Trích ý kiến ĐBQH Lê Duy Đồng – Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội

Thứ Ba 14:06 15-08-2006

Tôi cũng xin có mấy ý kiến sau:
Thứ nhất là Tờ trình đưa ra xin ý kiến đại biểu, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng với Ủy ban về các vấn đề xã hội cũng đã phối hợp và sau đó đồng chí Yểu và đồng chí Thanh cũng đã cho ý kiến. Đây là 9 vấn đề chủ yếu đang trong quá trình chuẩn bị dự thảo. Trong các ý kiến của đại biểu băn khoăn thứ nhất là sửa Chương XIV này như thế nào, chúng tôi cũng thấy hiện nay nếu sau khi Luật bảo hiểm xã hội ra đời, sắp tới là Luật xuất khẩu lao động và Luật về dạy nghề cùng với Luật về lương tối thiểu. Như vậy nội dung của Bộ luật lao động rất nhiều vấn đề được thể chế hóa bằng các luật và đặc biệt sau khi Luật Bảo hiểm xã hội được Quốc hội thông qua, có những vấn đề về thất nghiệp và bảo hiểm tự nguyện là 2008 và bảo hiểm thất nghiệp là 2009 có hiệu lực thi hành. Nếu không sửa đổi cơ bản Bộ luật lao động thì riêng thất nghiệp sẽ tắc, không thể thực hiện được, vì người chủ sử dụng lao động không thể lại đóng cả bảo hiểm thất nghiệp trong Luật lao động và cả trong Luật Bảo hiểm xã hội và người lao động cũng không thể hưởng được cả 2 khoản trợ cấp, cả trong Luật lao động và cả trong Luật Bảo hiểm xã hội.
Theo chương trình Bộ đã trình Chính phủ là năm 2008 thế nào Quốc hội cũng thông qua luật về lương tối thiểu và đến năm 2009 cố gắng cũng phải thông qua được Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật lao động thì hệ thống luật mới đồng bộ với trong chương trình vào việc chúng ta thực hiện được cơ chế lao động theo cơ chế thị trường. Cho nên điều anh Lộc băn khoăn là sửa Chương XIV nó chưa thể hiện được vấn đề ấy, thì chúng tôi cũng thấy rõ vấn đề đấy, nhưng cái cấp thời hiện nay mà không sửa vấn đề đình công thì nó rất khó vì Pháp lệnh về thủ tục đình công thì chỉ giải quyết về thủ tục, chứ những vấn đề đình công thì lại không sửa đổi.
Khi chúng ta sửa đổi Luật tố tụng dân sự, định đưa vấn đề đình công vào luật đấy, thì cơ quan soạn thảo cả chị Hằng và chị Hậu lúc đó ký một cam kết với anh Yểu là để sửa trong Luật về đình công. Trong quá trình chuẩn bị, phải nói rằng việc nhận thức về sửa vấn đề đình công thì chỉ đạo không dứt khoát. Lúc đầu chúng tôi làm là Pháp lệnh về đình công và giải quyết các tranh chấp đình công. Làm một chập rồi lại thấy có vẻ hàm lượng và vị trí nó thấp quá, lúc đấy báo chí, đặc biệt Báo Lao động đưa nhiều tin bài là phải nâng nó lên thành Luật đình công. Khi nâng lên Luật đình công thì lại thấy nó to quá, ở các nước xung quanh thì chưa ai có Luật Đình công, thì mình lại đi đầu, cũng thấy gay go quá. Cuối cùng loanh quanh lại đến gần năm sau này, thì Ban chỉ đạo bảo thôi lại sửa Chương XIV, tức là quá trình để mà sửa chương đình công cũng về mặt quan điểm nhận thức, báo cáo với hội nghị nó cũng đã là không nhất quán từ đầu ngay trong Ban soạn thảo, khổ nhất là theo chỉ các chỉ đạo khác nhau. Báo cáo với Chủ tịch và các đồng chí Phó Chủ tịch cũng rất phức tạp như vậy.
