VCCI góp ý DTQĐ thí điểm khai thuế và nộp thuế điện tử đối với cá nhân cho thuê nhà, nộp thuế trước bạ nhà đất, thuế TNCN chuyển nhượng BĐS
VCCI góp ý Dự thảo NĐ về hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế
Kính
gửi: Cục Quản lý môi trường y tế – Bộ Y tế
Trả
lời Công văn số
10132/BYT-MT ngày 23/12/2015 của Quý Cơ quan về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị
định quy định về quản lý hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng
trong lĩnh vực gia dụng và y tế, Phòng Thương mại và
Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội, có một
số ý kiến như sau:
1. Quan điểm tiếp cận
a.
Cân bằng giữa an toàn hóa chất và
đáp ứng nhu cầu của người dân
Việt
Nam là quốc gia nhiệt đới gió mùa nóng ẩm, khí hậu thuận lợi cho sự phát triển
của các loài côn trùng, vi khuẩn gây hại cho cuộc sống của con người. Do đó,
nhu cầu về các loại thuốc diệt côn trùng, diệt khuẩn sử dụng trong y tế và gia
dụng của người dân tương đối cao. Do đó, ngoài mục tiêu bảo đảm an toàn hóa chất
thì việc sẵn sàng cung ứng sản phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn cũng cần được
cân nhắc kỹ trong quá trình xây dựng chính sách để tránh tình trạng quá chú trọng
yếu tố an toàn mà hạn chế một cách không cần thiết cơ hội tiếp cận sản phẩm
hàng hóa của người dân.
b.
Các mục tiêu quản lý về hóa chất,
chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn
Việc
quản lý nhà nước đối với hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn thường
có hai mục tiêu chính, bao gồm: (1)
bảo đảm chất lượng và tính an toàn của sản phẩm đối với người sử dụng; và (2) bảo
đảm an toàn trong quá trình sản xuất, vận chuyển, sang chiết, lưu trữ, và thải
bỏ các loại hóa chất nguy hiểm, có tác động đến môi trường, tài sản hoặc người
lao động. Để đạt được mục tiêu thứ nhất, Dự thảo đã có quy định về khảo nghiệm,
kiểm nghiệm và đăng ký lưu hành đối với hóa chất, chế phẩm. Đây là các quy định
hợp lý và cần thiết.
Mục
tiêu thứ hai được hiện thực dựa trên các công cụ quản lý bao gồm điều kiện sản
xuất, kinh doanh hóa chất, chế phẩm. Tuy nhiên, mục tiêu này đã được thể hiện
thông qua các quy định trong pháp luật về hóa chất, bảo vệ môi trường và an
toàn lao động. Hiện tại, các quy định của Dự thảo cũng chủ yếu là dẫn chiếu đến
các quy định đã có sẵn trong các văn bản trên.
Do
đó, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tránh việc quy định lại
vừa chồng chéo, vừa gây phức tạp cho người áp dụng, đề nghị cơ quan soạn thảo chỉ tập trung vào các biện pháp quản
lý nhằm đạt được mục tiêu thứ nhất nêu trên.
2.
Phạm
vi điều chỉnh
a.
Một số khái niệm cần được giải
thích nhằm xác định chính xác phạm vi điều chỉnh của văn bản
Điều
1 của Dự thảo quy định về phạm vi điều chỉnh của Nghị định này bao gồm các loại
hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế. Điều
2.1, Điều 2.2 và Điều 2.3 đã giải thích các khái niệm hóa chất, chế phẩm và hoạt
chất. Tuy nhiên, vấn đề phạm vi điều chỉnh của văn bản này vẫn chưa thực sự rõ
ràng, cụ thể như sau:
–
Khái niệm “côn trùng”: các loài sinh vật gây hại cho nhà ở không chỉ bao gồm
côn trùng mà còn có nhện, cuốn chiếu, rết và đặc biệt là chuột. Hiện nay, nhu cầu
sử dụng các loại hóa chất diệt chuột tương đối lớn và cũng đã có các vụ việc mất
an toàn, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân do thuốc diệt chuột. Do đó, đề
nghị Dự thảo làm rõ khái niệm côn trùng sử dụng trong văn bản này có khác so với
khái niệm côn trùng trong sinh học không?
