VCCI góp ý Dự thảo Thông tư sử đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 35/2016/TT-BGTVT

Thứ Sáu 14:08 23-02-2018

Kính gửi: Vụ Tài chính – Bộ Giao thông vận tải

Trả lời Công văn số 844/BGTVT-TC ngày 23/01/2017 của Bộ Giao thông vận tải về việc tham gia ý kiến đối với Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 35/2016/TT-BGTVT quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ để kinh doanh do Bộ quản lý (sau đây gọi là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), sau khi tham khảo ý kiến của một số doanh nghiệp và chuyên gia, có ý kiến góp ý như sau:

  1. Giảm giá cho người dân địa phương

Điều 7.2 của Dự thảo bổ sung việc giảm giá sử dụng đường bộ cho người dân địa phương đối với các trạm thu giá theo lượt. Tuy nhiên, quy định này mới chỉ xác định về mặt nguyên tắc là sẽ giảm giá, chứ chưa quy định cụ thể mức giảm và đối tượng được giảm hoặc cách tính toán mức giảm giá. Các vấn đề cụ thể này sẽ được quyết định trong quá trình nghiên cứu, thẩm định dự án và đàm phán giữa cơ quan nhà nước và chủ đầu tư.

Nhằm bảo đảm sự minh bạch và đồng thuận trong xã hội, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung các quy định phải thông báo và lấy ý kiến các doanh nghiệp và người dân đối với toàn bộ dự án, bao gồm cả việc miễn giảm giá trong quá trình nghiên cứu, thẩm định dự án. Việc lấy ý kiến cần được thực hiện rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng trên toàn quốc và tại địa phương có liên quan, trên website của Bộ hoặc UBND cấp tỉnh, niêm yết tại trụ sở UBND các cấp gần tuyến đường, và gửi công văn đến các hiệp hội doanh nghiệp vận tải trong tỉnh và Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam.

  1. Mức giá tối đa

Theo Thông tư 35 và Dự thảo, việc xác định giá tối đa được áp dụng theo hai phương pháp (1) toàn tuyến và (2) theo chiều dài đường. Phương pháp định giá tối đa này hiện rất bất cập, cụ thể:

  • Phương pháp giá toàn tuyến (giá theo lượt) thường được áp dụng cho những dự án thu phí mở và hầm đường bộ. Cách tính giá này hoàn toàn không quan tâm đến chiều dài tuyến đường, chất lượng đường, tốc độ và thời gian lưu thông trước và sau khi có dự án đường bộ…
  • Phương pháp theo chiều dài đường (giá theo chặng) thường được áp dụng cho những dự án thu phí đóng. Mặc dù giá đã được xác định dựa vào chiều dài tuyến đường, nhưng các yếu tố về chất lượng đường, tốc độ và thời gian lưu thông… vẫn chưa được cân nhắc xem xét.

Cách định giá này dường như quá chung chung, có thể gây ra nhiều hệ quả xã hội bất cập, có thể kể đến như sau:

  • Khi áp dụng phương pháp giá toàn tuyến phải luôn bảo đảm khoảng cách giữa các trạm thu phí tối thiểu là 70km quy định tại Điều 2.2.b Thông tư 159/2013/TT-BTC. Tuy nhiên, cũng ngay tại quy định này lại cho phép khoảng cách ngắn hơn 70km khi được các cơ quan có thẩm quyền đồng ý. Vô hình chung, quy định này có thể dẫn đến tình trạng một đoạn đường dài 30km cũng được thu phí bằng với một đoạn đường dài 100km.
  • Hai phương pháp trên không giải quyết được tình trạng thu phí quá cao của một số dự án cải tạo, tăng cường mặt đường. Trong trường hợp đường cũ vẫn còn tốt, đang được đi miễn phí, chủ đầu tư chỉ thực hiện việc cải tạo, tăng cường mặt đường mà vẫn được thu giá với mức tối đa là rất bất hợp lý. Nguyên nhân xuất phát từ việc căn cứ tính mức giá thu đã bỏ qua hoàn toàn các yếu tố về chất lượng giao thông trước khi có dự án.

