Trích ý kiến góp ý của đại biểu Nguyễn Hồng Nhị – Nghệ An về dự thảo Luật quy hoạch đô thị

Thứ Sáu 16:23 05-06-2009

Về cơ bản tôi nhất trí với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật quy hoạch đô thị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Qua tiếp cận với dự thảo luật với 77 điều giảm 4 điều so với dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 và dự thảo các nghị định hướng dẫn thi hành Luật qui hoạch đô thị tại kỳ họp này, với mong muốn luật sớm được Quốc hội thông qua và khả thi trong thực hiện. Tôi xin tham gia hai ý kiến, về tên gọi và phạm vi điều chỉnh của luật và về việc lấy ý kiến của nhân dân về quy hoạch đô thị.
Trước hết về tên gọi của luật và phạm vi điều chỉnh của luật, tôi nhất trí với tên gọi của luật là Luật qui hoạch đô thị. Về phạm vi điều chỉnh, Điều 1, dự thảo luật ghi "luật này quy định về hoạt động quy hoạch đô thị gồm lập thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch đô thị, tổ chức thực hiện quy hoạch đô thị và quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch đô thị đã được duyệt". Tôi đề nghị thêm hai từ "giám sát" sau từ "quản lý" để đầy đủ hơn và do đó đoạn cuối của Điều 1 sẽ là: "và quản lý, giám sát phát triển đô thị theo quy hoạch đô thị đã được phê duyệt". Như vậy, theo tôi hiểu hoạt động quản lý đô thị bao gồm: Lập thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch, tổ chức thực hiện quy hoạch, quản lý quy hoạch và giám sát thực hiện phát triển đô thị theo quy hoạch đã được duyệt. Bởi vì hoạt động giám sát việc phát triển đô thị theo quy hoạch đã được duyệt là khâu không thể thiếu trong hoạt động quản lý đô thị. Đây là vấn đề có ý nghĩa cả lý luận và thực tiễn, đồng thời công việc giám sát đã được thể hiện khá rõ là một hoạt động cần thiết trong dự thảo luật đã nêu ở các điều, ví dụ Điều 8, về quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tham gia ý kiến về giám sát các hoạt động quy hoạch đô thị. Và thông qua giám sát mới giúp cho công tác quản lý Nhà nước về quy họach đô thị ở Điều 13 và thanh tra quy hoạch đô thị ở Điều 15, để phát hiện các hành vi bị cấm ở Điều 17, do đó cần đưa việc giám sát vào nội dung hoạt động quản lý đô thị. Hơn nữa dự thảo Nghị định của Chính phủ ở Mục 2, Điều 38 có ghi trách nhiệm của cơ quan cấp giấy phép quy hoạch là giám sát kiểm tra việc lập quy hoạch đầu tư xây dựng theo đúng giấy phép quy hoạch đã được cấp. Và cam kết với tổ chức cá nhân nếu làm đúng quy hoạch đô thị thì cho phép đầu tư. Điều đó càng khẳng định hoạt động giám sát thể hiện rất rõ trong toàn bộ Luật quy hoạch đô thị nên cần bổ sung nội dung giám sát vào Điều 1 của phạm vi điều chỉnh của luật.
Thứ hai, tôi xin tham gia vào Mục 2, Chương II về lấy ý kiến quy hoạch đô thị. Nội dung này thể hiện ở Điều 21 và Điều 22 của dự thảo luật và dự thảo Nghị định của Chính phủ về quy hoạch đô thị ở các Điều 17, lấy ý kiến về quy hoạch phân khu, Điều 26 lấy ý kiến về đồ án quy hoạch chi tiết, Mục 2, Điều 30 về điều chỉnh quy hoạch chi tiết, Điều 34, về công bố công khai quy hoạch đô thị đều nói các nội dung phải lấy ý kiến của nhân dân, theo tôi việc lấy ý kiến của nhân dân ở Điều 17, Điều 26, Điều 34 chỉ nên làm một lần. Và về hình thức lấy ý kiến cũng cần phải được thống nhất trong dự thảo luật thì hình thưc, thời gian lấy ý kiến của nhân dân ghi ở các điều nói trên thiếu thống nhất sẽ rất khó thực hiện khi triển khai thực hiện ở các địa phương và nhất là ở cơ sở. Chẳng hạn Điều 22 của dự thảo luật nêu thông qua lấy ý kiến của đại diện cộng đồng dân cư, Điều 17 và Điều 26 lại nêu lấy ý kiến nhân dân trong khu quy hoạch về hình thức thì dự thảo nêu người được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời trong thời gian 5 ngày làm việc kể từ ngày được lấy phiếu ý kiến, sau thời hạn quy định nếu không trả lời coi như đồng ý.
Mục 2, Điều 30 dự thảo Nghị định lại viết "Khi điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng, ngươi có thẩm quyền phê duyệt phải lấy ý kiến nhân dân thông qua phiếu xin ý kiến hoặc tổ chức họp đại diện tổ dân phố và Ủy ban nhân dân phường trong khu vực liên quan đến quy hoạch điều chỉnh". Tôi đề nghị Ban Soạn thảo nên căn cứ nội dung Pháp lệnh 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ cơ sở và Nghị định 80 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện giám sát đầu tư ở cộng đồng, để nếu thấy Pháp lệnh thực hiện dân chủ cơ sở, Nghị định giám sát đầu tư ở cộng đồng đã đầy đủ rồi thì trong luật và Nghị định chỉ cần ghi "thực hiện theo theo Pháp lệnh 34 và Nghị định 80" là đủ. Nếu thấy cần ghi chi tiết cho dễ thực hiện thì nên ghi cho đúng tinh thần 2 văn bản ở trên vào luật để thống nhất việc thực hiện. Bởi vì thông thường họp dân để thực hiện quy trình dân chủ ở cơ sở thì họp ở khu dân cư, không họp ở xã và càng không cử đại diện. Hình thức quy định thực hiện dân chủ ở cơ sở là rất chặt chẽ, khác với quy định trên đây. Trong quy chế dân chủ cơ sở phải có 50% đại diện các hộ trong khu dân cư dự họp và có trên 50% so với tổng số hộ trong khu dân cư nhất trí, thì mới được xem là hợp lệ.
Do đó đề nghị Ban soạn thảo nên nghiên cứu Pháp lệnh 34, Nghị định 80 để đưa vào luật và Nghị định hướng dẫn quy hoạch đô thị cho phù hợp, không chồng chéo hoặc thiếu thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện. Thực tế lâu nay việc họp nhân dân ở khu dân cư theo tinh thần Pháp lệnh 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ cơ sở, nhất là việc 2 năm 1 lần Ban công tác Mặt trận, Mặt trận Tổ quốc các cấp lấy phiếu tín nhiệm cho cán bộ chủ chốt ở cơ sở do Hội đồng nhân dân cấp xã, phường bầu, đã thành nề nếp, việc giám sát đầu tư cộng đồng cũng đã làm tốt ở nhiều nơi, nên việc lấy ý kiến nhân dân về quy hoạch đô thị, giám sát thực hiện quy hoạch đô thị cũng nên thống nhất với cách làm theo Pháp lệnh 34 quy định để khỏi khó khăn cho cán bộ Mặt trận ở cơ sở và cán bộ cơ sở nói chung khi triển khai thực hiện các nội dung của Luật quy hoạch đô thị.

Các văn bản liên quan