–
Khái niệm “diệt côn trùng”: một số loại hóa chất, chế phẩm không làm cho côn
trùng chết mà chỉ có tác dụng xua đuổi hoặc làm yếu, hoặc khiến côn trùng không
thể sinh sản thì có được gọi là diệt côn trùng không?
–
Khái niệm “diệt khuẩn”: Diệt khuẩn có bao gồm việc diệt các loại nấm mốc
không?
–
Khái niệm “dùng trong gia dụng”: đây là khái niệm rất quan trọng giúp xác định
phạm vi điều chỉnh của Nghị định nhưng lại chưa được giải thích một cách đầy đủ.
Phạm vi khái niệm “gia dụng” có bao gồm
các cơ sở kinh doanh dịch vụ cho khách hàng như khách sạn, nhà hàng, văn phòng,
siêu thị, trung tâm thương mại không? Có bao gồm việc diệt côn trùng trong các
cây cảnh, bể cá cảnh, thú nuôi, thậm chí côn trùng trên người không (hay đây
thuộc về thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, dược phẩm)? Có bao gồm việc diệt
côn trùng trong các kho hàng, kho đông lạnh, trong nhà máy, bể bơi, nguồn cung
cấp nước? Có bao gồm các loại hóa chất được sử dụng để ngâm tẩm các sản phẩm
gia dụng khác như gỗ ngâm hóa chất chống mối mọt, khẩu trang, quần áo, bông đệm
ngâm tẩm hóa chất sát trùng, thảm có chất chống côn trùng, các loại hóa chất tẩy
rửa có pha một lượng nhỏ chất diệt khuẩn?
Việc
không xác định rõ ràng giới hạn phạm vi điều chỉnh của văn bản có thể khiến quá
trình thực thi gặp khó khăn. Ví dụ một doanh nghiệp cung cấp loại sản phẩm
chuyên dùng để diệt chấy rận trên chó mèo sẽ không biết mình có phải áp dụng
Nghị định này hay không. Do đó, đề
nghị cơ quan soạn thảo bổ sung việc giải thích các khái niệm “côn trùng”, “diệt côn trùng”, “diệt khuẩn”, “gia dụng” nhằm xác định chính xác
phạm vi điều chỉnh của Nghị định.
b.
Hoạt chất có hoạt tính tẩy rửa
Điều
2.1 của Dự thảo đã mở rộng khái niệm “hoạt
chất” so với Điều 2.1 của Thông tư 29/2011/TT-BYT, từ đó mở rộng phạm vi điều
chỉnh của cả văn bản này gồm cả các loại hóa chất có hoạt tính tẩy rửa. Điều
này dẫn đến việc các loại hóa chất tẩy rửa như xà phòng, bột giặt, thuốc tẩy,
nước rửa tay… sẽ phải quản lý nghiêm ngặt bằng các biện pháp như điều kiện sản
xuất, cấp số đăng ký lưu hành. Đây là sự siết chặt quản lý tương đối mạnh đối với
các loại hóa chất tẩy rửa và sẽ tác động rất lớn đến các doanh nghiệp trong
lĩnh vực này.