Thực tế này không chỉ gây ra những phản ứng tiêu cực từ phía chủ phương tiện, mà còn không khuyến khích được chủ đầu tư bỏ vốn vào các dự án giao thông quan trọng, mang lại giá trị kinh tế – xã hội lớn. Do đó, việc định giá tối đa cho dịch vụ sử dụng đường bộ cần được nghiên cứu để có thể tính toán chi tiết hơn, phản ánh chính xác giá trị xã hội mà các dự án này mang lại được.

Sau khi tham khảo kinh nghiệm quốc tế và tham vấn ý kiến của một số chuyên gia, chúng tôi đề xuất Cơ quan soạn thảo áp dụng phương pháp tính giá sử dụng đường bộ cho mỗi phương tiện giao thông dựa trên “chi phí vận tải tiết kiệm được” của phương tiện đó. Mô hình cụ thể như sau:

Giả sử chúng ta cần xây dựng một dự án giao thông đi từ A đến B và tiến hành thu phí. Đầu tiên, các bên liên quan sẽ phải tính toán chi phí vận tải trung bình của một phương tiện khi đi từ A đến B trên đường cũ, bao gồm chi phí khấu hao xe, chi phí nhiên liệu, chi phí thời gian đi lại… Sau khi dự án giao thông được thực hiện, chi phí trung bình để phương tiện đó đi từ A đến B sẽ giảm xuống. Như vậy, nhờ dự án đường bộ đó, chủ phương tiện được lợi một khoản “chi phí vận tải tiết kiệm được”. Chủ đầu tư dự án được phép thu giá dịch vụ bằng một tỷ lệ nhất định trên khoản chi phí tiết kiệm được này, nhưng giá thu không bao giờ được phép vượt quá chi phí tiết kiệm được.

Ví dụ cụ thể: Giả sử chi phí trung bình để một xe tải cỡ 4 tấn – 10 tấn đi từ A đến B là 500.000 đồng. Sau khi xây dựng dự án đường bộ thì chi phí này giảm xuống chỉ còn 300.000 đồng. Như vậy, một phương tiện đi từ A đến B sẽ được hưởng lợi 200.000 đồng. Nhà nước đặt ra quy định mức giá thu tối đa không được vượt quá 50% chi phí tiết kiệm được. Như vậy, chủ đầu tư chỉ được phép thu ở mức giá tối đa là 100.000 đồng.

Phương pháp chi phí tiết kiệm được dự kiến sẽ mang lại một số lợi ích như sau:

  • Thứ nhất, mức giá luôn “chấp nhận được” đối với chủ phương tiện. Do chủ đầu tư chỉ được phép thu giá bằng 50% những gì chủ phương tiện được hưởng lợi, nên chủ phương tiện luôn được hưởng lợi 50% giá trị còn lại.
  • Thứ hai, phương pháp này phù hợp với mọi loại dự án bao gồm dự án xây dựng đường mới, nâng cấp cải tạo đường bộ, dự án cầu, hầm đường bộ. Do phương pháp này xem xét cả chất lượng hiện trạng giao thông trước dự án nên không gây ra tình trạng “cải tạo đường cũ, thu phí như đường mới”.
  • Thứ ba, nguyên lý cơ bản của phương pháp tính toán này là chủ đầu tư luôn được hưởng 50% giá trị mà anh ta mang lại cho cho khách hàng của mình – chủ phương tiện. Do đó, nó sẽ tạo động lực để các chủ đầu tư lựa chọn bỏ tiền vào những dự án mang lại lợi ích nhiều nhất cho xã hội, như các cung đường có lưu lượng xe lớn, hiện đang đi lại khó khăn. Thậm chí, chủ đầu tư sẽ nghiên cứu, sáng tạo, đề xuất nhiều giải pháp nhằm mang lại lợi ích tối đa cho chủ phương tiện. Điều này phù hợp quy luật giá trị của nền kinh tế thị trường.

Tính khả thi của phương pháp chi phí tiết kiệm được

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, việc tính toán chi phí tiết kiệm được cho từng phương tiện giao thông đã được thực hiện tương đối đầy đủ khi thuyết minh hiệu quả kinh tế xã hội của dự án trong quá trình lập báo cáo khả thi và thiết kế dự án. Tuy nhiên, các thông tin này hiện mới chỉ nhằm để quyết định có đầu tư dự án hay không, chứ chưa được sử dụng làm căn cứ quyết định mức giá sử dụng đường bộ.