Hôm nay cũng may, nhiều ý kiến thôi bây giờ sửa Chương XIV mà được giải quyết một cấp thời hiện nay. Nếu mà lấy câu Kiều thì bảo "thương sao cho trọn thì thương, nói sao cho trọn mọi đường xin vâng". Nếu hôm nay Ủy ban cho sửa được Chương XIV chắc nó sẽ thuận lợi trong điều kiện hiện nay. Chúng tôi thấy điểm như vậy, xin phép về phạm vi, xin báo cáo lại về quá trình chuẩn bị về chủ động cho chúng ta hội nhập thì hướng của Bộ Lao động Thương binh và xã hội cũng đã vạch một lộ trình, chương trình như vậy. Sáng đồng chí Pao đã nói nhiều lương tối thiểu thì cũng là nằm trong chương trình thống nhất lộ trình về một lương tối thiểu.
Từ chỗ đó cũng báo cáo các đồng chí về quá trình soạn thảo chúng tôi thấy vấn đề đình công là vấn đề khó khăn nhất, phức tạp nhất. Nhận thức này của chúng ta cũng báo cáo Hội nghị lúc đầu từ lúc ra luật, đến lúc mà xin Bộ Chính trị có cho đình công hay không cũng là rất gay gắt. Đến bước cuối cùng cho phép đình công, nhưng tư tưởng là hạn chế vì sợ mất ổn định chính trị xã hội, cho nên cũng hạn chế và cũng cho phép Chính phủ quy định các doanh nghiệp cấm được đình công, hiện nay vẫn có danh mục đấy. Đến nay, nhận thức vấn đề đình công cũng còn ý kiến khác nhau, cho chuyện đình công nhiều là bất bình thường, có anh cho chuyện đình công là chuyện đương nhiên trong quy luật thị trường, trong nền kinh tế thị trường. Vì chúng ta đã xác định sức lao động là hàng hóa, mà tiền công là giá cả sức lao động, quan hệ hai bên luật pháp lợi ích ấy được xác định qua hợp đồng. Khi viết câu trình Thủ tướng việc đình công là vấn đề tất yếu theo quy luật thị trường này thì thủ trưởng phải gạt từ tất yếu đi, tức là vẫn đang sợ đình công trở thành một cái gì gay cấn làm cho xã hội bất ổn định. Chỗ đấy là chỗ ở trong quá trình chuẩn bị cũng báo cáo lại với Hội nghị.
Còn thực trạng của đình công, chúng tôi thấy mấy vấn đề cơ bản mà phải nói lại với các đồng chí, để rồi đi vào nội dung thì mới thấy rõ được chúng ta kết luận như thế nào cho dễ:
Thứ nhất, nhìn lại 1.300 cuộc đình công này, càng những năm sau số cuộc đình công ngày càng phát triển. Số cuộc đình công phát triển tương ứng với số lượng các doanh nghiệp tăng lên, cũng như tai nạn giao thông tăng lên khi phương tiện tăng lên, thì đình công tăng lên cũng là tất yếu vì trước đây chỉ có hơn 1 vạn doanh nghiệp, còn bây giờ chúng ta có 200.000 doanh nghiệp, sắp tới đến năm 2010 dự kiến của Chính phủ là 50 vạn doanh nghiệp, doanh nghiệp là doanh nghiệp Nhà nước xu hướng chỉ còn lại 2.000 doanh nghiệp. Tức là khu vực dân doanh và FDI, số lượng doanh nghiệp tăng lên, tính chất tự do hoá của các doanh nghiệp này tăng lên, nó không có bộ tứ như trong doanh nghiệp Nhà nước. Rõ ràng quyền của người lao động cũng tăng lên, quyền của người lao động được phát huy cao độ hơn, nó không bị chi phối bởi bộ tứ nhiều hơn như trong doanh nghiệp Nhà nước, cái đấy chúng tôi thấy rất rõ trong điểm thứ nhất như vậy.
Thứ hai, xu hướng các cuộc đình công ở Việt Nam hiện nay, chúng tôi thấy bắt đầu từ quý III năm 2005, tức là từ tháng 9 đến trước Tết và sau Tết âm lịch, thì số cuộc đình công tập trung nhất những thời điểm này lợi ích của người lao động thường bị vi phạm nhiều nhất vào thời kỳ này, cũng là thời kỳ cường độ, kế hoạch buộc các mặt hàng cũng tăng lên, chỗ này cũng là điều kiện người lao động thấy cần phải làm việc với doanh nghiệp.
Cho nên, năm 2005, đầu năm 2006, báo cáo Hội nghị số cuộc đình công tập trung ở thời điểm này rất lớn. Đứng trước cuộc đình công thì báo cáo các đồng chí lúc đấy không anh nào dám làm gì cả. Một doanh nghiệp 18.000 lao động cuồn cuộn họ đình công, lúc đấy có một hành vi gì có tính chất gây hấn thì bất lợi tăng lên rất lớn, đấy là chúng tôi rút ra một điểm sai.