Do
đó, đề nghị cơ quan soạn thảo
cân nhắc kỹ hơn về sự cần thiết của việc mở rộng quản lý này. Liệu các loại hóa
chất tẩy rửa như bột giặt, xà phòng, nước rửa bát có mặt trên thị trường hiện
nay gây ra những nguy cơ, tác hại gì? Việc siết chặt quản lý có giảm được nguy
cơ, loại bỏ tác hại này hay không? Trong trường hợp mà các lợi ích xã hội mang
lại không rõ ràng thì đề nghị cơ quan soạn thảo loại bỏ các loại hoạt chất tẩy
rửa ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Dự thảo. Trong trường hợp nguy cơ của hóa chất
tẩy rửa là đáng kể thì cũng đề nghị cơ quan soạn thảo thu hẹp phạm vi quản lý,
chỉ dừng lại ở các loại hóa chất sử dụng trực tiếp trên da, có tác động mạnh đến
sức khỏe con người (như dầu gọi đầu, xà phòng tắm…) và có tính tẩy rửa mạnh như
hóa chất tẩy rửa có độ pH thấp, chuyên dùng để tẩy rửa bề mặt kim loại… Còn các
loại hóa chất ít tác động hơn như nước xả vải, bột giặt, nước lau nhà, nước rửa
kính và các loại hóa chất tẩy rửa có nguồn gốc thực vật thì không cần thiết đưa
vào phạm vi điều chỉnh của Dự thảo.
3. Tên thương mại của chế phẩm
Điều
4.1.b và Điều 4.1.c Dự thảo không cho phép một doanh nghiệp sử dụng một tên
thương mại cho nhiều chế phẩm. Điều này có thể gây cản trở một cách không cần
thiết đối với hoạt động thương mại của doanh nghiệp.
Ví
dụ, một doanh nghiệp có tên thương mại cho thuốc diệt gián là GATO được nhiều
người tiêu dùng biết đến. Doanh nghiệp đó cải tiến dòng sản phẩm để có được chất
lượng tốt hơn, phù hợp hơn với nhu cầu của người tiêu dùng. Nếu yêu cầu doanh
nghiệp phải sử dụng một tên thương mại mới cho chế phẩm mới (trong khi số đăng
ký lưu hành của tên thương mại cũ chưa hết hạn) thì sẽ gây tốn kém không cần
thiết. Đồng thời, theo quy định tại Điều
76 Luật sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009: “Tên thương mại được bảo hộ nếu có khả năng phân biệt chủ thể kinh
doanh mang tên thương mại đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và
khu vực kinh doanh”. Do đó, về bản chất, tên thương mại của sản phẩm là để
phân biệt với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh
doanh, không phải là để phân biệt giữa các sản phẩm của cùng một chủ sở hữu.
Quy định tại Điều 4.1b và 4.1c là chưa phù hợp với quy định của Luật Sở hữu trí
tuệ như đã nêu trên.
Do
đó, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa
đổi quy định về đặt tên thương mại theo hướng sau:
– Trong
trường hợp doanh nghiệp cải tiến một chế phẩm đã có (thay đổi về thành phần,
công thức pha chế, cách đóng gói) thì sẽ phải khảo nghiệm lại, nhưng vẫn có thể
được giữ tên thương mại cũ (nếu doanh nghiệp có nhu cầu).
– Tên
thương mại cũ sẽ được tiếp tục sử dụng đến khi lô hàng cuối cùng hết hạn sử dụng.
Ví
dụ, một doanh nghiệp có chế phẩm GATO diệt gián được người tiêu dùng ưa chuộng.
Doanh nghiệp đó cải tiến chế phẩm GATO (bằng cách thay đổi đôi chút về thành phần
nhưng không làm thay đổi công dụng, tính năng của sản phẩm) nhằm cung cấp sản
phẩm tốt ra thị trường. Nếu yêu cầu DN phải sử dụng tên thương mại mới thì sẽ
gây tốn kém không cần thiết cho việc quảng cáo sản phẩm. Theo quy định này,
Doanh nghiệp đó buộc phải xin rút đăng ký lưu hành (cùng với tên thương mại) của
chế phẩm cũ và đăng ký chế phẩm mới. Như vậy thì chế phẩm cũ đã sản xuất trước
ngày rút đăng ký lưu hành sẽ không được bán trên thị trường và buộc phải thu hồi.
Điều này cũng gây lãng phí không cần thiết. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc trường hợp này, cho phép
doanh nghiệp giữ tên thương mại trong trường hợp nâng cấp, cải tiến sản phẩm
cũ. Quy định như vậy sẽ không cản trở hoạt động đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu
phát triển của doanh nghiệp.
