoản 3 Điều 4 Dự thảo quy định về trình tự bồi thường thiệt hại của trường hợp hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình vi phạm quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng, gây lún, nứt hoặc hư hỏng công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình lân cận (mà các bên không thỏa thuận được việc bồi thường theo quy định của pháp luật dân sự) nhưng không gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của người khác, theo đó:

  • “Sau khi biên bản vi phạm hành chính được lập, nếu bên vi phạm và bên bị thiệt hại không tự thỏa thuận được và một bên có đơn yêu cầu thì Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm giải quyết trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu” (điểm a khoản 3).

Quy định trên là chưa rõ ở điểm về khái niệm “giải quyết”, có được hiểu là Chủ tịch UBND cấp xã sẽ tổ chức thỏa thuận giữa các bên hay là xem xét nội dung đơn yêu cầu? Nếu 05 ngày là thời hạn để xem xét đơn yêu cầu thì thỏa thuận lần một giữa các bên sẽ được tổ chức lúc nào? Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ những vấn đề này.

  • “Trường hợp hết thời hạn 07 ngày kể từ ngày thỏa thuận lần đầu không thành hoặc một trong các bên vắng mặt tại buổi thỏa thuận lần đầu mà không có lý do chính đáng, Chủ tịch UBND cấp xã tổ chức thỏa thuận lần hai” (điểm b khoản 3).

Hết thời gian 07 ngày” chỉ là quy định về khoảng thời gian tối thiểu (theo đó Chủ tịch UBND xã chỉ có thể tổ chức thỏa thuận lần hai sau ít nhất là 7 ngày kể từ ngày thỏa thuận lần đầu không thành) mà không phải là khoảng thời gian tối đa (không rõ là tối đa là sau bao lâu kể từ khi lần thỏa thuận đầu không thành Chủ tịch UBND xã phải tổ chức thỏa thuận lần 2?). Điều này có thể khiến cho quy trình xác định bồi thường thiệt hại của các bên bị kéo dài.

Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định trên theo hướng, xác định trong vòng bao nhiêu ngày kể từ ngày thỏa thuận lần đầu không thành, Chủ tịch UBND cấp xã sẽ tổ chức thỏa thuận lần hai.

  • “Trường hợp tại buổi thỏa thuận lần hai … sau khi xác định mức thiệt hại Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm yêu cầu bên vi phạm chuyển tiền vào tài khoản bảo lãnh tại ngân hàng và được tiếp tục thi công xây dựng công trình” (điểm c khoản 3).

Quy định này chưa rõ ở các điểm:

  • Thời hạn mà bên vi phạm phải chuyển tiền vào tài khoản bảo lãnh tại ngân hàng là bao lâu tính từ thời điểm xác định được mức thiệt hại là thế nào?
  • Thời điểm, quy trình để bên bị vi phạm nhận tiền bồi thường sau khi xác định mức thiệt hại, bên vi phạm chuyển tiền vào tài khoản bảo lãnh tại ngân hàng là như thế nào?

Để đảm bảo tính minh bạch và thuận lợi trong quá trình thực hiện, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ những vấn đề trên.

  1. Về áp dụng quy định chuyển tiếp (Điều 7)

Khoản 1 Điều 7 Dự thảo xác định các trường hơp có teher áp dụng biện pháp buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp (theo quy định tại khoản 9 Điều 13 Nghị định 121/2013/NĐ-CP) đối với hành vi vi phạm bị xử phạt vi phạm hành chính, trong đó có trường hợp “hành vi được phát hiện sau ngày 15/01/2018, còn hoặc đã hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính”.

Quy định về trường hợp này dường như chưa phù hợp về pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, bởi một hành vi đã hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính sẽ không bị xem xét để xử phạt.

Do đó, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng chỉ xem xét các hành vi còn thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính tại điểm a khoản 2 Điều 7 Dự thảo.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà, quản lý sử dụng nhà và công sở. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.