Thứ ba, đình công, tính chất tự phát, chúng ta xác định tự phát, nhưng tự phát này là tự phát có tổ chức chứ không phải không có tổ chức. Nhưng tổ chức này không minh bạch, báo cáo các đồng chí nó không minh bạch ở chỗ là không phải do Công đoàn tổ chức mà lại do tập thể tự tổ chức ra. Báo cáo với Hội nghị là 1.300 cuộc đình công không có một cuộc nào do Công đoàn cơ sở khởi sự cả, để nói rằng không phải tự nhiên người ta ào ạt không có. Báo cáo đồng chí Chủ tịch, ở Đà Nẵng gần 2 vạn công nhân dệt may đình công, ở đó có tổ chức Công đoàn hẳn hoi, nhưng người ta bí mật luôn cả với tổ chức Công đoàn và người ta tổ chức đình công lấy và thắng lợi. Thế thì chúng ta có thừa nhận thực tiễn đó không, đây là vấn đề mà chúng tôi thấy đang diễn ra.
Thứ ba, các cuộc đình công thì chưa có cuộc đình công nào là Tòa án phán quyết cả và Tòa án lao động báo cáo anh Yểu chúng ta sinh ra xử các vụ hiện nay chủ yếu là mấy hợp đồng lao động, chứ còn đình công thì chưa có ông nào đến để chúng tôi xử cả. Báo cáo anh Yểu với các anh, nếu nó xảy ra như miền Nam vừa rồi thì chắc Tòa án cũng không xử được vì nó nhiều quá, mà quy trình chúng ta lại bảo có 3 ngày, một lúc mấy trăm cuộc đình công thì làm sao Tòa nào đứng ra phán quyết, chắc phải đưa ra Tòa tối cao và chia nhau xử thì mới được. Đó là một việc xin báo cáo với các đồng chí như vậy.
Thứ tư là trong đình công phải nói là vi phạm của doanh nghiệp, của chủ doanh nghiệp chiếm phần lớn và những vi phạm này cả về mặt lợi ích, cả về quyền và cả những vấn đề ngoài lao động như đánh công nhân hay nhiều hình khác. Ở đây một vấn đề nếu vi phạm thì tổ chức giám sát của chúng ta, báo cáo các đồng chí là không thể nào giám sát được. Tôi nói như vậy là vì lượng doanh nghiệp rất lớn, nhưng cơ quan giám sát hiện nay ai là giám sát. Báo cáo Hội nghị chỉ có Thanh tra Sở Lao động thương binh và xã hội, một Sở hiện nay chỉ có 3 người làm thanh tra, tổng số thanh tra của ngành lao động hiện nay có 300 người, với 20.000 doanh nghiệp hiện nay tôi thấy chỉ đi lướt qua mỗi doanh nghiệp 1 lần thì chúng tôi đã tính phải 10, 15 năm mới trở lại doanh nghiệp đó. Chúng ta bất cập về mặt tổ chức như vậy, một quy định của địa phương báo cáo các đồng chí là một doanh nghiệp không được thanh tra 1 năm không được quá 1 lần vào doanh nghiệp. Ông thanh tra tài chính mà vào thì ông lao động không được vào để tránh trùng lặp nhau. Những quy định như vậy rõ ràng đặt ra một vấn đề là giám sát người chủ vi phạm thì các cơ quan Nhà nước hết sức bất cập để giải quyết vấn đề này.
Trong khi đó, quy trình về đình công chúng ta lại quy định rất chặt chẽ, nếu người lao động vi phạm quy trình đó, coi như đình công đó bất hợp pháp. Một vấn đề đặt ra cho chúng ta thấy là nó mâu thuẫn như thế này: cơ chế giám sát thì chúng ta không có, bất cập, chủ doanh nghiệp thì vi phạm, công nhân mà đình công là bất hợp pháp, lợi dụng cái đấy thì báo cáo với đồng chí Chủ tịch và đồng chí Phó Chủ tịch là ông doanh nghiệp quay lại phản công Chính phủ, vì bảo Chính phủ để cho lao động làm như vậy là trái pháp luật, tức là chúng ta làm một cái mà về lợi thế của các doanh nghiệp nhiều hơn người lao động trong quá trình lao động tại doanh nghiệp.