Điều
4.1.đ Dự thảo quy định: “Không được đặt
tên thương mại cho chế phẩm với ý nghĩa không phù hợp với hiệu lực và tính an
toàn của chế phẩm đó”, VCCI hiểu rằng quy định này nhằm tránh việc DN cố tình
đặt tên thương mại gây nhầm lẫn cho sản phẩm của mình. Ví dụ, thuốc diệt kiến
thì lại đặt tên thành thuốc diệt được tất cả các loại côn trùng. Tuy nhiên, quy
định này chưa thực sự phù hợp, ở một số điểm sau:
– Thứ
nhất, tiêu chí “ý
nghĩa không phù hợp với hiệu lực và tính an toàn” là quá chung chung và
chưa minh bạch. Tiêu chí như vậy có thể gây ra cách hiểu không thống nhất và
nguy cơ áp dụng tùy tiện của người thực thi.
– Thứ
hai, bản thân doanh nghiệp cũng mong muốn đặt tên sản
phẩm sao cho người tiêu dùng dễ hiểu, dễ nắm bắt sản phẩm của mình.
– Thứ
ba, ngoài tên thương mại, các chế phẩm diệt côn trùng,
diệt khuẩn luôn có nhãn và hướng dẫn sử dụng đi kèm. Việc quảng cáo sản phẩm phải
tuân thủ pháp luật về quảng cáo và đã có chế tài cho hành vi quảng cáo gây hiểu
nhầm, sai sự thật. Với tất cả các biện pháp đó, đã đủ để cơ quan nhà nước kiểm
soát hành vi đặt tên thương mại gây nhầm lẫn.
Do
đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ
quy định tại Điều 4.1.đ Dự thảo.
4. Đăng ký lưu hành với hóa chất sản
xuất trong nước
Điều
7.1.a Dự thảo yêu cầu phải đăng ký lưu hành đối với hóa chất, chế phẩm mới được
sản xuất trong nước. Quy định này chưa xem xét đến trường hợp sản xuất hóa chất,
chế phẩm chỉ phục vụ mục đích xuất khẩu, mà không lưu hành trong nước. Trong
trường hợp một doanh nghiệp trong nước sản xuất hóa chất, chế phẩm nhưng chỉ phục
vụ xuất khẩu, hoặc một doanh nghiệp chỉ gia công hàng hóa cho nước ngoài, mà
không bán hàng hóa đó trong nước. Trong trường hợp này, nếu doanh nghiệp có nhu
cầu xin đăng ký lưu hành tự do thì thực
hiện theo thủ tục thông thường, nhưng nếu không có nhu cầu thì cũng không nên bắt
buộc.
Do
đó, đề nghị cơ quan soạn thảo
sửa lại quy định tại Điều 7.1.a Dự thảo theo hướng chỉ yêu cầu đăng ký hóa chất,
chế phẩm mới được sản xuất trong nước và để lưu hành trong nước mới phải đăng
ký lưu hành tại Việt Nam.
5. Đăng ký lưu hành đối với hóa chất
nhập khẩu lần đầu
Điều
7.1.b Dự thảo chỉ cho phép đăng ký lưu hành đối với hóa chất đã được cho phép sử
dụng ở nước ngoài nhưng lần đầu tiên được nhập khẩu để sử dụng ở Việt Nam. Quy
định này được hiểu rằng nếu một hóa chất chưa được sử dụng ở nước ngoài thì sẽ
không được đăng ký lưu hành tại Việt Nam. Hạn chế này là không cần thiết, và có
thể cản trở việc một doanh nghiệp nước ngoài sản xuất loại sản phẩm riêng cho
thị trường Việt Nam (vì lý do kỹ thuật hoặc lý do thương mại). Quá trình đăng
ký lưu hành đối với hóa chất, chế phẩm nhập khẩu lần đầu tại Việt Nam đã được
khảo nghiệm và kiểm nghiệm bảo đảm hiệu lực và tính an toàn của sản phẩm.
