Trích ý kiến ĐBQH Nguyễn Mạnh Cường – Thành phố Hà Nội

Thứ Ba 14:02 15-08-2006

Kính thưa các đồng chí, qua nghe ý kiến các đồng chí thảo luận tôi xin được nêu 3 vấn đề sau đây.
Vấn đề thứ nhất về nhận thức, qua phát biểu cũng như qua trình bày của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đặc biệt Tờ trình của Chính phủ tạp kỳ họp thứ 9 vừa qua, về sự cần thiết phải ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều về Bộ luật lao động liên quan đến đình công và giải quyết đình công. Ngay tại kỳ họp thứ 9 và giải trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hôm nay, cũng xin ý kiến của đại biểu Quốc hội về quan điểm như thế nào. Tôi thấy nếu chúng ta chưa thống nhất và chưa nhận thức đầy đủ và chưa trở thành sự đồng thuận cao, thì chắc chắn những nội dung liên quan sẽ khó. Vì vậy, sẽ có rất nhiều ý kiến nghiêng về hướng có lợi cho người lao động hoặc có ý kiến nghiêng về bảo vệ cho người chủ sử dụng lao động. Như thế đều không khách quan, chúng ta nặng về bên nào sẽ không đầy đủ về chỉnh thể về hệ thống pháp luật của chúng ta phải xây dựng và hoàn chỉnh.
Trong nền kinh tế thị trường, rất nhiều các đồng chí nêu rồi, tranh chấp lao động trong quan hệ lao động và dẫn đến đình công là hiện tượng bình thường, như ý kiến anh Lộc nêu cũng là một biện pháp của người lao động, là biện pháp rất quan trọng và chúng ta bây giờ phải thấy rằng việc đó là bình thường. Nhưng tại sao chúng ta mặc dù là khẳng định một nền kinh tế thị trường ở các nước bình thường, nhưng ở Việt Nam ta không bình thường, tôi thấy là không bình thường, ở Việt Nam ta không bình thường bởi nhiều lẽ, trong đó phải chăng lẽ cơ bản nhất, quyết định nhất và quan trọng nhất là cơ sở pháp lý của chúng ta chưa đồng bộ, bởi chúng ta có Bộ luật Tố tụng dân sự, tố tụng dân sự không quy định, lại dành cho Bộ luật Lao động, Luật lao động của chúng ta 14 năm nay rồi chưa có quy định, dẫn đến lúng túng. Các nước khác người ta quy định chặt lắm các đồng chí ạ, anh làm thế nào, quy định ra sao, thậm chí các nước biểu tình chửi cả Chính phủ, nhưng rất chặt, một tuần là mấy buổi, từ giờ nào giờ nào, ngồi phạm vi nào, tha hồ mà chửi, chửi cả lãnh tụ, nhưng ra khỏi là bắt ngay, quy định chặt chẽ thế, ở ta làm gì có chuyện đó. Họ đình công, biểu tình thoải mái nhưng đúng khuôn khổ, pháp luật, ở chúng ta chưa có.
Thứ hai, người lao động chúng ta phần lớn là nông dân, ý thức hiểu biết, tính tự phát, bột phát là chủ yếu, nhận thức pháp luật chưa có, cho nên mang tính bột phát trong đình công là phần lớn, ngoài ra còn hệ thống khác các đồng chí đã nêu, tôi nói hai cái cơ bản nhất và không bình thường, thứ ba mà dẫn đến hậu quả rất lớn ở đây, cần phân tích là ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đầu tư, việc thiệt hại kinh tế. Trong dự thảo luật có sửa đổi, kể cả việc lệnh dừng đình công của Thủ tướng nếu tổn hại đến kinh tế đất nước và có nguy cơ dẫn đến an ninh trật tự. Rõ ràng nếu như không có biện pháp thì chúng ta để tình trạng này thì không chỉ là thiệt hại về mặt từng chủ doanh nghiệp, từng địa phương mà dẫn đến thiệt hại cả nền kinh tế, kể cả đối với an ninh trật tự. Thực tế chúng ta thấy bài học là nhiều nhà đầu tư quá nản rồi, thậm chí nhiều thông tin nếu Chính phủ Việt Nam không có biện pháp sửa đổi, chắc chắn người ta khi vào môi trường đầu tư Việt Nam sẽ khó.
Vì vậy tôi nghĩ đến thời điểm này chúng ta phải đồng thuận và nhất trí cao là phải sớm ban hành luật sửa đổi, bổ sung một số điều luật lao động liên quan đến đình công. Đương nhiên cũng vấn đề này như Tờ trình đề nghị Chính phủ khẩn trương rà soát, chỉnh sửa, bổ sung để có kế hoạch sửa đổi một cách hoàn thiện luật lao động. Bởi vì luật này đã xây dựng 14 năm nay rồi, có nhiều vấn đề cần toàn diện gắn với hàng loạt luật khác mà chúng ta đã ban hành trong 4, 5 năm qua, liên quan đến hàng loạt vấn đề kinh tế thị trường, hàng loạt vấn đề đụng chạm đến lao động, nếu chúng ta không chỉnh sửa thì rõ ràng chúng ta sẽ không đồng bộ. Quan điểm thứ nhất tôi xin thống nhất như vậy.