Chỗ này báo cáo với Hội nghị là càng thấy tính chất quan liêu, tính chất nhiệm vụ hiện nay của các cơ quan được phân cấp trong quản lý nó rất phức tạp. Ví dụ một vấn đề về lương tối thiểu của FDI 6 năm Bộ Lao động Thương binh và Xã hội trình mà 6 năm không vào được. Vì Bộ Lao động Thương binh và Xã hội trình, Công đoàn đồng ý, Bộ Kế hoạch và Đầu tư không đồng ý, Bộ Tài chính không đồng ý. Bởi vì tăng lương tối thiểu là làm mất đầu tư vốn, thế là Thủ tướng không biết xử lý như thế nào cả, cuối cùng đình công của người lao động lại giải quyết được vấn đề này, buộc Chính phủ phải ký ngay Nghị định đấy.
Vậy rõ ràng giữa chức năng, nhiệm vụ, trong quá trình thực hiện của chúng ta có những bất cập, kể cả trong hệ thống của những cơ quan điều hành chính rõ ràng nó có vấn đề. Báo cáo các đồng chí, bây giờ Luật Bảo hiểm ra phải 8 Nghị định, muốn làm một Nghị định theo quy trình hiện nay, làm Nghị định phải lập một Ban dự thảo mà các Thứ trưởng, các Bộ có liên quan phải có mặtt trong Ban dự thảo đấy. Rồi sau đó một quá trình lại phải lấy ý kiến của các Bộ, lấy ý kiến các Bộ xong thì Bộ Tư pháp phải phản biện, phản biện xong rồi mới lấy thành viên Hội đồng Chính phủ. Ít nhất là mất 6 tháng mới ra được một Nghị định. Cho nên quy trình từ khi luật đến khi ra được một văn bản 1 năm là chuyện bình thường mới ra đến Thông tư. Rõ ràng chúng ta đang bất cập trong cả những điều luật quy định mà cuộc sống thì nó không chờ luật. Cho nên luật bao giờ cũng đi sau cuộc sống. Đây là vấn đề mà ta quy định những điều mà nó không thực tiễn quá thì chính những điều ấy lại làm mất quyền của người được pháp luật bảo hộ những vấn đề đấy. Đây là những điều mà chúng ta thấy trong các cuộc đình công và chúng tôi cũng thấy là qua đình công của các người lao động vừa rồi thì có một vấn đề nó nổi lên thế này. Chúng ta mới chú ý cái mạch là tăng trưởng cho xã hội, cái chung của xã hội được, nhưng lợi ích cá nhân của những người lao động trong các doanh nghiệp ấy thì thực sự chưa được bảo đảm một cách đầy đủ. Tôi nói ví dụ là phần tiền lương cũng chưa được bảo đảm, nhưng cuộc sống bên ngoài tất cả các khu chế xuất hiện nay điều kiện nhà ở, điều kiện đi lại không ai lo. Chỗ ở Thành phố Hồ Chí Minh, một phòng ở 20 người, 12 người ở một phòng, mỗi một cô khoảng 2 mét vuông để ở mà không có giường, chỉ trải chiếu xuống đất.
Rõ ràng các bức xúc cả trong sản xuất và bức xúc về phúc lợi xã hội bên ngoài, nhưng người ta làm thì mình cứ bảo là người lao động đình công như thế không đúng. Vậy thì những cái bảo hộ của xã hội nói chung để người ta thực thi hiệu pháp thì tất cả những điều kiện đấy chúng ta khi đi vào cơ chế thị trường thì chuyển từ nền kinh tế kế hoạch sang kinh tế thị trường, chúng ta còn nhiều vấn đề bất cập chỗ đấy.