Do
đó, đề nghị cơ quan soạn thảo
quy định theo hướng: Bỏ điều kiện “hóa chất,
chế phẩm đã được cho phép sử dụng ở nước ngoài” khi xem xét cấp đăng ký lưu
hành cho sản phẩm.
6. Khái niệm cơ sở sản xuất
Mục
1, Chương II của Dự thảo quy định về điều kiện đối với cơ sở sản xuất hóa chất,
chế phẩm. Tuy nhiên, Dự thảo chưa làm rõ những vấn đề sau: Sản xuất là bao gồm
những công việc gì? Việc sản xuất có phản ứng hóa học để tạo ra hoạt chất hay
không? Việc sản xuất có bao gồm các hoạt động: pha chế hoạt chất với các thành
phần khác; sang chai, đóng gói hóa chất, chế phẩm hay không?
Do
đó, cần xác định rõ khái niệm “sản xuất”
để từ đó xác định phạm vi các đối tượng phải đáp ứng các điều kiện đối với cơ sở
sản xuất theo quy định.
7. Điều kiện về nhân lực của cơ sở sản
xuất
Điều
8.1 quy định: “Người trực tiếp điều hành
cơ sở sản xuất phải có trình độ đại học trở lên về chuyên ngành hóa chất”.
Điều 13.3 của Luật Hóa chất cũng đặt ra yêu cầu trên nhưng chỉ đối với các cơ sở
sản xuất hóa chất nguy hiểm.
Như
vậy, Điều 8.1 của Dự thảo đã có quy định chưa phù hợp với Luật Hóa chất. Trong
các loại hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn có những loại là hóa chất
nguy hiểm, nhưng cũng có những loại không có đặc tính nguy hiểm cho người sử dụng.
Do
đó, việc yêu cầu toàn bộ các cơ sở sản xuất hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng,
diệt khuẩn phải có trình độ đại học trở lên về chuyên ngành hóa chất là không cần
thiết. Dự thảo cần quy định
theo hướng phù hợp với quy định của Luật hóa chất: chỉ những cơ sở sản xuất hóa
chất diệt côn trùng, diệt khuẩn thuộc danh mục hóa chất nguy hiểm phải đáp ứng
điều kiện tại Điều 8.1 Dự thảo.
8. Các điều kiện đối với cơ sở sản xuất
hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn
Hiện
nay, các điều kiện kinh doanh đối với cơ sở sản xuất hóa chất, chế phẩm diệt
côn trùng, diệt khuẩn được thực hiện theo cơ chế điều kiện kinh doanh không cần
giấy chứng nhận. Cơ quan quản lý nhà nước về hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng,
diệt khuẩn chỉ tiến hành công tác thanh tra, kiểm tra để bảo đảm cơ sở sản xuất
đáp ứng điều kiện.
Tuy
nhiên, khá nhiều điều kiện kinh doanh tại Mục 1, Chương II mang tính dẫn chiếu
lại quy định của lĩnh vực khác, gồm:
– Điều
9 quy định về nhà xưởng và kho chứa chỉ mang tính dẫn chiếu đến quy định pháp
luật về xây dựng và phòng cháy chữa cháy (thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý
xây dựng và phòng cháy chữa cháy)
– Điều
10.1.a tiếp tục dẫn chiếu đến quy định pháp luật về an toàn lao động, thuộc thẩm
quyền của cơ quan quản lý nhà nước về lao động.
– Điều
10.2 dẫn chiếu đến quy định pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn lao động.
– Điều
12 dẫn chiếu đến quy định pháp luật về phòng chống cháy nổ.
– Điều
14 dẫn chiếu đến quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.
Như
vậy, cùng một nội dung nhưng có nhiều cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền
thanh tra, kiểm tra. Trong khi đó, Điều 7.2 của Luật Thanh tra năm 2010 đưa ra
nguyên tắc hoạt động thanh tra: “Không
trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra giữa các cơ quan
thực hiện chức năng thanh tra; không làm cản trở hoạt động bình thường của cơ
quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra.”
