Trích ý kiến góp ý của đại biểu Phạm Phương Thảo – TP Hồ Chí Minh về dự thảo Luật quy hoạch đô thị

Thứ Sáu 16:24 05-06-2009

Đô thị của chúng ta đang phát triển nóng, khá lộn xộn và tự phát. Trong tình hình như vậy Luật quy hoạch đô thị ra đời là rất cần, nhưng có đáp ứng được kỳ vọng không, có tác dụng mở đường không. Đó là câu hỏi, yêu cầu đặt ra với Quốc hội. Với dự thảo lần trước một số kiến trúc sư ở thành phố Hồ Chí Minh cho rằng chất luật không cao, những quy định còn mang tính hành chính quá. Lần này tôi thấy có tiến bộ hơn nhiều. Sau đây tôi xin góp ý 3 điều:

Thứ nhất về phân loại đô thị, ở đây nêu ra những vấn đề có tính nguyên tắc, còn lại cụ thể giao cho Chính phủ. Tuy nhiên 6 loại đô thị mà dự thảo luật đã nêu theo tôi hình như khuyến khích quy mô dân số để lên hạng. Những đô thị như Sa Pa, Huế, Đà Lạt, Côn Đảo, Phú Quốc có ý nghĩa đặc biệt, có tính đặc thù. Trong nội dung về vị trí, chức năng, vai trò, cơ cấu, trình độ phát triển kinh tế xã hội theo tôi không chỉ có nội dung về dân số, mật độ dân số, lao động phi nông nghiệp, trình độ phát triển cơ sở hạ tầng, tôi thấy cần thêm một nội dung nữa đó là tiêu chí về lịch sử, chính trị, văn hóa. Những giá trị văn hóa phi vật thể, những giá trị về thiên nhiên, môi trường.

Về Hội đồng kiến trúc quy hoạch và Kiến trúc sư trưởng, theo dự thảo tôi cho là được. Chính phủ sẽ có quy định phù hợp đối với từng thời kỳ. Trong thực tế chúng ta thấy có nước có Kiến trúc sư trưởng rồi, một lúc nào đó thôi bởi vì vấn đề quy hoạch đã ổn rồi. Việt Nam chúng ta thì 2 thành phố lớn trong thời gian vừa qua có thiết chế Kiến trúc sư trưởng. Tuy nhiên lúc đó chức năng vừa tham mưu, vừa quản lý, rất chồng chéo. Bây giờ lập lại tôi thấy cần, với chức năng chỉ là tham mưu, tư vấn. Nhưng ở đây chúng ta quy định rõ chức năng, quyền hạn của cơ chế Kiến trúc sư trưởng như thế nào, mối quan hệ với cơ chế lãnh đạo ra sao? Hiện nay chúng ta còn cần. Bởi vì quy hoạch của chúng ta đang triển khai và chưa ổn định. Đến một lúc nào đó chúng ta cũng có thể xem lại thiết chế này. Tuy nhiên có thể đến năm 2025 chăng? Quan trọng là chúng ta chọn Kiến trúc sư trưởng đủ năng lực, đủ trình độ, tiếng nói đủ sức nặng và cùng với người lãnh đạo, người nắm và quyết về quy hoạch thì phải có kiến thức về quy hoạch và biết lắng nghe. Tôi được biết Thị trưởng ở thành phố Thượng Hải bảo là nắm chắc 2 việc: Thứ nhất là quy hoạch, thứ hai là quy hoạch, còn những việc khác giao cho người phó, người khác.

Vấn đề thứ ba là điều chỉnh quy hoạch. Tôi thấy có lúc quy định quá cứng, khó xoay sở, khó điều chỉnh, nhưng có lúc điều chỉnh nhiều, gây lo lắng, có thành phố điều chỉnh tới 9 lần. Ở đây trong luật chúng ta nêu 5 năm rà soát, có nhất thiết nêu một thời gian quá cứng như vậy không? Có ý kiến cho rằng quy hoạch đô thị, quy hoạch một thành phố như là một tác phẩm và tác phẩm đó phải có bản sắc, là môi trường mơ ước đầy sáng tạo trong quy hoạch. Có thành phố cần có những triết lý riêng, tư tưởng riêng và những thế hệ theo sau thì kế thừa những triết lý đấy, tư tưởng đấy, không thay đổi nhiều. Như Thủ đô Washington của Mỹ, 300 năm gần như không thay đổi về diện mạo, mặc dù có những thay đổi về chấm phá, tuy nhiên phong cách, diện mạo gần như không thay đổi. Bởi vì họ có tư tưởng riêng, triết lý riêng. Như Xanh Pêtécbua với triết lý chiều cao của nhà không quá chiều cao của bề rộng mặt đường. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng quy hoạch là một quá trình có nhiều sự tham dự cũng có điều chỉnh, nhưng nếu thiếu tầm nhìn thì phải sửa nhiều, làm sao chúng ta lưu giữ và kế thừa được những giá trị của quy hoạch của kiến trúc và nước Pháp như thủ đô Paris đã làm rất tốt việc lưu giữ kế thừa hàng thế kỷ. Việt Nam chúng ta từ một nước nghèo đi lên vừa xây dựng, vừa chỉnh trang và nhiều đô thị có trên 70% là nhà ống. Trong thực tế chúng ta còn phải điều chỉnh, nhưng chúng ta sẽ làm việc này rất cẩn thận có huy động được lực lượng chuyên môn, chuyên gia trong nước và ngoài nước tham gia, không phải tư duy theo nhiệm kỳ và chúng ta cũng nên suy nghĩ nên có tư tưởng, có những triết lý, có những định hướng căn bản với tầm nhìn hướng tới sự phát triển bền vững và khi chúng ta làm quy hoạch thì phải công khai cho người dân biết để có thể góp ý để thực hiện, để giám sát và một trong những đòi hỏi của người dân là quy hoạch phải khả thi và phải rất khả thi.

 

Các văn bản liên quan