Ở đây tôi muốn nói điều ấy thì trong 9 vấn đề mà thảo luận thì xu hướng của các nhà làm luật muốn các văn bản pháp luật của chúng ta nó hoàn chỉnh làm sao nó chặt chẽ nhất. Nhưng điều kiện cuộc sống nó lại chưa phải như vậy. Ta phải có một đường biên như thế nào để mà nó vào cuộc sống. Chứ triết lý đến tận cùng của chữ nghĩa thì báo cáo với đại biểu tôi thấy cái tính chất khả thi nó sẽ thiếu và trong quá trình chuẩn bị này Tờ trình với Chính phủ thì đã trình bày hết. Nhưng trong quá trình suy nghĩ riêng tôi thấy dự thảo của mình tôi vẫn băn khoăn ở chỗ tính chất khả thi, nếu như chúng ta ra đúng như thế này thì lỡ công nhân người ta vẫn làm như vậy, anh định làm gì, cơ quan pháp luật Nhà nước định làm gì người lao động. Báo cáo các đồng chí phần lớn số đình công vừa rồi là tất cả con em trong trường, nông dân ra và đặc biệt phía Nam 80% các cháu ngoài Bắc và miền Trung. Các cháu đi vào làm luật cũng chưa được trang bị và nghề nghiệp cũng chưa học đến nơi, đến chốn.
Báo cáo với Hội nghị tôi vào một doanh nghiệp dệt may, người ta may theo dây truyền mà đào tạo công nhân của chúng ta lại đào tạo theo học sinh đi học, tức là 45 phút thì ra giải lao nhưng làm ca thì phải dây truyền 4 tiếng anh mới được nghỉ. Vào ca dây truyền thì vệ sinh cứ mỗi người đi một kiểu thế là cả dây truyền dừng hết, ông chủ điên lên mới nện cho nên tổ chức lại đình công. Có khi cả một dây truyền không làm việc được do việc đi vệ sinh bát nháo, nếu như mình huấn luyện học nghề là phải 4 tiếng mới được ra thì nó phải học nín, nhưng đây không học nín nên vào không chịu được, thế là chủ với thợ bắt đầu mâu thuẫn. Tức là hành trang chúng ta chuẩn bị cho người lao động vào cuộc sống kinh tế thị trường để dự kiến quyền của mình cũng chưa được chuẩn bị đầy đủ. Và khi anh ký hợp đồng lao động báo cáo các đồng chí cứ vào có việc làm đã, ký một hoạt động không có nội dung đến khi vào việc rồi giở hợp đồng không có gì cả, tranh chấp cũng không được. Đấy là những thực tiễn của chúng ta và Công đoàn của chúng ta cũng chưa làm được vai trò chủ thể là người bảo vệ, tức là vì mô hình dứt khoát của Công đoàn cho nên ép ông ấy là phải làm việc ấy mà bản thân anh không làm được. Chúng ta dùng hình thức văn bản để chúng ta cưỡng bức một thực tiễn chưa phải như thế. Đây là những vấn đề trong cuộc sống đang có.
Vấn đề thứ hai, xin ý kiến đại biểu Quốc hội chuyên trách là quyền và phân giữa quyền, lợi ích, Chính phủ nên tách rõ hai cái này. Sáng nay anh Yểu nói là rạch ròi quyền này thì đầu tư của mình sẽ thuận lợi hơn. Điểm ấy là điểm rất cơ bản đạt được môi trường đầu tư thuận lợi hơn. Nhưng mình phải tính đến mặt ngược lại của vấn đề, tức là nếu anh phân như vậy thì điều kiện để chúng ta làm phải khác. Hiện nay, anh muốn ủy quyền thì anh phải có thỏa ước lao động tập thể, nhưng 85% doanh nghiệp không có tổ chức Công đoàn, không có tổ chức Công đoàn thì không có thỏa ước lao động tập thể, lấy ai bảo vệ.
Thực tiễn chúng tôi thấy có 2 cuộc đình công về pháp luật:
Thứ nhất là văn bản khi sửa đổi là bảo hiểm xã hội đối với người lao động có hợp đồng thời hạn sau khi hết hợp đồng được hưởng trợ cấp bảo hộ một lần. Sau khi mình ra nghị định ấy là đình, miền Nam đình công là Chính phủ buộc phải sửa lại là những người ký hợp đồng trước từ 1/1/1995 trở về trước thì coi như nếu hợp đồng ấy thì cứ hết hợp đồng là được trợ cấp một lần. Tại sao người ta lại thích cái đó, báo cáo với các vị đại biểu nếu làm việc các doanh nghiệp nước ngoài lương của cán bộ phải 5 ngàn, 6 ngàn USD hay 4 ngàn USD thì cứ một năm một tháng lương thì họ lập tức có 20 ngàn USD và mỗi năm nửa tháng lương thôi việc. Có nghĩa người ta có 30 ngàn USD là mỳ ăn liền lấy cái đó, sao không cần thiết. Còn đợi đến 30 năm để cho ông bảo hiểm ông hành, thực tế cuộc sống người ta tính. Cuối cùng Chính phủ phải chuyển.