Như
vậy, các quy định liệt kê trên sẽ dẫn đến nguy cơ trùng lặp về phạm vi, đối tượng,
nội dung thanh tra giữa các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra. Điều này vừa
gây lãng phí và làm tăng nguy cơ tiêu cực, nhũng nhiễu. Do đó, đề nghị cơ quan
soạn thảo rà soát, loại bỏ các nội dung về điều kiện kinh doanh chỉ mang tính dẫn
chiếu như trên.
Như
đã đề cập trong phần quan điểm tiếp cận, các vấn đề bảo đảm an toàn đối với môi
trường, người lao động và tài sản trong quá trình sản xuất đã được điều chỉnh đầy
đủ bằng các quy định pháp luật khác về an toàn. Do đó, các quy định pháp luật
riêng đối với hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn chỉ nên tập trung
vào việc bảo đảm tính an toàn của hóa chất, chế phẩm đối với người tiêu dùng.
Như vậy, phạm vi điều chỉnh trong giai đoạn sản xuất chỉ nên dừng lại ở việc quản lý chất lượng (Điều 13 của Dự
thảo), thay vì quy định rất nhiều vấn đề nhưng lại chỉ mang tính dẫn chiếu như
hiện nay.
9. Công khai danh mục số đăng ký lưu
hành
Hiện
nay, danh mục hóa chất, chế phẩm có số đăng ký lưu hành chưa được công khai
trên cổng thông tin của cơ quan quản lý, mặc dù cơ quan quản lý đã có toàn bộ
các thông tin này. Hiện nay, cơ chế quản lý hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng,
diệt khuẩn phụ thuộc chủ yếu vào biện pháp cấp số đăng ký lưu hành, do đó, nhu
cầu công khai minh bạch là rất lớn. Nếu danh mục số đăng ký lưu hành được công
khai trên website của Bộ Y tế sẽ tạo ra một số tác động tích cực sau:
Thứ
nhất, giúp các nhà phân phối, bán hàng biết được rằng sản
phẩm của nhà cung cấp liệu có số đăng ký lưu hành còn hiệu lực không, nhằm chấp
hành tốt hơn quy định tại Điều 15.1 của Dự thảo: “Các hóa chất chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn buôn bán tại cửa
hàng phải có số đăng ký lưu hành còn hiệu lực tại Việt Nam”.
Thứ
hai, người tiêu dùng có nguồn tin chính thức để biết sản
phẩm mình mua có số đăng ký lưu hành không, có bảo đảm an toàn không, tránh việc
người tiêu dùng chỉ dựa hoàn toàn vào thông tin do người bán cung cấp.
Thứ
ba, giúp cơ quan hải quan thuận tiện hơn trong việc
thông quan hàng hóa và giảm các rào cản thương mại của việc nhập khẩu. Hiện
nay, để bảo đảm hóa chất nhập khẩu đáp ứng quy định, cơ quan hải quan thường
yêu cầu nhà nhập khẩu nộp bản sao Giấy đăng ký lưu hành. Trường hợp một doanh
nghiệp khác cũng nhập khẩu đúng loại hóa chất đó (cùng loại, cùng nhà sản xuất)
cũng không được thông quan do không có Giấy đăng ký lưu hành. Nếu danh mục số
đăng ký lưu hành được công khai, cơ quan hải quan có thể nhanh chóng tra cứu
thông tin, giảm bớt thành phần hồ sơ giấy tờ cho doanh nghiệp, và cũng không cản
trở các nhà nhập khẩu cùng một sản phẩm nhưng lại không đứng tên số đăng ký lưu
hành.
Do
đó, đề nghị cơ quan soạn thảo
đưa ra quy định yêu cầu công khai Danh mục số đăng ký lưu hành của các loại hóa
chất, chế phẩm trên trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý nhằm đáp ứng
nhu cầu thực tiễn.
