VCCI góp ý DTQĐ thí điểm khai thuế và nộp thuế điện tử đối với cá nhân cho thuê nhà, nộp thuế trước bạ nhà đất, thuế TNCN chuyển nhượng BĐS

Thứ Tư 10:28 03-02-2016

Kính gửi: Tổng cục Thuế – Bộ Tài
chính

Trả lời Công văn số
116/BCT-TCT ngày 05/01/2016 của Bộ Tài chính về việc góp ý Dự thảo Quyết định của Bộ trưởng
Bộ Tài chính vệc việc thí điểm khai thuế và nộp thuế điện tử đối với cá nhân
cho thuê nhà; nộp thuế điện tử đối với cá nhân nộp lệ phí trước bạ nhà đất, thuế
TNCN từ chuyển nhượng bất động sản
(sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng
Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), sau khi tham vấn ý kiến của một số
chuyên gia và doanh nghiệp, có một số ý kiến như sau:

1)
Quan
điểm tiếp cận

Việc khai và nộp thuế điện tử đối với cá nhân cho
thuê nhà; nộp thuế điện tử đối với cá nhân nộp lệ phí trước bạ nhà đất, thuế
TNCN từ chuyển nhượng bất động sản là cần thiết, góp phần giảm chi phí của các cá
nhân và cơ quan quản lý.

Cần xác định việc thực hiện các thủ tục thuế bằng
phương thức điện tử chỉ nên là khuyến khích mà không phải bắt buộc, và cần có
biện pháp tuyên truyền để các cá nhân thấy được lợi ích của hình thức này.

Hơn nữa, các thủ tục này (cho dù ở dạng thí điểm)
cũng phải hướng tới tiêu chí bảo đảm đơn giản, thuận tiện và có tính đến điều
kiện chung tất cả các đối tượng. Trên quan điểm đó, VCCI có một số ý kiến như
sau:

2)     Về
phạm vi áp dụng của Quyết định:

Khoản 2 Điều 1 Dự thảo quy định áp dụng thí điểm đối
với: đối với người nộp thuế…thông qua 04 Ngân hàng TMCP chỉ định. Trong khi đó
Điều 2 Dự thảo lại ghi “Người nộp thuế là
cá nhân tham gia thí điểm…phải thực hiện theo Quy định ban hành kèm theo
Quyết định này”
và đến Điều 4 phần Quy định nêu: “Cá nhân, tổ chức khai thay đáp ứng các điều kiện sau đây được đăng ký
sử dụng khai và nộp thuế điện tử.”
Quy định như vậy gây khó hiểu và chưa rõ
ràng ở chỗ:


Thứ nhất, không rõ quy định như vậy được
hiểu là (1) việc thí điểm chỉ áp dụng đối với cá nhân có tài khoản ở các ngân
hàng này hay (2) bắt buộc tất cả các cá nhân thực hiện nghĩa vụ nộp thuế trên một
số Chi cục Thuế áp dụng thí điểm và họ đều phải có tài khoản tại ít nhất 1
trong 4 ngân hàng này thì mới được khai, nộp thuế điện tử.


Thứ hai, có thể có trường hợp không tham
gia thí điểm và không áp dụng Quyết định này được không?

Nếu
quan điểm của Ban soạn thảo là áp dụng bắt buộc sẽ có một số bất cập sau:


Có rất nhiều người không có tài khoản
ngân hàng hoặc không có tài khoản ở 04 NHTM nêu tại Điều 1 Dự thảo Quyết định sẽ
phải mở mới tài khoản, tốn thêm một số loại chi phí mà chỉ để nộp thuế điện tử
là không hợp lý.


Hơn nữa, không thể bảo đảm tất cả các đối
tượng đều đáp ứng được việc sử dụng internet, thư điện tử cũng như sử dụng mã
xác thực điện tử qua tin nhắn một cách chính xác, đầy đủ.

Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo làm rõ cả ở Dự thảo và
phần Quy định về tính khuyến khích áp dụng của Quyết định, thống nhất phạm vi
điều chỉnh để tạo điều kiện cho các Chi cục Thuế, cá nhân, tổ chức thực hiện
đúng. Trường hợp người dân có sẵn tài khoản, có sẵn tiền trong ngân hàng và tự
cá nhân thấy có lợi khi chuyển khoản nộp thuế điện tử thì thực hiện theo phương
thức điện tử. Trường hợp không có tài khoản thì được lựa chọn nộp như thông thường.

3)
Về
thời gian thí điểm (khoản 1 Điều 1 Dự thảo)


Có ý kiến của doanh nghiệp cho rằng, thời
gian thực hiện thí điểm từ tháng 3/2016 đến hết tháng 7/2016 là ngắn, đề nghị
kéo dài thời gian này để đủ thời gian đánh giá được hiệu quả thực tế cũng như bất
cập phát sinh nhằm hoàn thiện để bảo đảm tính khả thi của văn bản khi triển
khai rộng rãi.


Thời điểm báo cáo kết quả chưa hợp lý: Khoản
4 Điều 1 Dự thảo quy định: “Trước khi kết
thúc thực hiện thí điểm, Tổng cục Thuế báo cáo Bộ Tài chính báo cáo kết quả và
đề xuất phương án triển khai mở rộng”.
Trước khi kết thúc thực hiện thí điểm
là bao giờ? Tại sao lại đề ra thời hạn này trong khi về logic, phải thực hiện
xong thì mới đánh giá được kết quả, những điểm phù hợp và chưa phù hợp, những bất
cập, tồn tại. chưa kể việc đánh giá và phân tích nguyên nhân, từ đó lựa chọn
các phương án tối ưu khi triển khai mở rộng cũng cần có thời gian. Đề nghị Ban
soạn thảo cân nhắc lại thời điểm thực hiện tổng kết kết quả và đề xuất phương
án triển khai mở rộng một cách hợp lý hơn để bảo đảm tính khả thi của văn bản.


Đề nghị rút gọn Điều 2 lại thành: “Đối tượng quy định tại Điều 1 phải thực hiện
theo Quy định ban hành kèm theo Quyết định này.”
để tránh trùng lặp và gây
khó hiểu không cần thiết.

4)
Về thời gian nộp hồ sơ khai thuế điện tử, nộp thuế
điện tử (Điều 9 Dự thảo)

Khoản 3 Dự thảo Quy định nêu: ngày nộp thuế điện tử
đối với trường hợp nộp thuế qua ngân hàng là chưa đầy đủ bởi Điều 7 Dự thảo cho
phép tổ chức khai thay có thể lựa chọn nộp thuế thông qua Cổng thông tin điện tử
của Tổng cục Thuế. Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung cách tính ngày nộp thuế trong
trường hợp này.

5)
Một số ý kiến khác:


Có ý kiến đề nghị
cho phép cá nhân ủy quyền cho cá nhân thực hiện khai, nộp thuế điện tử. Chỉ cần
đăng ký lần đầu với cơ quan thuế với hồ sơ hợp lệ là có thể nhanh chóng thực hiện
nghĩa vụ. Trong trường hợp không đồng ý với ý kiến này, đề nghị Ban soạn thảo
giải thích lý do.


Tương tự như vậy
đối với việc chỉ định 04 ngân hàng TMCP. Đề nghị Ban soạn thảo mở rộng ra các
ngân hàng khác để đông đảo người dân được tiếp cận với phương thức khai, nộp
thuế điện tử này.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại
và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Thông tư quy định trình tự, thủ tục, hồ sơ
xác nhận ưu đãi Dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản
phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển. Rất mong Quý cơ quan soạn thảo cân
nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan./.