Thứ hai là vừa rồi vấn đề lương tối thiểu. Cho nên giữa quyền và lợi ích có lúc thì phân biệt được, nhưng có lúc chưa phải phân biệt được và những điều kiện để phân về quyền và lợi ích thì nó phải có những cái rất cụ thể. Còn nếu theo quy định như pháp luật trong này, tôi e rằng tính khả thi của vấn đề này rất thấp. Báo cáo với Hội nghị điểm thứ hai như vậy.
Điểm thứ ba, vai trò lãnh đạo của đình công như tôi nói rồi, nếu Công đoàn cố chấp mà chỉ có Công đoàn không, không cho tập thể người lao động người ta được quyền đại diện đình công thì tình hình nó vẫn cứ xảy ra. Tôi cho rằng nên có đại diện và Công đoàn làm thế nào, biến sau khi đình công, biến đại diện ấy thành Ban chấp hành cơ sở, đấy là hướng ưu việt nhất chứ còn anh chặn đầu mà anh không làm được việc đó, tôi cho cái đó là bất lợi, bất lợi là càng ngày Công đoàn càng mất uy tín chứ không phải có uy tín nữa, tức là anh không đại diện được thì buộc tôi làm, tôi làm thì Chính phủ cũng không làm gì được, chẳng lẽ ông bắt tôi bỏ tù, bỏ tù không bỏ được, đàn áp không đàn áp được, toà không xử được, chúng ta phải lựa chọn. Tôi cho rằng việc lựa chọn, báo cáo với Hội nghị trước đây khi Pháp lệnh về Hợp đồng lao động đã đưa cái này vào rồi, cho đại diện người ta làm rồi, đến khi làm luật từ năm 1995, Công đoàn phản đối kịch liệt nên phải bỏ cái đấy đi, nhưng thực tế 10 năm vừa rồi cho chúng tôi thấy việc bỏ đấy là chưa thích hợp với điều kiện của Việt Nam hiện nay thì báo cáo như vậy.
Thứ ba, vai trò và năng lực của cơ quan giám sát Nhà nước, như tôi phân tích, tức là nếu chúng ta cứ quy định như trong này, cứ cơ quan, tổ chức quy định như thế này, báo cáo với Hội nghị là vừa rồi mới đình công, nó xảy ra nhiều quá, Chính phủ họp mới bảo ai là người đứng ra giải quyết việc đình công này, cuối cùng không ai biết là ông nào cả, vì cuối cùng trình tự ra toà án, các cơ quan khác không được can thiệp. Cuối cùng ở FDI nói nhiều quá thì giao cho Bộ Kế hoạch và đầu tư với Bộ Lao động thương binh và xã hội, về tới Bộ Lao động thương binh và xã hội thì bảo ông nào nhận cái này, vụ nào nhận cái này thì chẳng vụ nào nhận cả vì khó quá, cuối cùng lấy Vụ lương vì 90% đình công vì lương để xử lý đình công. Tức là chúng ta quy định một cái tưởng là rất rõ ràng nhưng hóa ra lại không rõ ràng, muốn nói giám sát của chúng ta có rất nhiều bất cập. Tôi cho rằng chỗ này Quốc hội cần xem xét. Tôi muốn phát biểu vấn đề cuối cùng là vấn đề thủ tục và trình tự giải quyết tranh chấp. Đúng là trình tự, thủ tục phải qua bước như thế này, nhưng mình quy định như thế nào để đừng có đổi lỗi cho người lao động. Tôi thì tôi cho là luật chuẩn quá mà công nhân của mình trình độ nhận thức lại có hạn, rồi mình lại quy định quyền không có đình công mà chỉ có lợi ích thế này, mà thủ tục thì chúng ta lại quá chặt chẽ thì cuối cùng khổ cả Chính phủ mà rồi Quốc hội lại bắt giải trình, nhưng cuộc sống lại rất thực tiễn. Đây là chỗ mà tôi cho rằng trong quá trình làm, Ban soạn thảo cũng thấy có những vấn đề gay cấn xung quanh. Xin phép có lẽ phát biểu hơi dài một chút nhưng có mấy vấn đề này mà đi được thì những vấn đề sau sẽ suôn sẻ

Các văn bản liên quan