Các chuyên gia cũng khẳng định, đã có nhiều nghiên cứu về phương pháp tính toán chi phí vận tải trung bình của mỗi phương tiện. Ví dụ, chi phí vận tải trung bình được tính bằng cách cộng nhiều chi phí thành phần, bao gồm (1) chi phí vận hành xe (Vehicle Operation Cost – VOC) và (2) chi phí thời gian đi lại (Time Travel Cost – TTC) và (3) chi phí tai nạn giao thông. Nhiều cơ quan quản lý giao thông, viện nghiên cứu về chính sách giao thông tại các nước trên thế giới cũng đã phát triển nhiều phương pháp để tính toán chính xác chi phí này[1]. Như vậy, việc thay đổi sang phương pháp mới là khả thi và có cơ sở khoa học.

Thu thập thông tin đầu để tính toán

Nếu áp dụng phương pháp chi phí tiết kiệm được thì các số liệu đầu vào phải được thu thập một cách chính xác và khách quan. Quá trình này cần phải được công khai và có sự tham gia của nhiều bên, bao gồm chủ đầu tư, Bộ Giao thông vận tải, UBND các cấp tại địa phương, Hiệp hội doanh nghiệp vận tải tại các địa phương có liên quan…

Tác động của việc chuyển đổi phương pháp tính giá sử dụng đường bộ

Hiện nay, việc thu hút đầu tư cho dự án Cao tốc Bắc Nam phía Đông đang là bài toán khó đối với Bộ Giao thông vận tải. Do những phản ứng của người dân một số địa phương trong thời gian qua, nhiều chủ đầu tư tỏ ra ngần ngại khi đầu tư theo hình thức BOT vào các hạng mục của dự án này. Nếu Cơ quan nhà nước có thể đưa ra một phương án tính giá chính xác, khoa học thì sẽ là cơ sở để tạo ra đồng thuận xã hội, giảm rủi ro và khiến các doanh nghiệp yên tâm đầu tư.

Việc quyết định mức độ ưu đãi, thu hút đầu tư có thể được điều chỉnh dựa vào tỷ lệ mà nhà đầu tư được phép thu trên “chi phí tiết kiệm được”. Ví dụ, đối với những dự án thông thường, mức giá tối đa chủ đầu tư được phép thu là 50% chi phí tiết kiệm được. Đối với một số dự án khó thu hút đầu tư, Nhà nước có thể nâng mức này lên 60% hoặc 70% giúp chủ đầu tư nhanh chóng thu hồi vốn. Tuy nhiên, cũng nên có mức tối đa nhằm bảo vệ quyền lợi của chủ phương tiện.

Điều khoản chuyển tiếp

Nhằm bảo đảm quyền lợi của các chủ đầu tư, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về điều khoản chuyển tiếp: Đối với những dự án đã được phê duyệt hoặc ký hợp đồng trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì việc chuyển sang mức giá mới cần có sự đồng ý của cả chủ đầu tư.

Tóm lại, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định về xác định giá tối đa đối với các dự án giao thông đường bộ có thu tiền như sau:

  • Giá tối đa được xác định dựa trên tỷ lệ phần trăm của chi phí tiết kiệm được.
  • Nghiên cứu và quy định cách tính chi phí tiết kiệm được.
  • Quy định có sự tham gia của nhiều bên, trong đó nhất thiết phải có các hiệp hội doanh nghiệp vận tải trong việc thu thập các thông tin đầu vào phục vụ quá trình tính toán.
  • Quy định điều khoản chuyển tiếp để bảo đảm quyền lợi của chủ đầu tư đã ký hợp đồng.

Trên đây là một số ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 35/2016/TT-BGTVT về mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ để kinh doanh do Bộ GTVT quản lý. Kính mong Cơ quan soạn thảo xem xét, cân nhắc.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan.

[1] Tham khảo các nghiên cứu của PGS.TS. Bùi Ngọc Toàn. TS. Nguyễn Hoàng Tùng, các nghiên cứu tính toán travel time cost của Viện Chính sách Giao thông Victoria (www.vtpi.org/tca/tca0502.pdf), Cục Giao thông Hoa Kỳ (http://ostpxweb.dot.gov/policy/report.htm)