10. Điều kiện đối với các cơ sở buôn
bán hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng dạng dung dịch phun; hóa chất chế phẩm diệt
khuẩn
Điều
16 của dự thảo quy định về các điều kiện đối với cơ sở buôn bán hóa chất, chế
phẩm diệt côn trùng dạng dung dịch phun, hóa chất chế phẩm diệt khuẩn đòi hỏi cả
các điều kiện về nhân sự, cơ sở vật chất, biển hiệu, sổ sách và niêm yết giá. Thực
tế hiện nay có nhiều đơn vị đang phân phối thuốc diệt côn trùng dạng phun qua hệ
thống siêu thị, cửa hàng tạp phẩm. Các kênh phân phối này rất thuận tiện cho
người dân có nhu cầu mua hóa chất diệt côn trùng tại nhà. VCCI cũng chưa ghi nhận
trường hợp nào nảy sinh mất an toàn từ việc bày bán các bình xịt diệt côn trùng
tại siêu thị. Tương tự như vậy, nhiều loại hóa chất diệt khuẩn dùng trong y tế
hiện được bày bán tại các hiệu thuốc bán lẻ cũng chưa nảy sinh mất an toàn.
Việc
đặt ra các yêu cầu quá cao đối với cơ sở bán hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng,
diệt khuẩn có thể sẽ khiến cho các siêu thị, cửa hàng bán lẻ, nhà thuốc gặp khó
khăn khi muốn cung cấp mặt hàng này đến người tiêu dùng. Điều này làm giảm cơ hội
lựa chọn, tiếp cận sản phẩm cho người tiêu dùng có nhu cầu, từ đó có thể gây ra
các thiệt hại kinh tế, xã hội từ các loại côn trùng, vi khuẩn mà không có thuốc
tiêu diệt.
Do
đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo
hết sức cân nhắc về việc đưa ra các quy định về điều kiện kinh doanh của các cơ
sở bán hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn, nhằm cân bằng giữa mục
tiêu an toàn hóa chất và mục tiêu sẵn sàng cung ứng hóa chất, chế phẩm đáp ứng
nhu cầu tiêu diệt các loại côn trùng, vi khuẩn gây hại của người dân.
11. Nhãn và hướng dẫn sử dụng hóa chất,
chế phẩm
Điều
35 của Dự thảo quy định về nhãn trên bao bì của hóa chất, chế phẩm như phải cỡ
chữ tối thiểu, phải được gắn chặt trên bao bì, với 13 đầu mục nội dung cần in
trên nhãn (Phụ lục 7). Trên thực tế, một số loại hóa chất được đựng trong chai
nhỏ, đính kèm với một hướng dẫn sử dụng, tất cả được cho vào một hộp giấy to
hơn (tương tự như một số loại thuốc dành cho người). Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo quy định theo hướng sau:
– Nhãn
và tài liệu hướng dẫn sử dụng phải bao gồm đủ 13 nội dung trong Phụ lục 7 của Dự
thảo.
– Một
số thông tin đặc biệt quan trọng như: Tên thương mại, biểu tượng độ độc, số
đăng ký lưu hành, hạn sử dụng… phải được in trực tiếp trên nhãn.
– Các
thông tin còn lại có thể được in trên nhãn hoặc trong tài liệu hướng dẫn sử dụng
bán kèm sản phẩm.
12. Vấn đề sử dụng thuật ngữ “xét duyệt hóa chất”
Điều
41.2 của Dự thảo quy định: Cục Quản lý môi trường y tế là đơn vị thường trực của
Hội đồng thẩm định, xét duyệt hóa chất, chế phẩm. Tuy nhiên, khái niệm “xét duyệt hóa chất” không tồn tại
trong Dự thảo. Vì vậy, VCCI đề nghị
cơ quan soạn thảo sửa đổi thuật ngữ cho phù hợp.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và
Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định quy định về quản lý hóa chất, chế
phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế. Rất mong
cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan./.