Vấn đề thứ hai, từ sáng đến giờ có nhiều ý kiến các đồng chí nêu về việc nên phân biệt tranh chấp lao động tập thể về quyền và tranh chấp lao động tập thể về lợi ích hay không? Trong giải trình các đồng chí đưa ra 2 phương án, Ban soạn thảo các đồng chí đưa ra 2 phương án, nhiều ý kiến các đồng chí nói là vì thế này, vì thế kia. Trong thực tế chúng ta thấy hết sức bức xúc, bởi vì những cái quan tâm đến người lao động chủ lao động người ta đang tranh thủ để càng có lợi cho họ càng tốt. Cho nên thường tâm lý ta hay nghiêng nhiều, nặng hơn đối với người lao động, ít tính đến người sử dụng lao động.
Trong thực tế, trong điều kiện luật của chúng ta hiện nay gần như cơ bản các cuộc đình công của chúng ta nếu xét tận gốc thì về pháp luật là chúng ta bị sai. Người lao động bị sai, trong đó đương nhiên có một phần về quản lý, trong đó một phần về các tổ chức liên quan đến bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Nhưng nói về góc độ người chủ sử dụng lao động thì họ có quyền khởi kiện chúng ta. Vì vậy nếu chúng ta quá nghiêng với một yêu cầu đặt ra không tách bạch thì tôi tin chắc rằng chúng ta sẽ không có điều kiện trong việc xu thế hội nhập và cũng không có điều kiện sát nhập quốc tế về lao động và đảm bảo qua từng giai đoạn hội nhập, mà chúng ta chuẩn bị hội nhập rồi. Cái quan trọng nữa chính là nhận thức hiểu biết của các cơ quan, cũng như những người lao động.
Nếu như chúng ta không tổ chức tốt và đương nhiên nếu như trong sửa đổi lần này được, được sửa đổi chặt chẽ cụ thể như thế này tôi nghĩ hoàn toàn là phù hợp. Ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh hay một số khu công nghiệp khác, thì việc đình công hay xảy ra đình công thường diễn ra nhiều hơn ở các địa phương khác. Đương nhiên khi một nhà quản lý bao giờ người ta cũng không muốn đình công và thực tế hiện nay chúng ta đang đứng trước một thực tế là không muốn nhưng đình công vẫn nhiều. Vậy thì xử lý giải pháp nào đấy là xử lý, giải pháp về mặt pháp luật chứ không phải là xử lý về mặt định tính về mặt tình cảm.
Tôi đọc rất kỹ về hướng sửa đổi trong hai phương án, phương án tách và phương án không tách. Tôi nghĩ rằng phương án của Ủy ban Thường vụ và Ban soạn thảo trình trước cuộc họp hôm nay và chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 10. Nếu như theo phương án mà tách thì hết sức có lợi, hai điều kiện sau đây.
Thứ nhất việc tách này tạo điều kiện tốt hơn cho công nhân, cho những người đại diện cho người lao động và ngay cả bản thân chủ sử dụng lao động hiểu được phần nào là phần về quyền, phần nào về lợi ích, vì lợi ích đó họ càng ngày càng có điều kiện tốt hơn. Như vậy tạo thuận lợi cho người lao động, bởi vì đây là những yêu cầu thỏa hiệp mới, những điều kiện mới chúng ta đặt thực thi thì thấy rằng có lợi cho người lao động.
Thứ hai, đảm bảo việc xử lý giải quyết một hệ thống chỉnh thể pháp luật của chúng ta một cách đầy đủ, còn nếu như nêu là có tách bạch vì quan tâm lao động, hơn 1000 cuộc đình công trước đây mà chúng ta không tách nên chung. Tôi nghĩ để đẩy cho các cơ quan có trách nhiệm chức năng trong việc xử lý lao động và tạo điều kiện cho việc các bộ phận nhỏ kích động tự phát đình công và chúng ta lâm vào và khó xử lý giải quyết. Vì vậy quan điểm tôi, tôi đề nghị các đồng chí hết sức thận trọng và nghiên cứu sâu việc này. Vì không phải chúng ta không phải không quan tâm đến người lao động mà vì lợi ích cả quốc gia, vì lợi ích của đất nước. Cũng không phải vì chúng ta bảo vệ sử dụng người lao động cho các nhà đầu tư mà bảo vệ chung cho cả người lao động và cho đất nước. Vì vậy, quan điểm của tôi thì tôi nghiêng về phương án là tách, tôi hơi khác một số ý kiến các đồng chí, không phải tôi nói thế này, là tôi không bảo vệ quyền lợi, nghiêng về phương án tách. Nếu theo nguyên tắc này thì đọc thật kỹ Khoản 3 Điều 157, chúng tôi thấy về tranh chấp lợi ích, nếu thực hiện này thì người đại diện công đoàn, người ta càng ngày càng có điều kiện hơn, mặc dù Luật quy định rồi, họ lại thấy khi có lợi nhuận cao, điều kiện tốt, họ tiếp tục yêu cầu cao hơn, tại sao chúng ta không thực hiện việc này? tại sao chúng ta lại không làm ra? hoặc dù đã thỏa thuận rồi tôi lại tiếp tục thỏa thuận cao, tại sao chúng ta lại bó lại? Nếu thực hiện điều này có nghĩa hoàn toàn có lợi chứ không phải như các đồng chí phân tích như vừa rồi.
Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc các câu chữ ở Điều 174b, Điều 174c, nên lưu ý là các cơ quan quản lý Nhà nước lao động cấp tỉnh, tôi hiểu các đồng chí ý đó là Sở lao động thương binh xã hội mà ghi thế là sai. Hiện nay rất nhiều Sở, ngành quản lý Nhà nước, quản lý Nhà nước chỉ có Bộ lao động, thứ hai là Ủy ban nhân dân các cấp thôi, còn các cơ quan đó là cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân quản lý Nhà nước. Nếu ghi như trong luật này là ghi sai cả luật về tổ chức Chính phủ và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Các văn bản liên quan